10 – NHẠC SĨ ĐỖ KIM BẢNG
Nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng gốc Quảng Nam, sinh năm 1932 tại Huế. Ông là bạn đồng khoá với nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương từ trường trung học Khải Định cho đến trường Cao đẳng Sư phạm và Đại học Văn khoa Hà Nội. Ông học đàn với nhạc sĩ Lê Quang Nhạc, học lóm nhạc lý Tây phương với nhạc sĩ Văn Giảng và học thêm cổ nhạc với nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba. Những năm học trung học ông tham gia sinh hoạt văn nghệ trong trường và trong Gia đình Phật tử với các bạn như Phạm Mạnh Cương, Hồ Đăng Tín, Hoàng Nguyên, Kiêm Đạt, Diên Nghị, Tạ Ký (thơ), Minh Tuyền (nhiếp ảnh), Lữ Hồ (văn học)…
Năm 1949, ông sáng tác ca khúc “Mục Kiền Liên” và trình bày trong mùa Vu Lan tại Huế.
Năm 1951, ông làm bài “Mùa th ” được ban hợp ca Thăng Long dựng thành nhạc cảnh và trình diễn nơi ở trong nước.
“Hôm nay mùa thi , bao nhiêu người đi
Xe rộn ràng, lớp ồn ào, niềm vui vấn vương.
Thi ơi là thi, sinh mi làm chi ,
“bay” nghẹn ngào, “bám” ồn ào, buồn vui vì mi” .
Sau đó được ban Gió Nam của nghệ sĩ Trần Văn Trạch cùng ban Thăng Long trình diễn “Mùa thi” tại Hà Nội năm 1954. Ban Thăng Long đã làm bài hát này nổi tiếng và đưa tên tuổi ông đến giới hâm mộ nhạc VN.
Năm 1953, ông ra Hà Nội học tại Đại học Văn khoa và Cao đẳng Sư phạm. Trong thời gian này ông học thêm âm nhạc với nhạc sĩ Hùng Lân. Cuối năm 1954, ông di cư vào Saigon .
Năm 1955, ông tốt nghiệp Cao đẳng Sư Phạm, được bộ Giáo dục biệt phái sang bộ Quốc phòng và dạy tại trường Võ bị Quốc Gia Đà Lạt từ 1955 đến 1960. Trong thời gian này ông sáng tác bản “Khúc hát ngày mai” được ban Thăng Long trình bày trên đài phát thanh Saigon và đài Quân đội.
Năm 1960 về lại bộ Giáo dục ông dạy tại trường Trần Lục rồi Nguyễn Du. Trong năm này ông cho ra đời bài “Mưa đêm ngoại ô” và năm 1963 bài “Bước chân chiều Chủ nhật” do Thanh Thúy hát.
Năm 1965 ông nhập ngũ khóa 21 trường Võ bị Thủ Đức. Ra trường với cấp bậc chuẩn úy, ông làm việc dưới quyền của thi sĩ Tô Kiều Ngân, lúc ấy là đại úy Trưởng phòng và thi sĩ Tô Thùy Yên, trung úy phụ tá Trưởng phòng của Phòng Văn nghệ Cục Tâm lý chiến. Tại đây ông cùng làm việc với các nhạc sĩ khác như Lam Phương, Duy Khánh, Trầm Tử Thiêng, Song Ngọc, Phạm Minh Cảnh, Anh Việt Thu, vv… Cùng phục vụ trong Cục Tâm lý chiến ông cũng đã gặp và quen biết các nhạc sĩ cùng các văn, nghệ sĩ như Trần Trịnh, Trần Thiện Thanh, Mai Trung Tỉnh, Tường Linh, Du Tử Lê, Phạm Lê Phương, Tạ Tỵ….Cũng trong thời gian này ông viết bản trường ca “Những người đi giữ quê hương” được Ban hợp ca Quân đội trình bày tại rạp Thống Nhất nhân ngày Quân lực VNCH năm 1969, dưới sự điều khiển của nhạc sĩ Vũ Minh Tuynh và Ngô Mạnh Thu .
Năm 1969 ông được biệt phái về lại bộ Giáo dục và tiếp tục dạy học cho đến tháng 4-1975. Sau đó, ông đi học tập cải tạo đến năm 1978.
Năm 1980, ông vượt biên rồi được định cư tại Hoa Kỳ. Ông đi học lại nghề cũ và dạy học ở Boston cho đến 1999 th2 về hưu. Trong thời gian ở Mỹ ông phổ nhạc bài thơ “Tháng ba đi hành quân” của Trần Hoài Thư.
Ngoài những nhạc phẩm nêu trên ông còn những sáng tác khác như : Mưa đêm ngoại ô, Sương đêm, Vòng tay giữ trọn ân tình, Vui dựng gia đình, Xin dìu nhau đến tình yêu.
11 – NHẠC SĨ HOÀNG NGUYÊN
Nhạc sĩ Hoàng Nguyên tên thật là Cao Cự Phúc sinh ngày 03-01-1932 tại Quảng Trị, nhưng lớn lên và học hành tại Huế. Ông mất ngày 21-08-1973 tại Saigon trong một tai nạn xe cộ lúc ông 41 tuổi là lúc tài năng sáng tác đang lên.
Ông học trung học tại trường Quốc Học Huế, đậu Cử nhân Anh văn tại Đại học Saigon, dạy anh văn và âm nhạc tại Đà Lạt, Vĩnh Long, Saigon.
Ông phụ trách ban nhạc đại hòa tấu “Hương thời gian” trên Đài truyền hình VN và chương trình “Tiếng thời gian” trên Đài phát thanh Saigon.
Ông có nhiều kỷ niệm với Đà Lạt và hai nhạc phẩm nói về miền cao nguyên này là “Ai lên xứ hoa đào”, “Bài thơ hoa đào” trở thành tác phẩm tiêu biểu của ông. Hai tác phẩm này hiện nay được nữ ca sĩ Ánh Tuyết trình bày rất thành công, đã làm rung động những tâm hồn yêu nhạc. Nhạc đã hay mà lời lại như thơ.
Ai lên xứ hoa đào dừng chân bên hồ nghe chiều rơi
Nghe hơi gió len vào hồn người chiều xuân mây êm trôi
Thông reo bên suối vắng lời dặt dìu như tiếng tơ
Xuân đi trong mắt biếc lòng dạt dào nên ý thơ
Nghe tâm tư mơ ước chuyện Đào nguyên đẹp như chuyện ngày xưa …
Về xứ Huế, ông đã để lại cho đất Thần Kinh nhạc phẩm “Tà áo tím”, một bài hát trữ tình lãng mạn, êm đềm, thơ mộng và đã được ca sĩ Hà Thanh ru vào lòng người :
Một chiều lang thang bên dòng Hương Giang
Tôi gặp một tà áo tím nhẹ thấp thoáng trong nắng vương
Màu áo tím sao luyến thương, màu áo tím sao vấn vương
Rồi lòng bâng khuâng theo màu áo ấy, màu áo tím hôm nào
Tình quyến luyến ban đầu, chập chờn tâm tư màu áo thoáng chiêm bao…
Những ca khúc khác của Hoàng Nguyên gồm có : Anh đi mai về, Anh đi về đâu, Bài Tango riêng cho em, Cho người tình lỡ, Đường nào em đi, Đường nào lên Thiên thai, Duyên nước tình trăng, Em chờ anh trở lại, Lá rụng ven sông, Lời dặn dò, Sao em không đến, Thuở ấy yêu nhau.
12 – NHẠC SĨ NHỊ HÀ
Nhạc sĩ Nhị Hà tên thật là Lê Quang Mại, sinh ngày 24-08- 1935 tại Quảng Bình, nhưng lớn lên tại Huế và học trường trung học Khải Định. Sau khi đỗ Tú tài 2, ông vào Saigon. Sáng tác của ông không nhiều, nhưng mọi người đều biết tên ông qua nhạc phẩm “Mẹ tôi”, và nhất là từ khi ca sĩ Như Quỳnh hát bài này trên sân khấu Thúy Nga.
Mẹ tôi tóc xanh nhuộm bạc tháng ngày
Mẹ tôi đau buồn nặng trĩu đôi vai
Bao năm nuôi đàn trẻ thơ nhỏ dại
Cầu mong con mình có một ngày mai…
Nhạc phẩm thứ hai của Nhị Hà được nhiều người biết đến lá bài “Trở về thôn cũ” nói lên cảnh quê hương điêu tàn đổ nát vì sự tàn phá của chiến tranh trong thời chống Pháp :
Nhưng sao hôm nay tôi trở lại quê xưa
Tuy con sông xưa vẫn êm đềm uốn quanh
Còn đâu đồng xanh, còn đâu gia đình
Còn đâu bóng hình mẹ già mến yêu…
Ngoài hai tác phẩm tiêu biểu trên, ông còn sáng tác các bài như : Đừng trách người đi, Lá thư xuân, Nhớ một mùa hoa…
13 – NHẠC SĨ LÊ CAO PHAN
Nếu không có bài hát “Phật giáo Việt Nam” được dùng làm bài ca chính thức cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, thì rất ít người VN biết đến nhạc sĩ Lê Cao Phan.
Phật giáo Việt Nam thống nhất Bắc, Nam, Trung từ đây
Một lòng chúng ta tiến lên vì Đài Sen…
Trước đây, ông chỉ sáng tác những ca khúc vui tươi dành cho thiếu nhi, cho học sinh, nên thường những ai làm nghề nhà giáo mới biết đến ông. Các bài hát vui của ông dành cho thiếu nhi gồm có : Bài ca tình bạn, Ca múa học vui, Hai chú gà con, Nhi đồng múa ca, Ra chơi, Tập tầm vông, Tiếng còi đánh thức, Vui đi học.
14 – NHẠC SĨ LÊ QUANG NHẠC
Hiện nay người ta chỉ biết nhạc sĩ Lê Quang Nhạc là người Huế. Ông là giáo sư âm nhạc của vài trường trung học ở cố đô, đồng thời là nhạc sĩ dương cầm trong ban nhạc của Đài phát thanh Huế trong thập niên 50. Tác phẩm duy nhất của ông còn lại đến bây giờ là nhạc phẩm “Xa quê”.
15 – NHẠC SĨ PHẠM MẠNH CƯƠNG
Nói đến nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương , người yêu nhạc nhớ đến “Thu ca”, một trong những ca khúc được thu thanh nhiều nhất từ trong nước đến hải ngoại, và cũng là nhạc hiệu quen thuộc của những chương trình ca nhạc của ông tại các Đài phát thanh và truyền hình Saigon trước năm 1975.
Nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương sinh quán tại Huế, tỉnh Thừa Thiên. Ông theo học bậc trung học tại trường Khải Định, đỗ Tú tài 2 năm 1953. Sau đó, ông ra Hà Nội tiếp tục việc học, tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm và Cử nhân Văn khoa 1955.
Từ 1955 đến 1958, ông là giáo sư tại trường trung học Nguyễn Đình Chiểu, Mỹ Tho.
Từ 1958 đến 1975, ông là giáo sư môn triết và môn văn tại trường trung học công lập Pétrus Ký và các trường tư thục lớn ở Saigon như Văn Học, Nguyễn Văn Khuê, Bồ Đề, Hưng Đạo, Văn Lang, Lê Bảo Tịnh, Huỳnh Thị Ngà, Thượng Hiền…
Từ 1960 đến 1975, ông vừa dạy học vừa hoạt động âm nhạc. Ông là trưởng ban các chương trình “Hoa thời đại” của Đài Phát thanh Saigon, “Tiếng hát hậu phương”, “Nghệ sĩ và chiến sĩ” của Đài Tiếng nói Quân đội, “Chương trình Phạm Mạnh Cương” của Đài truyền hình. Ông còn là giám đốc trung tâm “Tú Quỳnh”, một trung tâm băng nhạc quy mô đầu tiên tại Saigon.
Năm 1980, ông rời Việt Nam và định cư tại thành phố Montreal, tỉnh Quebec, Canada. Ông tiếp tục hoạt động văn nghệ : thành lập ban nhạc Phạm Mạnh Cương với hai người con là nhạc sĩ Phạm Mạnh Quỳnh và Phạm Lê Diễm Phúc. Đồng thời ông là chủ biên nguyệt san Thẩm Mỹ từ năm 1994 đến nay.
Một số nhạc phẩm nổi tiếng của ông đã xuất bản và thu thanh tại VN trước 1975 : Thung lũng hồng, Mắt lệ cho người tình, Tóc em chưa úa nắng hè, Thương hoài ngàn năm, Tình yêu đã mất, Giã từ cố đô, Về thăm cố đô, Loài hoa không vỡ, Tháng bảy mưa ngâu, Sầu ly biệt, Nhạc khúc mừng xuân, Thu về trong mắt em…
Tháng 04-2003, nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương đã được trung tâm Thúy Nga mời xuất hiện trên băng Vidéo “Paris By Night 70”, chủ đề “Thu ca” cùng với hai nhạc sĩ Lê Dinh và Trường Sa.
16 – NHẠC SĨ DUY KHÁNH
Nhạc sĩ Duy Khánh tên thật là Nguyễn Văn Diệp, sinh năm 1936 tại làng An Cư, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ông thuộc dòng họ quan phụ chánh đại thần Nguyễn Văn Tường triều Nguyễn. Tuy không sống ở Huế nhưng Quảng Trị rất gần với cố đô, nên ông thường lui tới với các bạn bè ở đây. Ông rất nặng tình với xứ Huế và là người nhạc sĩ có nhiều nhạc phẩm nói về quê hương miền Trung của ông như : Ai ra xứ Huế, Sầu cố đô, Nén hương yêu, Sao không thấy anh về, Thương về miền Trung, Bao giờ em quên, Biết trả lời sao, Lối về đất mẹ, Huế đẹp Huế thơ.
Những ngày cuối đời, ông sống tại Hoa Kỳ và cho xuất bản hai tập nhạc gồm những nhạc phẩm được sáng tác từ trước đến nay. Tập 1 mang tựa đề “Huế đẹp và thơ”, tập 2 “Nỗi niềm riêng”.
Ngày 10-01-2003, một buổi dạ vũ mang tên “Tạ tình tiếng hát và dòng nhạc Duy Khánh” được tổ chức tại vũ trường Majestic, thành phố Huntington Beach, quận hạt Orange County, để nhớ công lao của ông đã đóng góp cho nền âm nhạc VN.
17 – NHẠC SĨ HOÀNG THI THƠ
Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ sinh ngày 01 – 07 – 1928 tại làng Bích Khê, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ông học trung học tại Huế. Ông theo kháng chiến một thời gian, sau đó vào Saigon lập nghiệp và sinh hoạt âm nhạc cho đến 1975. Sự đóng góp to tát của ông cho nền âm nhạc VN mọi người đều biết. Vì quê ở miền Trung, nên nhạc của ông cũng mang âm hưởng tiếng hò giọng hát miền Trung. Riêng về xứ Huế, ông có những nhạc phẩm như “, Chiều cố đô”, Tâm tình gửi Huế, ”…
Năm 1975, khi biến cố 30-04 xảy ra, lúc đó, ông đang hướng dẫn đoàn văn nghệ VN trình diễn ở Nhật. Sau đó ông định cư tại Hoa Kỳ và mất ngày 23 – 09 – 2001 tại Glendale , Nam Cali , thọ 74 tuổi .
18 – NHẠC SĨ DƯƠNG THIỆU TƯỚC
Ông là nhạc sĩ gốc miền Bắc nhưng nổi danh qua hai bản nhạc miền Trung : ‘Tiếng xưa” và “Đêm tàn Bến Ngự”. Ông sinh ngày 15 – 05 – 1915 tại làng Vân Đình , huyện Sơn Lãng , phủ Ứng Hòa , tỉnh Hà Đông, trong một gia đình nho học truyền thống. Năm 1930 ông gia nhập nhóm Myosotis, là nhóm nhạc sĩ đầu tiên khởi xướng tân nhạc VN. Ông chủ trương viết “nhạc Tây theo điệu ta”. Trong thời gian ông và vợ, là ca sĩ Minh Trang, vào Huế thăm bạn bè đồng thời nghiên cứu về dân ca Huế và cổ nhạc miền Trung, ông đã dùng ký âm pháp Tây phương ghi lại một cách chính xác những câu hò, điệu hát của địa phương như hò mái đẩy, ca Huế, nhạc cung đình… Cái âm hưởng buồn mênh mông của cổ nhạc Huế bắt nguồn từ tiếng hát ai oán của người dân Chàm mất nước đã ảnh hưởng đến người nhạc sĩ miền Bắc, và ông đã sáng tác bản “Tiếng xưa”. Rồi trong một đêm trăng ông cùng các bạn nghệ sĩ tổ chức đi thuyền ca hát trên sông Hương, một thú vui tao nhã của các văn nhân, nghệ sĩ lúc bấy giờ. Đêm về khuya, mọi người đều đã an giấc trong khoang thuyền. Không ngủ được, ông ra mũi thuyền ngồi ngắm trăng. Giữa cảnh im lặng trời nước mênh mông, nhìn những con đò cập bến sát bên nhau khiến ông bâng khuâng, cảm hứng dạt dào, ông liền lấy sổ tay ra ghi chép và viết nên nhạc phẩm “Đêm tàn Bến Ngự”. Hai ca khúc bất hủ này trở thành tác phẩm tiêu biểu ông. .
NN