Hàng loạt tập đoàn tài chính lớn trên thế giới tuyên bố trả được nợ, mang lại thông tin tích cực cho thị trường. Trong khi đó, Trung Quốc và một số tập đoàn tỏ ra quan tâm đến khí gas, xem đây là nguồn năng lượng của tương lai.
Hôm thứ 2, đại gia ngân hàng Mỹ Wells Fargo tuyên bố họ sắp sửa trả lại toàn bộ khoản vay cứu trợ khẩn cấp trị giá 25 tỷ USD cho chính phủ Mỹ, bằng cách mua lại chứng khoán do Bộ Tài chính sở hữu, đồng thời phát hành thêm 10,4 tỷ USD cổ phiếu. Nhờ có cứu trợ của Mỹ, doanh thu quý 3 của Wells Fargo đạt kỷ lục 3,2 tỷ USD, lợi nhuận tăng 98% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cũng trong ngày hôm qua, ngân hàng Citigroup cũng hồ hởi tuyên bố họ đã sẵn sàng trả lại 20 tỷ cho chính phủ, trong khoản vay 45 tỷ USD. Tuy thiệt hại của việc trả tiền sớm không phải là nhỏ nhưng Citigroup vẫn quyết tâm trả ngay để tiết kiệm khoảng 1,7 tỷ USD lãi suất một năm. Trước khi suy thoái diễn ra, Citigroup từng là tập đoàn ngân hàng lớn nhất thế giới.
Citigroup và Well Fargo nhanh chóng trả nợ cho chính phủ Mỹ, không lâu sau khi Goldman Sachs, JP Morgan tuyên bố đã giải quyết chuyện nợ nần. Giới chuyên gia cho rằng một trong những lý do cho xu hướng trả nợ ồ ạt trước cuối năm là để các ngân hàng được tự do quyết định chuyện lương thưởng cho giới lãnh đạo. Ảnh: topnews.in
Khoản vay dành cho Wells Fargo và Citigroup nằm trong chương trình giải thoát tài sản xấu (TARP) của chính phủ Mỹ. Tổng cộng, Bộ Tài chính Mỹ đã bơm khoảng 250 tỷ USD cho các ngân hàng trong khuôn khổ chương trình này. Riêng 9 ngân hàng lớn nhất nhận được 125 tỷ USD.
Hôm qua, thị trường dầu thô đi xuống ngày thứ 9 liên tiếp, đánh dấu đợt giảm giá dài nhất trong vòng 8 năm. Hôm qua, có lúc mỗi thùng dầu chỉ còn 69,51 USD một thùng, thấp nhất kể từ ngày 29/9. Đến 10h14 sáng nay theo giờ Sydney, giá nhích nhẹ lên 69,64 USD một thùng.
Các chuyên gia đánh giá giá dầu giảm do triển vọng phục hồi trở nên chậm chạp, theo đánh giá của Goldman Sachs ngày hôm qua. Những thông tin như tổng sản lượng công nghiệp châu Âu giảm lần đầu tiên trong vòng 6 tháng, việc làm châu Âu cũng giảm trong quý 3 gây sức ép lên giá dầu. Kể từ ngày 1/12, dầu thô đã mất 11% giá trị.
Sáng nay, đôla và đồng yen Nhật đứng trước nguy mất giá ngày thứ hai liên tiếp so với đồng euro, do những khó khăn tại Dubai đã được tháo gỡ, với thông tin công ty Dubai World đã được bơm 10 tỷ USD để trả nợ. Đồng yen có thể mất giá do những báo cáo trong tuần này về công nghiệp Mỹ đã gia tăng sản lượng và doanh số nhà mới phục hồi. Mỗi euro tương đương với 1,4650 USD lúc 10h sáng nay theo giờ Tokyo. Hôm 11/12, tỷ giá leo lên mức cao 1,4586, cao nhất kể từ ngày 5/10.
Hôm qua, các tập đoàn công nghệ lớn của Đài Loan lên tiếng cho biết họ mong đợi một bước tiến mới trong quá trình tự do thương mại với Trung Quốc đại lục, nhằm nâng cao sức cạnh tranh trước những đối thủ đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản. Trong khi đó, những tập đoàn điện tử như Samsung, LG tiếp tục xây dựng hàng chục nhà máy sản xuất màn hình tinh thể lỏng để bắt kịp sự phát triển của thị trường đồ điện tử Trung Quốc.
Suốt 60 năm qua, các công ty công nghệ của Đài Loan không thể giới thiệu những công nghệ tiên tiến của họ tại Trung Quốc đại lục. Tuy nhiên, hiện nay chính quyền Đài Loan đang xem xét đánh giá lại những hạn chế này. Hồi tháng trước, Đài Loan và Trung Quốc đã ký bản ghi nhớ về việc hợp tác công nghiệp – tài chính và tháng tới sẽ khởi động đàm phán về thỏa thuận này.
Hôm đầu tuần, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, cùng với lãnh đạo của một số nước Trung Á đã cùng nhau khai trương đường ống dẫn khí gas từ nước Turkmenistan đến Trung Quốc. Đây là một thắng lợi lớn đối với Trung Quốc trong việc tiếp cận với nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào ở vùng Trung Á. Để có được đường ống dẫn khí dài 7.000 km, Trung Quốc đã mất hàng nhiều năm trời cùng hàng chục tỷ USD vận động hành lang nhằm gây sức ảnh hưởng tại Turkmenistan, nước từng nằm trong Liên Xô cũ.
Tập đoàn Xăng dầu Quốc gia Trung Quốc (CNPC) sẽ nhập khẩu khoảng 40 tỷ mét khối khí gas mỗi năm thông qua đường ống này, khi hệ thống đạt công suất tối đa vào năm 2012 đến 2013.
Đường ống tượng trưng trong lễ khai trương đường ống dẫn khí tại Turkmenistan, với sự tham gia của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào ngày hôm qua. Ảnh: AFP
Một trong những công ty dầu mỏ lớn nhất thế giới Exxon Mobil đặt cược hàng chục tỷ USD vào ngành khí gas, tin tưởng rằng đây sẽ là nguồn tài nguyên chủ yếu cung cấp năng lượng cho nước Mỹ tương lai. Hôm qua, hãng này đã bỏ ra 29 tỷ USD để mua lại công ty khí gas XTO Energy. Trong khi các nhà lãnh đạo thế giới tụ họp ở Copenhagen để bàn về việc khí thải carbon gây hại như thế nào cho thế giới, Exxon Mobil có vẻ đã thấy trước sự thay đổi.
Đây là thương vụ tốn kém nhất tại Mỹ trong suốt 4 năm qua, và là lần mua lại lớn nhất của Exxon kể từ khi hãng mua lại tập đoàn Mobil hồi 1999 với giá 75 tỷ USD. Trong những năm qua, công nghệ khai thác khí gas trên thế giới đã tăng trưởng chóng mặt, khiến lượng các chuyên gia nâng dự báo tiêu thụ khí gas lên 35% chỉ sau có 2 năm.
Thứ hai, Thủ tướng Hy Lạp tuyên bố một loạt các biện pháp cắt giảm chi tiêu tại nước này, và cam kết sẽ kiểm soát thâm hụt ngân sách chính phủ đang ngày một lớn. Căng thẳng tại Hy lạp ngày càng trầm trọng trong tuần vừa rồi trước nguy cơ ngập trong nợ nần. Trong số các biện pháp này có cắt giảm ngân sách quốc phòng năm 2011, 2012, giảm lương thưởng khu vực nhà nước, cắt giảm chi phí an ninh xã hội và chi tiêu chính phủ, mỗi hạng mục xuống 10%.
Trong một bài phát biểu trước hàng loạt nhà lãnh đạo doanh nghiệp hôm qua tại Athens, Thủ tướng George Papandreou kêu gọi lòng đoàn kết và hứa hẹn Chính phủ của ông, mới nhậm chức từ hồi tháng 10, sẽ có nhiều biện pháp trong thời gian tới.
Hiện nay nợ quốc gia của Hy Lạp đã lên tới 442 tỷ USD, ước tính tương đương với 113,4% GDP của năm 2009. Thâm hụt ngân sách của nước này cao gấp 4 lần so với ngưỡng giới hạn 3% mà Liên minh châu Âu đặt ra cho các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu.
Thanh Bình
Source:VnE