Posts Tagged ‘Nhà Huế học’

Nhà Huế học

Friday, October 16th, 2009


(Nhà Huế học Phan Thuận An chỉ giải về
lịch sử văn hóa Huế cho các học sinh trường Trung học Trần Phú, huyện ChưPrông, Gia
Lai tại Văn Miếu, Huế)

Nhà Huế học Phan Thuận An không chỉ là người có công chuyển tải những tinh hoa văn hóa Huế đến với công chúng thông qua các công trình nghiên cứu đặc sắc của mình mà ông còn là một người điển hình cho phong cách văn hóa truyền thống của người Huế.

Biệt phủ Thuận An vào một buổi chiều hè nhuộm nắng. Ngồi trước mặt tôi là người đàn ông có cái dáng hao gầy ẩn mình kín đáo trong bộ bà ba trắng và đôi guốc mộc thoạt nhìn tưởng chừng như đơn giản nhưng càng nhìn kĩ lại càng thấy toát lên cái vẻ lịch lãm và thanh cao của một bậc thức giả. Đó chính là nhà Huế học Phan Thuận An.


(Nhà Huế học Phan Thuận An và các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử tại lăng Tự Đức, Huế)
Sinh năm 1940, cầm tinh con rồng, theo thuật tử vi thì ông là người có cung bản mệnh thuộc vào loại sang và quý phái. Cuộc đời ông dù làm rể trong một gia đình danh gia vọng tộc thuộc dòng dõi Tôn Thất nhưng xem ra ông vẫn giữ được cái cốt cách thanh bạch của mình. Tốt nghiệp khoa sử Đại học Văn khoa Huế năm 1966, rồi cao học sử tại Đại học Sài Gòn năm 1972, ông về dạy văn – sử – địa tại trường Quốc học Huế và cuối cùng chuyển sang công tác tại Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho đến tận ngày nghỉ hưu (2004).

(Tại biệt phủ Thuận An, nhà Huế học Phan Thuận An giới thiệu với hai nữ học giả người Mỹ những sưu tập quí giá về Huế.)
Nhờ vốn sử học mà ông thâu nhận được qua các trường học cộng với cái tính cẩn trọng và lòng yêu Huế đã đưa ông dấn thân vào con đường nghiên cứu Huế sau này. Ngoài ra vốn Hán Nôm sâu rộng cùng với vốn tiếng Anh và tiếng Pháp giỏi khiến ông có cơ duyên được tiếp xúc với nhiều nguồn tài liệu quý hiếm của nước ngoài viết về Huế xưa và nay.

(Nét thuần phong Huế truyền thống vẫn còn vẹn nguyên trong gia đình nhà Huế học Phan Thuận An.)
Là người gốc Huế lại từng trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử vùng đất Cố đô, ông am tường về các vấn đề văn hóa vật thể cũng như phi vật thể ở nơi đây. Ông đi sâu vào nghiên cứu Huế, hàng trăm công trình nghiên cứu có giá trị đã được xuất bản góp phần vào việc bảo tồn và gìn giữ nền văn hóa truyền thống Huế. Trong đó có nhiều công trình nổi tiếng đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và được lưu trữ tại các thư viện nổi tiếng trên thế giới như Kiến trúc Cố đô Huế, Kinh thành Huế, Quần thể di tích Huế, Huế đẹp Huế thơ… hiện đang được lưu giữ tại Thư viện Quốc gia Hoa Kỳ (Congress Online Catalog).

Ông còn cất công tìm kiếm sưu tập và lưu giữ được một bộ ảnh tư liệu lớn có giá trị về văn hoá, kiến trúc Huế qua các thời kì. Trong đó có những bức ảnh mà hiện nay hầu như không còn tìm thấy trong các kho lưu trữ ở trong và ngoài nước. Chính nhờ vào bộ tư liệu ảnh này mà nhiều công trình văn hóa và kiến trúc của Huế đã được nghiên cứu phục dựng một cách thành công và chính xác, hoặc chí ít nó cũng là tài liệu được dùng làm cơ sở để đối sánh và phản biện trong công tác điều tra nghiên cứu sau này. Đặc biệt, ông được tín nhiệm giao nhiệm vụ nghiên cứu chấp bút soạn thảo hai bộ hồ sơ để trình lên UNESCO công nhận quần thể di tích Huế và nhã nhạc cung đình Huế là di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của thế giới.

(Biệt phủ Thuận An mang nét thanh tịnh và đậm tình người của văn hóa truyền thống Huế.)

Bên cạnh công tác nghiên cứu văn hóa Huế, nhà Huế học Phan Thuận An còn là một mẫu người điển hình cho phong cách văn hoá Huế truyền thống.

(Nhà Huế học Phan Thuận An (tháng 6/2007).)

Với một phong thái thâm trầm, nhẹ nhàng, kín đáo và coi trọng lễ nghi trong giao tiếp, người đối thoại với ông luôn có một cảm giác thú vị như được tiếp xúc với nét văn hóa truyền thống Huế. Vì vậy, nhiều đoàn nghiên cứu và những người quan tâm đến văn hóa Huế ở trong và ngoài nước khi ghé thăm Huế đều tìm đến gặp ông. Họ đến với ông vừa để trao đổi sẻ chia các vấn đề thuộc về học thuật và cũng vừa để được trực tiếp thấy những nét văn hóa Huế điển hình từ con người, phong cách của ông cũng như chiêm ngưỡng biệt phủ thanh tịnh, ngát hương sen và xanh cỏ cây mà ông còn giữ được cho đến tận ngày nay.

Bài: Thanh Hòa – Ảnh: Trọng Chính & Tư liệu (BAVN)
thuanan.net- sưu tầm