Kính thưa thầy, cô, và các bạn:
Thầy Đệ nói đã gần 40 năm rồi chúng mình mới tìm lại được gần đầy đủ mọi người để nối lại vòng tay lớn, không mừng vui hết lớn sao được.
Bốn mươi năm đợi chờ, tìm tòi dài như 40 thế kỷ nhưng giờ thì lại giống như một giấc mộng đẹp đêm nào ở biển Thuận-An. Bao nhiêu vật đổi, sao dời nhưng tình thương, lòng quý mến nhau vẫn không hề thay đổi và sợi dây vô hình gắn bó mình trong tình thương này sẽ không có gì làm cho nó đứt được cả, kể luôn thời gian.
Hôm qua được gặp anh Diên và gia đình tôi mừng xiết kể, bạn bè sau 35-40 nhau mà vẫn tìm gặp được nhau sao mà không tay bắt mặt mừng, ngậm ngùi, hàn huyên cho thỏa chí được. Như đã nói, tôi là người xuất hiện sau cùng nên đúng lý thì tôi phải đi thăm các bạn từng người một, nghẹt vì vết thương chưa lành hẳn nên tôi chẳng đi xa được. Tôi rất cảm ơn các bạn và thầy cô thông cảm và thứ lỗi. Cuộc đời của tôi kể cũng ngộ nghĩnh, tôi vượt biển trước tất cả mọi người nhưng lại là người ra trường sau cùng, bao nhiêu năm lặn lội trong bao trường học và bệnh viện đã thật tình cô lập tôi, những năm đầu ở Mỹ tôi đã cố gắng để tìm cách giúp đỡ các thầy cô và các bạn nhưng tiếc là hồi ấy tôi chỉ có nhớ mỗi một địa chỉ của thầy Đệ, vậy mà cho đến 1981 hay 1982 gì đó thầy Đệ mới nhận được một lá thư của tôi. Sau đó tôi có nhận được một bức thư của thầy, tôi nhớ thầy nói rằng những đêm khuya gắng thức để đọc sách thầy rất là buồn (tôi chỉ nhận được duy nhất 1 lá thư này trước khi thầy vượt biên, thư thứ hai thì cô đã gởi cho tôi và nói rằng “thầy đã nối gót đứa học trò của thầy, ôi tôi hiểu ngay thầy đã vượt biên và chỉ cầu mong là thầy được bình an, rồi sau đó thì mất liên lạc luôn cho đến bây giờ). Cho tôi xin lỗi tất cả các bạn là đã không giúp gì được cho các bạn trong thời gian đầy gian khổ ấy.
Tường không bao giờ quên thầy cô hay các bạn cả, chỉ vì ngay sau 1975-1985 thì thứ nhất là gởi thư đi thì không biết thư có đến hay không, thứ nhì là tụi mình hồi đó còn nhỏ tôi không biết làm sao để gởi thư được, may mà còn nhớ địa chỉ của nhà thầy, nhớ vì 1 lần tôi ghé thăm thầy hồi 1972-1973 gì đó tôi thấy cái số nhà 72 Đường Thuận-An thật là lớn trước cổng thầy, chứ nếu không thì giây phút này cũng có thể coi là tiêu luôn rồi.
Dù sao thì bây giờ chúng mình cũng đã tạm coi như được xum họp rồi. Bạn nào ở Silicon Valley thì xin vui lòng gởi email, địa chỉ cho tôi, tôi sẽ liên lạc mời bạn đi uống cà phê. Còn những bạn ở xa hơn, cũng xin vui lòng gởi địa chỉ cho tôi để nếu có dịp đi ngang tôi ghé thăm. Sau gần 40 năm, khó mà nhận mặt nhau, tôi gởi kèm hai cái hình để xem các bạn có ai nhận ra tôi không, cái thứ nhất (áo màu xanh) chụp ngày 25/5/1985 lúc tôi vừa ra trường Y-Khoa, cái thứ nhì (áo đỏ) chụp ngày 19/3/2000 lúc tôi vào Hàn Lâm Viện Y-Khoa Tim Mạch, chính thức kết thúc tuổi học trò của tôi, lúc ấy tôi đã 40 tuổi. Bây giờ thì 48 rồi, vẫn còn đủ thời giờ để tu cho thành chánh quả (bần tăng là kẻ tu hành, bao nhiêu tiên nữ xinh dành cho bần tăng(?)…..LOL….cho yêu đời.
Thật tình mà nói, như anh Hùng nói trong thư của anh, khó mà hình dung ra tôi vì chính tôi cũng chỉ nhớ mang máng về tôi thôi!!! Tôi tưởng ai cũng học trên tôi một hai lớp nhưng hình như tụi mình đứa nào cũng trước sau một lớp thôi. Tôi rất vui, kính nể, quý trọng và hãnh diện về các bạn, các bạn mới là những người giỏi, ích lợi nhiều cho xã hội hơn tôi, tôi chỉ là một con mọt sách tới tuổi 40, rồi bị tai nạn rồi nằm nhà luôn là xong! Chính phủ Mỹ chi tiêu trung bình là 20-30 triệu đô để đào tạo một bs tim, cái vốn đàu tư ấy cũng xem như đã “done, gone”!
Anh Diên và anh Hiệp thật là sốt sắng với cái website này, tôi rất cảm ơn các bạn và các thầy cô bỏ công lao thời giờ quý báu để tạo nên đường giây liên lạc này cho mọi người.
Để tôi suy nghĩ xem có gì cười được sẽ biên tiếp để các bạn cười bể bụng cho vui, mai mốt có dịp sẽ tổ chức một buổi họp mặt ở 1 thành phố nào đó để mọi người gặp lại nhau, mang theo vợ chồng con cái cháu chắc để nới rộng vòng tay thân ái của chúng mình. “tôi tuy già nhưng lòng thương thầy quý bạn, yêu nước thương dân vẫn chưa già trong lòng tôi!”
Xin kính cẩn bái bút và hẹn thư sau,
Văn Bá Tường (nhà: 408-872-0404, cell 210-789-9977)