6 – NHẠC SĨ LÊ MỘNG BẢO
Nhạc sĩ Lê Mộng Bảo sinh năm 1923 tại Huế, trong một gia đình nho giáo gốc Minh Hương. Năm 1940 lúc lên 17 tuổi, ông đã bắt đầu sống tự lập. Ông ra Bắc làm việc cho tờ báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng. Ông học chữ Hán với cụ Phan Bội Châu, học nhạc với nhạc sĩ Đặng Thế Phong và Nguyễn Văn Thương.
Năm 1944, ông trở về Huế và làm việc tại Sở Bưu điện Huế.
Năm 1945, ông thôi việc và mở một tiệm bán sách trên đường Trần Hưng Đạo. Ông xuất bản nhạc phẩm “Quảng dường mai” của Nguyễn Hữu Ba và từ đó, ông đi luôn vào ngành xuất bản âm nhạc. Vì công việc làm ăn nên ông thường hay đi Hà Nội, do đó ông quen biết nhiều nhạc sĩ sống ở miền Bắc như Văn Cao, Phạm Duy, Nguyễn Xuân Khoát, Bùi Công Kỳ, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Đình Phúc, v.v… Trong thời gian này, theo phong trào chống Pháp ông sáng tác bản nhạc đầu tay “Không làm nô lệ”.
Name 1948 ông cộng tác với nhà xuất bản Tinh Hoa của ông Tăng duyệt, và chính ông đã giúp ông Tăng Duyệt phát triển thành nhà xuất bản nhạc phẩm uy tín nhất VN.
Năm 1952, ông Tăng Duyệt cử ông vào Saigon lập chi nhánh nhà xuất bản Tinh Hoa 2 để xuất bản những nhạc phẩm của các nhạc sĩ miền Nam.
Năm 1956, nhà xuất bản Tinh Hoa Huế ngưng hoạt động, vì tình hình chính trị thay đổi. Tại Saigon, một mình Lê Mộng Bảo khai trương nhà xuất bản lấy tên là Tinh Hoa Miền Nam. Ông có tài kinh doanh nên ngoài việc xuất bản ông còn phân phối nhạc phẩm đến tận các nhà sách và các nhà dù bán nhạc trên các lề đường Saigon. Nhà xuất bản nhạc phẩm của ông là nhà xuất bản VN đầu tiên có tên trong danh mục các nhà xuất bản nhạc quốc tế “Worldwide music trade directory”.
Ông có nhiều nhạc phẩm sáng tác như “Đổi thay”, “Mùa ve sầu”, “Phận nghèo”, “Thân phận”, “Bọt bèo”, “Xa anh rồi”, “Không hiểu tại sao”, “Sao lừa dối em”. Ông có sáng tác chung với các nhạc sĩ khác như Văn Phụng, Mạnh Phát, Tô Kiều Ngân, Phạm Mạnh Cương… Ông cũng có bài tân cổ giao duyên “Thân phận” soạn chung với soạn giả cải lương Quế Chi. Bản này được thu thanh vào dĩa, qua giọng ca của Minh Vương và Thanh Kim Huệ.
Ông cùng các nhạc sĩ Lê Thương, Nguyễn Hữu Ba, Phạm Duy, Xuân Phát… thành lập Hội nhạc sĩ VN.
Năm 1973, ông cùng với nhac sĩ Văn Giảng, các ca sĩ Mộc Lan, Kim Tước phụ trách lớp nhạc lý tại Viện khoa học giáo dục. Ông cùng với nhạc sĩ Song Ngọc phụ trách chương trình “Hoa tình thương” trên Đài truyền hình VN và đi lưu diễn tại các tiền đồn xa xôi. Ông cũng là chuyên viên báo chí, thời Hoàng Đức Nhã làm Bộ trưởng Thông tin và Dân vận. Ông phụ trách tờ báo “Lẽ sống” ở Saigon.
Sau 1975, ông đi học tập cải tạo đến 1981. Năm 1993 ông sang Hoa Kỳ theo diện HO và đang định cư tại Cali.
7 – NHẠC SĨ LÊ MỘNG NGUYÊN
Nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên sinh năm 1930 tại Huế, trong một gia đình trí thức và yêu văn học, nghệ thuật.
Ông có người anh tên Lê Mộng Hoàng, là một ca sĩ có giọng ca Ténor nổi tiếng trong thập niên 40 của Đài phát thanh Huế. Nhưng ông anh thích làm diễn viên điện ảnh hơn làm ca sĩ. Sau khi du học ở Pháp về ngành điện ảnh, ông trở về VN đạo diễn phim “Bụi đời” và Lê Mộng Nguyên viết nhạc cho phim.
Nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên sáng tác nhạc hồi còn rất trẻ, nhưng mãi đến năm 1948 ông mới cho ra mắt nhạc phẩm “Mừng Khánh Đản” nhân dịp khánh thành chùa Từ Đàm Huế, “Vó ngựa giang hồ”, “Mùa lúa mới”, “Trường ca quân tiến”…
Khi ông 19 tuổi ông yêu tha thiết một cô gái Huế tên M. và chính người đẹp này là nguồn cảm hứng để ông viết bài “Trăng mờ bên suối” (1949). Sáng tác xong, ông gởi ngay cho nhạc sĩ Thu Hồ, lúc ấy đang là một ca sĩ nổi danh của đài phát thanh Pháp Á, mặc dù trước đó hai người chưa hề quen biết nhau. Thu Hồ đã thu thanh bản nhạc này với ban nhạc Trần Văn Lý. Từ Huế, nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên nghe giọng hát cũa Thu Hồ trình bày nhạc phẩm của mình, với cái radio của người hàng xóm tên Lê Văn Hy, qua làn sóng điện của đài Pháp Á. Từ đó ông tiếp tục gởi thêm những bài khác cho Thu Hồ, và hai người trở nên đôi bạn thân cho đến cuối cuộc đời.
Năm 1950, ông sang Pháp du học về ngành luật. Sau khi đỗ tiến sĩ ông dạy tại Đại học Paris về Luật hiến pháp, Khoa học Chính trị và kinh tế.
Năm 1996, ông về hưu và được bầu vào Hàn Lâm Viện Khoa học hải ngoại Pháp.
Những nhạc phẩm của Lê Mộng Nguyên gồm có :
1948 – Mừng Khánh Đản, Mùa lúa mới, Vó ngựa giang hồ
1949 – Trăng mờ bên suối, Một chiều thương nhớ, Trọng Thủy Mỵ Châu, Chiều thu Mưa Huế.
1950 – Hoàng Hoa Thôn, Nhớ Huế, Bài thơ Huế, Cô gái Huế, Về chơi thôn Vỹ Dạ, Đôi mắt nhung, Mơ Đà Lạt, Ly hương.
1951 – Bên dòng sông Seine, Xuân tha hương , Lá thư cho mẹ, Trời Âu.
1957 – Bụi đời Người đã trở về. 1980 – Xuân về nhớ mãi quê hương . 1988 – Chiề vàng trên chợ Đông Ba . 1991 – Quê tôi . 1992 – Kiếp giang hồ.
8 – NHẠC SĨ THU HỒ
Nhạc sĩ Thu Hồ tên thật là Hồ Thu sinh ngày 14-10-1919 tại làng Tân Mỹ (gần Thuận An), tỉnh Thừa Thiên. Ông có khiếu về âm nhạc và thơ lúc mới 12 tuổi. Ông là ca sĩ đầu tiên đưa những bài hát VN đầu tiên đến với thính giả, là gạch nối giữa những bài hát Pháp lời Việt do cô Kim Thoa, Thanh Tùng, Tư Chơi khởi xướng và các bài hát hoàn toàn VN. Thời gian theo học tại trường trung học Pellerin, ông ở trọ tại nhà ông bác của nhạc sĩ Trần Văn Lý và được nhạc sĩ truyền dạy cho nhạc lý Tây phương. Ông rất thích hát những bài mà Tino Rossi hay hát. Ông cũng là ca sĩ đầu tiên hát trước công chúng tại Hội Chợ Huế bài “La chanson du gondolier”.
Năm 1943 ông làm trưởng ga xe lửa Dầu Giây. Xa quê , xa gia đình, ông nhớ nhà, rồi nhớ đến hai câu ca dao “Chiều chiều ra đứng ngõ sau / Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều” khiến ông nhớ đến mẹ và viết nên bài “Quê mẹ”. Tuy là tác phẩm đầu tay, nhưng lại là bài hát tiêu biểu trong sự nghiệp âm nhạc của ông.
Năm 1947 ông tham gia vào ban “Thần Kinh nhạc đoàn ” với ban nhạc của nhạc sĩ Trần Văn Lý và các ca sĩ như Châu Kỳ, Mộc Lan, Minh Diệu, Minh Tần, Kim Nguyên, Mạnh Phát, Thu Thu, Vĩnh Lợi, vv …
Năm 1948 đài Pháp Á mở thêm chương trình tân nhạc VN và mời ông cộng tác. Từ đó, tiếng hát cũng như tên tuổi của ông đã vang đi khắp nước. Ngoài đài Pháp Á, sau này đổi tên thành Đài phát thanh Saigon ông còn hát cho đài Quân Đội. Thu Hồ không chỉ là ca sĩ mà còn là nhà soạn kịch và diễn viên sân khấu. Ông đã soạn trên một trăm vở kịch và cũng là diễn viên trong các vở kịch như “Hai chàng một áo”, “Thầy lang bất đắc dĩ”, vv… Thẩm Thúy Hằng đã mua những kịch bản của ông để diễn trên Đài truyền hình.
Năm 1954 ông đi quân dịch, làm Trưởng ban tuyên truyền lưu động Đệ I Quân khu đi ủy lạo binh sĩ ở các tiền đồn biên giới. Trong dịp này ông làm bài “Khúc ca Đồng Tháp”.
Năm 1957, mãn hạn quân dịch, ông gia nhập ban văn nghệ “Vì dân” của Tổng nha Cảnh sát Quốc gia.
Từ 1959 đến 1970, ông là giáo sư âm nhạc các trường trung học ở Saigon như Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Bá Tòng, Thiên Phước, Thánh Thomas… Ông là thành viên của SACEM, hội âm nhạc của Pháp, trụ sở đặt tại Paris.
Thu Hồ còn là nhà thơ đưọc nhiều người mến mộ. Ông cho ra mắt tập thơ mang tên “Ánh bình minh” năm 1965.
Sau năm 1975, ông kẹt lại ở Saigon. Năm 1990, Mỹ Hà con gái lớn của ông và chồng là tài tử điện ảnh La thoại Tân bảo lãnh gia đìng ông sang Hoa Kỳ. Ông sống tại Santa Ana với người con thứ là ca sĩ Mỹ Huyền cho đến cuối đời.
Năm 1993 ông và nhà thơ luật sư Ðỗ Đức Hậu được Hội Thi sĩ quốc tế (International Society Of Poets) bầu là “Đại sứ thi ca hòa bình” trong hội nghị thi ca họp tại Hoa Thịnh Đốn.
Để đánh dấu nhạc phẩm “Quê mẹ” tròn 50 tuổi, một đêm ca nhạc mang tên “Đêm quê mẹ” được tổ chức tại vũ trường Ritz tối 14-10-1993 tại Anaheim. Trong dịp này ông cho ra mắt tuyển tập nhạc “Hoa bốn mùa” gồm 22 bản nhạc ưng ý nhất của ông như “Quê mẹ”, “Tiếng sáo chiều quê”, “Sầu ly biệt”, “Nhớ nhau”, “Tím cả rừng chiều”, “Cô nữ sinh Đồng Khánh”, “Tà áo Trưng Vương”, “Mái tóc em gái Gia Long”, “Trăng huyền diệu” vv…
Một tuần trước khi ông từ giã cõi đời, các bạn bè đã tổ chức một đêm dạ vũ tương trợ dành cho ông tại Vũ trường Ritz. Theo ý nguyện của ông các bạn trích ra 567$ góp vào quỹ tượng đài Chiến sĩ tự do.
Ông mất ngày 19-05-2000, hưỏng thọ 81 tuổi.
9 – NHẠC SĨ NGÔ GANH
Nhạc sĩ Ngô Ganh chuyên về đàn Piano. Ông không để lại gì nhiều về sự nghiệp âm nhạc của ông, chỉ vỏn vẹn vài ba bài nhạc như “Con chim non”, “Chu Văn An”, “Trần Quốc Toản”, “Mưa dầm”, “Hương Bình”, “Hương Giang dưới trăng”… Người dân xứ Huế chỉ biết ông là một nhà giáo và nhất là lối sống bình dân,giản dị, hoạt bát, lạc quan mang tính khôi hài của ông. “Thầy Ganh đi mô rứa hè ?” Đó là câu chào hỏi chân tình mà người dân Huế dành cho ông. Mọi người đều gọi ông là “thầy Ganh” vì ông là giáo sư âm nhạc trường Đồng Khánh và Khải Định, hai trường Trung học lớn tiêu biểu cho đất Thần Kinh thời bấy giờ. Dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm ông giữ chức Giám đốc Đài phát thanh Huế. Ông là người có công thành lập một đội ngũ nhạc sĩ tân và cổ nhạc cho đài.
Ông còn là nhà hoạt động chính trị kín đáo. Ban đầu ông gia nhập những tổ chức theo khuynh hướng của cụ Phan Bội Châu. Một thời ông là hội viên của nhóm Tinh Thần do Bác sĩ Nguyễn Tăng Nguyên lãnh đạo. Khi ông Trần Văn Lý lên nắm chánh quyền thì nhạc sĩ Ngô Ganh có mặt trong danh sách đảng Cần lao Cách mạng, ở Huế do ông Nguyễn Chí Kỉnh lãnh đạo (không phải đảng Cần lao Nhân vị của ông Ngô Đình Nhu). Hai nhóm Nguyễn Tăng Nguyên và Nguyễn Chí Kỉnh đã bí mật quyên góp tiền bạc giúp ông Ngô Đình Diệm trên đường bôn ba hải ngoại.
Người dân xứ Huế sống thân mật với Nhạc sĩ Ngô Ganhvì ông không ham danh lợi và nhất là cái lối sống khác người của ông. Lối sống này đã ảnh hưởng đến những người sống cận kề ông. Ta hãy nghe ông Tôn Thất Lan, học trò cũ của Nhạc sĩ Ngô Ganh nói về cách sống và làm việc của ông :
“Tôi kẻ những dòng nhạc và viết lên đấy những nốt đen, trắng, tròn… đầu tiên lên bảng đen bằng phấn trắng vào năm 1950, lúc tôi theo học lớp Nhất (lớp 5 bây giờ) trường Thượng Tứ, Huế. Thầy dạy nhạc của chúng tôi bấy giờ là nhạc sĩ Ngô Ganh. Đầu thầy cắt ngắn, đã len lỏi nhiều đốm trắng, bạc. Thầy vui tươi, hoạt bát va rất hóm hỉnh. Đó là phong cách rất “lạ lùng” của thầy cô giáo thời đó. Dạy và học là hai việc làm song song tuyệt đối nghiêm chỉnh, không hề có chút đùa nghịch hay dí dỏm nào. Thầy, trò nhìn ngắm nhau bằng những đôi mắt “đứng tròng” trong thế người thẳng đứng. Trong không khí khá nặng nề u uất đó – ảnh hưởng còn vang vọng lại của một quan niệm phong kiến xa xưa, sự xuất hiện linh hoạt, đầy ấn tượng của thầy Ganh quả là một sự kiện lạ lung làm tất cả những cậu bé phải “làm mặt nghiêm” chúng tôi ngỡ ngàng và vô cùng… sung sướng. Một vài chúng tôi mơ hồ cảm nhận rằng đời thật sự là hồn nhiên, là vui tuơi mà sao chúng tôi lại bị bắt phải quên nụ cười !
…Trên bục giảng, thầy Ganh không giảng mà hát, vừa đi vừa làm điệu bộ…. Sau thời gian “quen biết” ngắn ngủi, thầy trò xa nhau và chúng tôi cũng quên mất thầy. Rồi sau đó nghe thầy làm Quản đốc Đài phát thanh Huế. Ở đây, thầy lại cũng rất dí dỏm, thầy dùng chữ “deux couleurs” (hai màu) để phê bình một giọng ca không rõ ràng tự nhiên, khi khan khan khi the thé. Đặc biệt là thầy có minh họa rất tài tình và độc đáo “36 nụ cười”, trong đó có nụ cười “rửa đọi”, nụ cười “mở nút chai”, nụ cười “Xé áo” thật độc đáo mà ai nghe cũng cười.
Có nhiều giai thoại về thầy Ganh, hay đúng hơn về tính hay diễu cợt, châm biếm mà nhiều người không quên. Lối đặt tên của thầy thật ngẳng đời làm người nghe – những người trong cuộc – rất khó chịu, bị “chơi” mà không nói được. Thầy nuôi hai con chó, một con mang tên “Ỷ thế” , một con “Ba láp” (bậy bạ). Khi có những người khách là quan viên chức không được mời… , thầy thường kêu hai con chó ra la rầy “Đồ ỷ thế” (cậy quyền), “Đồ ba láp”.
Nhà thầy có hai người giúp việc đều mang tên rất đẹp, rất khuê các như Tuyết Mai, Kim Ngọc, hay đại loại như thế trong khi con gái của thầy thì lại mang những tên rất bình dị, dân dã như Xoài, Mít, Ổi… khách rất đỗi ngạc nhiên khi được giới thiệu con gái và người giúp việc của thầy, tình thế thật tréo cẳng ngỗng……
Món quà thầy Ngô Ganh biếu cho các thế hệ mai sau là một lối sống bình dị, lạc quan, một phong cách tự nhiên hài hước giúp cho mọi người vào thập niên 40, 50 quên đi, bỏ đi một quan niệm sai lầm của xã hội phong kiến, trong đó người nghệ sĩ – người làm đẹp cuộc đời – là “xướng ca vô loại”. Đáng buồn và đáng giận thay!”
Ông mất năm 1980 trong cảnh nghèo khổ, trong sự quên lãng của nhiều người.
(NN)