Tình hình người Việt ở Bờ Biển Ngà


(Một phụ nữ Bờ Biển Ngà bồng trẻ nhỏ đi qua trước một nhóm binh lính ủng hộ Ouattara.)

Trong lúc giao tranh giữa các lực lượng thuộc các bên tranh giành quyền lực ở Bờ Biển Ngà không ngừng nâng cao mức độ ác liệt, truyền thông trong nước cho hay vẫn còn ít nhất hàng chục người Việt Nam mắc kẹt lại tại quốc gia Tây Phi này.

Đa số người Việt Nam sinh sống ở Bờ Biển Ngà được cho là không đăng ký với Sứ quán Việt Nam tại Ma-rốc, là cơ quan ngoại giao kiêm nhiệm tại quốc gia đang xảy ra xung đột.

Nhiều người Việt bị kẹt lại đang phải lẩn trốn trước nguy cơ bạo lực và nạn cướp bóc ngoài đường phố, trong lúc Tòa đại sứ Việt Nam tại Ma-rốc cho hay đang liên hệ với đại diện Liên Hiệp Quốc, Mỹ, Pháp tại Bờ Biển Ngà nhằm tìm kiếm trợ giúp cứu hộ công dân Việt.

BBC Việt ngữ đã nhiều lần tìm cách liên hệ với các số máy “nóng” cũng như tới Bộ phận lãnh sự, bảo hộ công dân thuộc sứ quán Việt Nam tại Ma-rốc từ buổi sáng ngày 8 tháng Tư để tìm hiểu tình hình, nhưng đều được nhân viên ngoại giao cho hay cần đợi họ liên lạc lại với Đại sứ hoặc Tham tán, nên không thể phỏng vấn những người có trách nhiệm.

Trước đó, một trong các công dân Việt Nam, nói là từ Abidjan đã gửi email liên lạc về cho Ban Việt ngữ đề nghị BBC liên lạc với các cơ quan ngoại giao hay đại sứ quán Việt Nam gần Bờ Biển Ngà, nhằm khẩn cấp giúp di rời ra khỏi vùng chiến sự.

“Tôi là một trong số người Việt đang sống và làm việc ở Bờ Biển Ngà trên 10 năm nay,” ông Hoàng Kim Đức nói với BBC Việt Ngữ.

“Hiện đang gặp nguy cơ trong tình thế chiến tranh, chưa biết số phận thế nào.

“Hơn nữa, ở đây không có đại sứ quán Việt Nam, nên chúng tôi không biết cầu cứu ai,” ông Đức viết trong email hôm 07 tháng Tư.

BBC chưa xác nhận được tính chính xác của thông tin này.

“Chưa có cướp bóc”?

Trong khi đó các nguồn tin từ báo chí trong nước về tình hình công dân Việt tại Bờ Biển Ngà có vẻ có một số khác biệt.

“Có khoảng 50 người Việt đang sống rải rác ở Bờ Biền Ngà, đã gọi điện thoại mong được giúp đỡ trở về Việt Nam,” tờ Dân Việt, phiên bản điện tử của báo Nông thôn Ngày nay số ra hôm 08 tháng Tư trích lời ông Phạm Văn Độ, Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Ma-rốc kiêm nhiệm Bờ Biển Ngà, nói.

Tờ này cũng cho biết thêm “người Việt Nam ở Bờ Biển Ngà chủ yếu làm việc trong các nhà hàng, nên khi tình hình căng thẳng xảy ra, những người Việt này đã lưu trú trong các nhà hàng để tránh bị thương vong do đạn lạc.”

Theo tờ báo này thì “Hiện chưa có hiện tượng cướp bóc, hay uy hiếp xảy ra, do lệnh giới nghiêm nên những người Việt này chỉ có thể ở yên tại chỗ.”

Trong khi đó, theo tờ Thanh Niên từ hôm 7 tháng Tư, một số người Việt tại thủ đô của Bờ Biển Ngà là Abidjan cho hay họ lo ngại về nạn bạo lực và cướp bóc.

(Lực lượng quân đội thân cận với Tổng thống đắc cử Ouattara đang triển khai các hướng đột kích.)

Tờ báo thuộc diễn đàn hội thanh niên Việt Nam dẫn lời một nhân chứng đàn ông người Việt có nguyên quán từ Sài Gòn cho hay ông và nhóm bạn người Việt “đang phải trốn suốt ở nhà, không dám ra đường vì giao tranh và cướp bóc tràn lan.”

Tờ này cũng cho biết một số người Việt ở Bờ Biển Ngà đã gọi điện về tòa báo và Việt Nam “cầu cứu vì họ đang phải trốn trong nhà nhiều ngày, do tình trạng giao tranh và cướp bóc ngoài phố.”

“Mấy ngày đầu bạo loạn, tụi cướp đến gõ cửa nhà nhưng may là cảnh sát đến kịp,” môt công dân Việt quê Sóc Trang được trích dẫn nói.

“Còn bây giờ chỉ cầu mong số phận qua từng ngày một. Số thực phẩm dự trữ đang cạn dần và cả nhóm chắc chỉ còn cầm cự được thêm vài ngày,” nhân chứng nữ này cho tờ báo trong nước biết.

“Chưa liên hệ được”

(Binh lính thuộc lực lượng gìn giữ Hòa Bình của Liên hiệp quốc đồn trú tại thủ đô Bờ Biển Ngà.)
ờ Sài Gòn Tiếp Thị cùng ngày 7 tháng Tư cho hay Tòa Đại sứ Việt Nam tại Ma-rốc ‘vẫn chưa liên hệ được với nhiều người Việt tại Bờ Biển Ngà.”

Tờ này trích lời quan chức ngoại giao ở Tòa đại sứ này, Tham tán Phạm Văn Độ, cho biết “Sứ quán đang liên lạc với đại diện của Liên Hiệp Quốc, Mỹ và Pháp tại Bờ Biển Ngà để yêu cầu hỗ trợ đưa người Việt khỏi nơi nguy hiểm.”

“Phần lớn người Việt đến Bờ Biển Ngà để làm ăn, nhưng trước đó không báo cáo cho sứ quán tại Ma-rốc nên hiện chưa có con số thông kê chính xác về tổng số.”

Tuy nhiên, nhiều tờ báo đều đưa tin và trích dẫn lời của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Nguyễn Phương Nga mới đây nói:

“Chính phủ Việt Nam rất quan tâm tới tình hình công dân Việt Nam đang sinh sống tại Bờ Biển Ngà.

“Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Ma-rốc kiêm nhiệm Bờ Biển Ngà và các cơ quan đại diện Việt Nam tại các nước trong khu vực khẩn trương nắm thông tin về số lượng và tình hình công dân tại Bờ Biển Ngà để kịp thời có hỗ trợ cần thiết.”

Được biết, trong khi đó, phái bộ của Liên Hiệp Quốc tại quốc gia này đã sơ tán ít nhất 200 nhân viên sau khi có các cuộc tấn công của lực lượng trung thành với Tổng thống mãn nhiệm Laurent Gbagbo nhắm vào trụ sở phái bộ.

Khoảng không dưới 160 người nước ngoài, trong đó có công dân Pháp và Liban đã được di rời khỏi Abidjan từ hôm 3 tháng Tư theo ngả Dakar của Senegal về nơi tạm trú an toàn hơn.

Các số liệu từ nhiều nguồn, trong đó có nguồn tin trực tiếp của đại diện quân đội Pháp tại Bờ Biển Ngà cũng cho hay ít nhất 1.500 người nước ngoài đã tìm chỗ lánh nạn tại một số địa điểm thuộc doanh trại của binh lính Pháp, trong khi sân bay chính của Abidjan được dành ưu tiên cho các phi vụ quân sự.

BBC News

Tags:

Leave a Reply