Chào tất cả các em cựu Học sinh Trung Học Thuận An và gia quyến.
Nhớ lại thuở xa xưa, cách đây cũng gần 40 năm rồi, trường Trung học Tỉnh hạt Thuận An đuợc thành lập chung với hàng ngàn trường Trung học tỉnh hạt khác ở khắp nơi trên miền nam Việt Nam. Mục đích để đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của con em ở các vùng quê đồng thời nâng cao trình độ học vấn của người dân nói chung. Vì quá xa xôi cho nên gia đình các em đó không đủ điều kiện để cho các em lên thành phố trọ học, hoặc cũng không thể cho con em đến các trường Trung học ở các quận lỵ nơi các em đó sinh sống.
Cổng trường hiện tại (lúc trước chưa có cổng)
Quy chế thành lập và điều hành các trường Trung học Tỉnh Hạt cũng có phần nào khác biệt với các trường Trung học ở Quận ly hay các thành phố. Ví dụ về xây dựng cơ sở vật chất, do ngân sách Tỉnh Hạt đài thọ. Phần chuyên môn do Bộ giáo dục đảm trách, chẳng hạn bổ dụng giáo sư, áp dụng và theo dõi chương trình giảng dạy,… đều do Bộ giáo dục chịu trách nhiệm. Giáo sư dạy ở các trường đó cũng được hưởng vài quy chế đặc biệt, ví dụ, được hoãn dịch để an tâm công tác trong suốt thời gian giảng dạy ở các trường Trung Học Tỉnh Hạt.
(Những lớp học đầu tiên của trường)
Trên nguyên tắc, tùy theo nhu cầu, mỗi xã sẽ có một trường Trung Học Tỉnh Hạt, mang tên xã đó. Ví dụ Trường Trung Học Phú Dương, Trường Trung học Hương Phú,… Riêng về Trường Trung học ở Thuận An có vài điểm đặt biệt. Đúng ra trường đã mang tên Trường Trung Học Tỉnh Hạt Phú Thuận, hoặc Trường Trung Học Phú Thuận. Xã Phú Thuận trải dài từ Thôn Thái Dương Thượng cho đến An Dương (Hạ). Trường sẽ được xây dựng tại gần trụ sở xã Phú Thuận lúc bấy giờ đặt tại thôn Hoà Duân.
Lúc đó có sự trach chấp giữa Thuận An, Hoà Duân và An Dương. Một vài vị ở Thuận An, có uy tín và có điều kiện, họ muốn trường Trung Học đó đặt tai Thôn Thuận An. Họ nại nhiều lý do như sau:
– Họ có ngay cơ sở vật chất để trường sẽ khai giảng ngay niên khoá đầu tiên 1972, học sinh có phòng học ngay trong lúc chờ đợi ngân sách của Tỉnh, chờ đợi xây dựng cơ sở vật chất. Trong lúc đó thôn Hoà Duân không có đủ cơ sở vật chất. Trường tiểu học Hoà Dương chỉ đủ số phòng học cho các con em hai Thôn Hoà Duân và An Dương mà thôi.
– Nếu Trường đặt ở Thuận An, sẽ có điều kiện phát triển hơn, Trường khai giảng sớm hon.Thôn Thuận An sẽ cung ứng đất đai rộng rãi để xây dựng trường sở, v.v.v
– Thôn Thuận An có đông học sinh hơn các thôn khác.
– Bên cạnh đó có nhiều lý do đia phương khác, mà thầy không thể nói được.
Riêng về phần các Thầy cô, chỉ mong khai giảng càng sớm càng tốt và lẽ dĩ nhiên nếu trường đặt ở Thuận An, sự đi lại sẽ dễ dàng hơn, an ninh hon, nói theo ngôn từ thời bấy giờ.
Và đáp ứng theo nguyện vọng của tất cả học sinh và đông đảo mọi phụ huynh là Trường cần khai giảng càng sớm càng tốt, học sinh cần đến trường đúng ngày khai giảng. Mọi sự tranh chấp sẽ từ từ giải quyết.
Niên khoá đầu tiên chúng ta học tại Trường Tiểu học Tân Thuận. Cơ sở này mượn của Trường Thiên Chúa Giáo, thuộc giáo xứ Thuận An.
(Trường được xây dựng thêm vì số lượng học sinh ngày càng đông)
Trường mang tên Thuận An vi có nhiều lý do, một trong những lý do đó là Từ Thuận An đã đi vào lịch sử. Cũng trong niên khoá này, cơ sở Trường Trung Học Tỉnh Hạt Thuận An hiện tại bắt đầu chính thức xây dựng. Sự tranh chấp giữa Thuận An và Hoà Duân, An Dương còn tiếp tục. Thầy nhắc lại sự việc đã xảy ra gần 40 năm. Những người trong cuộc này đã thành người thiên cổ. Song có điều Thầy đã nhắc nhở các em rất nhiều lần là khi các em có đủ điều kiện học hành như những người khác, các em không thua kém gì họ.
Từ những ngày đầu tiên Trường thành lập, Thầy trò chúng ta gặp nhau, học và hành trong những điều kiện khó khăn thiếu thốn, bàn ghế với bảng đen còn chưa đủ để ngồi, để viết, chứ đừng nói đến thư viện, sân chơi thể thao,… là những nhu cầu mà chúng ta không bao giờ mơ tưởng…
Từ trái sang phải : thầy Quyết, cô Hồng, thầy Hối, thầy Huyến, thầy Bá, thầy Hường, thầy Chương, thầy Lưu
Hôm nay, trước thềm năm mới, nhớ lại các em, hồi tưởng lại “ngày xưa thân ái”, thầy trò, kẻ còn người mất, biết bao kỷ niệm đẹp lại trở về với thầy như mới xảy ra ngày hôm qua: như Đội học sinh giỏi “toán” đầu tiên của Trường Trung Học Thuận An, như Võ Đức Diên, Nguyễn Thanh Hựu, Trường Hồng Sơn, Trương Viết Sử, Lê Đức Kiểm. Đội bóng bàn của trường, với các cây vợt nổi tiếng: Trần Văn Giáo, Chế Văn Hường. Học sinh chúng ta có Nguyễn Văn Chiến, ở Cự Lại, sau nay trở thành cây vợt nổi tiếng của Tỉnh Đội Thừa Thiên Huế. Thầy sẽ có lúc kể lại chi tiết hơn.
(Bảng danh dự cho học sinh giỏi của trường)
Các em thương mến, 40 năm qua nhanh như một giấc mơ, Thầy cũng như các em đều ngậm ngùi nhớ lại ngày xưa, đẹp lắm phải không các em nhỉ.
Giờ đây, chúng ta rải rác khắp bốn phương trời, cứ mỗi lần nhắc đến hai chữ “Thuận An” lòng chúng ta lại chùng xuống, nặng trĩu ưu tư. Thôi thì kiếp người là thế đấy.
Thầy cầu chúc tất cả các em, các Thầy Cô cùng gia quyến những ngày nghỉ Giáng Sinh vui vẻ và sang năm mới được mọi sự như ý.
Thương nhớ các em
Lê Chí Đệ
Tags: Bài viết của thầy Lê Chí Đệ - Cựu Giáo Viên trường THTH Thuận An
Bài viết để lên như vậy rất đẹp.