Đền ơn, đáp nghĩa, trả nợ

Trong không khí của Lễ Tạ Ơn năm nay, người ta cảm thấy dường như phảng phất một điều khác lạ. Trong lòng của nhiều người là một nỗi bồn chồn, xôn xao, bất định, nhưng cũng nhiều người cố giữ để cho tâm tình bên trong lắng xuống để chẳng trở thành những biểu hiện bất an bên ngoài. Cho nên có một sự im lặng khác lạ, bất thường đang phủ trùm lên mọi nơi. Có thể có một truyền thống người ta vẫn giữ như giữ những nền tảng của con người, của xã hội, của đất nước. Ngay cả đối với những người đang còn phải cần thời gian để cho khỏi bỡ ngỡ và có thể xem phong tục của người là của mình. Cuộc sống là phải hội nhập, và chẳng có gì đơn giản hơn là hội nhập qua một bữa ăn tối xum họp gia đình trong đêm Thanksgiving, trông qua tưởng như là ngày Tết, nhưng không gì bằng được những cái mình đã mất.


(Chen lấn xếp hàng trong ngày “Black Friday” tại Los Angeles năm 2008. JEWEL SAMAD/AFP/Getty Images)

Người ta vẫn bàn bạc, mách bảo nhau sáng thứ Sáu này nên sắp hàng ở nơi nào để mua sắm hàng giá rẻ khiến cho ta có thể nhớ một thời kỳ lạ ngày xưa “bán như cho, mua như ăn cướp”. Người ta ước tính rằng năm nay số người đi mua vào “Thứ sáu Đen” (Black Friday) có thể lên đến 57 triệu người – so với 49 triệu năm ngoái là thời gian đất nước chìm sâu vào bóng đêm suy thoái. Người ta nói kinh tế có thể đang hồi phục, như nhịp độ phát triển kinh tế hàng năm của quí ba vừa qua đã lên dến mức 2.8% – sau khi được điều chỉnh từ ước tính lạc quan ban đầu là 3.5% vào tháng trước – sau gần cả hai năm chỉ biết số âm. Nhưng người ta trong cuộc sống thường vẫn cố nhìn những gì đàng sau thực tại, tức những biểu hiện bên ngoài – và do đó nhìn xa hơn một tí trong tầm nhìn của mình. Chính những gì người ta đang thấy khiến cho trong Lễ Tạ Ơn này nhiều người đâm ra suy nghĩ mênh mang đến những chuyện ân nghĩa và oan trái đối với đất nước mặc nhiên này.
Đối với người Việt trên nước Mỹ, cũng như nhiều giống dân thiểu số khác trên đất nước này, Lễ Tạ Ơn Thanksgiving bao giờ cũng là dịp để người ta nhìn lại cuộc đổi đời của mình, và từ đó nhìn bao la trước mặt một nước Mỹ vĩ đại, “vùng đất hứa”, vùng đất của những cơ hội mà đối với rất nhiều người trước đây nằm mơ cũng không thể tưởng được có cách nào mà chắp cánh được đến cõi này. Đó là nói chuyện những năm về trước, khi người ta chẳng ai phải lo nghĩ gì, đã qua được đến đây thì “trời sinh voi, trời sinh cỏ”, và những người thực tế còn tin ở chế độ này còn hơn tin ở trời. Thế nhưng cho dù người ta không ưa nói chuyện xét lại, cuộc suy thoái hiện nay, chưa nói đến những chuyển biến khác trong xã hội, làm cho người ta không ưa xét lại cũng phải xét lại, xét lại chính mình và xét lại đất nước, xã hội trong đó người ta đang sống. Người ta phải xét lại bởi vì những gì người ta đã từng nghĩ, đã yên trí có thể trong thực tế chẳng phải là sự thực, hoặc là vì trước đây người ta nghĩ chưa tới, hoặc là vì vạn vật đang biến đổi mà ta chưa chuyển biến kịp nhận thức của mình. Hay có thể cũng là vì cả hai.
Phần lớn người Việt đến nước Mỹ với một niềm tin và một sự tìm kiếm một cuộc đổi đời. Một số không thể sống được dưới chế độ Cộng Sản mà chế độ Cộng Sản cũng chẳng để họ sống. Và hầu hết muốn nắm ngay lấy cơ hội ngàn năm một thuở để thoát cái kiếp cơ cực bế tắc bao đời trong một xã hội nông thôn lạc hậu. Nếu không có niềm tin, nếu không có được cuộc đổi đời dễ nhận thấy này, chẳng ai đem đánh đổi cái quá khứ và hiện tại gần gũi của mình để đi vào một tương lai người ta chẳng hình dung được thực sự trước khi và ngay cả sau khi đặt chân đến đây. Và dù cho quá trình hội nhập vào xã hội mới còn là con đường dài hun hút đối với nhiều người, cái không khí tự do lây lan người ta hít vào cũng làm cho người ta cảm thấy thoải mái như làm tăng sinh lực của mình. Đối với rất nhiều người, cũng đã qua những ngày cơ cực, đầu tắt mặt tối, cuộc sống bất an, bất định, chẳng biết gì đến những gì xã hội tiêu thụ vật chất có thể đem đến cho con người. Càng ngày người ta càng ít nhìn đến thân phận mà dễ hài lòng với những gì mình đã giành được và dành cho mình, và họ còn mênh mang hạnh phúc khi nghĩ đến tương lai, hậu vận của con, của cháu, của những đời sau mà mình sẽ không thấy.
Đó không phải là niềm tin, hy vọng của riêng người Việt. Không có nơi nào trên thế giới này mà không có những người đang mong đợi có một cơ hội may mắn được di cư đến Mỹ. Đừng nói người da đen ở châu Phi có ác cảm với thái độ kỳ thị chủng tộc của người Mỹ da trắng. Nếu đã có sự oán hận đó, đã không có trên nước Mỹ này vào ngày nay gần 40 triệu người da đen, trong đó có một ngưòi nay là tổng thống của nước Mỹ và một người là Đệ nhất Phu nhân của đất nước này. Người châu Âu là những người đầu tiên di cư đến Mỹ này, nhưng đừng nghĩ rằng đã có Liên hiệp châu Âu 27 nước lớn nhỏ đang có nền kinh tế lớn hàng thứ nhì thế giới chỉ sau nước Mỹ mà người châu Âu không đến Mỹ nữa để tìm những cơ hội – ít ra là những người đến từ những nước Đông Âu, hay các nước như Bosnia, Serbia, Ukraine, Georgia, Croatia… Người ta nói người Hồi giáo có những mối thù bất cộng đái thiên với người Mỹ Tin Lành và Thiên Chúa giáo, nếu không thì đã không có Osama Bin Laden và tổ chức khủng bố Al Qaeda của ông ta, thế nhưng người bác sĩ thiếu tá đang nổi tiếng nhất hiện nay vì vụ bắn chết 11 người ở một trại chuyển quân ở Fort Laude, Texas, là người gốc A-Rập Hồi giáo, và làn sóng nhập tịch từ những nước như Iraq, Jordanie, Afghanistan, Pakistan… dường như ngày càng dồn tới lợi dụng sự sa lầy của người Mỹ ở Trung Đông. Người ta cũng nói Đông là Đông, Tây là Tây, đông tây chẳng bao giờ gặp nhau, nhưng đông cứ đi tìm tây để gặp đó thôi, người từ Tàu, Nhật, Hàn, Việt… vẫn còn sắp hàng dài ở những tòa tổng lãnh sự của Mỹ ở những nước Đông Á này để xin hộ chiếu vào Mỹ. Và chót hết cũng quan trọng hơn hết, những nước Trung Mỹ, Nam Mỹ đã tố cáo không sai về chính sách “thực dân” của Mỹ với lục địa châu Mỹ, xem nước người ta như những “banana republic”, chỉ trồng chuối cho Mỹ ăn tráng miệng, nhưng hiện nay, dân số Latino ở Mỹ đang xấp xỉ 50 triệu người, tức đến 1/6 dân số Mỹ, chưa kể hơn 10 triệu di dân lậu… Hiện nay, những giống dân “thiểu số” không da trắng ở Mỹ đã xấp xỉ 35%, và tuy nhiều người trong chúng ta sẽ không sống đến ngày đó, nhưng cũng nhiều người trong chúng ta sẽ có dịp chứng kiến một ngày, có lẽ 40 năm nữa, vào khoảng năm 2050, khi ở đây người ta gọi ngưòi da trắng là dân thiểu số. Những người phụ nữ da đen, phụ nữ Mễ… dư sức làm chuyện đó.
Nước Mỹ vẫn hãnh diện là một hợp chủng quốc, vẫn xem sự hợp chủng này là sức mạnh của nước Mỹ – hay ít nhất là những nhà chính trị đã nói thế. Nhưng trong tình hình khủng hoảng hiện nay, không chỉ là khủng hoảng kinh tế nhưng khủng hoảng kinh tế nổi bật nhất, người ta đang muốn xét lại. Phải chăng nước Mỹ đã đến thời điểm bão hòa cho nên những gì từng được xem là sức mạnh nay trở thành gánh nặng. Hay người ta đang dần dần khám phá cái nền văn hóa đa dạng từng được xem là đặc sắc hay ho nay lại đang bị thử thách quyết liệt, người ta càng ngày càng sống quay lưng lại với nhau. Nước Mỹ đang phải nhìn lại sức mạnh của mình, và người ta cũng nhìn lại sức mạnh của nước Mỹ – trong sự so sánh tương đối và liên hệ với lịch sử, với quá khứ. Và khi người ta nhìn lại sức mạnh của nước Mỹ, đó cũng là lúc người ta phải nhìn lại chính mình, bởi vì cuối cùng người ta phải kết luận chính từng cá nhân một tổng hợp lại làm nên nước Mỹ – nhất là một nước Mỹ mà chủ nghĩa cá nhân nặng nề hơn bất cứ nơi nào khác.
Suy thoái của Mỹ hiện nay đã gần tròn hai năm, và cho dù người ta nói rằng giá trị Tổng sản lượng của Mỹ trong quí ba, từ tháng Bảy đến tháng Chín, đã tăng, có nghĩa là suy thoái hầu như đã chấm dứt và phục hồi hầu như đã tới, nhưng chẳng ai hiểu thật sự điều đó, còn dám tin điều đó. Trước đây người ta nói chấm dứt suy thoái đi đã, để kinh tế đi vào giai đoạn hồi phục đi đã, rồi dần dần công ăn việc làm sẽ lên lại. Nhưng nay lại có cách nói khác, đã thất nghiệp thế kia, làm sao phục hồi được. Bởi vì người ta nhìn ngay chính bản thân của mình. Người ta nhìn những người chung quanh, chẳng ai đâu xa, vợ mình, con mình, rễ mình, dâu mình, anh em mình, bà con mình. Có ai vui? Có ai an tâm? Hay ai cũng bất an, bất định. Không chỉ là mối lo về công ăn việc làm. Lo giữ nhà giữ cửa cho khỏi mất. Lo cho có đủ tiền tối thiểu để trả các hóa đơn hàng tháng. Còn lo sức khỏe trong tuổi già, nhất là nếu bị cắt hay cúp tiền già, hay chưa đủ già để được coi như người già. Sức khỏe của tuổi trẻ bỗng dưng cũng bị đe dọa vì cúm heo. Và vì lo sợ mất bảo hiểm. Chẳng hiểu tình yêu trong thời dịch tả của Gabriel Garcia Marquez như thế nào, nhưng ngay cả chỉ sống đơn giản, thủ phận chứ không dám yêu đương, trong thời cúm heo đúng là quá mệt. Bởi vì cho dù đến nay chính phủ đã có được 54 triệu liều chích ngừa, người ta vẫn luôn luôn cảm thấy muốn ho, ớn lạnh, sổ mũi, nặng ngực, toàn là những triệu chứng kéo dài chẳng nói được với ai.
Người ta đúng là không có lý do để lạc quan, bởi vì những con số mà người ta hay nói đều có những ý nghĩa sâu xa của nó. Con số thất nghiệp chính thức là 10.2% chưa “đã đời” bằng con số thật sự, bởi vì thật sự là điều người ta không nói. Không nói vì nó có thể lớn đến gấp đôi. Không nói vì thật sự không sao giải quyết được. Vì sao nó không thể giải quyết được, là vì con số thiếu hụt ngân sách đã lên đến mấy ngàn tỉ nếu tính tích lũy, và riêng cho năm tài chánh hiện nay đã lên đến 1.800 tỉ, và con số đó sẽ xấp xỉ trong năm tới. Con số này càng lớn thì chính quyền càng bó tay, vì người ta chẳng còn dám có những biện pháp kích thích nữa. Cứ nhìn sự lúng túng hiện nay của Tổng thống Obama và ông Bộ trưởng Ngân khố Timothy Geithner thì thấy rõ. Từ trước Đệ nhị Thế chiến, Kinh tế gia cha đẻ của kinh tế tân cổ điển JohnMaynard Keynes đã bảo muốn kinh tế đi lên, phải có sự kích thích bằng chi tiêu của chính quyền. Nay nếu chẳng có kích thích, thì kinh tế không lên. Nó cũng không giải quyết được vì con số nợ nước ngoài, tức thâm thủng mậu dịch cứ chồng chất như núi. Thâm thủng mậu dịch có nghĩa là mình chẳng làm ăn được, chẳng có gì bán, chẳng sản xuất gì được, do đó cứ mang nợ nước ngoài để mua hàng nước ngoài. Chẳng bao giờ ta có thể ngờ rằng có một lúc nào đó Mỹ phải ngượng mặt khi đối đầu với Trung Hoa vì nợ nhiều quá mà chưa tìm ra cách trả. Và cái nợ này không chỉ là một sự phá sản tài chánh mà cả phá sản trong cơ cấu kinh tế. Người ta tính rằng số nợ tích lũy của Mỹ trong năm năm nữa đã lên đến 14.000 tỷ. Chỉ để trả lãi, chưa nói đến nợ, một năm Mỹ phải mất đến 500 tỷ. Trong khi đó, cái dự luật cải tổ hệ thống bảo hiểm y tế mà Hạ Viện và Thượng Viện đưa ra chỉ tốn, trong mười năm, chưa đến 900 tỷ!
Khủng hoảng này ở đâu mà ra. Đó chính là cái vấn nạn lớn nhất mà Lễ Tạ Ơn này đang đặt ra cho nước Mỹ, cho mỗi chúng ta. Nước Mỹ vẫn được coi là ngôi sao bắc đẩu về khoa kinh tế học và cả khoa học quản trị kinh doanh. Mà hai khoa hoc này nói chung là gì, nếu không phải là phát triển và sử dụng năng lực con người ở mức tối hảo, nhất là trong một thế giới toàn cầu hóa với sự canh tranh ngày càng mãnh liệt không những đến từ những đối thủ truyền thống mà còn từ những nguồn gốc mình chẳng có thể ngờ tới được. Sử dụng con người gồm hai mặt: người ta làm được việc gì, và họ sẽ được thù lao như thế nào – trong bối cảnh của thế giới cạnh tranh. Mọi cuộc khủng hoảng đều có thể qui cho sự thất bại trong chiến lược và chính sách phát triển và sử dụng con người. Dường như những nhà kinh tế học của Mỹ và những nhà khoa học quản trị của Mỹ chưa tìm được đáp số bài toán đó. Nhưng phân tích thêm một tí, người ta vừa có thể thấy sự sụt giảm trong năng suất lao động, khả năng đóng góp, và sự tham dự tích cực của người dân trong xây dựng xã hội. Cứ lấy con số mà văn phòng ngân sách của Nhà Trắng đưa ra về sự gian dối, lạm dụng ngân sách cho Medicare và Medicaid, cả 98 tỷ trong mười năm. Con số đó cho ta hình ảnh về tỷ lệ đông đảo của “những người đứng bên lề” trong xã hội này.
Trong dịp Lễ Tạ Ơn này, nhiều người sẽ giật mình và mất vui khi nghĩ đến nợ cá nhân, nợ gia đình, nợ ngân sách của chính phủ, nợ thương mại quốc tế của đất nước. Nhưng làm sao có thể nói đến “tạ ơn” mà không nói đến chuyện đền ơn, đáp nghĩa, trả nợ cho đất nước đã cho mình cuộc “đổi đời” này. Một số người có thể nhớ đến câu nói của John Kennedy: “And so, my fellow Americans: ask not what your country can do for you—ask what you can do for your country.” Nay những câu nôm na của mình: gia bần tri hiếu tử, nước nợ biết tôi trung.

Nhiều người có thể chưa sẵn sàng trước thực tế bất ngờ đó. Nhưng nguời Việt chúng ta, nhất là những thế hệ cao niên hay sắp cao niên, đều đã chứng kiến không ít những cuộc bể dâu của cuộc đời. Từ năm 1945 đến nay có ai ở nước nào đã quá bị vùi dập trước biết bao cơn lốc của lịch sử như chúng ta. Và nếu có một điều gì họ nên suy nghĩ trong ngày nghỉ này, đó là cuộc đời của con người, nhìn lại, chỉ là một chuỗi của các cuộc đổi đời mà thôi

Hoàng Ngọc Nguyên-(Việt Tribune)

Tags: , ,

Leave a Reply