Không có việc làm nhiều di dân lậu ở Mỹ phải sống bằng tiền gửi từ Mexico


Di dân lậu vào Hoa Kỳ bị cảnh sát biên giới bắt tại California. (Hình: LA Times)

MIAHUATLÁN, Mexico (NY Times) – Vào những lúc khấm khá, con trai của ông Miguel Salcedo, một người di dân lậu hiện đang sống ở San Diego, sẽ gửi về mỗi tháng mấy trăm đô la để giúp gia đình mình tại Mexico. Nhưng cũng có những lúc như hiện nay, với nền kinh tế Hoa Kỳ suy thoái và con ông không kiếm ra việc làm, ông Salcedo nay lại ở trong hoàn cảnh oái oăm mà ông không thể nào tưởng tượng: đó là gửi tiền peso vào Mỹ để nuôi con.

Tình trạng thất nghiệp đang ảnh hưởng nặng nề cộng đồng người di dân ở Hoa Kỳ đến nỗi một hiện tượng mới rất lạ lùng đang thấy xảy ra ngày càng nhiều: thay vì nhận được tiền từ thân nhân ở quốc gia được coi là giàu nhất trái đất này, một số gia đình nghèo khổ ở Mexico phải ky cóp tiền bạc để giúp hỗ trợ người thân đang thất nghiệp ở Hoa Kỳ.

“Chúng tôi gửi tiền khi nào có dư chút đỉnh, cũng đủ để cho con tôi có gì ăn,” theo lời ông Salcedo, sống trong ngôi làng nhỏ ở tiểu bang nông nghiệp Oaxaca và phải làm đủ việc lặt vặt để nuôi vợ, hai con trai còn nhỏ và, nay, con trai lớn đang thất nghiệp ở California.

Ông ta không phải là người duy nhất. Leonardo Herrera, một chủ trại ở ngoài thành phố Tuxtla Gutíerex ở tiểu bang Chiapas, nói rằng ông vừa phải bán một con bò để có số tiền $1,000 gửi cho cháu ở Bắc California.


Bà Sirenia Avendano khóc trong bếp khi kể chuyện phải gửi tiền cho con ở Mỹ để sống còn. (Hình: NY Times)

Cũng tại Chiapas, một tiểu bang nghèo từng gửi nhiều di dân vào Hoa Kỳ, bà María del Carmen Montufar phải hùn tiền với chồng và các người thân khác trong gia đình để gửi nuôi con gái là Candelaria ở North Carolina. Trong năm ngoái, gia đình này đã tám lần phải gửi các món tiền nhỏ, khi $40, khi $80 để giúp Candelaria và anh chồng, cả hai đều không có việc làm đều đặn và mới có con.

“Khi con gái tôi có việc, nó gửi tiền cho chúng tôi,” bà mẹ nói. “Nhưng bây giờ vì không có việc, chúng tôi phải gửi tiền cho nó.”

Các dữ kiện đo lường tình trạng chuyển tiền ngược này ít có. Tuy nhiên, trong các cuộc phỏng vấn ở Mexico với giới chức chính phủ, các công ty chuyển tiền, chuyên viên về di dân và gia đình những người di dân thất nghiệp, cho thấy tình trạng trước kia rất hiếm thấy nay ngày càng nhiều hơn.

Với gần nửa dân số sống trong cảnh nghèo, Mexico không phải là nơi dễ dàng trợ giúp thân nhân ở ngoại quốc. Mexico có thể mất khoảng 735,000 công việc trong năm nay và nền kinh tế có thể giảm 7.5%, theo sự tiên đoán của các nhà kinh tế, khiến Mexico trở thành quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi suy thoái toàn cầu.

Nhưng nghèo là một khái niệm tương đối ở Mexico. Người ta có thể sống với rất ít tiền ở Mexico, nhất là ở vùng thôn quê, giúp cho người nghèo có thể hỗ trợ người còn nghèo khổ hơn mình.

Ở Miahuatlán, bà Sirenia Avendano và chồng bà có thể nghèo hơn hai người con trai tuổi ngoài 20, hiện đang làm bồi bàn trong một tiệm ăn Mexico ở trung bộ Florida, với số giờ làm việc bị cắt giảm và tiền típ sút giảm nhiều. Nhưng hai ông bà sống trong căn nhà của họ, có thể trồng bắp và các loại nông phẩm khác để sống qua ngày.

“Chúng tôi nghèo, nhưng không ai có thể đuổi chúng tôi ra khỏi căn nhà này,” bà Avendano nói khi ngồi ở bàn ăn trong bếp, gạt nước mắt khi nói về hoàn cảnh khó khăn kinh tế của hai con trai. “Chúng nó lo lắm. Ðiều gì sẽ xảy ra nếu chúng không trả được tiền thuê?”

Người ta cũng thấy hiện tượng người di dân bất hợp pháp trở về quê nhà. Tuy nhiên cuộc nghiên cứu mới đây của Viện Pew Hispanic cho biết hiện chưa xảy ra tình trạng người ta lũ lượt trở về Mexico. Gia đình những người di dân cho hay họ phải chi nhiều ngàn đô la để trốn vào Mỹ, và đó là phí tổn rất lớn lao.

LPT- (NVO)

Tags:

Leave a Reply