Việc Tổng thống Mỹ Barack Obama tái đắc cử nhiệm kỳ hai khiến Trung Quốc thở phào nhẹ nhõm. Giới học giả nước này đã tỏ ra khá lạc quan về triển vọng quan hệ Mỹ – Trung. Nhưng quan hệ này có dễ thở với Washington hay không lại là chuyện khác.
Trung Quốc và Mỹ đang dốc sức ngăn đối phương tăng cường ảnh hưởng ở châu Á – Thái Bình Dương.
Từ lâu quan hệ Mỹ – Trung đã được ví như “răng với môi”. Môi hở, răng lạnh. Vì vậy, dù có rất nhiều điểm khác biệt từ hệ tư tưởng đến đường lối phát triển đất nước nhưng lãnh đạo hai nước không thể không hướng đến nhau.
Trong thực tế, quan hệ Mỹ-Trung luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định mà có thể được tóm gọn bằng hai chữ “cần” và “ghét”. Mỹ và Trung Quốc “cần” nhau về mọi mặt, từ kinh tế – thương mại tới chính trị. Nhưng bên cạnh đó, Mỹ và Trung Quốc cũng “ghét” nhau, luôn hậm hực với nhau trong việc tranh giành ảnh hưởng với tư cách là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới nhưng lại đi theo hai đường lối phát triển và đối ngoại khác hẳn nhau.
Hai vế “cần” và “ghét” đó tùy từng thời điểm và vấn đề cụ thể mà biến báo, có lúc vế này lấn át vế kia.
Cần chiếm thế chủ đạo…
Bất luận Dân chủ hay Cộng hòa, nước Mỹ đều có cùng một ước muốn đối với Trung Quốc. Đó là muốn có một Trung Quốc trỗi dậy hòa bình ở châu Á thịnh vượng, nơi được xây dựng dựa trên nền tảng của những giá trị nhân quyền được Mỹ ủng hộ. Vì vậy, dù ôn hòa như Dân chủ hay diều hâu như Cộng hòa, cả hai đảng cũng đều không muốn theo đuổi tư tưởng ngăn chặn Trung Quốc, mà thay vào đó là một chiến lược can dự toàn diện, cân bằng trên cơ sở tôn trọng lợi ích song phương và đa phương.
Sở dĩ như vậy là vì nước Mỹ cũng như phương Tây thừa hiểu Trung Quốc đang và sẽ tiếp tục là một đối thủ vừa hợp tác, vừa cạnh tranh tiềm tàng trên mọi lĩnh vực, từ chính trị, ngoại giao, đến kinh tế, quân sự. Xu thế hợp tác và cạnh tranh đó sẽ ngày càng sâu sắc, quyết liệt khi sức mạnh tổng thể của Trung Quốc không ngừng được tăng cường theo thời gian.
Hiện tại, trong quan hệ kinh tế và thương mại, Trung Quốc và Mỹ là hai đối tác quan trọng bậc nhất của nhau. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Mỹ (sau hai quốc gia láng giềng Canada và Mexico) với mức tăng trưởng nhanh nhất trong giai đoạn 2001-2011 (lên tới 471%). Tổng giá trị xuất khẩu năm 2011 từ Mỹ sang Trung Quốc đạt 103,9 tỷ USD.
Theo chiều ngược lại, Mỹ đang cần một lượng lớn hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong năm 2011, tổng giá trị nhập khẩu đạt 399,3 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm 2010. Trong tổng giá trị nhập khẩu của Mỹ, hàng hóa và dịch vụ từ Trung Quốc chiếm 18,1% giảm nhẹ từ 19,1% năm 2010 và tăng đáng kể so với 8,2% năm 2009. Tỷ trọng các sản phẩm công nghệ cao cũng đã tăng trưởng nhanh đáng kể.
Nhìn từ phía Trung Quốc, Mỹ là bạn hàng quan trọng số 1 của Trung Quốc. Theo số liệu từ phía Trung Quốc (có độ vênh nhất định so với số liệu từ phía Mỹ), năm 2010 Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ 283,3 tỷ USD, cao hơn nhiều so với đối tác thứ hai là Hồng Kông (218,3 tỷ USD) và gấp tới hơn 2 lần so với đối tác thứ 3 là Nhật Bản (121,1 tỷ USD). Thực ra, vì Hồng Kông thuộc Trung Quốc nên càng khẳng định vị thế Mỹ là đối tác xuất khẩu số 1 của Trung Quốc với kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ xấp xỉ bằng kim ngạch xuất khẩu của 4 nước kế tiếp cộng lại.
Trong quan hệ đầu tư, Trung Quốc hiện là “chủ nợ” lớn nhất của Mỹ. Theo dự đoán của Bộ Tài Chính Mỹ, tổng giá trị trái phiếu chính phủ và các công ty tư doanh Mỹ do Trung Quốc nắm giữ đạt 1.700 tỷ USD, trong đó khoảng 1.300 tỷ USD (75%) là trái phiếu chính phủ và các tổ chức đại diện chính phủ (như Freddie Mac, Fanny Mae). Theo thống kê, trong 10 năm qua, số nợ của chính phủ Mỹ mà Trung Quốc nắm giữ liên tục tăng, trừ năm 2011 có giảm nhẹ đôi chút.
Với sự găn kết chặt chẽ đó, không quá khi nói rằng quan hệ Mỹ – Trung như “răng với môi. Bởi không có Mỹ, Trung Quốc sẽ gặp khủng hoảng nghiêm trọng về thị trường hàng xuất khẩu. Thực tế, Trung Quốc từng gặp khủng hoảng nặng về các hàng hóa nhập từ Mỹ, đặc biệt là các sản phẩm công nghệ cao vốn là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu giúp Trung Quốc sản xuất (nhiều khi là lắp ráp) các sản phẩm hoàn chỉnh bán đi khắp thế giới. Ngược lại, không có Trung Quốc, Mỹ cũng gặp khủng hoảng nghiêm trọng vì phần nhiều các công ty của Mỹ hiện đang đặt các nhà máy xí nghiệp ở Trung Quốc (sản xuất thành thành phẩm rồi xuất khẩu ngược lại Mỹ như các sản phẩm của hãng Apple).
… “ghét” ở thế thượng phong
Mặc dù quan hệ Mỹ – Trung luôn có sự gắn kết chặt chẽ về kinh tế như vậy nhưng giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới luôn tồn tại nhiều mâu thuẫn tiềm ẩn, có lúc lấn át cả quan hệ thương mại song phương.
Trong lịch sử phát triển thế giới, thông thường các cường quốc đi trước khó có thể dễ dàng mở rộng cánh cửa chào đón các cường quốc đang lên, đặc biệt khi họ cảm nhận rõ vị thế bá quyền đang bị thách thức. Các cường quốc đi trước có thể muốn chia sẻ gánh nặng, trách nhiệm với các cường quốc mới nổi, nhưng quyền lực thì không.
Điều này cũng đang lặp lại ngay trong mối quan hệ Mỹ – Trung, giữa một bên (Mỹ) là siêu cường từ lâu đã khắng định vị thế số một thế giới và một bên (Trung Quốc) là quốc gia mới nổi nhưng có tiếng nói và sức ảnh hưởng ngày càng lớn trong mọi vấn đề của thế giới.
Vì vậy, có thể hiểu tại sao dù gắn kết và phụ thuộc chặt chẽ với nhau về kinh tế nhưng trong lĩnh vực chính trị và quân sự, quan hệ Mỹ – Trung ngày càng trở nên căng thẳng trong những năm gần đây, chứa đựng cạnh tranh nhiều hơn hợp tác. Các vấn đề khác biệt giữa hai nước quá lớn, ngoài tranh cãi kéo dài quanh việc Trung Quốc kìm giá đồng Nhân dân tệ để thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Mỹ, giữa hai nước còn nổi lên sự hoài nghi khi trước việc Washington chuyển trọng tâm chiến lược sang châu Á – Thái Bình Dương để đối trọng với cách thức trỗi dậy gây nhiều tranh cãi của Bắc Kinh.
Trước việc bị Mỹ “lấn sân”, Bắc Kinh đã không ngại ngần hậm họa, thậm chí ngang nhiên đẩy mạnh hơn nữa các hành động tuyên bố chủ quyền ở biển Đông và biển Hoa Đông khiến Washington “nóng mặt”. Giới chức lãnh đạo Trung Quốc thậm chí còn tìm cách gạt Mỹ ra khỏi các vấn đề khu vực khi tuyên bố Washington nên đứng ngoài các vấn đề của Trung Quốc.
Chính vì vậy, ngay sau chiến thắng của Obama, nhiều nhà phân tích Mỹ đã khẳng định Trung Quốc sẽ là thách thức quan trọng nhất mà chính quyền Obama phải đối mặt trong 4 năm tới, cho dù nguy cơ xung đột Mỹ – Trung có thể chưa xảy ra trong một sớm một chiều.
Giới chức Mỹ lo ngại một ngày nào đó, “chú Sam” sẽ bị lép vế trước những tác động mạnh mẽ từ sự phát triển vũ bão của Trung Quốc, đặc biệt khi sự phát triển đó đang làm thay đổi đáng kể cán cân sức mạnh khu vực cũng như toàn cầu, đồng thời làm giảm phần nào tiếng nói của Mỹ trong các vấn đề quốc tế.
Rõ ràng dân số khổng lồ và sự phát triển kinh tế năng động đã thúc đẩy khát vọng của Trung Quốc muốn nhanh chóng trở thành cường quốc số 1. Nếu Trung Quốc xây dựng được sức mạnh quân sự tiềm tàng, chắc chắn các nước láng giềng của Trung Quốc – kể cả những đồng minh thân cận của Mỹ – cũng không thể bảo vệ lợi ích của mình nếu như không có sự giúp đỡ của một cường quốc bên ngoài.
Cường quốc đó không thể là nước nào khác ngoài Mỹ.
Tương lai quan hệ Mỹ – Trung
Mặc dù quan hệ song phương luôn thăng trầm song đối với giới chức và các học giả Trung Quốc, việc Tổng thống Obama liên nhiệm sẽ tốt hơn là phải cài đặt lại quan hệ nếu như ứng cử viên Mitt Romney đắc cử.
“Trên cơ sở lợi ích quốc gia và chiến lược toàn cầu, chính sách ‘trở lại châu Á’ của Mỹ sẽ tiếp tục, song Washington dưới sự lãnh đạo của Obama sẽ không đối địch với Bắc Kinh, cho dù họ vẫn lo ngại sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ tạo ra thách thức đối với bá quyền của Mỹ”, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế trường Đảng Trung ương Trung Quốc Lưu Kiến Phi nhận định.
Đây cũng là quan điểm của ông Khúc Tinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Vấn đề Quốc tế Trung Quốc.
“Dù trong các cuộc tranh luận tổng thống Mỹ vừa qua, các ứng cử viên đã lôi Trung Quốc ra làm bia đỡ đạn để lý giải cho những mâu thuẫn mang tính kết cấu bên ở trong lòng nước Mỹ, khiến quan hệ Trung – Mỹ ở vào hoàn cảnh sóng gió. Tuy nhiên, sóng gió này giống như quả lắc đồng hồ. Tuy không ngừng lắc nhưng trước sau vẫn có một điểm cân bằng. Khi tranh cử kết thúc, quan hệ Trung – Mỹ sẽ tích cực hơn, sự phá vỡ mối quan hệ này sẽ là bất lợi cho cả hai bên”, ông Khúc Tinh khẳng định.
Tuy nhiên, trong phát triển quan hệ mậu dịch Trung – Mỹ 4 năm tới, các học giả Trung Quốc lại tỏ ra khá thận trọng.
“Vấn đề quan trọng hàng đầu hiện nay của chính phủ Obama là làm thế nào đối phó với nguy cơ xảy ra “vách đá tài chính”. Do đó xử lý các vấn đề thương mại đối với Trung Quốc sẽ không phải là nhiệm vụ cấp bách hiện nay”, ông Hà Vĩ Văn, Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung – Mỹ – Âu, nói.
Ông cũng cho rằng một trong những nguyên nhân gây cọ sát thương mại Trung – Mỹ là do sự suy giảm kinh tế trong nước.
“Tới đây, nếu kinh tế Trung Quốc và Mỹ khá lên, áp lực đối với hai nước cũng sẽ giảm”, ông Hà nói thêm, không quên khẳng định mấu chốt của cọ sát thương mại Mỹ – Trung không chỉ ở sự bất cân bằng thương mại, mà còn ở yếu tố khác biệt về thể chế.
Ngoài ra, các học giả Trung Quốc cũng cho rằng các vấn đề liên quan đến Đài Loan, Tây Tạng, bản quyền, chi tiêu quân sự và tranh chấp chủ quyền trên các vùng biển trong khu vực cũng sẽ tiếp tục là những nhân tố ảnh hưởng tới quan hệ Mỹ – Trung.
Trong khi đó, đối với Mỹ, việc Trung Quốc đẩy mạnh tăng cường sức mạnh quân sự tiềm tàng và áp đặt các chính sách đối ngoại cứng rắn với các nước lân bang trong khu vực là nguyên nhân chính khiến Washington phải xem xét lại tham vọng trỗi dậy của Bắc Kinh.
Giới chức ngoại giao Mỹ kêu gọi chính quyền Obama nhanh chóng phát triển hình thức quan hệ mới nhằm ngăn chặn cuộc đối đầu tiềm tàng giữa hai nước trong quá trình chuyển đổi giữa cường quốc đi trước và cường quốc đang lên.
Theo đó, Nhà Trắng cần phải tận dụng tối đa các lợi thế đang có nhằm duy trì thế thượng phong trước Bắc Kinh. Lợi thế đó bao gồm việc Washington đang có nhiều đồng minh quốc phòng và các đối tác an ninh hơn Bắc Kinh. Washington còn là thành viên chủ chốt của nhiều tổ chức và thể chế quốc tế được xây dựng theo tiêu chuẩn giá trị Mỹ mà Trung Quốc đang phải tìm cách tiếp cận.
Tuy vậy, do Trung Quốc vẫn đang trong quá trình cải cách, chuyển đổi mạnh mẽ cả về chể chế, chính sách, đường lối phát triển và quan trọng nhất là đang trong giai đoạn chuyển giao thế hệ lãnh đạo (từ thứ tư sang thứ năm) 10 năm mới có một lần, nên việc Mỹ phải tìm kiếm phương pháp thích ứng mới phù hợp với sự thay đổi của Trung Quốc cũng không phải dễ.
Sự phát triển kinh tế quá nhanh của Trung Quốc được gói ghém trong bỏ bọc thể chế cũ kỹ không chỉ đặt các nhà lãnh đạo Trung Quốc trước những thách thức nan giải của câu chuyện cải cách và phát triển, mà còn đặt cả Mỹ vào thế khó, khi mà mức độ can dự, đan xen lợi ích giữa hai bên ngày càng lớn và sâu sắc.
Theo:Đức Vũ (DT)
Tags: Thách thức lớn nhất trong nhiệm kỳ hai của Tổng thống Obama