Ông Bà Nuôi Dạy Con Cháu trên Đất Mỹ

Ông Bà Nuôi Dạy Con Cháu trên Đất Mỹ

1/ “Tôi hiện đang trông nom đứa cháu trai khoảng 4 tuổi vì bố mẹ nó đi làm. Nhiều khi tôi và bố mẹ nó cứ tranh cãi vì con tôi thường cằn nhằn những điều tôi làm cho cháu bé, chẳng hạn như cho cháu ngủ chung với tôi. Tôi chẳng hiểu tại sao, vì đây là vẫn cách mà tôi đã từng săn sóc các con tôi; đó cũng là cách mà cha mẹ tôi đã săn sóc tôi ngày xưa. Xin giúp ý làm cách nào tôi có thể giải thích cho các con tôi hiểu điều này. Cám ơn.” Trinh, Saratoga
“Thưa bà, phương pháp nuôi dạy con cái rất khác nhau ở những môi trường văn hóa khác nhau, điều này đã dẫn đến nhiều sự mâu thuẫn và tranh cãi. Lãnh vực giáo dục con cái là lãnh vực đã có nhiều sự thay đổi nhất trong những thập niên vừa qua dựa trên những nghiên cứu và khám phá khoa học mới trong lãnh vực phát triển của thiếu nhi. Nhiều gia đình cũng đã trải qua những cuộc tranh luận gay gắt về những phương pháp nuôi dạy con cái khác nhau, chẳng hạn như có nên để trẻ con ngủ chung với người lớn hay không, nên để con bú sữa mẹ hay sữa bình, có nên để con trẻ tập theo đúng thời khóa biểu hay nên để các con tự do phát triển theo ý chúng, v.v… Đã có nhiều ý kiến khác nhau, có ý kiến dựa trên nền tảng đã thực hành từ nhiều đời trước, lại có ý kiến dựa trên những nghiên cứu về kinh nghiệm, và chẳng có ai đi đến kết luận nào cả về các vấn đề này.
Theo tôi, mỗi gia đình nên hiểu rõ về mục tiêu của vấn đề nuôi dạy con cái, là nuôi dạy sao cho con cái trưởng thành một cách lành mạnh. Nhiều buổi tranh luận giữa gia đình đã thường diễn ra dựa trên nền tảng là những mối quan hệ với nhau và quyền lực trong gia đình, cuối cùng đã dẫn đi xa khỏi mục tiêu là nuôi dạy con cái lành mạnh.
Kế đến, chúng ta nên phân biệt để hiểu rõ vai trò và trách nhiệm khác nhau của cha mẹ và ông bà. Ở Việt Nam, chúng ta thường sống chung với nhau trong một đại gia đình, do đó nhiều khi các vai trò đã không được phân định rõ ràng và lẫn lộn vào nhau, vì tất cả mọi người đều cùng tham gia vào việc nuôi dạy con cái. Ở đây, mỗi gia đình là một đơn vị riêng biệt, cha mẹ là người có trách nhiệm hợp pháp tối hậu về con cái của họ, vì thế, họ mới là người có quyền quyết định về phương pháp giáo dục con cái. Một điều kiện quan trọng trong vấn đề giáo dục con cái trưởng thành một cách lành mạnh là cần có một môi trường bình yên và hài hòa. Nếu gia đình thường xảy ra tranh chấp và gay gắt với nhau, nếu con cái cảm nhận được sự thù địch và oán giận nhau trong gia đình, nếu quan điểm của cha mẹ và ông bà hoàn toàn mâu thuẫn nhau, thì điều tốt nhất là nên tìm một người khác săn sóc con mình, nhằm giữ lại hòa khí trong gia đình.”

2/ “Tôi là một bà nội 67 tuổi, hiện đang trông nom 2 đứa cháu trai 2 tuổi nghịch ngợm cả ngày. Tôi đã lớn tuổi, cảm thấy rất mệt mỏi và không thể chạy rượt đuổi theo chúng cả ngày được như hồi tôi còn trẻ và khỏe mạnh. Đã có nhiều lần tôi phải bắt chúng ngồi yên coi TV, để tôi có thể cho chúng ăn uống hoặc tôi có thể rảnh tay làm chút việc nhà. Hai đứa cháu này đã học tiếng Anh rành rõi từ TV. Tuy nhiên, bạn bè tôi khuyên rằng tôi không nên để cháu coi TV cả ngày như thế được, điều này không tốt. Có đúng thế không? Nếu không, thì làm cách nào tôi có thể có sức mà rượt đuổi theo 2 đứa cháu nghịch ngợm này được?” – Như, Alviso
“Thưa bà, nhiều trẻ em 2 tuổi thường rất hiếu động, và theo lời kể, có vẻ như 2 đứa cháu của bà có thể là hiếu động quá mức bình thường. Nếu đúng như vậy, thì quả thật rất khó khăn cho một người lớn tuổi như bà để có thể trông nom các cháu, chưa kể là bà còn có việc nhà để phải lo nữa. Tôi thông cảm với cảm nhận của bà. Mặc dù có nhiều chương trình giáo dục TV thích hợp cho sự phát triển tâm thức của mỗi lứa tuổi, nhưng nếu để các em mê coi TV quá mức sẽ rất có hại vì nó không giúp cho sự phát triển của ý thức và giao tiếp trong xã hội. Một nghiên cứu mới đây của báo Journal of Pediatrics cho biết rằng đối với trẻ em từ 8 tháng đến 16 tháng, cứ mỗi một giờ mà các em coi video thì coi như các em mất đi một cơ hội học hỏi từ 6 cho đến 8 chữ mới; nếu so với các em không coi TV, thì số từ ngữ mà các em coi TV học hỏi được đã bị giảm đi 17%. Bà cần phải thảo luận với các con của bà về phương pháp mà họ muốn giáo dục con cái, cũng như làm thế nào để bà có thể phụ giúp trong việc chăm sóc con cái của họ. Bà có thể góp ý với họ rằng nên giảm bớt thời gian mà bà phải trông nom các cháu, đồng thời không nhờ bà làm việc nhà, cũng như sắp xếp để có người dẫn các cháu ra chơi ở công viên, đến thư viện, v.v… Các cháu cần có những sinh hoạt giải trí ngoài trời, giao tiếp với xã hội, đọc sách, v.v… Nếu không thể sắp xếp được để có thể giúp giảm bớt gánh nặng của bà, thì chính tôi cũng cảm thấy rất quan tâm cho sức khỏe của bà và cho cả sự phát triển lành mạnh của các cháu nội của bà.”

3/ “Tôi vừa trở lại sở làm sau một thời gian nghỉ ở nhà để sinh nở. Hiện cháu gái được 10 tháng và do mẹ tôi săn sóc trông nom trong lúc tôi đi làm. Tôi tin tưởng rằng mẹ tôi sẽ săn sóc con tôi thật cẩn thận, tuy nhiên, tôi lại bắt đầu cảm thấy lo ngại rằng con tôi sẽ không thương tôi bằng thương mẹ tôi, bởi tôi đi làm vắng mặt cả ngày. Một mặt, tôi muốn mẹ tôi trở thành một phần trong đời sống của con tôi, mặt khác tôi lại không muốn đánh mất tình thương của con tôi và cảm thấy có tội vì bận đi làm vắng cả ngày. Tôi phải làm sao bây giờ?” – Lý, Palo Alto
“Thưa bà, ở thời đại hiện nay, có rất nhiều bà mẹ đi làm mà vẫn giữ được mối quan hệ tốt đẹp với con cái của họ. Điều quan trọng là bà cần có thời gian có phẩm lượng tốt với con (quality time) hơn là nhiều thời gian gần con mà con thì tự chơi một mình, còn mình thì đọc sách hoặc làm việc nhà. Bà nên sắp xếp để có thời giờ riêng với con gái, cùng tham dự những sinh hoạt mà con bà thích, chẳng hạn như tắm cho con, chơi với con, đọc sách cho con hoặc ru con ngủ. Hãy luôn luôn có mặt cạnh con, nói chuyện, trao đổi, ôm ấp bé và đừng suy nghĩ đến công việc làm khi săn sóc con. Điều quan trọng là con bà cảm thấy gần gũi bà. Đây là những khoảnh khắc quý giá, nếu bà có thể giảm bớt số thời giờ làm việc, và nếu bà cảm thấy thích thú trong việc săn sóc con nhỏ, thì nên ở nhà và hoặc tăng thời gian ở nhà lên là điều tốt nhất. Tuy nhiên, bà không nên cảm thấy có tội. Một bà ngoại yêu mến con cháu hoặc có đầy đủ khả năng săn sóc con cháu trong lúc bà đi làm vắng nhà, thì con gái bà sẽ trưởng thành với sự thông cảm và cảm kích tình yêu thương của bà, ngay cả khi bà vắng mặt không ở cạnh con cả ngày được.”

Elise Nguyễn & LiênHương Cao

Tags:

Leave a Reply