Cha con lãnh tụ Bắc Hàn tái xuất hiện

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-il xuất hiện tại lễ kỷ niệm quốc gia với con trai và người được cho là nhân vật thừa kế chính thức của ông, Kim Jong-un.

Sự xuất hiện chung hiếm thấy của cặp cha con lãnh đạo có vẻ nhấn mạnh những gì giới quan sát nói là một kế hoạch cai trị của triều đại bước sang thế hệ thứ ba của gia đình ông Kim Jong-il.
Truyền hình nhà nước cho thấy hai cha con vỗ tay từ một ban-công khi họ đang theo dõi hàng ngũ quân đội duyệt binh đánh dấu kỷ niệm 63 năm thành lập quốc gia cộng sản Bắc Triều Tiên.

(Rất hiếm khi cả hai cha con ông Kim Jong-il và Kim Jong-un (thứ nhất và thứ ba từ trái sang) cùng xuất hiện trước công chúng.)

Ông Kim Jong-un, con trai của Chủ tịch Bắc Triều tiên, đã được phong làm Tướng bốn sao và giữ chức vụ Phó Chủ tịch của Quân ủy Trung ương của Đảng Cộng sản.

Người ta cho rằng ở độ tuổi ngoài 20 của mình, ông đã xuất hiện công khai lần đầu tiên vào tháng Mười vừa qua tại một cuộc diễu hành quân sự cùng với cha mình, trong bối cảnh có suy đoán rằng chính tình trạng sức khỏe yếu kém của cha ông đã thúc đẩy quá trình kế vị.

Hôm thứ sáu, Kim Jong-un một lần nữa đứng với cha mình, nhìn ra từ một ban công tại cuộc diễu hành quân sự và đám đông cổ vũ tại quảng trường trung tâm của Bình Nhưỡng.

(Bắc Triều Tiên thường xuyên phô trương sức mạnh quân sự như để chứng tỏ sức mạng của quốc gia thường xuyên gặp nạn đói này.)
Phô trương và nạn đói
Bên dưới, đám đông vẫy hoa nhựa màu hồng và cổ vũ hình ảnh trẻ tuổi của ông Kim Jong-un, cha ông và ông nội của ông, vốn là các nhà lãnh đạo duy nhất được biết ở Bắc Triều Tiên kể từ khi thành lập Nhà nước từ năm 1948.

Các khí tài quân sự được triển khai để phô trương, nhấn mạnh sức mạnh của đất nước và khả năng tự cung tự cấp của nó, theo phóng viên BBC Lucy Williamson tại Seoul.

Tuy nhiên, nhiều khu vực ở Bắc Triều Tiên đang phải đối mặt với nạn thiếu lương thực trầm trọng và tình trạng săn ngoại tệ của nước này đang trở nên công khai hơn bao giờ hết, vẫn theo phóng viên của chúng tôi.

Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) ước tính có 6.000.000 người Bắc Triều Tiên đang bị thiếu lương thực.

Bắc Triều Tiên đã cầu xin viện trợ lương thực trong năm nay, đổ lỗi cho thời tiết xấu và tác động của biện pháp trừng phạt quốc tế áp đặt đối với các hoạt động hạt nhân của mình.

Nga, EU và Liên Hợp Quốc đã hỗ trợ, nhưng Hàn Quốc và Mỹ cho đến nay từ chối viện trợ lương thực, mà chỉ cấp cứu trợ khẩn cấp.

Seoul nói rằng Bình Nhưỡng phải có động thái rõ ràng hướng tới chấm dứt chương trình hạt nhân của nó trước khi nước này có thể được xem xét nối lại viện trợ quy mô lớn.

Trong năm 2009, Bình Nhưỡng đã bước ra khỏi cuộc đàm phán sáu bên với Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Nga, và tiến hành cuộc thử nghiệm hạt nhân thứ hai của mình ngay sau đó.

Theo: BBC News

Tags:

Leave a Reply