Bình luận của Reuters cho rằng mức tăng cho vay bằng tiền đô la Mỹ ở Việt Nam có thể tạo ra áp lực lên tỷ giá với tiền Việt vào nửa cuối năm nay, khi các bên vay vốn phải trả nợ.
Phóng viên của Reuters tại Hà Nội hôm 17 tháng 5 cũng ghi nhận khả năng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam can thiệp để làm nguội nhu cầu đô la, không để thị trường bị ảnh hưởng nhiều từ tháng Bảy, trong bối cảnh đa số các khoản vay đô la đều nằm trong hạn 3 đến 6 tháng.
“Vay ngoại tệ tăng nhanh trong năm nay vì các công ty thấy lãi suất có lợi hơn vay bằng tiền đồng,” lời quan chức từ một ngân hàng Việt Nam ở Hà Nội.
Bà giải thích các khoản vay bằng đô la dao động trong khoảng 6,5-7% lãi suất trong khi với tiền đồng là 14-15%, cho nên xu hướng gia tăng trong tháng Ba và tháng Tư, một phần vì các công ty nhìn thấy lãi suất được giữ ổn định.
Trong năm nay đồng đô la chỉ tăng 2.7% so với tiền đồng, đứng ở mức 18.990/19.040 VND trong ngày thứ Hai, sau khi tăng 5,4% trong năm 2009.
Tính đến cuối tháng Tư thì tiền vay bằng đô la tăng 17,5% so với cuối năm 2009, trong khi vay bằng tiền đồng chỉ tăng 2,3%, theo tin hồi cuối tuần trên tờ báo do ngân hàng xuất bản.
Chỉ riêng trong tháng Tư thì tiền vay bằng đô la tăng 3% so với tháng Ba, nhiều hơn số tăng bằng tiền đồng là 1,41%, trong một báo cáo khác được lập hàng tháng.
Giới ngân hàng nói nguy cơ muốn gia tăng các khoản vay bằng tiền đô sẽ xuất hiện trong nửa sau của năm.
“Với các công ty không có thu nhập bằng đô la thì nhu cầu mua tiền đô la của họ sẽ tạo áp lực lên các ngân hàng và tỷ giá,” theo bình luận của một chuyên gia ngân hàng khác ở Việt Nam.
Thứ Năm tuần trước Ngân hàng Nhà nước cam kết sẽ giữ tỷ giá ổn định, nhằm xua tan nghi ngại của thị trường theo sau tin trên báo cho rằng tiền đồng sẽ bị phá giá khoảng 4%.
Ngân hàng Nhà nước còn nói các ngân hàng đã bán ra 1 tỷ đô la từ giữa tháng Tư cho Ngân hàng Nhà nước nhờ số dư ngoại tệ, theo ghi nhận của Reuters.
Source:BBC News