Biết quyền lợi để tránh bị cảnh sát hành hung

Cảnh sát Westminster trong buổi hướng dẫn cộng đồng Việt Nam tránh nạn cảnh sát hung bạo, hồi Tháng Mười Một. (Hình: Hà Giang/Người Việt)

Cho đến nay “Cảnh sát hung bạo” là một vấn nạn nghiêm trọng, làm thiệt mạng hay gây thương tích trầm trọng cho nhiều người dân trên toàn nước Mỹ, nhưng cả chính quyền liên bang, tiểu bang đến địa phương đều vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu nào để loại trừ hay ngăn chặn được.Tiếp xúc với báo Người Việt, Luật Sư Nguyễn Hoàng Duyên, hiện đang làm việc tại vùng San Jose và Sacramento, và đang đại diện cho du sinh Phương Hồ trong vụ Phương bị cảnh sát San Jose đánh cho biết theo ông, “đa số cảnh sát đều làm việc một cách có lương tâm,” tuy nhiên, vì được huấn luyện “trong một môi trường kỷ luật sắt giống như trong quân đội,” đôi khi họ hành xử một cách cứng nhắc và đòi hỏi mọi người phải tuân lệnh họ một cách tuyệt đối.

“Ðể tránh trở thành nạn nhân của cảnh sát hung bạo, điều quan trọng nhất là hiểu rõ quyền và bổn phận của mình trước pháp luật.” Luật Sư Nguyễn Hoàng Duyên nói.

Ông Andrew Hall, cảnh sát trưởng thành phố Westminster đồng ý với Luật Sư Nguyễn Hoàng Duyên, nói rằng “huấn luyện là yếu tố then chốt trong việc giải quyết vấn nạn ‘cảnh sát hung bạo.’”
“Cả người dân lẫn cảnh sát đều cần phải được huấn luyện về điều này!”
Cảnh sát trưởng Andrew Hall phát biểu.
Trong một cuộc phỏng vấn với phóng viên báo Người Việt về đề tài làm thế nào để giảm thiểu những vụ cảnh sát hung bạo, ông Andrew Hall giải thích thêm là một mặt người dân cần hiểu “tương quan giữa họ và nhân viên công lực,” mặt khác các cảnh sát phải được đào tạo và huấn luyện thường xuyên.
“Cảnh sát phải được huấn luyện bằng những cuộc thảo luận với những thí dụ cụ thể” để họ hiểu rõ phải hành xử như thế nào trong mỗi trường hợp, ngõ hầu tránh gây thương tích hay “làm thiệt mạng những người mà họ có trách nhiệm bảo vệ.”
“Khi về hưu, có thể tôi sẽ tổ chức những khóa huấn luyện ‘làm sao tránh hành xử hung bạo’ cho các sở cảnh sát.” Ông nói.
Một cảnh sát viên ẩn danh tại Long Beach thì cho rằng tuy “cảnh sát hung bạo” là một vấn nạn có tầm cỡ quốc gia, nhưng trong hoàn cảnh hiện tại, “các tổ chức dân sự như American Civil Liberties Union (ACLU) hay Flex Your Rights đang đạt được nhiều thành quả” trong việc giảm thiểu vấn nạn này, bằng cách soạn và phổ biến tài liệu hướng dẫn cho người dân biết quyền của họ là gì, và tương quan của quần chúng với cảnh sát.
Những điều tổng quát cần biết trong khi va chạm với cảnh sát:

1. Suy nghĩ thật kỹ về cách dùng từ trước khi nói, cẩn thận về từng cử chỉ, chuyển động, ánh mắt, nét mặt. Phải rất bình tĩnh.

2. Tuyệt đối không đôi co cãi cọ với cảnh sát.

3. Tất cả những gì quý vị nói, hay làm, đều có thể bị dùng để truy tố quý vị.

4. Ðể tay chỗ nào cảnh sát có thể nhìn thấy.

5. Không chạy, và không đụng vào người của cảnh sát viên.

6. Không cưỡng chống họ, dù nghĩ là mình vô tội.

7. Không than phiền với các cảnh sát, hay nói là họ sai, hay dọa là quý vị sẽ làm đơn khiếu nại.

8. Không phát biểu gì về sự kiện bạn chặn lại. Khi bị bắt giữ, yêu cầu được liên lạc ngay với một luật sư.

9. Cố nhớ số thẻ của cảnh sát viên, và số xe, và ghi xuống tất cả mọi chi tiết.

10. Tìm tên và số phôn của các nhân chứng.

11. Chụp hình thương tích của mình ngay, nhưng đi nhà thương trước.

12. Nếu nghĩ rằng cảnh sát đã vi phạm quyền của quý vị có thể làm đơn khiếu nại với Public Internal Affairs or Civil CB.

13. Nếu đang đi đường bị chặn lại:

– Từ chối trả lời không phải là một cái tội, nhưng có thể khiến cho cảnh sát nghi ngờ quý vị. Lưu ý là ở một số tiểu bang có luật “stop and identify” như Florida, Louisiana và New York, cảnh sát có quyền hỏi tên quý vị khi chặn lại, nhưng nếu không muốn nói tên, quý vị có quyền sử dụng “quyền giữ im lặng”, chỉ cần nói câu: “I’m going to remain silent. I would like to see a lawyer.”

– Cảnh sát có quyền khám người theo kiểu “lấy tay vỗ” (“pat-down”) vào quần áo quý vị nếu họ nghi có vũ khí trong người. Ðừng chống cự, nhưng cho biết là quý vị không bằng lòng cho họ lục soát thêm.

– Hỏi xem có phải quý vị đang bị bắt giữ không, nếu có thì bạn có quyền biết lý do tại sao.

– Ðừng phỉ báng cảnh sát hay bỏ chạy. Dù biết là mình vô tội. Chính việc bỏ chạy hay phỉ báng tạo cho họ lý do để bắt giữ bạn.

14. Nếu bị chặn lại lúc đang lái xe

– Ðưa cảnh sát xem bằng lái xe, thẻ đăng bạ và bằng chứng bảo hiểm khi họ yêu cầu. Trong một số trường hợp, cảnh sát có quyền khám xét xe của quý vị mà không cần phải có trát tòa, miễn là có lý do khả thi. Ðể bảo vệ quyền lợi sau này, quý vị cần khẳng định là không bằng lòng cho cảnh sát khám xe (nhưng vẫn cứ để cho họ xét, đừng chống cự).

– Nếu bị ghi ticket, bắt buộc phải ký vào tờ giấy phạt, nếu không có thể sẽ bị bắt giam. Quý vị có thể kháng cự giấy phạt tại tòa án.

– Nếu bị tình nghi là say rượu trong lúc lái xe, và từ chối không cho thử máu, nước tiểu, hay hơi thở, cảnh sát có thể tịch thu bằng lái của bạn.

15. Nếu bị bắt và đưa về trạm cảnh sát

– Quý vị có quyền giữ im lặng và quyền nói chuyện với một luật sư trước khi nói chuyện với cảnh sát. Không cho cảmh sát biết điều gì ngoài tên tuổi và địa chỉ. Không giải thích, không bào chữa, xin lỗi, và cũng không kể lể gì hết. Quý vị có thể bào chữa tại tòa, sau khi đã có cơ hội thảo luận với luật sư và quyết định cách bào chữa nào là tốt nhất.

– Yêu cầu được gặp luật sư ngay. Nếu không có tiền mướn luật sư, quý vị có quyền được một luật sư miễn phí, và nên hỏi cảnh sát làm thế nào để có thể liên lạc với luật sư. Không nói gì cả khi không có luật sư bên cạnh.

– Trong một khoảng thời gian hợp lý sau khi bị giam giữ, quý vị có quyền gọi một cú phôn trong vùng, (local call) cho luật sư, cơ quan nhận thế chân, người thân, hay bất cứ ai. Cảnh sát không được quyền nghe cuộc điện đàm.

– Ðôi khi quý vị có thể được thả ra mà không cần phải đóng thế chân, hoặc tiền thế chân sẽ được giảm. Hoặc luật sư của quý vị yêu cầu quan tòa quan tòa giảm tiền thế chân. Một ngày sau khi bị bắt, cảnh sát phải mang quý vị ra gặp quan tòa.

– Ðừng nên có quyết định gì trước khi tham khảo với luật sư.

16. Nếu cảnh sát đến nhà

– Nếu cảnh sát đến gõ cửa và muốn vào nhà, quý vị có quyền không cho họ vào, trừ khi họ có trát tòa.

– Tuy nhiên trong một vài trường hợp khẩn cấp (thí dụ có người đang kêu la cầu cứu ở bên trong, hoặc khi cảnh sát đang đuổi bắt một người nào) thì cảnh sát có quyền vào trong và lục soát nhà của quý vị mà không cần trát tòa.

– Khi bị bắt, cảnh sát có quyền khám nhà bạn và những khu vực xung quanh. Nếu bạn ở trong một bindinh, khu vực xung quanh có nghĩa là phòng bạn đang ở.

Mọi người, kể cả vị thành niên có quyền được cảnh sát đối xử một cách lễ độ và kính trọng.

Hà Giang/Người Việt

Tags:

Leave a Reply