Làng Chuồn rộn ràng ngày giáp Tết

Nổi tiếng với nghề làm bánh tét từ bao đời nay, làng Chuồn (xã phú An, huyện Phú Thượng, Thừa Thiên Huế) vào những ngày giáp Tết trở nên nhộn nhịp hơn với kẻ vào người ra để đặt bánh. Bánh tét là thứ quà bánh quen thuộc với mỗi người dân xứ Huế.


Bánh tét là món ăn không thể thiếu của các gia đình phía Nam mỗi dịp Tết đến.

Và vào những ngày lễ tết, bánh tét còn được con cháu dâng lên tổ tiên để tỏ lòng hiếu thuận. Làng Chuồn là nơi làm bánh tét lâu đời và ngon nhất ở xứ Huế. Bánh tét làng Chuồn thơm ngon nổi tiếng là nhờ thứ gạo nếp được trồng từ mảnh ruộng đặc biệt. Những người già trong làng kể lại, khi xưa bức “ruộng cửa” của làng có một sào đất đặc biệt mà trồng lúa thì lúa ngon, trồng nếp thì nếp thơm. Mỗi năm làng đem sào ruộng đó ra đấu, nếu ai đấu được thì khi thu hoạch phải nộp 1 thùng nếp, 2 thùng thóc để nấu dâng vua, số nếp còn lại được dùng để nấu bánh tét. Nhờ đó mà hương vị của bánh tét làng Chuồn trở nên hết sức đặc biệt!

Bình thường trong làng chỉ dăm bảy nhà làm nhưng vào dịp Tết thì cả làng lại trở lại với nghề. Nhà cụ Đoàn Rạng là gia đình có truyền thống làm bánh tét lâu đời và ngon nhất ở làng Chuồn. Nhà cụ đã có 4 đời làm bánh tét. Cụ Rạng có 5 con trai, 4 con gái, tất cả đều theo nghề tổ truyền này. Cụ Rạng cho biết, bánh nhà cụ làm ngon là nhờ sự kỹ lưỡng trong khâu chuẩn bị. Nhân bánh thường được làm từ đậu xanh và thịt heo ướp tiêu, muối, bột ngọt. Đậu xanh được dầm tới khi hết bọt vì thế mà bánh không bị chua. Mỡ khổ heo được làm sạch và luộc chín nên khi chín mỡ tan vào bánh làm cho bánh có vị béo ngậy, thơm ngon.


Bánh tét được gói bằng lá chuối sứ để cho bánh có màu xanh đẹp mắt.

Thứ quan trọng nhất để làm bánh tét ngon chính là gạo. Gạo nếp thơm, dẻo được vo sạch, vút cho hết bọt rồi được trộn với muối, để ráo nước và đem gói. Nhờ thế bánh giữ được hương vị đậm đà mà không bị chua và để được lâu tới cả chục ngày. Cụ Rạng tiết lộ, bánh nhà cụ giữ được vị ngọt của nếp là nhờ bí quyết không ngâm gạo. Chị Hiệp, con gái cụ Rạng nói: “Ngâm gạo luộc thì nhanh nhưng bánh bị nhạt, ăn không có vị gì, mất ngon”.

Bánh tét được gói trong lá chuối sứ đã được rửa sạch, đến khi luộc lên vẫn giữ được màu xanh mà không bị đỏ. Để dáng bánh đẹp (thon, hình trụ), khi gói cũng đòi hỏi phải có kỹ thuật, khéo léo. Bí quyết của cụ Rạng là cho một phần ba số gạo xuống trước rồi cho nhân vào, sau đó mới cho hết số gạo còn lại, nhờ đó mà nhân luôn nằm ở tâm.


Bánh tét ở làng Chuồn, xã phú An, huyện Phú Thượng, Thừa Thiên Huế

Ngày thường gia đình cụ Rạng chỉ có mình chị Hiệp làm bánh tét nhưng vào dịp Tết ( từ 25 âm trở đi) ngoài con cháu trong gia đình, cụ còn phải gọi thêm 5 người nữa trong làng đến làm để giao bánh cho kịp hẹn. Mỗi Tết nhà cụ làm đến cả nghìn đòn bánh loại to (khoảng 1kg gạo) với giá từ 20- 25.000 đồng/ đòn, tùy theo yêu cầu của khách. Suốt những ngày giáp Tết, năm nồi nấu bánh loại to (chứa được hơn 100 đòn bánh tét) lúc nào cũng đỏ lửa. Cụ Rạng mừng rỡ chia sẻ, không chỉ người trên phố về đặt mà ngay cả những người ở tỉnh khác, có khi tận Sài Gòn cũng tìm đến nhà cụ để đặt bánh.

Tết đang đến gần, trong mấy ngày này, cả làng Chuồn luôn thơm mùi bánh tét. Tuy vất vả vì phải thức cả đêm nấu bánh, nhưng người dân nơi đây vẫn cố gìn giữ nghề không chỉ để kiếm thêm thu nhập mà còn nhằm lưu giữ nét văn hóa của quê hương. Giờ đây, Làng Chuồn đã đổi tên thành làng An Truyền nhưng trong tâm trí của người dân cố đô và du khách luôn có một làng Chuồn với nghề làm bánh tét không đâu sánh bằng.


Bánh tét được xếp vào nồi chuẩn bị luộc.

Thu San – Hưng Nguyên
Theo:DT

Tags:

Leave a Reply