Xứ Huế: Giọng nói là quê hương

“Anh yêu là yêu bởi cái chân chất, hiền lành của em chứ không phải yêu cái gì ‘thời thượng’. Em hãy luôn là chính mình và giữ mãi giọng nói của quê mình em nhé!” Đây là câu nói mà một đôi lứa yêu nhau nhắc nhở giữ giọng nói như bản sắc của quê hương mình.

Giọng nói là quê hương

Khoa học vẫn chưa xác định được giọng nói khác nhau ở các vùng miền, lãnh thổ do yếu tố nào chi phối. Thổ ngữ thường biểu hiện sự khác biệt về thể chất, tính khí của dân tộc. Về mặt thổ nhưỡng, có người cho rằng nơi nước trong thì tiếng nhỏ, nước đục thì tiếng thô. Đó là một ý kiến dựa trên quan sát thực tế, ngoài ra còn có rất nhiều quan điểm giải thích hiện tượng này. Có quan điểm cho rằng do thổ nhưỡng nguồn nước, có quan điểm cho rằng do vị trí địa lí, hay thổ nhưỡng chất đất. Cách nhau mười mấy cây số là đã nói giọng khác nhau rồi. Hay dù uống chung nguồn nước nhưng bên này sông giọng khác, bên kia sông nói giọng khác. Giọng nói quan trọng vì nó như là biểu hiện âm thanh cho người ta nhận biết được quê quán xuất xứ của một người. Giọng nói còn có ý nghĩa tinh thần liên hệ với nơi chôn nhau cắt rốn, nơi con người ta sinh ra và lớn lên. Chỉ cần nghe chất giọng đó vang lên là người ta bồi hồi nhào đến nhận đồng hương. Khi đi xa, ở chốn đất khách thì một thoáng quê hương như vậy làm con người ta rất ấm lòng. Nói bằng giọng đó, nghe với giọng đó, người ta như sống lại những ngày tháng ở quê hương. Kỷ niệm của thời đã xa cứ thế ùa về, và ngày trở lại thăm quê cứ hiển hiện trong tâm trí. Dải sơn hà Tổ quốc ta trải dài từ nam chí bắc, nên giọng nói cũng phân vùng theo tông giọng Bắc – Trung – Nam. Trong tất thảy các thứ tiếng, thứ giọng, tiếng và giọng Huế có tính đặc thù. Người ta ít thấy người Nam nói giọng Huế hay người Bắc nói tiếng Nam mà thường thấy người Huế thay đổi giọng theo môi trường và hoàn cảnh sử dụng. Có một nguyên nhân khá rõ là do người Huế có thể nghe âm và nhại âm theo giọng Nam, Bắc, nhưng giọng Huế nói ra thì người Nam, Bắc khó nghe hết cho suôn. Có thể mường tượng theo phương chiều, nếu giọng Bắc có phương nghiêng bên trái, giọng Nam bên phải thì giọng Huế có phương thẳng đứng. Tính trên dải dất miền Trung thì nam miền Trung từ Đà Nẵng trở vào có giọng gần với người Nam hơn. Bắc miền Trung thì xứ Thanh, xứ Nghệ có nhiều âm, nhiều điệu giọng người Bắc hơn. Trong khu Bình – Trị – Thiên, thì giọng Huế có vẻ tròn âm nhất, cứ nghe qua giọng Quảng Trị, Quảng Bình thì biết. Nhưng điều đặc biệt nhất là người Huế mà không nói giọng Huế thì đừng nhận là người Huế, giọng nói thực sự là quê hương.

Cái âm trọ trẹ rứa mà thương!

Giọng nói rất thiêng liêng, nó như được tích tụ từ hồn núi sông vì thế đánh mất giọng nói của mình là chối từ, cả quê cha đất tổ, cả giòng họ tông đường, ít nhất là đối với người Huế. Những người đi xa vì để thuận tiện trong giao tiếp người ta phải dùng những từ phổ thông toàn dân hay cố gắng làm giọng mình nhẹ hơn, thay đổi chút ít cho phù hợp, mềm và dễ nghe. Nhưng hạnh phúc nhất, sướng nhất vẫn là được nới giọng nói của quê hương mình, giọng cha sinh mẹ đẻ. Tiếng Huế có khi nghe lạ tai với những từ như chi, mô, răng, rứa , tê, chừ, ni, nớ, hỉ, hả, hí… Đây là những từ mà những từ mà muốn biết thì phải tra từ điển ‘sống’ gốc Huế! Những từ này thường giữ vai trò làm âm điệu và cách nói của người Huế trở nên đặc trưng hơn. Nghe ra “Rứa khi mô anh vô trong nớ thì cho em gởi lời hỏi thăm Bác với hí” thì thấy âm điệu trầm bổng thật khác thường. Câu nói này thật ra là “Lúc nào anh vào thì em gửi lời thăm Bác trong đó”. Cũng có lúc giọng Huế rất khó nghe, dễ gây bối rối ở những người ở các địa phương bạn. Người Huế khi nói chuyện với nhau dùng rất ít chữ, câu nói ngắn, gọn mà hàm súc ý. Với họ, việc diễn tả ý tưởng của mình bằng vài chữ sơ sài là một chuyện thường như cơm bữa. Vẫn biết mi là mày, mấy là bao nhiêu, nhưng ‘mi mua mấy?’ thì nghe khác với ‘mày mua cái đó giá bao nhiu dzậy?’ hay ‘thế cái đó có giá bao nhiêu?’ Người Huế nói ít mà hiểu nhiều, nếu thực sự là Huế và Huế với nhau. Người Huế cũng thường dùng những từ rất Huế, của riêng Huế để nói chuyện với nhau. Âm vực khó, khác lạ, không cao không thấp, ít thanh. Giọng bình, trung tính. Người vùng khác thường nói giọng Huế trọ trẹ. Nhưng đúng là cái âm trọ trẹ nghe rứa mà thương.

Một tài liệu thổ âm xứ Huế lại cho rằng dòng sông Hương có ảnh hưởng đến giọng Huế bởi vì dòng sông Hương chảy qua lòng thành phố Huế nên người Huế rất sâu sắc, thâm trầm.
“Con sông dùng dằng, con sông không chảy
Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu”
Thu Bồn

Huế ảnh hưởng của thổ âm vùng Bình Trị Thiên nhưng giọng Huế lại nhẹ nhàng và thanh tao hơn. Các thổ âm chỉ được nói ở các vùng quê nằm lân cận và hay pha các tỉnh bạn. Riêng kinh đô Huế, là một trung tâm văn hóa quan trọng, nơi có chút tính quý tộc, nên giọng Huế ở ngay kinh thành thì như là một thứ ‘đặc sản’ của giọng và tiếng Huế nói chung.
“Giữ chút gì rất Huế mặn mà
Dạ thưa ngọt lịm ai mê say
Và hơi thở mềm, sương khói bay”
Huỳnh Hữu Dụng

Nếu lại được em ru bằng giọng Huế
Được vỗ về như mạ hát ngày xưa
Câu mái đẩy chứa chan lời dịu ngọt
Chết cũng đành không nuối tiếc chi mô”
Tô Kiều Ngân

Cũng bởi thế mà cho dù đi đâu về đâu, hay người ta có đến Huế mấy lần đi nữa thì vẫn thấy Huế có chút gì đó thuỷ chung, vẫn truyền thống, khuôn phép qua giọng nói:

“Dạ thưa xứ Huế bây giờ
Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương”
Bùi Giáng
Giữ tiếng như một tấm lòng

Ý nghĩa là thế, nên thơ là thế, nhưng hoàn cảnh đôi lúc lại khác. Xu thế chung nên các ca sĩ thành danh thường Bắc chinh, Nam tiến. Có người mỗi khi xuất hiện trên truyền hình thường thay đổi giọng nói của mình, giả giọng để nghe phổ thông hơn chứ không giữ giọng Huế nữa. Cũng có người đang hát ở cố kinh nhưng chỉnh giọng khác đi để chứng tỏ mình đã hội nhập. Đôi khi việc làm này tạo nên sự khó nghe và phản cảm không những đối với người Huế, mà còn đối với du khách. Đến Huế họ muốn nghe được tiếng Huế, nghe như để tiếp cận một khía cạnh của con người Huế và văn hóa Huế. Thực tế thì không ai đến Huế để nghe, để thấy bản sắc phai mờ.

Giọng Huế cũng là một thứ quý để mang đi xa. Ai đã nghe giọng bà Tôn Nữ Thị Ninh, người giữ nguyên giọng Huế khi là người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam thì đồng ý với nhận định trên đây. Người ta nhận ra bà là người ở đâu không chỉ qua tên họ của bà. Phát thanh viên ở Huế vẫn có những chương trình phát trên truyền hình, phát thanh trung ương. Giọng vẫn hay, trầm ấm mà lời nghe vẫn rất rõ. Ca sĩ Hương Mơ và cùng nhiều người khác nữa, dù lập nghiệp xa nhưng vẫn luôn nói giọng Huế quê hương. Có quý mới có người ở xa về thấy thoải mái, thấy sướng khi được nghe, được nói giọng của quê hương, được dùng những từ địa phương rất chi là Huế. Nhiều nhóm xa quê lúc tìm nhau đem quà là giọng Huế, nói chuyện bằng giọng Huế cho đỡ nhớ, bởi lâu không nói thấy thèm!
HVH (st) TGMB

Tags:

Leave a Reply