img class=”imgleft” src=”http://thuanan.net/wp-content/uploads/2009/12/comy.jpg” alt=”” />
Có thể nói, năm 2009 là năm mà người ta có thể thấy rõ ảnh hưởng của nước Mỹ – cường quốc số 1 thế giới, bắt đầu giảm dần trong tương quan với các nước khác. Tuy vậy, Mỹ vẫn giữ vị trí trung tâm trong nền kinh tế toàn cầu cũng như sân khấu địa chính trị thế giới. Đây là nhận định của một chuyên gia địa chính trị hàng đầu của nước Anh – ông Nigel Inkster. Ông Inkster hiện là Giám đốc phụ trách nghiên cứu Nguy cơ chính trị và Những mối đe dọa xuyên quốc gia của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại thủ đô London.
Mỹ sắp mất vị trí bá chủ thế giới?
Gần đây, có một vài nhà phân tích đã đưa ra dự báo rằng Mỹ sẽ mất địa vị bá chủ thế giới trong vòng 15 đến 20 năm tới. Và nhiều người bắt đầu tin vào dự báo này bởi hàng loạt những dấu hiệu xuất hiện trong năm nay cho thấy vai trò và sức ảnh hưởng của Mỹ đang ngày càng suy giảm
Dấu hiệu đầu tiên cho thấy thế giới sắp bước vào một thời kỳ mới, thời kỳ Mỹ không còn giữ vị trí độc tôn trên thế giới nữa, chính là việc G-8 chuyển giao trách nhiệm giám sát nền kinh tế thế giới cho nhóm nước G-20. Tại hội nghị thượng đỉnh kinh tế toàn cầu diễn ra ở Pittsburgh, Mỹ hôm 24 và 25/9, lãnh đạo các nước công nghiệp lớn G-8 đã nhất trí chuyển giao trách nhiệm giám sát và quản lý nền kinh tế thế giới cho một nhóm nước lớn hơn là G-20. Nhóm này sẽ bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều quốc gia đang phát triển khác. Mặc dù người ta vẫn còn nghi ngờ về khả năng nhóm G-20 có thể thực hiện quyền lãnh đạo toàn cầu một cách hiệu quả nhưng không nghi ngờ gì nữa, động thái đó đã chứng tỏ một bước chuyển lớn, theo đó trung tâm của quyền lực kinh tế thế giới đã chuyển từ phương Tây sang phương Đông và phương Nam. Bước chuyển này sẽ ghi nhận sự sụt giảm mạnh quyền thống trị kinh tế của nước Mỹ.
Ý nghĩa thực sự của cú chuyển giao nói trên không phải là từ G-7/G-8 lên G-20 mà là từ G-1 – cụ thể là nước Mỹ – sang G-20.
Dấu hiệu thứ hai là việc gần đây có nhiều thông tin cho rằng các đối thủ kinh tế của Mỹ đang tiến hành những cuộc đàm phán bí mật để tìm cách hạ bệ vai trò thống trị của đồng USD trong giao dịch thương mại quốc tế. Trước đó đã có nhiều thông tin về việc các nước có giao dịch thương mại quốc tế lớn như Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Brazil và các nước dầu mỏ ở vùng Vịnh Persia đã tính đến việc sử dụng đồng euro hoặc một “nhóm” tiền tệ khác thay thế cho đồng USD. Nếu đúng như vậy thì điều đó sẽ góp phần làm xói mòn hơn nữa ảnh hưởng của Mỹ trong các vấn đề kinh tế quốc tế.
Dấu hiệu thứ ba là trên mặt trận ngoại giao, Washington đã phải rất khó khăn trong việc tìm kiếm sự ủng hộ của Nga và Trung Quốc trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân Iran. Mỹ thậm chí được cho là phải hy sinh cả kế hoạch lá chắn tên lửa của mình để đổi lấy sự ủng hộ của Nga. Chỉ riêng sự nhượng bộ đó thôi cũng đủ thấy ảnh hưởng và quyền lực của Mỹ đã suy giảm phần nào. Trong khi đó, sau nhiều nỗ lực, Mỹ vẫn chưa thuyết phục được Trung Quốc đứng về phía mình trong vấn đề Iran.
Dấu hiệu thứ tư có thể được nhận thấy qua sự thiếu mặn mà và nhiệt tình của các nước đồng minh trong việc giúp đỡ Mỹ trong cuộc chiến ở Afghanistan. Những nỗ lực của Washington trong việc bảo đảm sự ủng hộ quốc tế cho cuộc chiến ở Afghanistan đã nhận được những phản ứng hết sức đáng thất vọng. Sau khi Tổng thống Obama thông báo tăng thêm 30.000 quân và bày tỏ hy vọng các nước đồng minh sẽ đóng góp thêm 10.000 quân hồi đầu tháng 12 này, kết quả mà Mỹ nhận được là những người bạn của họ chỉ cam kết tăng thêm 7.000 quân cho chiến trường Afghanistan. Ngay cả nước Anh, đồng minh được xem là trung thành nhất với Mỹ, cũng chỉ tuyên bố đóng góp một số quân ít ỏi, vỏn vẹn là 500 binh lính.
Một dấu hiệu không thể không kể đến là việc Uỷ ban Olympic Quốc tế (IOC) đã phớt lờ Chicago cùng với Real Madrid và Tokyo để chọn Rio de Janeiro là nước chủ nhà cho Thế Vận hội Olympics 2016 sắp tới. Cho đến trước khi cuộc bỏ phiếu, Chicago vẫn được xem là nắm chắc phần thắng, đặc biệt là khi Tổng thống Barack Obama, người từng sống ở Chicago, đã đích thân đến Copenhagen để vận động IOC. Tuy nhiên, trong một diễn biến gây sửng sốt cho cả thế giới, Chicago đã không chỉ thất bại mà còn bị loại ngay từ vòng bỏ phiếu đầu tiên.
Với tất cả những dấu hiệu trên, không ai có thể phủ nhận là vai trò và ảnh hưởng của Mỹ đã thực sự suy giảm.
Mỹ suy giảm ảnh hưởng nhưng vẫn là diễn viên chính trên sân khấu thế giới
Có thể nói, năm 2009 là năm mà người ta có thể thấy rõ ảnh hưởng của nước Mỹ – cường quốc số 1 thế giới, bắt đầu giảm dần trong tương quan với các nước khác. Tuy vậy, Mỹ vẫn giữ vị trí trung tâm trong nền kinh tế toàn cầu cũng như sân khấu địa chính trị thế giới. Đây là nhận định của một chuyên gia địa chính trị hàng đầu của nước Anh – ông Nigel Inkster. Ông Inkster hiện là Giám đốc phụ trách nghiên cứu Nguy cơ chính trị và Những mối đe dọa xuyên quốc gia của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại thủ đô London.
Khi phân tích về sự thay đổi cán cân quyền lực trong năm 2009, ông Inkster cho rằng một thay đổi lớn trong năm nay chính là sự bộc lộ rõ thực tế: Mặc dù Mỹ vẫn là cường quốc nổi trội nhất trên thế giới kể cả về kinh tế lẫn quân sự nhưng Washington không thể hy vọng đạt được điều gì khi đơn phương hành động. Cường quốc này giờ đây đã phải tìm kiếm những mối liên minh thực dụng với một loạt nước khác nhau để đạt được mục tiêu của mình.
“Ở một điểm nào đó, đây là điều không tránh khỏi. Chúng ta đang chứng kiến một quá trình tái cân bằng quyền lực toàn cầu và tôi nghĩ đến năm nay – năm 2009, mọi người đã có thể thấy phần nào cách thức và xu hướng mà quá trình này đang diễn ra,” ông Inkster cho biết.
Sở dĩ nói sự thay đổi cán cân quyền lực là điều không tránh khỏi là bởi vì các diễn viên lớn khác trên sân khấu chính trị thế giới cũng có lúc phải lớn mạnh lên và theo đó ảnh hưởng của họ nói chung sẽ tăng lên. Như vậy, tất yếu, quyền lực và ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ cũng phải suy giảm theo. Mỹ không còn độc chiếm sân khấu chính trị quốc tế như nước này đã từng làm trong một thời gian rất dài sau Chiến tranh Thế giới thứ II.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Mỹ không còn quan trọng và không có ý nghĩa trên trường quốc tế. Cường quốc này vẫn là trung tâm trong cấu trúc kinh tế và chính trị toàn cầu.
“Mọi người đã quá vội vàng khi viết cáo phó cho sự sụp đổ của đế chế Mỹ. Các bạn không nên đánh giá thấp khả năng phục hồi, tái sinh và trỗi dậy trở lại của một đất nước như Mỹ, ” chuyên gia Inkster nói.
“Bất chấp tất cả những khó khăn mà Mỹ hiện đang phải trải qua, nước này vẫn là một đất nước năng động đáng ngạc nhiên và điều đó tạo cho mỗi cá nhân của đất nước cơ hội để phát huy tối đa năng lực và tài năng theo một cách thức mà các nước khác không có được. Với thực tế đó, Mỹ sẽ vẫn là trung tâm của nền kinh tế toàn cầu và của sân khấu địa chính trị thế giới,” ông Inkster nói thêm.
VH(st)
Source:biethet.com