Triều Tiên vẫn tiếp tục vi phạm lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc bằng những nỗ lực “vận chuyển vũ khí sang Syria và Myanmar, cũng như nhập khẩu những mặt hàng xa xỉ trái phép”.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa mới mà Triều Tiên giới thiệu trong lễ duyệt binh hôm 15/4 có thể chỉ là mô hình. Ảnh: Yonhap
Theo AP, thông tin trên được đưa ra trong một báo cáo đã bị trì hoãn khá lâu của Hội đồng Chuyên gia Liên Hợp Quốc. Không có vụ vi phạm nào liên quan đến vũ khí hạt nhân, hóa học hay sinh học và tên lửa đạn đạo được đề cập trong báo cáo dài 74 trang được công bố hôm 29/6.
Báo cáo cho hay tên lửa đạn đạo mới KN-08 được nhìn thấy trong lễ duyệt binh hồi tháng 4, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố chủ tịch Kim Nhật Thành, có thể chỉ là hàng giả.
Hội đồng đã tìm ra những “bằng chứng phong phú” cho thấy Triều Tiên đang tiếp tục thách thức các biện pháp trừng phạt từ Liên Hợp Quốc. Dù các nghị quyết của Hội đồng Bảo an không thể khiến Triều Tiên dừng các hoạt động trái phép nhưng “dường như cũng khiến nước này giảm tiến độ và làm các giao dịch trái phép trở nên khó khăn và tốn kém hơn”.
Báo cáo cũng trích dẫn một vài trường hợp Triều Tiên nỗ lực vận chuyển vật liệu vũ khí đến Syria và Myanmar, trong đó có báo cáo của Pháp về việc ngăn chặn vụ vận chuyển vật liệu sản xuất vũ khí pháo binh và các ống hợp kim nhôm được dùng để làm tên lửa hồi tháng 11/2010.
Một lô hàng khác từ Triều Tiên sang Syria bị tịch thu năm 2007 được vận chuyển qua thành phố Đại Liên, Trung Quốc và cảng Kelang, Malaysia. Lô hàng bao gồm các thiết bị chuyển mạch điện và nhiệt, cùng các hợp kim.
Bình Nhưỡng cũng nhập các mặt hàng xa xỉ trái phép như thuốc lá, rượu sake, piano đã qua sử dụng và một số xe hơi Mercedes Benz cũ. Một số lô hàng có xuất xứ từ Nhật Bản và đã cập cảng Triều Tiên thông qua cảng Đại Liên.
Một nhà ngoại giao của Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc đã bác bỏ những thông tin trên. “Về nguyên tắc, chúng tôi không công nhận Hội đồng Chuyên gia, vì chúng tôi bác bỏ nghị quyết thành lập hội đồng này và chưa bao giờ thừa nhận các báo cáo của nhóm”, ông nói.
Báo cáo trước đó của Hội đồng Chuyên gia hồi tháng 5/2011 đã không được công bố vì vấp phải sự phản đối từ Trung Quốc, nước có mối quan hệ mật thiết với Triều Tiên.
Hội đồng Bảo an áp đặt lệnh trừng phạt lên Triều Tiên sau khi nước này thử nghiệm hạt nhân năm 2006 và tiếp tục thắt chặt trừng phạt sau vụ thử nghiệm lần hai năm 2009, nhằm ngăn cản chương trình tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Source:Anh Ngọc-VnE