Nhiều tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi đã bị Trung Quốc bắt
Thêm một tàu cá của ngư dân Lý Sơn, Quảng Ngãi, bị Trung Quốc bắt gần Hoàng Sa, trong khi 12 người khác còn bị giam giữ.
Được biết chiếc tàu vừa bị bắt là của ông Mai Phụng Lưu, xã An Hải, huyện đảoLý Sơn, với chín thuyền viên trên khoang.
Tàu cá do ông Lưu làm thuyền trưởng bị phía Trung Quốc bắt khi đang làm nghề cá tại đảo Đá Lôi, thuộc quần đảo Hoàng Sa. Cũng như nhiều lần trước, những kẻ bắt giữ ngư dân Việt Nam đòi tiền chuộc trước khi trả tự do cho họ.
Hôm 22/03, một tàu khác với 12 ngư dân huyện Bình Châu, Quảng Ngãi, bị bắt cũng tại khu vực Hoàng Sa và tới nay vẫn đang bị giữ trên đảo Phú Lâm.
Thuyền cá của ông Tiêu Viết Là, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn bị bắt lần này là lần thứ hai.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản đối và đòi trả tự do cho ngư dân Việt Nam, nhưng cho tới nay, gần một tháng họ vẫn chưa được thả.
Việc tàu cá Việt Nam bị lực lượng tuần ngư và biên phòng Trung Quốc bắt giữ và phạt vạ xảy ra nhiều trong hai năm nay, nhất là tại vùng biển giáp ranh xung quanh quần đảo Hoàng Sa.
Họp Asean-Trung Quốc
Năm ngoái hàng chục ngư dân Việt Nam đã bị giam cầm, thậm chí bị đánh đập và đòi tiền chuộc.
Bắt đầu từ năm ngoái, Trung Quốc mở rộng thời hạn cấm đánh bắt tại các vùng biển mà nước này coi là của mình từ một tháng lên tới gần ba tháng, gây khó khăn cho ngư dân các nước lân cận.
Cả Việt Nam và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền tại đây, nhưng Trung Quốc đã chiếm hoàn toàn quần đảo này từ năm 1974.
Việt Nam cũng đã công bố nhiều văn bản mang tính lịch sử khẳng định chủ quyền của mình và thành lập cơ quan hành chính huyện Hoàng Sa.
Tuy nhiên, tranh chấp chủ quyền trên biển là vấn đề phức tạp, không thể giải quyết nhanh.
Cuối tuần trước, trong hai ngày 16/04-17/04, Nhóm Công tác chung Asean – Trung Quốc về thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) đã họp tại Hà Nội.
Thông tấn xã Việt Nam nói các bên “khẳng định cam kết tôn trọng và thực hiện đầy đủ tuyên bố” DOC.
Đây là cuộc họp chuyên viên, và kết quả sẽ được trình lên các quan chức ngoại giao cấp cao xem xét.
Theo BBC