Kinh tế Mỹ và cuộc giằng co

Năm 2010 sẽ là một năm “lửa thử vàng” cho vị tổng thống không còn mới của nước Mỹ. Bùng nổ kinh tế cũng sẽ trở lại, có điều sẽ không nhanh chóng.

1. Suy rồi sẽ Thịnh: Chu kì kinh tế có lặp lại?

Nền kinh tế Mỹ năm nay sẽ là cuộc giằng kéo giữa hai thế lực đối nghịch. Thế lực đầu tiên là quy luật muôn thủa rằng khủng hoảng càng nghiêm trọng thì tiềm năng hồi phục càng mạnh mẽ. Thế lực thứ hai là chuỗi khủng hoảng tài chính thường phủ bóng đen làm yếu các đợt hồi phục. Tác động qua lại của hai thế lực này sẽ sản sinh ra chu kì kinh tế không giống hình V, U hay W, mà là hình căn-bậc-hai-ngược: sự hồi phục chóng vánh và gây ngạc nhiên, nhưng sau đó trượt dốc và nhường chỗ cho một giai đoạn tăng trưởng yếu kéo dài.

Các cuộc khủng hoảng luôn chặn đà phát triển của nền kinh tế. Chúng đè nặng lên nhu cầu nhà cửa và hàng hóa, cũng như khiến giới kinh doanh cắt giảm sản lượng, lương thưởng và đầu tư xuống dưới mức yêu cầu thông thường. Thường thì khủng hoảng càng sâu, tác động ngược của chúng sẽ phải càng mạnh mẽ. Theo suy luận này, nền kinh tế Mỹ vốn suy sụp khoảng 4% trong cơn bão khủng hoảng 2007-09, sẽ tăng trưởng trở lại 8% trong năm đầu tiên hồi phục. Còn tỉ lệ thất nghiệp, vốn chiếm con số đáng gờm là 10% cuối năm nay, sẽ giảm xuống còn khoảng 8%.


Tổng thống Obama. Nguồn: Economist

Liệu điều này có xảy ra không? Nhiều như những gì chúng ta mong đợi, các số liệu cũng cho thấy dấu hiệu lạc quan. Tỉ lệ tăng trưởng sẽ vượt mức dự đoán 2.5% vào năm 2010. Các kho hàng vốn đã rất đình trệ và chỉ cần hoạt động mua hàng khiêm tốn nhất cũng có thể tạo ra cú lội ngược dòng đáng kể trong sản lượng tại các nhà máy. Trong lịch sử từ năm 1960 tới nay, lượng nhà xây mới chiếm phần nhỏ nhất trong sản lượng GDP, và lượng nhà tồn kho cũng là ít nhất trong 17 năm. Có vẻ như chẳng mấy chốc kinh doanh sẽ hồi phục. Tại thời điểm này, chi phí đầu tư cũng chiếm tỉ lệ thấp nhất so với GDP trong suốt 40 năm, và sẽ phải gia tăng. Gói kích thích kinh tế với trị giá 787 tỉ USD của chính quyền Obama nhận nhiều chỉ trích vì cung cấp tiền cho nền kinh tế một cách nhỏ giọt, nhưng cũng vì lí do đó, gói kích thích sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng năm 2010 đáng kể.

Tuy nhiên, không yếu tố nào trong danh sách kể trên có thể duy trì mức tăng trưởng mạnh trong suốt năm 2010 nếu thiếu đi chu kì tự duy trì của tiêu dùng tư và tăng trưởng thu nhập. Một vài trở ngại cản đường bước chuyển mình đó. Hồi giữa năm 2009, các hộ gia đình Mỹ đã mất trắng 12 ngàn tỉ USD, hay 19% tài sản của họ do hậu quả của trượt giá nhà và chứng khoán. Điều này làm giảm sức mua của họ và buộc họ phải tiết kiệm nhiều hơn, đặc biệt là nhóm người sắp về hưu. Dù rằng họ dần dần sẽ tăng nguồn tiết kiệm, điều này vẫn có nghĩa là tiêu dùng của các hộ gia đình (vốn chiếm khoảng 70% GDP) sẽ tăng chậm hơn thu nhập, sau hai thập kỉ vốn tăng chóng vánh. Tỉ lệ thất nghiệp cao sẽ kìm hãm gia tăng thu nhập, chưa kể đến việc cắt giảm lương đã không còn là tin sốc mỗi ngày. Không xét đến những dao động trong giá năng lượng, lạm phát, hiện giờ là vào khoảng 1.5%, sẽ giảm xuống 0 và có nguy cơ chuyển thành giảm phát vào năm 2010. Giảm phát làm lượng nợ thực tế càng lớn hơn, vì thế càng làm thui chột mức tiêu dùng cá nhân.


Lương tính theo giờ trong quý IV so với năm trước. Nguồn: Economist

Tỉ lệ lãi suất cao là nguyên nhân của hầu hết các đợt khủng hoảng trước đây, và tỉ lệ lãi suất thấp là giải pháp kết thúc chuỗi khủng hoảng. Nhưng lần này thì không. Khi khủng hoảng bắt đầu, tỉ lệ lãi suất ngắn hạn của Fed 5.25% không hẳn là rất cao. Fed chính thức giảm lãi suất xuống 0 và mở rộng bảng tổng kết tài sản bằng cách vay nợ và mua trái phiếu dài hạn. Dù thế, lượng nợ giới kinh doanh và người tiêu dùng vay từ ngân hàng đang giảm dần, tương tự với các khoản nợ đi kèm với chứng khoán tư nhân và có tài sản hỗ trợ. Chỉ các tổ chức địa ốc được chính phủ hỗ trợ như Fannie Mae, Freddie Mac và Ginnie Mae là tiếp tục mở rộng tín dụng.

Điều này phản ánh không chỉ sự thiếu hụt người đi vay, mà còn là sự hủy hoại lâu dài đối với cơ sở hạ tầng tài chính vốn khớp người tiết kiệm với các nhà đầu tư. Quỹ Tiền tệ Quốc tế nghiên cứu 88 cuộc khủng hoảng trong ngành ngân hàng trong suốt bốn thập kỉ gần đây và phát hiện ra rằng các cuộc khủng hoảng này dẫn tới sụt giảm sản lượng trong thời gian dài.

Dấu vết của “hệ thống ngân hàng phủ bóng” của các công ty tài chính, ngân hàng đầu tư và quỹ đầu tư hợp tác Mỹ dường như đã tiêu tan. Chính phủ Mỹ sẽ không để thêm một ngân hàng lớn nào sụp đổ nữa, nhưng những nhân vật “còn sống sót” cũng không có khả năng mở rộng khả năng cho vay. Trị giá tài sản của các khu dân cư cũng như thương mại sụt 8 ngàn tỉ USD, tương đương gần 20%, xuyên suốt giữa năm 2009, làm suy yếu các khoản nợ hiện hành và thay các thế chấp cũ bằng các khoản mới. Giới làm luật cũng đề xuất việc tăng cường các yêu cầu vốn nhằm khuyến khích các ngân hàng giảm số người vay nợ.

Nước Mỹ sẽ không trượt vào vết xe đổ hay trải qua một thập kỉ hoang tàn như của Nhật Bản. Các quốc gia kinh qua khủng hoảng khác, chẳng hạn như Thụy Điển vào đầu những năm 1990 và Hàn Quốc và cuối những năm 1990 đã làm sống lại tiền tệ mất giá và lượng xuất khẩu bùng nổ. Điều này sẽ không có tác động đối với Mỹ: tình trạng của các nước còn lại cũng không mấy sáng sủa, và đồng đô-la ngày càng trượt giá sẽ càng gây hại cho các quốc gia khác.

Các chính sách tài chính và tiền tệ được áp dụng mạnh mẽ trong năm 2009, nhưng nếu chỉ một trong hai loại chính sách này bị rút đi, tăng trưởng của những năm hậu 2010 sẽ bị đe dọa. Khi các chính sách kích thích của Obama kết thúc, GDP năm 2011 sẽ giảm ít nhất 2%. Nhưng có lẽ Obama sẽ không muốn thúc giục các gói kích thích bởi dân chúng đã bày tỏ lo ngại về chính phủ và ngân sách bội thu, và điều này sẽ chỉ có lợi cho đảng Cộng hòa. Còn Fed, dưới sức ép chỉ trích về việc náo loạn thị trường và mở rộng bảng tổng kết tài sản có lẽ sẽ muốn tăng lãi suất đầu năm 2010 nếu tăng trưởng cho thấy các dấu hiệu đáng mừng.

2. 2010 là năm sóng gió của Obama?

Cuối năm 2008, khi Obama thắng cử tại Nhà Trắng, người dân Mỹ đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử của quốc gia đáng chú ý này. Tuy nhiên, năm tới sẽ là một năm đầy thử thách cho Barack Obama. Điều này xảy ra không phải vì sự huy hoàng dần tan biến, mà năm thứ hai trong thời kì đương nhiệm của Obama sẽ phải chứng kiến những yếu kém ẩn nấp trong hệ thống chính trị Mỹ cũng như sự kháng cự ngoan cố của người Mỹ trước các thay đổi đột biến, và sự gắn bó lâu bền của họ với giấc mơ về chính phủ nhỏ và cơ hội cá nhân.

Ngay sau khi Obama thực hiện một số giải pháp “cứu hỏa” cho nền kinh tế – kích thích tài chính, cải tổ giới sản xuất ô tô Detroit – tỉ lệ ủng hộ ông giảm từ 70% xuống 50% từ đầu năm 2009 tới cuối mùa hè. Và chúng ta không chắc chắn rằng người dân Mỹ sẽ cảm ơn Obama khi ra các quyết định có nguy cơ làm trầm trọng hóa khủng hoảng thay vì tập trung toàn bộ tâm sức vào việc hồi phục kinh tế.

Vào năm 2010, phần lớn người Mỹ không có dự cảm tốt về tương lai của họ. Và người ta nghi ngờ liệu những thiệt hại ngắn hạn do những thay đổi về hệ thống chăm sóc sức khỏe sẽ là sự hi sinh thỏa đáng cho những lợi ích lâu dài, đặc biệt là cái giá có phần quá đắt trong thời điểm khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng như năm 2009.

Về mặt chính trị, chính quyền Obama vấp phải một số chỉ trích. Dù nhiều người ủng hộ lời kêu gọi của Obama để cải cách mạnh mẽ ngành chăm sóc sức khỏe và các đạo luật để ngăn ngừa tình trạng hâm nóng toàn cầu, giới Cộng hòa cho rằng Obama đang đứng đầu hệ thống chính phủ lớn nhất trong nhiều thập kỉ, và rất nhiều người bày tỏ bất bình trước cảnh Phố Wall được giải thoát trong khi rất nhiều dân thường phải mất việc, mất nhà và mất tiền trợ cấp. Những thời điểm khó khăn năm 2010 sẽ khiến sự phẫn nộ của người dân Mỹ kéo dài.

Bên ngoài, Obama cũng không tìm thấy nhiều nguồn an ủi. Dù quyết định lâu dài của ông đối với vấn đề Afghanistan và Iraq như thế nào đi nữa, quân đội Mỹ sẽ vẫn phải chịu thương vong tại hai quốc gia này năm sau. Trong năm thứ hai người dân Mỹ sẽ càng cảm nhận rõ ràng hơn nguy cơ mất đi vị thế siêu cường của Mỹ trên trường quốc tế khi sức mạnh kinh tế của Mỹ giảm sút. Xu hướng này càng ám ảnh hơn với sự phát triển của các sức mạnh mới tại châu Á, nhưng trong mắt người dân thường, chính quyền thường là nạn nhân bị chỉ trích thường xuyên nhất.

Có lẽ chúng ta nên nhớ rằng một năm 2010 hứa hẹn nhiều sóng gió không có nghĩa là Obama khó có khả năng tái cử vào năm 2012, hay người ta sẽ nhớ tớ chính quyền Obama như là một thất bại. Các tổng thống khác, bao gồm Ronald Reagan và Bill Clinton, đã từng chèo lái thành công trong năm thứ hai. Năm 2010 sẽ là một năm “lửa thử vàng” cho vị tổng thống không còn mới của nước Mỹ. Bùng nổ kinh tế cũng sẽ trở lại, có điều sẽ không nhanh chóng.

Theo:VietNamnet

Tags:

Leave a Reply