NATO tìm hướng đi mới vì sự thay đổi của Mỹ

Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương đang có những thay đổi sau tuyên bố chuyển trọng tâm vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Washington.


Với sự chuyển hướng chiến lược của Washington, các nước thuộc Liên minh châu Âu sẽ buộc phải tự giải quyết mọi vấn đề an ninh trong khu vực. Ảnh: AP

Việc Washington chuyển trọng tâm vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương không có nghĩa nước này sẽ bước chân khỏi NATO. Tuy nhiên, đây là tín hiệu đầu tiên cho thấy một sự thay đổi, khi các nước thuộc Liên minh châu Âu sẽ buộc phải sẵn sàng giải quyết mọi vấn đề an ninh trong khu vực của họ thay vì trông chờ vào sự trợ giúp của lực lượng quân đội Mỹ như trước đây.

Theo AFP, trước thềm hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra vào 20-21/5 tới tại Chicago, Mỹ, một cựu quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc và Nhà Trắng là Barry Pavel đã đưa ra một thông điệp rằng “đừng quá dựa dẫm vào chúng tôi”. Chuyên gia đang làm cho viện chính sách của Hội đồng Đại Tây Dương này cho rằng, với những thách thức không gây ra mối đe dọa cho tất cả thành viên như vấn đề Bosnia hay Kosovo thì nước Mỹ sẽ không có mặt trong mọi thời điểm.

Cuộc tấn công quân sự của NATO vào Libya hồi năm ngoái, trong đó quân đội của Liên minh châu Âu là lực lượng dẫn đầu các hoạt động, bên cạnh sự hỗ trợ từ Mỹ và các quốc gia vùng Vịnh, chính là một ví dụ điển hình về sự thay đổi trong cách thức hoạt động của tổ chức quân sự này.

Tuy nhiên, để xây dựng thành công một mô hình, các thành viên của NATO ở châu Âu sẽ phải đầu tư nhiều hơn vào vũ khí – khí tài quân sự và tăng cường các hoạt động đào tạo, các chuyên gia cho hay.

Việc can thiệp vào Libya đã cho thấy những yếu kém nghiêm trọng của EU trong vấn đề quân sự. Sự chênh lệch giữa Washington và các đồng minh bên kia Đại Tây Dương đã hiện ra rất rõ ràng và cần được cái thiện càng sớm càng tốt.

Trong những bài phát biểu cuối cùng trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông Robert Gates đã cảnh báo rằng nếu chính phủ các nước EU bỏ quên những bài học trong trường hợp Libya và lơ là việc đầu tư cho sức mạnh quốc phòng, NATO sẽ phải đối mặt với “một tương lai không rõ ràng, nếu không muốn nói là tối tăm”.

Ông Gates, vốn là một cựu chiến binh thời kỳ Chiến tranh Lạnh, cho rằng nếu các nước thành viên Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương ở châu Âu không nhanh chóng tiến hành thay đổi, thế hệ lãnh đạo tiếp theo của nước Mỹ nhiều khả năng sẽ không còn quan tâm tới việc đầu tư tài chính và quân sự cho các đồng minh của Washington ở NATO.

Mặc dù Lầu Năm Góc đã lên kế hoạch rút hai lữ đoàn của nước này khỏi châu Âu, Mỹ vẫn có những cam kết vững chắc với NATO, trong đó Washington vẫn tiếp tục giữ vai trò dẫn đầu trong việc xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa cho EU, xây dựng hải quân chống cướp biển ở khu vực Sừng châu Phi và duy trì liên quân do Mỹ đứng đầu ở Afghanistan.

Theo các chuyên gia phân tích, trước sự đi lên nhanh chóng của Trung Quốc, Mỹ hy vọng việc chuyển trọng tâm khỏi NATO sẽ tạo điều kiện giúp nước này đầu tư nhiều hơn cho châu Á – Thái Bình Dương, cũng như thắt chặt mối quan hệ với các đồng minh của Washington ở khu vực này, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran vẫn là mối quan tâm hàng đầu của Mỹ và các đồng minh bên bờ Đại Tây Dương, nhiều khả năng sẽ dẫn tới những hành động ngoại giao và quân sự của NATO.

Nếu Iran quyết định phóng tên lửa đạn đạo, động thái này có thể khiến NATO quyết định khởi động hệ thống phòng thủ tên lửa ở Thổ Nhĩ Kỳ hoặc các hệ thống rada liên minh trên tàu hải quân ở Địa Trung Hải, chuyên gia Pavel cho biết trong một bài viết gần đây. “Vậy nên, một tên lửa đạn đạo đơn độc của Iran cũng có thể ngay lập tức dẫn tới Điều 5 của Hiệp ước NATO, rằng bất kỳ cuộc tấn công nào vào một nước thành viên cũng sẽ được đánh giá là tấn công cả liên minh”, ông Pavel viết.

Theo Nicholas Burns, một cựu quan chức ngoại giao Mỹ, người từng giữ vị trí đại sứ Mỹ tại NATO, để gìn giữ hòa bình và trợ giúp nhân đạo thì việc tấn công quân sự là phương sách cuối cùng được NATO tính tới. Ông nhắc lại thời điểm nước Mỹ cố gắng phát động cuộc chiến tranh ở Iraq trong khi không có sự hưởng ứng của các đồng minh ở châu Âu dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush, và quyết định đó thực sự đã gây ra những hậu quả tai hại.

Trong khi Washington đang bận rộn tìm kiếm những đồng minh cho kế hoạch của họ ở châu Á – Thái Bình Dương, EU vẫn là đối tác kinh doanh hàng đầu của nước này, đồng thời đại diện cho “nhóm đồng minh lớn nhất của Mỹ trên thế giới”, ông Burns nói. “Châu Âu vẫn rất chiếm vị trí vô cùng đặc biệt, đây là khu vực nhận rất được nhiều sự quan tâm của Washington, còn NATO vẫn luôn là tổ chức quan trọng bậc nhất đối với chúng tôi.”

Quỳnh Hoa – VnE

Tags:

Leave a Reply