Khi Mỹ cuốn cờ rút khỏi Iraq


ại Fort Bragg, tổ̀ng thống Obama ca ngợi quân đội Hoa Kỳ tại cuộc chiến Iraq
BBC Tiếng Việt điểm qua báo chí quốc tế đánh giá quyết định của Hoa Kỳ hôm 15/12/2011, rút lực lượng tác chiến khỏi Iraq sau cuộc chiến gây ra nhiều tranh cãi.
Biên tập viên Mark Mardell của BBC News từ Hoa Kỳ nhắc rằng trong buổi lễ tại căn cứ Fort Bragg, Bắc Carolina hôm thứ Năm, Tổng thống Obama đã cố gắng khen ngợi quân đội Mỹ nhưng cũng muốn chấm dứt chóng vánh cuộc chiến ông từng cho là “ngu dốt” (dumb war).
Gần 10 năm trước, tổng thống tiền nhiệm George W Bush bắt đầu cuộc chiến Iraq và bạo lực thời kỳ hậu chiến đã khiến hàng vạn thường dân Iraq bị giết.

Nay, theo Mark Mardell, ông Obama dù sao cũng đã ca ngợi nguyên tắc khiến Hoa Kỳ đưa quân vào Iraq nhưng không nhấn mạnh vào kết quả của cuộc chiến.

Nhiều tờ báo quốc tế cũng nhắc đến cuộc chiến Việt Nam để so sánh với cuộc chiến Iraq.

Bênh và chống

Báo Washington Post, trong bài của David Ignatius cho rằng sai lầm của quân đội Mỹ tại cuộc chiến Iraq “không phải là đã lật đổ nhà độc tài Saddam Hussein, mà là phá hủy cơ sở hạ tầng của nước này, đưa tới một hệ thống dân chủ nhưng xây dựng trên lòng trung thành mang tính bộ lạc hoặc sắc tộc”.

Ông Ignatius cũng mô tả tình trạng mất an ninh hậu chiến ở Iraq là điển hình cho cảnh xảy ra hoặc có thể xảy ra tại các nước Ả Rập trong làn sóng đấu tranh hiện nay:

“Đó là khi phá đổ bệ tượng chống đỡ cho một thể chế độc đoán nhưng không có văn hóa chính trị vững mạnh phía dưới,”
Báo New York Times trích lời ông Mohamed Ali Maki, nhân viên chính quyền Iraq nói:

“Chúng tôi thua thiệt nhiều vì sự hiện diện của người Mỹ tại Iraq. Chúng tôi mất cả an ninh, cả con cái vì bị vào tù không rõ tương lai ra sao, trong khi điều lợi duy nhất là họ tống cổ Saddam khỏi quyền lực.”

Báo Nga, tờ Kommersant (theo xu hướng tự do) thì bình luận:

“Chấm dứt chiến dịch Iraq là một trong các cam kết tranh cử chính của ông Barack Obama và ông đã thực hiện điều đó. Nhưng dù đa số dư luận Mỹ ủng hộ rút quân, các đối thủ Cộng hòa của ông lại chống.”

Thượng nghĩ sĩ đảng Cộng hòa, John McCain đã công bố một chỉ trích nhắm vào quyết định của Tổng thống Barack Obama (đảng Dân chủ) rút quân khỏi Iraq.

Ông MCain, một cựu binh nổi tiếng từ cuộc chiến Việt Nam viết:

“Thật rõ rằng quyết định rút toàn bộ quân khỏi Iraq là có lý do chính trị, không phải vì quyền lợi an ninh quốc gia của chúng ta.”


Lễ hạ cờ của quân đội Mỹ tại Baghdad đánh dấu cuộc chiến Iraq chấm dứt

Vị cựu ứng viên tổng thống bị ông Obama đánh bại năm 2008 cho rằng:

“Lịch sử sẽ đánh giá khả năng lãnh đạo của tổng thống hiện nay bằng lời nhạo báng và sự coi thường vì [khả năng lãnh đạo này] xứng đáng bị coi như thế.”

Trích lời một chuyên gia Nga, ông Vladimir Sotnikov từ Viện IMEMO ở Moscow, báo Kommersant viết:

“Theo các đối thủ của ông Obama, rút quân khỏi Iraq đe dọa ổn định tại nước này và trong toàn vùng. Họ cũng lo ngại một phong trào khủng bố mới có thể xuất hiện…”

Báo Nga cho rằng, “nay một số hoạt động du kích chống chính quyền Iraq đã nổi lên”.

Cái giá quá đắt

Tân Hoa Xã của Trung Quốc hỏi: “Điều gì xảy ra nếu không có cuộc chiến Iraq?”

Cơ quan này tự trả lời:

“Dùng chiến tranh để loại trừ một chính quyền thù địch và nguy cơ tiềm tàng không chỉ đem lại gánh nặng cho Hoa Kỳ, mà còn để lại vết thương sâu cho các nước và các khu vực liên quan. Chiến tranh Iraq là một ví dụ nguy hiểm và đẫm máu.”

Sau chín năm cuộc chiến Iraq, báo chí Trung Quốc cho rằng dù chiến tranh đã kết thúc, nhưng “không thể gọi đây là thắng lợi cho Hoa Kỳ”.

Các luồng dư luận nay cũng tập trung vào bài ḥoc từ Iraq trong bối cảnh Mùa Xuân Ả Rập.

Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, PJ Crowley viết trên trang BBC News rằng Mùa Xuân Ả Rập đem lại một cách tiếp cận hòa toàn mới cho biến đổi chính trị trong vùng, như ủng hộ phong trào bản địa và hỗ trợ quân sự hạn chế như với Libya, thay cho cách áp đặt thay đổi thể chế bằng xâm lăng như Iraq.

Nhưng ông Crowley cũng thừa nhận, thành tích của Mỹ tại Iraq là tạo lập ra một cuộc chuyển giao quyền lực bình yên, đã đến cùng cái giá “vô cùng lớn”.

Đó là, theo ông, cái giá “vô cùng lớn cả về nhân mạng người Iraq, người Mỹ, tài sản quốc gia và sự mất mát về tuy tín [cho Hoa Kỳ] trong vùng và trên thế giới”.

Tính đến hết tháng 8/2010, quân đội Mỹ có 4421 quân nhân bị giết, trong đó 3492 bị giết trong lúc tác chiến, gần 32 nghìn bị thương.

Về phía người Iraq, một cơ quan mang tên Bấm Iraq Body Count nêu ra con số từ 97 nghìn 461 đến 106 nghìn 348 thường dân bị giết từ tháng 3/2003 đến tháng 7/2010.

Một nhân viên an ninh theo hợp đồng dân sự của Mỹ rời Iraq
BBC News

Tags:

Leave a Reply