Tiệc Chay gây quỹ Chùa Phổ Nhãn
Author Archive
Tiệc Chay gây quỹ
Friday, June 24th, 2022Tìm thấy chủng virus cúm ‘có khả năng gây đại dịch’ ở Trung Quốc
Thursday, July 2nd, 2020
GETTY IMAGES-Chủng cúm mới tương tự với cúm heo năm 2009
Một chủng cúm mới có khả năng trở thành đại dịch đã được các nhà khoa học phát hiện ở Trung Quốc.
Chủng cúm này mới xuất hiện gần đây và được thấy ở lợn, nhưng có thể lây sang người, các nhà khoa học nói.
Họ lo ngại chủng này có thể biến dạng thêm và lây lan dễ dàng từ người sang người, và gây ra một đại dịch toàn cầu.
Mặc dù hiện nay chủng cúm này không phải là vấn đề ngay lập tức, nhưng nó có “tất cả các đặc tính” của một virus có khả năng thích nghi cao để lây sang người, và cần được theo dõi chặt chẽ.
Vì đây là virus mới, con người có thể có rất ít hoặc không có miễn dịch với chủng cúm này.
Các nhà khoa học viết trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences rằng các biện pháp kiểm soát virus này ở lợn, và việc theo dõi sát sao người lao động trong ngành chăn nuôi lợn cần được thực hiện nhanh chóng.
Mối đe dọa đại dịch
Một chủng cúm mới độc hại nằm trong số những đe dọa dịch bệnh hàng đầu mà các chuyên gia trông đợi, ngay cả trong lúc thế giới đang nỗ lực chống chọi với đại dịch virus corona hiện nay.
Đại dịch cúm cuối cùng mà thế giới gặp – dịch cúm heo năm 2009 – đã không gây chết người như lo ngại ban đầu, chủ yếu vì nhiều người cao tuổi đã có sự miễn dịch nhất định với nó, có lẽ vì nó tương tự như các loại virus cúm khác đã lây truyền trong những năm trước.
Virus đó, với tên gọi A/H1N1pdm09, hiện giờ được bao gồm trong vaccine cúm hàng năm để bảo vệ người dân.
Chủng cúm mới được phát hiện ở Trung Quốc cũng tương tự như cúm heo 2009, nhưng có một số thay đổi.
Cho tới giờ, nó không là một mối đe dọa lớn, nhưng GS Kin-Chow Chang và đồng nghiệp, những người đã nghiên cứu nó, cho rằng cần phải để mắt đến virus này
Chúng ta có cần lo lắng lắm không?
Virus mới này, mà các nhà nghiên cứu gọi là G4 EA H1N1, có thể phát triển và nhân bản trong tế bào lớp màng trong đường hô hấp của người.
Họ tìm thấy bằng chứng có lây lan gần đây ở những người làm việc trong các lò giết mổ và ngành chăn nuôi lợn ở Trung Quốc khi họ xem xét số liệu từ 2011 đến 2018.
Vaccine cúm hiện nay có vẻ như không có sức bảo vệ trước loại virus này, mặc dù vaccine có thể được thay đổi nếu cần thiết.
GS Kin-Chow Chang, người làm việc tại Đại học Nottingham, Anh Quốc nói với BBC:
“Hiện giờ chúng ta đang bị phân tán với virus corona và đúng là phải như vậy. Nhưng chúng ta không được lơ là với các loại virus mới nguy hiểm.”
Mặc dù virus này không phải là mối lo ngay lập tức, ông nói: “Chúng ta không nên phớt lờ nó.”
Trên lý thuyết, một đại dịch cúm có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhưng đại dịch cúm vẫn là chuyện hiếm. Đại dịch chỉ xảy ra nếu một chủng virus mới xuất hiện có thể dễ dàng lây lan từ người sang người.
Mặc dù các loại virus thay đổi liên tục – cũng là lý do vì sao vaccine ngừa cúm cần được thay đổi thường xuyên để theo kịp – chúng thường không gây ra đại dịch.
GS James Wood, Trưởng khoa Thú y tại Đại học Cambridge, nói nghiên cứu là “một lời nhắc nhở” rằng chúng ta luôn có nguy cơ gặp các mầm bệnh mới xuất hiện, và rằng vật nuôi, những loài chúng ta có tiếp xúc nhiều hơn động vật hoang dã, có thể là nguồn cho những đại dịch virus quan trọng.
Một người phát ngôn của Tổ chức Y tế Thế giới nói: “Chúng ta biết các virus cúm heo giống như cúm gà đang lưu hành trong các đàn lợn ở châu Á và đôi khi có thể lây sang người. Hai lần mỗi năm trong các cuộc họp về vaccine ngừa cúm, tất cả các thông tin về các loại virus được xem xét và việc cần phòng ngừa một ứng cử viên virus được bàn thảo. Chúng tôi sẽ đọc kỹ nghiên cứu này để tìm hiểu xem có gì mới.
“[Báo cáo] này cũng nhấn mạnh chúng ta không được sơ hở với bệnh cúm; chúng ta cần cảnh giác và tiếp tục theo dõi ngay cả trong đại dịch Covid-19.”
Source:Michelle Roberts-BTV Y tế, BBC News online
Ba tàu sân bay Mỹ xuất hiện ở cửa ngõ Biển Đông
Monday, June 22nd, 2020Ba tàu sân bay Mỹ xuất hiện ở cửa ngõ Biển Đông
Ba nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ đang cùng hoạt động tại Biển Philippines, tiếp giáp Biển Đông, trong động thái chưa từng có suốt nhiều năm.
Hạm đội Thái Bình Dương của hải quân Mỹ ngày 21/6 cho biết hai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz đã bắt đầu triển khai hoạt động chung tại Biển Philippines. Hai nhóm tàu sân bay có kế hoạch cùng diễn tập phòng không, giám sát, tiếp tế trên biển, huấn luyện tấn công tầm xa và các khoa mục khác nhằm phô diễn khả năng vận hành nhiều nhóm tàu sân bay cùng lúc trong phạm vi gần của hải quân Mỹ.
“Đây là cơ hội tuyệt vời để chúng tôi huấn luyện cùng nhau trong kịch bản phức tạp. Khi cùng làm việc trong môi trường này, chúng tôi sẽ cải thiện kỹ năng chiến thuật và sẵn sàng đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong khu vực cũng như từ Covid-19”, chuẩn đô đốc Doug Verissimo, chỉ huy Nhóm tác chiến Tàu sân bay 9, cho biết trong thông cáo.
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt tiến vào Biển Philippines, ngày 17/6. Ảnh: US Navy.
Cùng ngày, Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ cũng công bố loạt ảnh hoạt động của nhóm tác chiến USS Ronald Reagan tại Biển Philippines, trong đó có bức ảnh chụp một tiêm kích F/A-18E Super Hornet chuẩn bị cất cánh từ tàu sân bay này hôm 18/6, nhằm góp phần “bảo vệ lợi ích hàng hải chung của các đồng minh và đối tác ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.
Hiện chưa rõ vị trí cụ thể của ba nhóm tàu sân bay Mỹ trên Biển Philippines và liệu cả ba nhóm tàu này có cùng tiến vào Biển Đông hay không. Biển Philippines nằm ở phía đông Philippines, là cửa ngõ vào Biển Đông thông qua eo Luzon nằm giữa Philippines và đảo Đài Loan.
Đây là lần đầu tiên kể từ 2017 hải quân Mỹ điều ba tàu sân bay tới hoạt động gần Biển Đông, trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh tiếp tục gia tăng. Giới chuyên gia nhận định động thái này của hải quân Mỹ phát đi thông điệp mạnh mẽ tới Trung Quốc rằng quân đội Mỹ sẽ tiếp tục duy trì hiện diện trong khu vực bất chấp Covid-19 đang diễn ra.
Vị trí Biển Philippines, Biển Đông và Eo Luzon. Đồ họa: Google Map.
Hải quân Mỹ nhiều lần triển khai hoạt động tuần tra tự do hàng hải và huấn luyện gần các thực thể Trung Quốc chiếm đóng trái phép tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Mỹ nhiều lần kịch liệt chỉ trích Trung Quốc vì hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo, xây dựng sân bay quân sự và triển khai vũ khí phi pháp lên các thực thể này.
Mỹ lo ngại các tiền đồn của Trung Quốc có thể được sử dụng để cản trở tự do hàng hải trên tuyến đường biển quan trọng qua Biển Đông, với khoảng 3.000 tỷ USD hàng hóa toàn cầu đi qua mỗi năm.
Truyền thông Trung Quốc chỉ trích việc Mỹ triển khai ba tàu sân bay cùng lúc tới Biển Đông. “Với việc tập trung các tàu sân bay này, Mỹ đang cố gắng chứng minh cho khu vực và cả thế giới rằng họ vẫn là lực lượng hùng mạnh nhất, khi có thể tiến vào Biển Đông và đe dọa quân đội Trung Quốc tại đây cũng như các tàu thuyền đi qua vùng biển gần đó”, chuyên gia quân sự Li Jie tại Bắc Kinh cho biết trong bài viết trên Global Times.
Lie Jie cho rằng Trung Quốc có thể đáp trả hoạt động của Mỹ bằng cách tổ chức tập trận hải quân tại Biển Đông, đồng thời nhắc đến một số vũ khí trong biên chế quân đội Trung Quốc có khả năng vô hiệu hóa tàu sân bay như tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D và DF-26.
Quân đội Mỹ gần đây chật vật đối phó với Covid-19 để duy trì hiện diện quân sự ở tây Thái Bình Dương nhằm trấn an đồng minh và ngăn Trung Quốc lợi dụng tình hình đại dịch để gia tăng ảnh hưởng trong khu vực. Hải quân Mỹ khôi phục năng lực tác chiến sau đợt bùng phát dịch trên các chiến hạm, trong đó có cả ba tàu sân bay đang hoạt động tại Biển Philippines.
“Các hoạt động của chúng tôi thể hiện tính kiên cường và sẵn sàng chiến đấu của lực lượng hải quân, là thông điệp mạnh mẽ về cam kết của chúng tôi với an ninh và ổn định trong khu vực khi bảo vệ các quyền lợi, tự do và sử dụng hợp pháp vùng biển này vì lợi ích của các quốc gia”, chuẩn đô đốc James Kirk, chỉ huy Nhóm tác chiến Tàu sân bay 11, cho biết trong thông cáo.
Tiêm kích F/A-18F Super Hornet chuẩn bị cất cánh từ tàu sân bay USS Ronald Reagan trên Biển Philippines, ngày 21/6. Ảnh: US Navy.
Hải quân Mỹ nhiều lần cho hai nhóm tàu sân bay hoạt động cùng lúc ở tây Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông, Biển Hoa Đông và Biển Philippines. Tham gia các hoạt động này thường là nhóm tác chiến tàu sân bay được triển khai từ Yokosuka, Nhật Bản và một nhóm tác chiến tàu sân bay của Hạm đội 7 ở bờ tây Mỹ.
Lần cuối Mỹ triển khai cùng lúc ba tàu sân bay tới tây Thái Bình Dương vào tháng 11/2017, khi ba tàu sân bay Reagan, Roosevelt và Nimitz tới khu vực giữa lúc căng thẳng Mỹ – Triều leo thang. Ba nhóm tác chiến tàu sân bay diễn tập cùng oanh tạc cơ chiến lược B-1 trong 4 ngày ở vùng biển giữa Hàn Quốc và Nhật Bản.
VNE-Nguyễn Tiến (Theo Japan Times)
Đài Loan bay thử phi cơ tự phát triển
Monday, June 22nd, 2020Phi cơ huấn luyện siêu âm AT-5 Dũng Ưng do Đài Loan tự phát triển bay thử công khai lần đầu tiên trước sự chứng kiến của lãnh đạo Thái Anh Văn.
Nguyên mẫu AT-5 Dũng Ưng được một chiến đấu cơ Ching-kuo hộ tống đã thực hiện chuyến bay thử dài 12 phút trước sự chứng kiến của lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn tại căn cứ quân sự ở Đài Trung hôm nay. Đây là lần bay thử nghiệm thứ hai của mẫu phi cơ huấn luyện do Đài Loan tự phát triển, nhưng là chuyến bay công khai đầu tiên. Đợt bay thử đầu tiên diễn ra cách đây hai tuần nhưng không được công bố.
“Máy bay huấn luyện đời mới không chỉ tạo ra hơn 2.000 việc làm, mà còn giúp truyền tải kinh nghiệm và xây dựng thế hệ nhân tài mới trong ngành công nghiệp hàng không”, bà Thái phát biểu sau khi chứng kiến màn bay thử.
Nguyên mẫu AT-5 bay thử chuyến đầu hồi đầu tháng 6. Ảnh: Scramble Magazine.
AT-5 Dũng Ưng là máy bay phản lực quân sự đầu tiên được Đài Loan tự thiết kế và chế tạo trong hơn 30 năm qua, kể từ khi hòn đảo thử nghiệm tiêm kích hạng nhẹ F-CK-1 Ching-kuo năm 1989.
Đài Bắc đã đầu tư khoảng 2,2 tỷ USD cho dự án AT-5 từ năm 2017 với mục tiêu sở hữu ít nhất 66 phi cơ trước năm 2026. Tập đoàn Phát triển Công nghiệp Hàng không Đài Loan (AIDC) sẽ chế tạo 4 nguyên mẫu, hai chiếc thử nghiệm trên mặt đất và hai chiếc thực hiện các chuyến bay kiểm tra.
Cơ quan phòng vệ Đài Loan cho biết những chiếc Dũng Ưng sẽ thay thế phi đội máy bay huấn luyện AT-3 và F-5E/F Tiger II già cỗi do Mỹ sản xuất trong biên chế. Máy bay sẽ có trang thiết bị tương tự tiêm kích F-16, giúp phi công làm quen và tích lũy kinh nghiệm trước khi vận hành các chiến đấu cơ chuyên biệt.
Trung Quốc luôn coi Đài Loan là lãnh thổ chờ thống nhất, kể cả bằng vũ lực nếu cần thiết. Bắc Kinh gần đây gia tăng áp lực với Đài Bắc, đe dọa hòn đảo sẽ phải “trả giá” nếu theo đuổi chủ nghĩa ly khai. Quân đội Trung Quốc nhiều lần tổ chức diễn tập quy mô lớn quanh đảo Đài Loan với các khí tài hiện đại nhất trong biên chế.
Phần lớn trang bị vũ khí của lực lượng vũ trang Đài Loan có nguồn gốc từ Mỹ. Lãnh đạo Thái Anh Văn từng nhiều lần khẳng định tự phát triển công nghệ quân sự là ưu tiên hàng đầu nhằm hiện đại hóa năng lực phòng thủ, đối phó mối đe dọa từ Trung Quốc đại lục. Chính quyền hòn đảo năm ngoái quyết định tăng chi tiêu quân sự cho năm 2020 thêm 8,3%, lên mức 13,11 tỷ USD, mức tăng hàng năm lớn nhất kể từ năm 2008.
Vũ Anh- VNE (Theo Reuters)
Bộ trưởng Ấn Độ nói 40 lính Trung Quốc chết trong ẩu đả biên giới
Monday, June 22nd, 2020Bộ trưởng Giao thông V.K.Singh cho rằng số lính Trung Quốc chết cao gấp đôi Ấn Độ trong vụ ẩu đả ở thung lũng Galwan tuần trước.
“Khi phía Ấn Độ có 20 binh sĩ ngã xuống, phía Trung Quốc cũng phải hứng chịu thiệt hại gấp đôi về người”, Bộ trưởng Giao thông Ấn Độ V.K.Singh nói trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình hôm 20/6, nhưng không đưa ra bằng chứng chứng minh cho phát biểu của mình.
Bộ trưởng Singh, cựu tư lệnh lục quân Ấn Độ, cho rằng Trung Quốc chưa bao giờ thừa nhận con số thương vong trong chiến tranh, bao gồm cả trong xung đột biên giới Ấn – Trung năm 1962. Ông cũng khẳng định New Delhi đã trao trả một số binh sĩ Trung Quốc bị bắt sau cuộc ẩu đả.
Bộ trưởng Singh trong một cuộc họp báo năm 2019. Ảnh: AFP.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Ấn Độ Bharat Bhushan Babu từ chối bình luận về thông tin do Bộ trưởng Singh đưa ra.
Binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc đụng độ tối 15/6 tại thung lũng Galwan. Lục quân Ấn Độ xác nhận 20 binh sĩ nước này thiệt mạng, trong đó có đại tá Santosh Babu, chỉ huy Tiểu đoàn Bihar 16, trong khi 18 người đang được điều trị vì vết thương nặng.
Truyền thông Ấn Độ đưa tin hơn 35-43 binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng và bị thương trong vụ ẩu đả. Bắc Kinh xác nhận có thương vong trong sự việc, nhưng không nêu số cụ thể.
Đây được coi là vụ đụng độ tồi tệ nhất giữa hai bên trong 4 thập kỷ, gây lo ngại về nguy cơ bùng phát xung đột quân sự quy mô lớn giữa hai cường quốc hạt nhân châu Á.
Giới chức hai nước đang nỗ lực giải quyết căng thẳng thông qua đàm phán và đối thoại, tránh leo thang thành xung đột quân sự, song vẫn đổ lỗi cho nhau, cảnh báo lẫn nhau trong các tuyên bố công khai và triển khai thêm nhiều lực lượng tới gần biên giới. Quân đội Ấn Độ gần đây cũng đã thay đổi quy tắc giao chiến, cho phép binh sĩ sử dụng súng đạn ở biên giới, thay vì nghiêm cấm nổ súng như trước đây.
Source: VNe
Việt Nam – Trung Quốc có thể đàm phán để ‘lấy lại’ Hoàng Sa không?
Monday, June 22nd, 2020Việt Nam có thể hy vọng giải pháp nào để “lấy lại” quần đảo Hoàng Sa hay không?
(GETTY IMAGES-Hình chụp ngày 19/1/2017, khi diễn ra một cuộc tuần hành kỷ niệm sự kiện 1974 của người dân ở Hà Nội)
Việt Nam cáo buộc Trung Quốc vào năm 1974 đã “dùng vũ lực xâm chiếm” quần đảo Hoàng Sa do chính quyền Việt Nam Cộng hòa quản lý.
Quan điểm chính thức của Việt Nam là Việt Nam có “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Tuy vậy, trong lúc Trung Quốc đã nắm quyền kiểm soát thực tế với quần đảo Hoàng Sa, liệu tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc có thể diễn ra thế nào trong tương lai?
Một số chuyên gia lâu năm về tranh chấp Biển Đông đã trả lời BBC News Tiếng Việt.
Gregory B. Poling, Giám đốc của Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI), chương trình thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Washington DC.
Thực ra không có hy vọng “giải quyết” vấn đề Hoàng Sa trong tương lai gần.
Nhưng các bên có thể chế ngự vấn đề này.
Bước đầu tiên là Trung Quốc nên chấp nhận rằng Việt Nam có quyền đánh cá lịch sử xung quanh quần đảo Hoàng Sa, được bảo đảm bởi Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Như thế Trung Quốc sẽ hợp tác với Việt Nam để có cơ chế quản lý việc đánh cá.
Việc này có thể làm được nếu nó là một phần của nỗ lực lớn hơn bao gồm Malaysia, Philippines, Brunei, Indonesia để quản lý sản lượng cá ở toàn Biển Đông, gồm cả Trường Sa.
Nếu các bên có thể hợp tác về đánh cá, thì sau đó họ có thể tìm kiếm cơ chế để chế ngự các vấn đề khác trong hòa bình.
Còn tranh chấp chủ quyền có thể được giải quyết thông qua đàm phán hoặc tòa trọng tài, nhiều thập niên về sau.
KIEN PHAM-Ảnh chụp ở quần đảo Trường Sa
Donald R. Rothwell, Giáo sư Luật quốc tế, Đại học Quốc gia Úc. Ông là đồng tác giả sách The International Law of the Sea (in năm 2010).
Có thể có các giải pháp như sau:
Dàn xếp ngoại giao giữa Trung Quốc và Việt Nam
Hoặc dàn xếp bằng việc nhờ tới bên thứ ba.
Hai lựa chọn này đều phù hợp với hiến chương Liên Hiệp Quốc.
Giải pháp ngoại giao có nghĩa là một bên thừa nhận chủ quyền của bên kia đối với các đảo.
Giải pháp dùng bên thứ ba nghĩa là có thể đưa tranh chấp ra cho một bên trung gian, bên hòa giải, tòa trọng tài hoặc tòa xét xử. Tổng thư ký LHQ, về lý thuyết, có thể được mời can thiệp hoặc giúp dàn xếp.
Trên thế giới, cũng có nhiều ví dụ khi hai lựa chọn ở trên đã giúp dàn xếp thành công các tranh chấp lãnh thổ. Tuy nhiên, Trung Quốc và Việt Nam có xem xét các lựa chọn này hay không, lại phụ thuộc vào ý chí chính trị. Mà hiện nay có vẻ không nước nào có quan tâm nhiều đến việc này.
Đặc biệt Trung Quốc sẽ miễn cưỡng trước các lựa chọn này, vì có thể bị xem là tạo tiền lệ. Tiền lệ đó sẽ ảnh hưởng đến các tranh chấp của Trung Quốc ở Biển Đông, cũng như với Nhật và Hàn Quốc.
Trong không khí chính trị hiện nay, tôi không thấy có giải pháp nào. Trung Quốc có thể tìm cách mời chào một số lợi ích để Việt Nam nhượng bộ ngoại giao và công nhận chủ quyền của Trung Quốc. Nhưng chắc Việt Nam sẽ không chấp nhận điều đó, ở thời điểm hiện nay và ngắn hạn về sau.
(KIEN PHAM-Ảnh chụp ở quần đảo Trường Sa)
AFP-Cuộc sống ở Hà Nội ngày 18/6
Grigory Lokshin, nhà nghiên cứu cao cấp của Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN-Viện Viễn Đông (Viện Hàn Lâm khoa học Nga). Ông trả lời BBC trực tiếp bằng tiếng Việt.
Về căn bản, tôi đồng tình với ý kiến của hai đồng nghiệp ở trên. Pháp luật quốc tế và kinh nghiệm lịch sử có nhiều phương pháp giải quyết các vấn đề tương đối hòa bình, có tính chính trị và chính nghĩa cho hai bên.
Nhưng giống như Giáo sư Donald R. Rothwell, tôi nghĩ rằng ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc chưa có nguyện vọng chính trị thật sự để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.
Tranh chấp này cần thiết cho họ để giữ gìn chủ nghĩa dân tộc trong nước, dãn sự chú ý của quần chúng nhân dân khỏi các vấn đề nội bộ.
Họ cần có hình ảnh của kẻ thù đối ngoại để đoàn kết lại xã hội xung quanh Trung ương Đảng và chủ tịch nhà nước.
Theo tôi, điều kiện thứ nhất và nhất định để có thể bắt đầu đàm phán về vấn đề này là Trung Quốc phải chấm dứt tuyên truyền chống Việt Nam và không đưa ra những phản luận hoàn toàn giả dối về chủ quyền Trung Quốc ở Hoàng Sa và Trường Sa.
Source: BBC News
Người Việt ở Hoa Kỳ: Tiệm nail California trong ngày đầu mở cửa lại
Sunday, June 21st, 2020
(NGỌC LAN-Cô Christie Nguyễn, chủ nhân Studio 18 Nail Bar: “Tiệm tôi nhận khách hẹn cho đến ngày Chủ Nhật là cả 250 người, dự tính có 11 thợ. Thế nhưng hôm nay chỉ có một nửa số đó đi làm.”)
Sau hơn 90 ngày phải đóng cửa theo lệnh của Thống Đốc Tiểu Bang California để tránh sự lây lan của COVID-19, hầu hết các tiệm nail ở California đều được cho phép mở cửa trở lại vào ngày 19 Tháng Sáu.
Tuy nhiên, bên cạnh sự háo hức được đi làm trở lại, phần nhiều tiệm nail đều rơi vào cảnh thưa vắng ngay trong ngày đầu đón khách bởi nhiều lý do.
Niềm vui ngày mở cửa
“Hôm nay là một ngày rất vui vì tiệm đã phải đóng cửa 94 ngày rồi. Lúc đóng cửa, ai cũng cảm thấy rất là khó, rất là khổ vì không biết tiệm có mở lại được hay không nên tôi cùng nhiều người đã cố gắng ráng xin những người có trách nhiệm cho phép tiệm nail được mở cửa lại,” cô Christie Nguyễn, người điều hành tiệm Studio 18 Nail Bar ở thành phố Tustin thuộc Orange County, nói một cách hào hứng.
Cô Christie là một trong những người sáng lập tổ chức Nailing It For America, tổ chức từng lên tiếng kêu gọi Thống Đốc Tiểu Bang California phải cho ngành nail được mở cửa lại. Vào ngày 8 Tháng Sáu, tổ chức này đã tổ chức cuộc biểu tình ngay trước thương xá Phước Lộc Thọ sau đó diễn hành trên đường Bolsa để đòi hỏi phải cho tiệm nail được mở cửa trong thời gian sớm nhất. Cuộc biểu tình thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân cũng như giới truyền thông Hoa Kỳ.
Covid-19: Ngành nails của người Việt tại Anh gặp khó khăn
Công tố viên ‘điều tra người của Trump’ từ chối ra đi
Phụ nữ Việt ‘bán hoa’ ở Singapore: ‘Rủi ro lớn, thu nhập cao’ (kỳ 1)
Cô Christie cho biết theo quy định mới, khách đến làm móng phải đặt hẹn trước, khi vào tiệm khách phải được kiểm tra nhiệt độ, phải ký giấy cam kết chấp nhận rủi ro, không truy cứu trách nhiệm hay thưa kiện nếu như có nhiễm bệnh, phải rửa tay bằng nước sát trùng trước khi được thợ chăm sóc móng.
(NGỌC LAN-Tiệm Studio 18 Nail Bar ở thành phố Tustin thuộc Orange County, nam California trong ngày đầu tiên mở cửa lại tiệm nail sau hơn 3 tháng phải đóng cửa vì dịch COVID-19.)
Theo chủ nhân Studio 18 Nail Bar: “Từ lúc mở cửa, thợ bận rộn liên tục, nhưng ai cũng vui, cũng cố gắng làm cho khách, vì cũng hiểu là sau hơn ba tháng đóng cửa thì khách nào cũng có nhu cầu làm chân tay hết.”
Vừa thả những lát cam cắt mỏng, cùng những cánh hoa cúc và muối biển vào bồn ngâm chân cho khách, cô Cherry, một người thợ gốc Phi, vui vẻ nói: “Tôi cảm thấy vui vì tiệm mở cửa, vui vì thấy khách trở lại, không còn phải nằm ở nhà chờ đợi. Với tôi, đây là thời gian hạnh phúc cho tất cả.”
Anh Nick, một thợ nail còn khá trẻ, vừa sơn móng chân cho khách, vừa nói: “Đi làm lại thấy cũng có chút xíu sợ sợ nhưng vì công việc nên phải đi thôi, ở nhà hoài chán quá. Từ lúc mở cửa đến giờ làm liên tục không nghỉ.”
Cũng cùng tâm trạng náo nức, vui vẻ đó, anh John nói bằng giọng rôm rả: “Đi làm lại thấy vui lắm chứ ở nhà chán quá. Em biết có nhiều người thợ đến nay chưa đi làm trở lại, đó là tùy theo mỗi người. Riêng em nếu tiếp tục nghỉ ở nhà cũng được lãnh tiền thất nghiệp và trợ cấp của chính phủ nhưng em chọn đi làm.”
(NGỌC LAN-Anh John, thợ nail tiệm Studio 18 Nail Bar: “Đi làm lại thấy vui lắm chứ ở nhà chán quá.”)
Chị Cathy, thợ nail của một tiệm lâu đời ở Santa Monica, thuộc Los Angeles, kể: “Hổm này khách quen cứ nhắn tin nói khi nào đi làm trở lại thì cho họ biết liền để họ làm hẹn. Cho tới chiều ngày hôm qua chủ tiệm mới gọi nói là tiệm ở Los cũng được mở cửa và kêu hôm nay đi làm.”
“Tôi làm liên tục từ sáng cho đến lúc tiệm đóng cửa, được $400, sau khi chia với chủ rồi còn $240, cộng thêm gần $80 tiền tip. Bình thường trước đó không làm được nhiều như vậy đâu. Làm được nhiều tiền thì vui, nhưng cũng mệt đuối luôn,” chị Cathy cho biết khi kết thúc ngày làm việc đầu tiên sau khi có lệnh mở cửa.
Không chỉ thợ mà cả khách cũng cảm thấy hạnh phúc khi được ngồi vào ghế có người chăm sóc móng tay móng chân, cả phụ nữ lẫn nam giới.
Anh Jack bước ra khỏi tiệm nail vào trưa Thứ Sáu cho biết: “Tôi chờ đợi để được làm móng lâu quá rồi. Hôm nay thấy tay chân mình sạch sẽ, thoải mái và nhẹ nhàng. Thích lắm.”
Cô Susan trong lúc ngồi chờ đến lượt, nói: “Trở lại tiệm nail sau một thời gian dài, tôi nhìn mọi thứ có vẻ bình thường, thoải mái. Mọi người đều có vẻ cần mẫn để làm cho khách và khách cũng rất kiên nhẫn chờ phục vụ. Tôi cũng đang chờ đến lượt của mình đây, vì lâu lắm rồi không được làm móng tay móng chân.”
Cô Susan cho biết cô phải ký vào giấy không truy cứu trách nhiệm nếu xảy ra những vấn đề liên quan đến bệnh dịch, cũng như tình trạng sức khỏe. “Nhưng chuyện này là bình thường, không có vấn đề gì,” cô nói.
Tất cả thợ và khách đều mang khẩu trang trong suốt thời gian có mặt trong tiệm.
Thiếu thợ, giảm khách, chi phí tăng
Chị Cathy cho biết tiệm chị lúc trước có 11 thợ, nhưng trong ngày mở cửa lại chỉ có bốn thợ đi làm, “phần vì chủ báo gấp quá, họ không chuẩn bị kịp, phần thì nhiều người chắc còn e dè nên hẹn tuần tới mới đi làm, bên cạnh đó cũng có vài thợ chưa trả lời khi nào mới chịu trở lại.”
Cũng vì ít thợ mà khách hẹn làm nail đông nên đó là lý do thợ nào đi làm cũng đều kiếm được nhiều tiền.
Cô Tracy Phạm, quản lý hệ thống Images Luxury Nail Lounge gồm 5 tiệm, cho biết: “Hiện tại, chúng tôi có danh sách đến cả 1.000 khách hẹn làm nail, nghĩa là trung bình mỗi tiệm có khoảng 200 đến 250 khách hẹn, nhưng số thợ đi làm ngày hôm nay chưa đến một nửa.”
(NGỌC LAN-Tiệm Images Luxury Nail Lounge ở thành phố Tustin thuộc Orange County, Nam California vắng khách vì thiếu thợ.)
Quả thật, không khí tại một tiệm Images Luxury Nail Lounge ở thành phố Irvine trông khá im ắng, bởi tiệm có đến 16 ghế, nhưng chưa đến một nửa số ghế đó có khách ngồi. Lý do rất đơn giản: không có thợ, trong khi vài người khách đến giờ hẹn phải đứng lác đác bên ngoài hoặc ngồi chờ trong xe.
“Đi làm lại hôm nay cảm thấy phấn khởi lắm nhưng cũng stress và lo lắm, do phải theo những quy định mới nên khiến cả thợ và khách đều thấy có trở ngại khi trở lại tiệm trong thời COVID-19 này,” cô Tracy nói.
Cô cho biết: “Khó khăn lớn nhất khi các tiệm nail mở cửa lại là thiếu thợ. Nhiều người thợ lớn tuổi sợ đi ra ngoài dễ lây nhiễm, thợ có con nhỏ thì lại không tìm được chỗ gửi con vì trường học đóng cửa, nơi giữ trẻ cũng không nhận, cũng có người cảm thấy ở nhà lãnh tiền thất nghiệp và trợ cấp nhiều hơn đi làm, cũng khó nói.”
Cũng theo cô Tracy, những quy định mới đối với ngành nail như không cho khách ngồi trong tiệm chờ, không được có hai thợ làm móng tay và móng chân cho khách cùng lúc mà phải làm từng phần một để tránh có đông người tại một khu vực, chỉ nhận khách đặt hẹn trước, phải đo thân nhiệt của khách khi vào tiệm… đều khiến cho mọi việc trở nên chậm hơn, khó khăn hơn.
Cô Chrities của Studio 18 Nail Bar cũng cho rằng: “Thợ không đi làm nhiều hơn số thợ đi làm. Thành ra trước khi bị COVID-19 đã thiếu thợ rồi, giờ lại càng thiếu hơn, tiệm nào cũng cần thợ gấp hết.”
“Tiệm tôi nhận khách hẹn cho đến ngày Chủ Nhật là cả 250 người, dự tính có 11 thợ. Thế nhưng hôm nay chỉ có một nửa số đó đi làm à,” cô nói.
(NGỌC LAN-Cô Tracy Phạm, quản lý hệ thống Images Luxury Nail Lounge)
Chị Lý Trí Anh, chủ một tiệm nail ở vùng Los Angeles, cũng thừa nhận: “Khách hẹn rất đông, nhưng thợ lại không chịu đi làm.”
Bên cạnh đó, các chủ tiệm nail nói trên cho biết giá các dịch vụ đều tăng ít nhất 20%.
“Trước dịch, tôi mua một thùng alcohol chỉ có $7, giờ tăng gấp 3 lần, các vật dụng khác cho nail cũng đều lên giá. Đó là chưa kể lượng khách mà tiệm nhận vào bắt buộc phải giảm do các quy định mới, nên nếu không tăng giá thì thợ nail sẽ không sống nổi,” chị Trí Anh bày tỏ.
Cô Christie đồng tình: “Tiệm mở cửa nhưng năng suất chỉ có 25% thành ra ít khách hơn, ít dịch vụ hơn mà đồ mắc hơn thành ra phải lên giá vài đồng cho mỗi dịch vụ, nếu không lên thì chắc phải đóng cửa vì không chi phí nổi.”
Cô Tracy nhận xét: “Trong tình hình này, dù giá có lên cũng không bù lại thu nhập của tiệm trước đây, thu nhập của tiệm giảm 50% trở lên, có tiệm chỉ còn 25% do lượng khách nhận vào bị ít đi. Sau ba tháng đóng cửa, thay gì lúc này phải làm bù để lấy tiền trả lại tiền nhà đã thiếu, nhưng chi phí gì cũng lên, trong khi thu về lại ít hơn, quả là vấn đề khó khăn cho các tiệm.”
“Giờ chỉ hy vọng sớm có vaccine chủng ngừa, các quy định sẽ thay đổi dễ dàng hơn, hoặc mọi thứ ổn định, bệnh không gia tăng, thì thợ mới chịu đi làm trở lại, lúc đó mới có thêm khách,” cô Tracy nói.
Tuy nhiên, cô Tracy nói: “Dù gì thì hôm nay vẫn là một ngày rất vui vì mình đã chờ đợi ba tháng rồi, nên có khách ra vào thì dù sao vẫn vui hơn đóng cửa ở nhà.”
Source: Ngọc Lan-Gửi đến cho BBC từ Westminster, California – Hoa Kỳ
Hacker Triều Tiên sắp tấn công mạng quy mô lớn
Sunday, June 21st, 2020Lazarus, nhóm hacker từng tung mã độc tống tiền WannaCry, có thể tấn công 6 nước vào 21/6, nhắm vào khoảng 5 triệu cá nhân và doanh nghiệp.
Theo báo cáo của công ty an ninh mạng Cyfirma, sáu quốc gia bao gồm Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Anh và Mỹ sẽ là mục tiêu của Lazarus.
Kumar Ritesh, nhà sáng lập kiêm CEO Cyfirma, cho biết đã phát hiện âm mưu tấn công mạng của Lazarus khi sử dụng AI để khám phá các mối đe dọa trực tuyến, cũng như theo dõi và thu thập dữ liệu từ Deep Web và Dark Web – nơi cộng đồng hacker thường xuyên trao đổi và buôn bán dữ liệu đánh cắp.
(Hacker Triều Tiên có thể sắp tấn công mạng tới nhiều quốc gia. Ảnh: Bawabaa.)
“Trong 6 tháng qua, chúng tôi đã theo dõi rất nhiều hoạt động của hacker liên quan đến Covid-19, đặc biệt là các chiến dịch lừa đảo”, Ritesh nói. “Ngày 1/6, chúng tôi đã phát hiện một cộng đồng hacker tiếng Hàn phát đi thư mục có tên ‘Health-Problem-2020’. Sau khi truy cập, chúng tôi nhận thấy bên trong có 7 thư mục con khác chứa nội dung tấn công mạng 6 quốc gia mục tiêu”.
Theo Ritesh, các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp và cá nhân có thể nhận được hàng triệu email lừa đảo viết bằng tiếng Trung Quốc trong vài ngày tới. Những email này có nội dung là các khoản hỗ trợ của chính phủ cho Covid-19, nhưng đính kèm mã độc tống tiền, hoặc chứa liên kết đến website độc hại.
Đại diện Cyfirma cho biết đã gửi các thông tin mà mình thu thập được đến Nhóm ứng phó khẩn cấp máy tính (CERT) của những quốc gia bị ảnh hưởng, gồm Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Mỹ, cũng như Trung tâm an ninh mạng của Anh. Cả sáu cơ quan đang điều tra sự việc.
Theo đại diện của Cyfirma, những mục tiêu hàng đầu của Lazarus là các cơ quan chính phủ, như Bộ Nhân lực Singapore, Bộ Tài chính Nhật Bản hay Ngân hàng trung ương của Anh. Tài liệu cho thấy nhóm hacker Triều Tiên đang có trong tay chi tiết của 1,1 triệu email tại Nhật Bản, 2 triệu email ở Ấn Độ và 180.000 email tại Anh. Theo dự đoán của Cyfirma, nếu vụ tấn công xảy ra, ít nhất 5 triệu tài khoản email của các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân bị ảnh hưởng.
Nhóm hacker khét tiếng Lazarus Group được đồn đại là do chính phủ Triều Tiên hậu thuẫn. Nhóm này từng hack Sony Pictures vào năm 2014, phát tán mã độc tống tiền WannaCry năm 2017 và nhiều cuộc tấn công nhằm vào các tổ chức chính phủ, hệ thống quốc phòng trên toàn thế giới.
Trước đó, báo cáo bảo mật từ nhà thầu quốc phòng BAE Systems (Anh) cho thấy, nhiều nhóm hacker đã gửi email đánh lừa mục tiêu, núp dưới thông tin về Covid-19 và mạo danh các tổ chức uy tín, như Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) hay Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Còn theo FireEye (Mỹ), trong vài tháng qua, không ít nhóm hacker liên quan đến chính phủ Trung Quốc, Nga và Triều Tiên đã gửi thông tin chứa mã độc mang nội dung Covid-19 nhắm đến các công ty và văn phòng ngoại giao ở Đông Nam Á, Trung Á, Đông Âu và Hàn Quốc.
Bảo Lâm-VNe (theo Zdnet)
HAPPY FATHER’S DAY
Sunday, June 21st, 2020HAPPY FATHER’S DAY
BBT thuanan.net kính chúc tất cả những người cha có một ngày ” FATHER’S DAY” thật đầm ấm , vui vẻ , hạnh phúc và ttrong cuộc sống hàng ngày luôn nhiều sức khoẻ, vui tươi và trường thọ !
BBT thuanan.net
Bắc Hàn dọa điều quân, Nam Hàn nói sẽ không nín nhịn thêm
Thursday, June 18th, 2020Bộ trưởng phụ trách vấn đề thống nhất Triều Tiên của Nam Hàn đệ đơn từ chức giữa lúc căng thẳng dâng cao với Bắc Hàn.
Ông Kim Yeon-chul nói ông nhận trách nhiệm về việc quan hệ liên-Triều trở nên xấu đi.
Việc đệ đơn từ chức diễn ra một ngày sau khi Bắc Hàn giật nổ tung tòa nhà văn phòng liên lạc, một hình ảnh mang tính biểu tượng đặt ở vùng gần biên giới với Nam Hàn, được mở hồi 2018.
Trong lúc đó, quân đội Bắc Hàn nói sẽ đưa binh lính tới vùng phi quân sự ở dọc biên giới.
Vào đầu giờ hôm thứ Tư, Bình Nhưỡng giải thích lý do họ cho nổ tung văn phòng liên lạc tại Kaesong.
Truyền thông nhà nước Bắc Hàn đăng bài cáo buộc Nam Hàn vi phạm các thỏa thuận đã ký hồi 2018 và hành xử như một “con chó lai”, trong lúc em gái của ông Kim Jong-un thì gọi tổng thống của Nam Hàn là “kẻ bợ đỡ” Mỹ.
Nam Hàn nói họ vẫn bỏ ngỏ khả năng đối thoại, nhưng lên án các hành động của Bắc Hàn là vô nghĩa và gây tổn hại.
Căng thẳng tăng vọt trong những tuần gần đây, một phần từ việc các nhóm đào tẩu người Bắc Hàn ở Nam Hàn gửi tờ rơi tuyên truyền sang bên kia biên giới.
EPA/YONHAP SOUTH KOREA OUT-Bộ trưởng Thống Nhất Triều Tiên của Nam Hàn, ông Kim Yeon-chul, phát biểu tại một ủy ban trong phiên họp quốc hội hôm thứ Ba
Truyền thông Bắc Hàn cáo buộc miền Nam “vi phạm và hủy hoại một cách có hệ thống” các thỏa thuận đã ký hồi 2018, và so sánh Bộ Quốc phòng Nam Hàn với “một con chó lai sợ hãi” đang “khoác lác và chơi trò tháu cáy, nói năng biến báo và tạo ra bầu không khí đối đầu”.
Bài báo của Bắc Hàn kết luận với lời cảnh báo rằng vụ nổ hôm thứ Ba sẽ là “khúc dạo đầu cho kết cục thê thảm của quan hệ Bắc-Nam”.
Quân đội Bắc Hàn nói họ sẽ đưa quân tới hai địa điểm mang tính biểu tượng trong quan hệ hợp tác song phương, là khu tổ hợp công nghiệp đã bị đóng cửa ở Kaesong, và khu du lịch Núi Kim Cương (Mount Kumgang) ở bờ biển phía đông.
Em gái của nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un là bà Kim Yo-jong cũng công kích lãnh đạo Nam Hàn, Tổng thống Moon Jae-in.
“Lý do khiến các thỏa thuận bắc-nam vốn rất tốt đẹp đã không… được triển khai thậm chí chỉ một bước thôi, là bởi cái thòng lọng bợ đỡ Mỹ mà ông ta đã tròng vào cổ mình.”
“Thậm chí khi thỏa thuận bắc-nam ký còn chưa ráo mực, ông ta đã chấp nhận ‘nhóm làm việc Nam Hàn – Hoa Kỳ’, dưới sự ép buộc của ông chủ ông ta.”
REUTERS-Những ngày tay bắt mặt mừng giữa hai nhà lãnh đạo Nam-Bắc Hàn nay đã thành dĩ vãng
Phản ứng của Nam Hàn
Văn phòng Tổng thống Moon hôm thứ Tư nói hành động của Bắc Hàn là vô nghĩa, và cảnh báo rằng Seoul sẽ không tiếp tục chấp nhận cách hành xử vô lý của Bắc Hàn nữa.
Tuy nhiên, bất chấp việc tòa nhà văn phòng liên lạc đã bị giật nổ tung, Nam Hàn nói họ hy vọng một thỏa thuận đã ký tại Bình Nhưỡng hồi 2018 sẽ được tôn trọng thực hiện.
“Lập trường cơ bản của chúng tôi là thỏa thuận quân sự ngày 19/9 cần phải được tuân thủ đầy đủ nhằm thiết lập hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên và ngăn chặn các cuộc đụng độ tình cờ,” Bộ Quốc phòng Nam Hàn nói.
Seoul cảnh báo rằng bất kỳ hành động quân sự nào của miền Bắc cũng đều được theo dõi chặt chẽ, và bất kỳ cuộc khiêu khích quân sự nào cũng sẽ được đáp trả bằng một “phản ứng mạnh mẽ”.
Nam Hàn cũng đề xuất gửi các đặc phái viên tới để tháo gỡ căng thẳng hiện thời, nhưng Bắc Hàn đã nhanh chóng bác bỏ ý tưởng này.
TWITTER.COM/NKNEWSORG-Truyền thông Bắc Hàn công bố hình ảnh vụ phá hủy văn phòng liên lạc liên Triều
Suorce: BBC News
EU lên kế hoạch đối thoại với Mỹ ‘để đối phó với sự lấn lướt gia tăng của TQ’
Thursday, June 18th, 2020Liên minh châu Âu (EU) đang có kế hoạch tổ chức một cuộc đối thoại song phương với Hoa Kỳ để đối phó với sự lấn lướt ngày càng tăng của Trung Quốc, theo SCMP.
FRANCISCO SECO/GETTY IMAGES-Cao uỷ Đối ngoại của EU, ông Josep Borrell
Cao uỷ Đối ngoại của EU cho hay sau cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo hôm thứ Hai 15/6,
“Tôi đề nghị khởi động một cuộc đối thoại song phương đặc biệt tập trung vào Trung Quốc và những thách thức mà hành động và tham vọng của nước này đặt ra với chúng ta – Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu”, ông Josep Borrell nói với các phóng viên.
Đề xuất của ông Borrell được đưa ra chỉ vài ngày trước hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc, trong bối cảnh Bắc Kinh thiếu cam kết trong mở rộng khả năng tiếp cận thị trường và sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp châu Âu tại Trung Quốc.
Trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump có cách tiếp cận thù địch với EU, thì ông Pompeo được coi là sẵn sàng hợp tác với châu Âu hơn trong việc tạo ra một mặt trận thống nhất chống lại Trung Quốc, bài báo trên SCMP viết.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ không trả lời yêu cầu bình luận về việc liệu họ có đồng ý với đề xuất đối thoại này hay không.
Trong một tuyên bố, người phát ngôn Nhà Trắng Morgan Ortagus nói rằng ông Pompeo và các đối tác châu Âu đã thảo luận về tầm quan trọng “của việc giữ vững cam kết chung đối với các giá trị dân chủ để chống lại Nga và những nỗ lực [của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa] nhằm phá hoại các xã hội dân chủ”.
Ông Borrell cho biết Mỹ và EU đã “trao đổi quan điểm về sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc trên nhiều mặt trận”.
“Có một số vấn đề mà chúng tôi cùng phải đối mặt trong mối quan hệ với Trung Quốc, và ở đó sự hợp tác chặt chẽ của chúng tôi là rất quan trọng để cùng nhau giải quyết. Điều này chắc chắn bao gồm tình hình ở Hong Kong,” ông Borrell nói.
“Điều vô cùng quan trọng là hợp tác với Hoa Kỳ để chia sẻ mối quan tâm và tìm nền tảng chung để bảo vệ các giá trị và lợi ích của chúng ta,” ông nói thêm.
Andrew Small, thành viên cao cấp của Quỹ Marshall của Hoa Kỳ, gọi ý tưởng này là “một bước hữu ích cho những ai muốn thấy một sự thúc đẩy mạnh mẽ hơn trong việc điều hòa các chính sách của Trung Quốc giữa các nền dân chủ tự do”.
“Phiên bản tối ưu của một cuộc đối thoại về Trung Quốc sẽ là một phiên bản có sự tham gia đầy đủ của Ủy ban châu Âu, bao gồm văn phòng thương mại, chính sách đối ngoại, chính sách công nghiệp và các vấn đề kỹ thuật số,” ông Small nói.
Đề xuất của ông Borrell là một bất ngờ đối với một số nhà quan sát ngoại giao, vì bài đăng trên blog của ông vào Chủ Nhật dường như cho thấy rằng EU sẽ không hình thành một liên minh xuyên Đại Tây Dương với Mỹ về vấn đề Trung Quốc.
“Trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc là trục chính của chính trị toàn cầu, áp lực phải chọn phe nào đang gia tăng,” ông viết trong blog. “Chúng ta là người châu Âu phải làm điều đó ‘theo cách của chúng ta, với tất cả những thách thức mà việc này mang lại.”
Bà Bonnie Glaser, cố vấn cao cấp về châu Á tại Trung tâm chiến lược và quốc tế có trụ sở tại Washington, cho biết, EU “chắc chắn đã gửi tín hiệu đầy mâu thuẫn về việc họ có muốn hợp tác với Mỹ hay không để đối phó hiệu quả hơn với các thách thức của Trung Quốc, hay đi theo con đường riêng của họ”.
Ông Borrell đã không nói chi tiết về kết quả mong đợi của một cuộc đối thoại song phương với Mỹ, nhưng bà Glaser cho rằng “ít nhất, nó có thể cung cấp một kênh hữu ích để cập nhật tình hình lẫn nhau và thảo luận về sự khác biệt, và trong một số trường hợp, tạo ra một cách tiếp cận chung.”
Bà Glaser cũng cho rằng một cuộc thảo luận về cách đối phó với các thông tin bóp méo ngày càng tăng từ Trung Quốc có thể mang lại kết quả, trong khi việc tìm ra tiếng nói chung trong các lĩnh vực khác như thương mại và các vấn đề quanh các tổ chức đa phương có thể khó khăn hơn.
“Giúp Đài Loan tăng cường tham gia với quốc tế có thể là một chủ đề thú vị để thảo luận và hợp tác,” bà Glaser nói, mặc dù việc Mỹ rút khỏi WHO sẽ làm ảnh hưởng đến các nỗ lực giúp Đài Loan khôi phục vai trò quan sát viên của mình.
Cuộc họp hôm thứ Hai với ông Pompeo cũng có sự tham dự của các bộ trưởng ngoại giao của 27 quốc gia EU.
Về hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc, ông Borrell nói: “Hiện Chúng tôi tiếp tục đàm phán để xem liệu chúng tôi có thể mang đến hội nghị thượng đỉnh này tiến triển gì không, không dễ dàng để đạt được một thỏa thuận chung… Nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận với các đối tác Trung Quốc cho đến phút cuối cùng”.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nói rằng EU có mối quan tâm tương tự như Mỹ về Trung Quốc trong công bằng về thương mại và đầu tư, tuân thủ các điều ước và nghĩa vụ quốc tế – bao gồm vấn đề Hong Kong – và sự minh bạch trong cuộc chiến chống Covid-19.
Source: BBC News
Biểu tình Mỹ, biểu tình Hong Kong – và những bế tắc chưa lối thoát
Thursday, June 18th, 2020Việc ban Hong Kong BBC chuẩn bị loạt bài kỷ niệm một năm biểu tình phản đối luật dẫn độ của người dân Hong Kong khiến tôi nhớ lại chuyến công tác ngắn ở đây lúc biểu tình lên cao độ, và không khỏi so sánh biểu tình ở đây với biểu tình ở Mỹ.
Phóng viên BBC News Tiếng Việt giữa biển người biểu tình Hong Kong hôm 16/6/2019
Trong khoảnh khắc, trong tôi cơn gió Hong Kong thổi bay đi cái nóng thiêu đốt của hình ảnh George Floyd, bảng hiệu Black Lives Matter được dơ cao khắp trên nước Mỹ, và khúc phim ám ảnh với cảnh người đàn ông da đen tuyệt vọng van nài ‘tôi không thở được’ khi bị đầu gối của một cảnh sát da trắng chẹn vào cổ cho đến khi không còn thở được.
Hong Kong. Thành phố của hàng triệu trái tim thôi thúc với quyết tâm bảo vệ sự tự chủ họ thấy đang sắp mất đi.
Hong Kong. Nơi trong suốt hơn một năm qua, người khát khao dân chủ khắp nơi trên thế giới hướng về.
Ký ức cuộc tuần hành 2 triệu người hôm 16/6/2019, khi gần 30% dân số Hong Kong xuống đường đấu tranh cho tương lai của thành phố như liều thuốc an thần xoa dịu bớt cảm giác xốn xang vì các cuộc biểu tình đòi công lý cho George Floyd đang hừng hực ở Mỹ.
Dòng người khổng lồ nối chân nhau qua đường phố đông đúc. Những khẩu hiệu được hô vang nhịp nhàng và mạnh mẽ. Đoàn người lúc bước nhanh, khi phải khựng lại cả 15 phút trước các ngã tư. Các thanh niên đứng trên bục cao vẫy cờ ra hiệu điều khiển dòng chuyển động của biển người.
Giữa rừng cờ và băng rôn phất phới, nam nữ học sinh sinh viên tay cầm khẩu hiệu đi cạnh những gia đình, cha mẹ dẫn theo con nhỏ năm ba tuổi, có người đeo con chưa biết đi trên lưng.
Những em bé ngây thơ tay cầm biểu ngữ nhỏ xíu, tung tăng bước theo cha mẹ hồn nhiên như rong chơi trong công viên.
Người đẩy xe chở nước, thức ăn, tã cho con đi cạnh những bác lớn tuổi ngồi trên xe lăn, hai tay tự đẩy mình đi, mặt nhễ nhại mồ hôi, niềm tin trong mắt sáng ngời.
REUTERS-Tuần hành phản đối luật dẫn độ có thu hút 2 triệu người tham dự
AFP-Sau vài tháng đấu tranh không đạt kết quả mong muốn, một số người biểu tình Hong Kong bắt đầu có quan điểm khá cứng rắn. Họ mặt đồ đen, đeo mặt nạ để che giấu danh tính và đụng độ trực diện với cảnh sát. Điều này đã tạo nên một vòng xoáy bạo lực sau các cuộc biểu tình vốn đã diễn ra tương đối ôn hòa.
Hòa mình vào dòng người trong phút giây lịch sử ấy, tôi thỉnh thoảng nhờ một người đi bên cạnh dịch hộ những câu khẩu hiệu đang được hô vang trời.
“Bad for Hong Kong, bad for Hong Kong…”, người đàn ông đứng tuổi đi bên trái giải thích bằng thứ tiếng Anh không sõi khi đoàn người vừa hô to “hủy bỏ, huỷ bỏ” (dự luật), theo sau với ”từ chức, từ chức”.
Họ đang đòi chính quyền Hong Kong hủy bỏ dự luật dẫn độ và đòi bà Carrie Lam từ chức.
“Bao nhiêu người xuống đường thế này, có ai bạo động đâu, đường phố có rác rưởi gì đâu, thấy không?” Một người khác cạnh tôi phân bua sau khi dịch câu đám đông la lớn “học sinh không bạo động.”
Trước đó ít lâu cảnh sát Hong Kong đã cáo buộc học sinh đi biểu tình dùng bạo lực.
Người Hong Kong sau này cũng nhiều lúc đã sử dụng bạo lực khi tuần hành ôn hòa mãi không giúp họ đạt kết quả mong muốn. Nhưng cuộc tuần hành 2 triệu người hôm ấy mãi sẽ được nhắc đến như một biểu tượng đẹp của đấu tranh bất bạo động.
Khác với biểu tình để giữ quyền tự trị của Hong Kong, biểu tình đòi công lý cho George Floyd tại Mỹ biến thành bạo động gần như ngay lập tức.
IRA L. BLACK – CORBIS/GETTY IMAGES-Người biểu tình dơ cao chân dung của George Floyd ở Manhattan, New York hôm 14/6/2020
MARK RALSTON/GETTY IMAGES-Biểu tình chống tàn bạo của cảnh sát tại West Hollywood, California hôm 14/6/2020
SAMUEL CORUM/GETTY IMAGES-Cảnh sát đứng trước hàng rào chắn trước Nhà Trắng trong cuộc biểu tình phản đối cái chết của George Floyd dưới tay cảnh sát thành phố Minneapolis ở Washington, DC ngày 31/5/2020
Bùng nổ tại Minneapolis trưa 26/5 sau cái chết của George Floyd tối 25/5, chiều hôm đó đồn cảnh sát ở Minneapolis đã bị đốt cháy.
Đến 27/5, biểu tình chống sự tàn bạo của cảnh sát lan sang các thành phố khác của Mỹ, gồm Memphis, Tennessee, Los Angeles, California và Louisville, Kentucky, nơi phụ nữ da đen Breonna Taylor 26 tuổi bị cảnh sát da trắng giết chết nhiều tháng trước đó.
Cướp bóc và hỏa hoạn xảy ra ở một số khu vực của thành phố Minneapolis và nhiều thành phố khác khi phong trào biểu tình lan rộng, dù có nhiều nơi biểu tình rất ôn hòa.
Còn nhớ sáng sớm hôm đó ngủ dậy, đọc tin và xem phim về sự tàn phá của những cuộc biểu tình đầy hành động quá khích mà tôi ngỡ ngàng, không còn nhận ra đất nước mình từ lâu đã nhận là quê hương.
Ở Mỹ thỉnh thoảng tôi cũng đi biểu tình, dù chưa bao giờ tham dự một tuần hành 2 triệu người như ở Hong Kong.
Mỹ lâu lâu cũng có những cuộc bạo động, nhưng thường chỉ xảy ra ở một vài địa phương. Tuy thế, hình ảnh những cuộc xuống đường ôn hòa tiêu biểu với hàng trăm ngàn người tham dự như Woman March 2017, March for Our Lives 2018, luôn nhắc nhớ tôi rằng mình đang sống ở một đất nước tự do, dân chủ, an bình, trật tự và quyền tự do phát biểu được tôn trọng.
Điều gì đang xảy ra ở Mỹ? Tôi ngơ ngác tự hỏi.
ERIK MCGREGOR/GETTY IMAGES-Nhiều người da trắng tham dự phong trào Black Lives Matter trên khắp nước Mỹ
Đàn áp báo chí
Ở Hong Kong khi biểu tình kéo dài, thỉnh thoảng cũng có tin một số nhà báo bị hành hung, nhưng tình trạng đàn áp báo giới tại Mỹ xảy ra ngay lập tức và với cường độ mạnh hơn.
Những khúc phim quay bằng điện thoại di động được truyền tải rộng rãi cho thấy nhiều nhà báo tường trình biểu tình Black Lives Matter trong mấy tuần qua đã bị cảnh sát ngang nhiên đối xử tàn bạo ngay giữa thanh thiên bạch nhật.
Phóng viên Ed Ou của NBC bị đánh khiến mặt bê bết máu, phóng viên Carolyn Cole của Los Angeles Times bị thương ở mắt, và tệ hơn nữa, như phóng viên ảnh tự do Linda Tirado bị đánh vào mặt, khiến một mắt bà bị hỏng không thể chữa được, và còn nhiều người nữa.
CHANDAN KHANNA/GETTY IMAGES-Phóng viên Ed Ou của NBC bị đánh khiến mặt bê bết máu hôm 30/5/2020 khi tường trình biểu tình tại Minneapolis, Minnesota
LINDA TIRADO-Phóng viên ảnh tự do Linda Tirado bị đánh vào mặt khiến một mắt của bà bị hỏng không thể chữa được
Chưa thấy thống kê về số nhà báo đã bị tấn công trực tiếp khi tường trình biểu tình Hong Kong.
Một người bạn làm báo của tôi tại Mỹ cả quyết là số nhà báo Mỹ bị hành hung trong thời gian ba tuần nhiều hơn nhà báo tường trình biểu tình Hong Kong trong suốt một năm qua.
Anh lý giải là với một tổng thống công khai bày tỏ sự thù ghét giới làm báo, thì khó trách những cảnh sát có khuynh hướng như vậy.
”Ông Trump không chỉ gọi báo giới là ”kẻ thù của nhân dân” mà còn liên tục gửi Tweets cáo buộc biểu tình bùng nổ tại Mỹ hiện giờ là lỗi của báo giới mà ông gọi là ‘Lamestream Media’. Chưa bao giờ làm báo ở Mỹ mà nguy hiểm như bây giờ.” Anh nói.
Không có thống kê nên tôi không thể phản bác anh.
Chỉ biết Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) cho biết kể từ khi họ bắt đầu theo dõi ngày 26/5, đã có báo cáo về hơn 280 vụ vi phạm tự do báo chí trên khắp Hoa Kỳ. Tính đến ngày 13/6, nhóm Theo dõi Tự do Báo chí Hoa Kỳ cho biết đã đếm được hơn 380 vi phạm, nhiều hơn chỉ trong một tuần so với tổng số 150 cho cả năm 2019.
Cảnh sát ngang nhiên tấn công báo giới ở nơi quyền tự do báo chí là là quyền hiến định, ở quốc gia từ trước đến nay vẫn được mệnh danh là nơi soi sáng ngọn đèn dân chủ thế giới?
Thật không thể tưởng tượng nổi!
Chới với với với tin người cùng nghề với mình bị hành hung vô cớ, tôi bỗng thấm thía cụm từ ”tai nạn nghề nghiệp,” rồi chợt nhận ra là thương tích thể chất không phải là tai nạn nghề nghiệp duy nhất.
Trầm cảm vì tuyệt vọng với những gì đang xảy ra xung quanh cũng là một loại tai nạn.
Để trấn an, tôi thử tìm hiểu xem biểu tình ở hai nơi giống và khác nhau điểm gì?
Phản ứng thế giới
Cả hai biểu tình cùng được thế giới nhiệt liệt ủng hộ.
Lãnh đạo khắp nơi ủng hộ người biểu tình Hong Kong bằng cách yêu cầu Bắc Kinh tôn trọng chính sách ”một quốc gia, hai hệ thống” như đã cam kết. Nhưng cuộc chiến bảo vệ sự tự trị là của riêng người Hong Kong, người dân các nước khác trừ Đài Loan không thể tham dự.
Mặt khác, rất ít lãnh đạo thế giới lên tiếng ủng hộ biểu tình Hoa Kỳ, nhưng phong trào Black Lives Matter lại được người dân nhiều nước hậu thuẫn.
Biểu tình lan nhanh ra hơn 700 tỉnh và thành phố trên khắp 50 tiểu bang Hoa Kỳ, và cả thế giới: Pháp, Bỉ, Anh, Tây Ban Nha, Đức, Nam Hàn, Úc, Liberia và Switzerland…
Thay vì lên tiếng, người dân các nước ủng hộ biểu tình Hoa Kỳ bằng cách xuống đường tại nơi họ sống, vì bản thân họ cũng là nạn nhân của nạn kỳ thị chủng tộc kéo dài hàng trăm năm, tạo bất bình đẳng sức khỏe, xã hội và kinh tế, giữa lúc họ còn đang điêu đứng vì đại dịch.
Phản ứng nội địa
Người dân hai nơi cùng ủng hộ biểu tình.
Một cuộc khảo sát do South China Morning Post thực hiện sáu tháng sau khi biểu tình Hong Kong nổ ra cho thấy gần 80% (trong số gần 1.000 người được hỏi) ủng hộ biểu tình và bi quan về tương lai của thành phố tự trị. Tỷ lệ gần 30% dân Hong Kong tham dự cuộc tuần hành hôm 16/6/2019 ủng hộ kết quả khảo sát này.
Biểu tình đòi công lý cho người da đen và phản đối sự tàn bạo của cảnh sát được rất nhiều người da trắng tham dự để bày tỏ sự đồng cảm. Theo cuộc thăm dò của 1.004 người Mỹ do Reuters công bố hôm 2/6, hầu hết người Mỹ thông cảm với sự phất uẫn của người da đen cũng như không tán thành phản ứng của Donald Trump trước tình trạng bất ổn.
Thái độ chính quyền hai nơi cũng khá giống nhau.
Nếu Donald Trump gọi những người biểu tình là “côn đồ”, cáo buộc “các nhóm có tổ chức” đứng đằng sau bạo lực, và tuyên bố rằng những kẻ đứng sau tình trạng bất ổn là “khủng bố trong nước” thì Bắc Kinh cũng làm gần như vậy.
Khác nhau ở chỗ Bắc Kinh cáo buộc (thế lực bên ngoài) Hoa Kỳ sách động biểu tình Hong Kong.
Quan trọng hơn, Tập Cận Bình chỉ mới đưa quân đến đóng ở Thâm Quyến để hù dọa, còn Donald Trump thì mang quân đội vào tận Washington DC và đàn áp người biểu tình ngay gần Nhà Trắng, một hành động bị dư luận cho là đổ dầu vào lửa, khiến biểu tình bùng nổ nhanh hơn.
Kỳ thị chủng tộc và người Việt
Điều đáng chú ý là đa số người Việt, cả ở Việt Nam lẫn hải ngoại, không mấy ủng hộ biểu tình của Black Lives Matter. Nhiều người lên tiếng dè bỉu dân da đen, cho họ là thành phần cùng đinh, bất hảo trong xã hội, và nếu có bị chèn cổ chết như George Floyd ”thì cũng đáng thôi.”
Phản ứng này làm tôi cảm thấy vô cùng bất an.
Hồi còn là sinh viên nghèo, cách đây mấy chục năm, tôi và người thân phải đi thuê nhà ở một khu chung cư gần trường. Nơi đây giá tương đối rẻ, vì khu này cả quản lý lẫn người ở thuê toàn là người da đen.
Thú thật, lúc mới dọn vào nhìn họ tôi cũng hơi ”sợ,” nhưng ít tiền thì phải chịu vậy. Vả lại tôi nghĩ mình là học sinh nghèo, chắc chẳng có gì để cho ai cướp.
Một lần đi học về tối, đi bộ từ bến xe bus về nhà, tôi bị một người đàn ông giật bóp và xô ngã. Đang đau chưa đứng dậy được thì một cậu bé từ đâu đó chạy lại ân cần đỡ tôi lên và hỏi có cần giúp đỡ gì không.
Người đàn ông xô tôi ngã da trắng, và cậu bé đỡ tôi lên da đen.
Trước đó, hồi còn phải làm việc trong xưởng may toàn người da đen ở Richmond, Virginia, tôi cũng từng ngồi cạnh những người phụ nữ làm việc cần cù, và hết lòng giúp đỡ tôi, nhân viên mới lơ ngơ bước vào.
Một người thân của tôi, trong khi đó, tình cờ lái xe lạc vào một khu da đen với chiếc xe mui trần mới mua đã bị một thanh niên da đen dí dao cổ vào cướp tiền.
Giống dân nào cũng có kẻ xấu người tốt, nhưng tội ác thường cao hơn ở những khu nghèo, nhiều thống kê cho thấy như vậy.
Rất may cũng có một số người Việt thế hệ trẻ cảm thấy bất nhẫn và thương cảm khi nhìn cảnh George Floyd bị xiết cổ đến ngộp thở. Có em tham dự biểu tình, rồi bị người da trắng đánh và xô ngã. Có em chia sẻ tâm tư trên những bài viết tỏ sự ủng hộ phong trào Black Lives Matter trên Facebook. Em khác vẽ logo của phong trào này lên mũ đội ngày ra trường.
Tôi không rõ điều gì khiến một người biết thương cảm cho hoàn cảnh của người kém may mắn hơn mình, và điều gì khiến người khác lạnh lùng lên án họ. Lòng nhân hay có thể là kiến thức lịch sử?
Nhưng kỳ thị chủng tộc và người Việt là một đề tài lớn, vượt quá khuôn khổ bài viết này.
Lý do biểu tình và bạo động
Động cơ biểu tình của hai nơi hoàn toàn khác nhau, và đây là lý do then chốt tại sao bạo động bùng phát rất nhanh tại Mỹ.
Người Hong Kong biểu tình để chủ động ngăn ngừa một nguy cơ sắp xảy ra. Họ muốn bảo vệ thể chế dân chủ đang có bằng cách đòi chính quyền Hong Kong và Bắc Kinh tôn trọng chính sách ”một quốc gia, hai hệ thống” mong duy trì sự tự trị.
Biểu tình Hong Kong bắt đầu xảy ra từ đầu tháng Ba 2019, khi dự luật dẫn độ ra đời trong tháng Hai, và cho đến đầu tháng Bảy, sau bốn tháng biểu tình ròng rã không mang lại kết quả, người biểu tình mới bắt đầu sử dụng bạo lực.
Ngược lại, biểu tình của phong trào Black Lives Matter ở Mỹ là phản ứng để bảo vệ sự sống còn của người da đen, nạn nhân nhiều đời của sự kỳ thị đã hiện hữu hàng trăm năm, và sự tàn bạo có hệ thống của cảnh sát, cũng đã kéo dài tại Mỹ với lịch sử cảnh sát ở nước này được thành lập với mục đích chính để kiềm chế người nô lệ.
Cái chết của George Floyd dưới tay cảnh sát chỉ là thùng dầu đổ vào những ngọn lửa phẫn uất dữ dội đã âm ỉ nhiều năm trong cộng đồng người da đen khắp nơi trên Hoa Kỳ, và cả trên thế giới, như chúng ta đã thấy.
Một cuộc thăm dò cho thấy 55% người Mỹ tin rằng bạo lực của cảnh sát là một vấn đề lớn, trong khi 58% cho rằng phân biệt chủng tộc là một trong những vấn đề lớn nhất hiện nay. Một cuộc thăm dò khác cho thấy hai phần ba người Mỹ tin rằng đất nước của họ đang đi sai hướng.
Tỷ lệ giết chết thường dân của cảnh sát Mỹ cao nhất thế giới, theo thống kê của Statista
Viễn ảnh tương lai
Phong trào biểu tình Black Lives Matter tại Hoa Kỳ những ngày gần đây có vẻ đang ôn hòa hơn, vì nhiều chính quyền địa phương đã và đang tìm cách đưa ra những biện pháp cải cách cảnh sát, nhưng nạn kỳ thị chủng tộc và sự tàn bạo của cảnh sát là những vấn nạn khó có thể giải quyết ở cấp địa phương, mà cần có sự quan tâm của chính quyền liên bang.
Bạo động và cướp bóc là điều không ai ủng hộ.
Nhưng nếu chỉ tập trung vào các hành vi bạo lực này thì e rằng chúng ta đang phê phán hiện tượng mà quên không nhìn vào cội rễ của vấn đề.
Tại Hoa Kỳ, sự bần cùng hóa và yếu tố kinh tế xã hội trong một xã hội đầy bất công chủng tộc, cộng với lịch sử lạm dụng bạo lực lâu dài của các cơ quan hành pháp, nhất là với dân da màu, nếu không được giải quyết rốt ráo, sẽ nuôi mãi ngọn lửa bất mãn trong lòng nạn nhân.
Khi con người phải trải qua hay chứng kiến quá nhiều đau đớn và đau khổ, thất vọng và chấn thương – sự công bằng bị từ chối và nhân tính bị tước đoạt, cảm giác bất lực và vô vọng xâm chiếm, thì khi có dịp họ sẽ vùng lên để tự giải quyết vấn đề, lấy lại quyền kiểm soát, dù chỉ trong khoảnh khắc, qua việc sử dụng bạo lực.
Còn tại Hong Kong? Khi luật an ninh Trung Quốc hoàn toàn được áp dụng tại đây, Hong Kong sẽ biến thành một phần của Trung Quốc đại lục, sẽ rất khó hình dung những cuộc biểu tình lớn hàng trăm ngàn người như chúng ta đã từng thấy và thán phục.
Có ánh sáng nào cuối đường hầm không cho Hong Kong và Hoa Kỳ?
Bầu trời lúc này dường như còn rất âm u. Nhưng sau cơn mưa trời lại sáng. Tôi đành phải tin như vậy.
Source: Tina Hà Giang-BBC News
Biển Đông: TQ phản ứng trước ba nhóm mẫu hạm Mỹ
Tuesday, June 16th, 2020Lần đầu tiên kể từ ba năm qua, Hải quân Hoa Kỳ triển khai cùng lúc các nhóm hàng không mẫu hạm ở Thái Bình Dương.
Hôm thứ Năm tuần trước, ba mẫu hạm sử dụng năng lượng hạt nhân cùng nhóm các tàu tuần dương hạm và khu trục hạm hộ tống đã đi vào vùng biển được đánh giá là nhạy cảm chiến lược đối với Trung Quốc đại lục.
CVN 76-Toàn cảnh hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan
Các tàu USS Ronald Reagan và USS Theodore Roosevelt đang tuần tra ở vùng Tây Thái Bình Dương, còn tàu USS Nimitz hoạt động ở vùng phía Đông, theo nội dung thông cáo báo chí của Hải quân Hoa Kỳ.
Ngay lập tức, Bắc Kinh phản ứng mạnh mẽ.
Truyền thông Trung Quốc nói nước này sẽ không lui bước trong việc bảo vệ các lợi ích của mình ở khu vực.
Hoàn cầu Thời báo hôm Chủ Nhật 14/6 nói việc Mỹ triển khai ba cụm tàu hùng hậu vào vùng biển gần Trung Quốc được hiểu theo nghĩa nhằm đưa ra lời cảnh cáo cho Trung Quốc.
USS THEODORE ROOSEVELT
Báo này dẫn lời các chuyên gia quân sự, theo đó đánh giá rằng điều này cho thấy Mỹ đang thể hiện ý định giành quyền bá chủ về chính trị trong khu vực, và rằng Trung Quốc có thể sẽ ứng phó bằng việc tổ chức tập trận cũng như thể hiện khả năng và lòng quyết tâm trong việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.
Tàu sân bay USS Ronald Reagan vào Manila, Philippines
Dịch chuyển trên cho thấy Hoa Kỳ “có thể vào Biển Hoa Nam (cách Trung Quốc gọi Biển Đông) và đe dọa quân lính Trung Quốc trên các quần đảo Tây Sa và Nam Sa (tức Hoàng Sa và Trường Sa, theo cách gọi của Việt Nam)”, Hoàn cầu Thời báo dẫn lời Lý Kiệt (Li Jie), chuyên gia hải quân từ Bắc Kinh, nói.
Hiện Hoa Kỳ để tổng số bảy hàng không mẫu hạm ở Thái Bình Dương. Bốn chiếc khác đang nằm cảng để bảo dưỡng, theo tường thuật của CNN.
Việc triển khai tàu diễn ra vào thời điểm đang có căng thẳng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh quanh chuyện quan hệ thương mại song phương và các vấn đề liên quan đến Biển Đông, Đài Loan và Hong Kong.
Hồi tuần trước, một trực thăng vận tải của Hải quân Hoa Kỳ bay qua bầu trời Đài Loan tới Thái Lan, thực hiện một chuyến bay mà Mỹ gọi là phục vụ hậu cần.
USS Ronald Reagan
Bắc Kinh gọi chuyến bay đó là “hành động bất hợp pháp và khiêu khích nghiêm trọng”, theo Tân Hoa Xã.
“Việc bay qua không phận đó làm xói mòn chủ quyền, an ninh và các quyền lợi của Trung Quốc, và vi phạm luật quốc tế cùng các quy tắc căn bản trong quan hệ quốc tế,” Tân Hoa Xã dẫn lời Chu Phượng Liên (Zhu Fenglian), phát ngôn viên phụ trách vấn đề Đài Loan của Quốc Vụ viện Trung Quốc.
Các lực lượng hải quân và không quân Trung Quốc trong năm nay cũng đã nhiều lần tìm cách xua các tàu chiến Hoa Kỳ ra khỏi vùng biển quanh Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong hoạt động mà Mỹ nói là “thực thi quyền tự do đi lại trên biển” nhưng Bắc Kinh nói là “tiến vào trái phép vùng lãnh hải của Trung Quốc”.
BBC News
Nghiên cứu Harvard: Có phải đại dịch virus corona bắt đầu từ tháng Tám, 2019
Tuesday, June 16th, 2020Một nghiên cứu từ Mỹ đề nghị là virus corona có thể đã có mặt ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc vào đầu tháng 8 năm ngoái đã gặp phải nhiều chỉ trích.
GETTY IMAGES-Sự bùng phát virus corona lần đầu tiên được nhìn thấy ở Vũ Hán – nhưng có phải nó đã lưu hành sớm hơn so với suy nghĩ?
Nghiên cứu của Đại học Harvard tạo nhiều chú ý đáng kể khi được phát hành vào đầu tháng này, đã bị Trung Quốc bác bỏ trong khiTrung Quốc bác bỏ trong khi phương pháp nghiên cứu bị thách thức bởi các nhà khoa học độc lập.
Nghiên cứu nói gì?
Nghiên cứu trên, hiện chưa được đồng nghiệp đánh giá, dựa trên hình ảnh chụp được từ vệ tinh về lưu lượng giao thông xung quanh các bệnh viện ở Vũ Hán và mực độ theo dõi các tìm kiếm trực tuyến về các triệu chứng y khoa cụ thể liên quan đến virus corona.
Nghiên cứu nói rằng có một gia tăng đáng chú ý trong của số xe hơi đậu bên ngoài sáu bệnh viện trong thành phố từ cuối tháng 8 đến 1 tháng 12 năm 2019.
Điều này trùng hợp, báo cáo của Harvard kết luận, với mức gia tăng các tìm kiếm về những triệu chứng có thể có của virus corona như “ho” và “tiêu chảy”.
GETTY IMAGES-Các nhà nghiên cứu đã theo dõi mô hình giao thông Vũ Hán
Đây là một phát hiện quan trọng vì cho đến đầu tháng 12, Vũ Hán mới báo cáo những trường hợp bị nhiễm đầu tiên.
Các học giả viết: “Mặc dù chúng tôi không thể xác nhận liệu sự gia tăng có liên quan trực tiếp đến virus mới hay không, bằng chứng của chúng tôi hỗ trợ các nghiên cứu gần đây cho thấy sự xuất hiện virus đã xảy ra trước khi được nhận dạng tại chợ hải sản Huanan.”
Nghiên cứu của Harvard đã thu hút được nhiều chú ý trên các phương tiện truyền thông. Riêng với Tổng thống Trump, người đã mạnh mẽ chỉ trích phản ứng của Trung Quốc trước đại dịch, đã tweet một mục của Fox News, trong đó nêu bật khám phá của các nhà nghiên cứu. Tweet đó được xem hơn ba triệu lần.
Bằng chứng có được củng cố?
Nghiên cứu của Harvard nói rằng lượng truy tìm trực tuyến về các triệu chứng nhiễm virus corona, đặc biệt là “tiêu chảy” đã gia tăng trên Baidu, công cụ tìm kiếm nổi tiếng của Trung Quốc.
Tuy nhiên, các quan chức của công ty Baidu đã tranh luận về những phát hiện của nghiên cứu, nói rằng trên thực tế, số lượng tìm kiếm trực tuyến cho “tiêu chảy” đã sụt giảm trong giai đoạn này.
Vậy thì điều gì đang xảy ra?
Thuật ngữ được sử dụng trong báo cáo của Đại học Harvard thật ra dịch từ tiếng Trung là “triệu chứng của bệnh tiêu chảy”.
Chúng tôi đã kiểm tra điều này trên công cụ tương tự như Google Trends của Baidu, một công cụ cho phép người dùng phân tích mức độ phổ biến của các tìm kiếm trực tuyến.
Công cụ này cho thấy mức tìm kiếm thuật ngữ “triệu chứng tiêu chảy” thực sự có gia tăng từ tháng 8 năm 2019.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng sử dụng thuật ngữ “tiêu chảy”, một thuật ngữ tìm kiếm phổ biến hơn ở Vũ Hán, và lại thấy sự sụt giảm từ tháng 8 năm 2019 cho đến khi dịch bệnh bắt đầu.
Một tác giả chính của báo cáo của Harvard, Benjamin Rader, nói với BBC rằng “thuật ngữ tìm kiếm mà chúng tôi chọn cho” tiêu chảy “được chọn vì đây là từ phù hợp nhất cho các trường hợp được xác nhận của Covid-19 và được đề xuất là thuật ngữ tìm kiếm liên quan đến virus corona.”
Chúng tôi cũng xem xét mức độ phổ biến của các tìm kiếm trực tuyến về “sốt” và “khó thở”, hai triệu chứng phổ biến khác của virus corona.
Tìm kiếm về ”sốt” tăng một ít sau tháng 8 với tốc độ tương tự như “ho” và các tìm kiếm về “khó thở” thì giảm đi trong cùng thời gian.
Cũng có những câu hỏi được đặt ra về việc nghiên cứu đã chọn sử dụng ”tiêu chảy” như một chỉ báo về căn bệnh này.
Một nghiên cứu tầm cỡ lớn ở Anh với gần 17.000 bệnh nhân virus corona cho thấy tiêu chảy là triệu chứng chỉ phổ biến hàng thứ bảy, nằm dưới ba triệu chứng hàng đầu: ho, sốt và khó thở.
Số lượng xe thì sao?
Trên khắp sáu bệnh viện, nghiên cứu của Harvard cho thấy số xe hơi tại các bãi đậu xe của bệnh viện từ tháng 8 đến tháng 12 năm 2019 có sự gia tăng.
Tuy nhiên, chúng tôi tìm thấy một số sai sót nghiêm trọng trong phân tích của họ.
HARVARD UNIVERSITY-Nghiên cứu của Havard và chú thích hình ảnh vệ tinh cho thấy số xe đậu tại các bệnh viện Vũ Hán
Báo cáo nói rằng những hình ảnh bị che bởi bóng cây và bóng tòa nhà đã được loại trừ để tránh việc đếm quá nhiều hoặc quá ít các xe cộ.
Tuy nhiên, hình ảnh vệ tinh được cung cấp cho các cơ quan truyền thông cho thấy các khu vực rộng của các bãi đậu xe tại bệnh viện bị chặn bởi các tòa nhà cao nhiều tầng, điều đó có nghĩa là không thể đánh giá chính xác số lượng xe hơi ở đó.
Trong tweet dưới đây, chúng tôi chú thích bằng các hộp màu trắng các khu vực bị che khuất bởi các tòa nhà cao nhiều tầng.
Ngoài ra còn có một bãi đậu xe ngầm tại Bệnh viện Tianyou, có thể nhìn thấy trên chức năng xem đường phố của Baidu, nhưng qua hình ảnh vệ tinh chỉ thấy được lối vào – chứ không thấy được những chiếc xe đậu bên dưới mặt đất.
Một trong những tác giả của nghiên cứu, Benjamin Rader nói “chúng tôi chắc chắn không thể ước lượng được việc đỗ xe dưới lòng đất trong bất kỳ khoảng thời gian nào của nghiên cứu và đây là một trong những giới hạn của loại nghiên cứu này.”
Cũng có những quan tâm về các bệnh viện đã được chọn cho nghiên cứu.
Bệnh viện Phụ nữ và Trẻ em Hồ Bắc là một trong những địa điểm được chọn, nhưng trẻ em hiếm khi phải điều trị tại bệnh viện vì virus corona. Đáp lại, các tác giả cho biết phát hiện của họ vẫn cho thấy có sự gia tăng trong việc sử dụng bãi đậu xe ngay cả khi bệnh viện này bị loại khỏi cuộc khảo sát.
Các nhà nghiên cứu cũng đã có thể so sánh dữ liệu của họ với các bệnh viện ở các thành phố khác của Trung Quốc, để xem liệu sự gia tăng lưu lượng truy cập và tìm kiếm có phải đặc biệt áp dụng đối với Vũ Hán, là nơi dịch bệnh bùng phát lần đầu tiên, hay không.
Thiếu sự so sánh này, thêm với những câu hỏi mà chúng tôi đưa ra với các tìm kiếm trực tuyến về các triệu chứng của virus corona, bằng chứng để kết luận các cư dân Vũ Hán được điều trị virus corona từ tháng 8 năm ngoái vẫn còn rất nhiều tranh cãi.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều chúng ta chưa biết về sự lây lan của virus ở Vũ Hán trong giai đoạn đầu.
Source: Christopher Giles, Benjamin Strick và Wanyuan Song-BBC Reality Check
Biển Đông: Hoa Kỳ quyết can dự mạnh mẽ hơn, ủng hộ Asean trước Trung Quốc?
Monday, June 15th, 2020Công thư gần đây của Hoa Kỳ gửi Liên Hiệp Quốc (LHQ) chứng tỏ Washington muốn đẩy tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước lên nghị trình hàng đầu thời gian tới, theo một bình luận từ Philippines.
GETTY IMAGES-Biển Đông, với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một trong những vùng biển có tranh chấp nhất về chủ quyền
Hôm 1/6, Đại sứ Mỹ tại LHQ Kelly Craft đã yêu cầu lưu hành công thư như một văn bản chính thức gửi đến tất cả thành viên LHQ và Hội đồng Bảo an.
Công thư này để sự đáp lại công hàm CML/14/2019 của phái đoàn thường trực Trung Quốc tại LHQ ngày 12/12/2019.
Tin cho biết trong thư, Hoa Kỳ nói họ phản đối các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông.
“Mỹ yêu cầu Trung Quốc một lần nữa tuân thủ các quy định quốc tế về tuyên bố chủ quyền như đã nêu trong Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), thực thi phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa trọng tài về Biển Đông và ngừng các hành động khiêu khích trong khu vực”, Đại sứ Mỹ nói trong thư.
Thời điểm lá thư của Hoa Kỳ
Bà Jacqueline Joyce F. Espenilla, giảng viên Trường Luật, Đại học Philippines (University of the Philippines College of Law) , nói với BBC News Tiếng Việt rằng thời điểm lá thư của Hoa Kỳ rất quan trọng.
Ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc (UNCLOS) 1982, đã ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc.
Ban đầu phán quyết này được một số người hy vọng có thể mở đường tiến tới giải quyết các tranh chấp về quyền đối với các vùng biển ở Biển Đông.
REUTERS-Đại diện của Mỹ tại LHQ, Đại sứ Kelly Craft
Tuy nhiên, bà Jacqueline Joyce F. Espenilla chỉ ra rằng tình hình từ 2016 đến gần đây đã nhạt đi.
“Xung lực từ phán quyết tòa 2016 nói chung giảm đi, một phần không nhỏ vì chính phủ tổng thống Duterte không muốn dùng thắng lợi của Philippines do nguyên nhân kinh tế và chính trị.”
“Vẫn thỉnh thoảng có va chạm, đa số là với Việt Nam quanh quần đảo Hoàng Sa, Indonesia ở quần đảo Natuna, và mọi nước có tranh chấp ở Biển Đông đều kiên quyết trong tuyên bố của họ.”
“Tuy nhiên, ưu tiên vừa qua chủ yếu nhằm cố gắng có Bộ Quy tắc ứng xử.”
Nhưng bà Jacqueline Joyce F. Espenilla nói sau khi phái đoàn thường trực Trung Quốc tại LHQ gửi công hàm ngày 12/12/2019, tình hình trở nên khác đi.
“Công hàm Trung Quốc lập tức thúc đẩy phản ứng ngoại giao của Việt Nam, Philippines và thú vị là cả Indonesia, vốn là nước thường tránh liên quan.”
Ngày 12/12/2019, Malaysia có Công hàm số HA 59/12 liên quan đến Đệ trình về thềm lục địa mở rộng của mình tại Biển Đông lên Uỷ ban Ranh giới Thềm lục địa (CLCS).
Cùng ngày, Trung Quốc gửi Công hàm số CML/14/2019 tại LHQ phản đối Đệ trình trên của Malaysia.
Ngày 6/3/2020, Philippines gửi liên tiếp Công hàm số 000191-2020 để phản đối Công hàm CML/14/2019 của Trung Quốc và Công hàm số 000192-2020 để phản đối Đệ trình của Malaysia.
Ngày 23/3/2020, Trung Quốc gửi Công hàm số CML/11/2020 phản đối Philippines.
Ngày 2/4/2020, Tổng thư ký LHQ cho lưu hành công hàm số 22/HC-2020 của Phái đoàn thường trực Việt Nam để phản đối các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông thể hiện trong hai công hàm số CML/14/2019 và Công hàm số CML/11/2020.
Ngày 10/4/2020, Phái đoàn Việt Nam tiếp tục gửi Công hàm số 24/HC-2020 đề cập Công hàm ngày 12/12/2019 của Malaysia và Công hàm số 25/HC-2020 đề cập các Công hàm ngày 10/4/2020 của Philippines.
AFP-Một đầm sen ở Hà Nội
‘Sự quay lại mạnh hơn của Hoa Kỳ’
Về công thư ngày 1/6 của Hoa Kỳ, bà Jacqueline Joyce F. Espenilla quan tâm việc nó xảy ra cùng lúc, khi ngày 2/6, Philippines đã đình chỉ việc hủy Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng, cơ sở pháp lý cho sự hiện diện của quân đội Mỹ tại nước này.
“Hoạt động của Manila mở đường cho sự quay lại mạnh hơn của Hoa Kỳ trong vùng.”
“Lá thư của Mỹ ra dấu là họ một lần nữa tập trung vào Biển Đông, gửi thông điệp cho Đông Nam Á rằng Washington ủng hộ chống lại sự hung hăng của Trung Quốc.”
Nhìn rộng hơn, bà Jacqueline Joyce F. Espenilla nhấn mạnh cáo buộc về sự hung hăng của Trung Quốc trên biển được đặt vào bối cảnh căng thẳng chung với Hoa Kỳ.
“Đó là một phần trong danh sách than phiền về tình báo, tấn công mạng, thương mại bất công, và cáo buộc về Covid-19.”
“Khi gửi thư cho LHQ, Hoa Kỳ thực tế đã đặt tranh chấp Biển Đông trở lại sân khấu chính trị, trong lúc thế giới trở nên thù địch hơn với Trung Quốc,” bà Jacqueline Joyce F. Espenilla nói.
EPA-Các lãnh đạo Việt Nam họp Quốc hội ngày 20/5
‘Trung Quốc muốn tận dụng sự biết ơn’
Trong khi đó, từ Đại học Quốc gia Úc, Giáo sư Leszek Buszynski giải thích vì sao Trung Quốc gần đây lại gửi các công hàm lên LHQ.
“Có vẻ như Trung Quốc muốn tận dụng sự biết ơn trong Đại hội đồng LHQ, sau khi đã gửi khẩu trang chống virus corona cho các nước, sau dự án Vành đai – Con đường, hỗ trợ kinh tế cho châu Phi và các nước như Lào, Campuchia.”
“Bằng cách này, họ muốn vô hiệu hóa phán quyết của Tòa năm 2016, nói rằng yêu sách của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý.”
Giáo sư Leszek Buszynski đang nghiên cứu về Biển Đông, và là chuyên gia về an ninh châu Á.
Giáo sư Leszek Buszynski dự đoán Trung Quốc hy vọng LHQ sẽ thông qua một nghị quyết ủng hộ Bắc Kinh về Biển Đông.
“Tôi không nghĩ Trung Quốc sẽ đạt được nghị quyết đó, vì Đại hội đồng LHQ có nhiều tiếng nói khác nhau, không phải tất cả đều biết ơn Trung Quốc.”
‘Sự phản đối chính thức rõ nhất của Mỹ’
Bà Jacqueline Joyce F. Espenilla, giảng viên Trường Luật, Đại học Philippines, nhận xét công thư của Mỹ gửi LHQ là rất đặc biệt.
“Có lẽ lá thư là sự phản đối chính thức rõ nhất của Mỹ về đòi hỏi của Trung Quốc trên Biển Đông.”
“Tôi nhấn mạnh chữ Chính thức, vì trước đây Mỹ cũng đã phản đối lập trường của Trung Quốc phi chính thức khi đưa tàu đi vào vùng tranh chấp.”
“Lá thư của Đại sứ Kelly Craft nêu lại một số điểm trong phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa trọng tài về Biển Đông, đây là việc Mỹ chưa từng làm.”
Bà Jacqueline Joyce F. Espenilla chỉ ra rằng với việc ra quan điểm rất gần với Việt Nam, Philippines…Washington “thực tế là đang bộc lộ sức nặng ảnh hưởng đằng sau các nước”.
“Nó có thể khuyến khích các nước nhỏ khẳng khái hơn trong việc phản bác sự hung hăng của Trung Quốc, lập một mặt trận đoàn kết.”
“Phần lớn sự bạo gan của Trung Quốc xuất phát từ việc họ lợi dụng được sự mất đoàn kết trong vùng,” bà nói.
Source: BBC News
Thủ tướng Úc: Không đánh mất giá trị để đáp trả sự ‘chèn ép’ của TQ
Monday, June 15th, 2020Thủ tướng Scott Morrison tuyên bố Úc sẽ không đánh mất các giá trị hay khuất phục trước “sự chèn ép” từ Trung Quốc, theo Reuters.
GETTY IMAGES-Thủ tướng Úc ông Scott Morrison
Khi được hỏi liệu Úc có thực hiện việc trả đũa nhằm vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc hay không, Thủ tướng Úc Scott Morrison nói rằng ông không sợ hãi hoặc chịu thua trước sự cưỡng ép đó.
Căng thẳng ngoại giao giữa hai nước gia tăng sau khi Úc kêu gọi tổ chức một cuộc điều tra quốc tế để làm rõ nguồn gốc và sự lây lan của virus corona.
Tại Đại hội của Tổ chức Y tế Thế giới hồi tháng trước, Úc và Liên minh châu Âu đã vận động thành công việc mở một cuộc điều tra độc lập về đại dịch Covid-19.
Hôm thứ Ba vừa qua, Bộ Giáo dục Trung Quốc nói rằng sinh viên nước này cần cân nhắc lại việc chọn du học tại Úc. Đây được coi là một sự đe dọa vào ngành giáo dục quốc tế vốn mang về 38 tỷ AUD (613,000 tỷ đồng, 26 tỷ USD) mỗi năm cho xứ sở kangaroo.
“Chúng ta là một quốc gia có nền thương mại mở, bạn ạ. Nhưng tôi không bao giờ hy sinh các giá trị của chúng ta chỉ để đáp lại sự ép buộc từ bất cứ đâu”, ông Morrison nói trong cuộc phỏng vấn trên đài 2GB hôm thứ Năm.
Trong những tuần gần đây, Trung Quốc đã cấm nhập thịt bò Úc và áp thuế lên lúa mạch nhập từ quốc gia châu Đại Dương.
Bộ Thương mại Trung Quốc trong quyết định ngày 18/5 đã áp thuế chống bán phá giá 73,6% và thuế chống trợ cấp 6,9% lên lúa mạch nhập khẩu từ Úc. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 19/5 và có thời hạn 5 năm.
Các nhà xuất khẩu lúa mạch cảnh báo mức thuế mới có thể làm tê liệt ngành này.
EPA-Ông Scott Morrison và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường
Lời cảnh báo đối với sinh viên được đưa ra theo sau việc Trung Quốc khuyến cáo du khách nước này tránh du lịch đến Úc.
Trong cả hai trường hợp, giới chức Trung Quốc đều viện dẫn lý do là tệ phân biệt chủng tộc nhằm vào người gốc Á gia tăng trong đại dịch.
Phát biểu trên đài 3AW, ông Morrison nói: “Thật là rác rưởi. Đấy là một tuyên bố ngớ ngẩn và đã bị bác bỏ. Đấy không phải là phát biểu của giới lãnh đạo Trung Quốc”.
Úc mới đây đã gửi thông điệp phản đối tới Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Trung Quốc về việc Bắc Kinh khuyến cáo công dân không đi du lịch hoặc du học tới Úc.
Trong tuyên bố, Úc đã bác bỏ việc cho rằng đi du lịch hoặc du học tại nước này không an toàn.
“Nước Úc cung cấp sản phẩm giáo dục và du lịch tốt nhất thế giới”, Thủ tướng Morrison nói với đài 2GB.
“Việc công dân Trung Quốc lựa chọn đến Úc du học trước nay là quyết định của chính họ. Tôi rất tự tin rằng sản phẩm của chúng ta thực sự hấp dẫn”.
Nhóm 8, liên minh các trường đại học hàng đầu nước Úc, mới đây nói rằng giáo dục quốc tế đang “được sử dụng như một con tốt trong chính trị”.
Hiện Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Úc, với giao thương hai chiều đạt 235 tỷ AUD (3.800.000 tỷ đồng, 163 tỷ USD) mỗi năm.
Tuy nhiên, giữa hai quốc gia cũng đã tồn tại nhiều bất đồng trước khi nổ ra các căng thẳng hiện nay.
Source: BBC News