Hình bên: Ngư dân Ðà Nẵng ngồi chuẩn bị đồ nghề đi biển. Tin mới cho hay tàu tuần Trung Quốc bắt 3 tàu cá của Việt Nam kéo về đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa. Tống hết các ngư dân lên 1 tàu bắt trở về, còn tịch thu 2 tàu kia cộng với tất cả cá và trang bị. (Hình: AFP/Getty Images)
Cướp tàu, cướp cá
QUẢNG NGÃI 12-12 (TH) – Ba tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam đã bị tàu tuần Trung Quốc kéo về quần đảo Hoàng Sa, dồn hết ngư dân lên một tàu rồi đuổi về nước.
“Chiều 12 tháng 12, 2009 bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ngãi đã gửi báo cáo lên tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ngãi về vụ việc phía Trung Quốc bắt giữ ba tàu cá của ngư dân xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) trong lúc đang hành nghề trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa.”
Bản tin báo Tuổi Trẻ ngày Thứ Bảy 12 tháng 12 cho hay như vậy chỉ 10 ngày sau khi tin tức loan báo ở Việt Nam về chuyến tuần tra hỗn hợp giữa hải quân Việt Nam và hải quân Trung Quốc rồi 2 tàu Trung Quốc ghé thăm Hải Phòng “chào xã giao”.
Tờ Nhân Dân ngày 2 tháng 12 khi loan tin 2 tàu Trung Quốc “chào xã giao” ở Hải Phòng thì viết vuốt đuôi “Ðây cũng là hoạt động thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước nói chung, quân đội và hải quân hai nước nói riêng, góp phần duy trì hòa bình, ổn định trên vịnh Bắc bộ, tạo điều kiện thực thi tốt Hiệp định nghề cá và Hiệp định thư bổ sung giữa hai nước.”
Nhưng khi xuống tới phía Nam, đụng chạm tới chủ quyền biển đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì hoàn cảnh khác hẳn.
Theo tin chi tiết của báo Tuổi Trẻ “Trong hai ngày 7 và 8 tháng 12, khi hành nghề tại vùng biển Hoàng Sa, ba tàu cá: QNg 66398-TS (trên tàu có 14 lao động) của ông Dương Lúa, QNg 66119-TS (trên tàu có 15 lao động) của ông Lê Văn Lộc và QNg 96024-TS (trên tàu có 14 lao động) của ông Lê Tân, cùng quê ở xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, bị phía Trung Quốc bắt giữ, áp giải về đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa.”
Tại đó, “phía Trung Quốc đã thu giữ hai tàu cá của ông Dương Lúa và ông Lê Văn Lộc cùng với hơn 20 tấn cá mà hai tàu đánh bắt được. Toàn bộ 43 ngư dân trên ba tàu bị dồn hết lên tàu của ông Lê Tân và thả về huyện đảo Lý Sơn. Ðến 19 giờ ngày 11 tháng 12, toàn bộ số ngư dân trên đã về đến Lý Sơn an toàn.”
Nguồn tin này còn nói “Theo trình báo của ngư dân, hai tàu cá cùng hơn 20 tấn cá của ngư dân Lý Sơn bị phía Trung Quốc thu giữ ước tổng trị giá hơn 2 tỉ đồng”.
Hai tuần lễ trước, ngày 28 tháng 11, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Nguyễn Phương Nga cho hay “Việc Trung Quốc cử tàu (tàu tuần ngư chính và tàu bệnh viện) đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này.”
Bà Nga cho hay đại diện Bộ Ngoại Giao Việt Nam đã gặp đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để “phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt các hoạt động này, không tiếp tục có các hành động làm phức tạp thêm tình hình tại biển Ðông, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác tại khu vực”.
Hồi tháng 6 và tháng 7, hải quân Trung Quốc đã nhiều lần đâm chìm và bắt giữ tàu đánh cá của ngư dân miền Trung Việt Nam ở vùng quần đảo Hoàng Sa rồi đòi tiền chuộc. Cuối tháng 9, khi tàu đánh cá Việt Nam chạy đến trú bão ở đảo Phú Lâm cũng đã lính Trung Quốc bị cướp sạch hết tài sản từ cá đến trang bị đi biển, ngư cụ. Ngư dân còn bị đáp đập dã man.
Ngày 1 tháng 12, theo tờ Tuổi Trẻ “Vùng 2 hải quân và các địa phương Bà Rịa-Vũng Tàu, Sài Gòn, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu đã tổ chức lễ ký kết hiệp đồng bảo vệ chủ quyền vùng biển, hải đảo”.
Theo đó “Vùng 2 hải quân sẽ là lực lượng nòng cốt quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa phía Nam của tổ quốc; đảm bảo an toàn trên biển cho nhân dân và đường hàng hải quốc tế qua khu vực biển Ðông. Vùng 2 hải quân còn có nhiệm vụ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ ngư dân khi gặp bão hoặc gặp nạn trên biển. Các địa phương có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục ngư dân và các lực lượng dân sự hỗ trợ, phối hợp với lực lượng Vùng 2 hải quân cản phá tàu nước ngoài xâm phạm lãnh hải Việt Nam”.
Vùng 2 trách nhiệm của hải quân Việt Nam bao gồm cả vùng biển Trường Sa. Trước khi bế mạc khóa họp cuối năm hồi tháng 11, Quốc Hội Việt Nam cũng đã thông qua dự luật “Dân quân tự vệ”. Ðạo luật này có hiệu lực từ giữa năm 2010 gồm cả việc có thể võ trang cho ngư dân mà nhiều người bình luận sẽ vô tác dụng khi đối diện tàu hải quân Trung Quốc.
Nguyễn Quốc Nhơn (st)
Theo:NV
南國山河南帝居
截然定分在天書
如何逆虜來侵犯
汝等行看取敗虛
Nam quốc sơn hà nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.