(Thị trường chứng khoán vẫn còn là điều tương đối mới tại Trung Quốc)
Các quan chức Mỹ và Trung Quốc gặp gỡ trong tuần này để thảo luận cách giám sát việc kiểm toán các công ty Trung Quốc có cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán Hoa Kỳ.
Các vụ bê bối kế toán tại các công ty Trung Quốc được niêm yết ở Mỹ đã gia tăng áp lực cho các nhà quản lý ở cả hai quốc gia.
Các quan chức Mỹ muốn có một thỏa thuận mà sẽ cho họ quyền được điều tra các công ty kiểm toán tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, Trung Quốc phản đối việc cho phép kiểm tra các công ty kế toán của họ, coi đây là một hành vi xâm phạm chủ quyền.
Dù vậy, Trung Quốc cũng chỉ ra rằng biện pháp kiểm tra chung có thể là một lựa chọn.
“Mục tiêu chung ‘
Kể từ tháng Ba, 30 công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ đã có các kiểm toán viên từ chức và 20 đã bị hủy bỏ niêm yết.
James Doty, Chủ tịch Hội đồng Theo dõi Giám sát Kế toán công ty công tại Mỹ, cho biết chuyến làm việc là bước đầu tiên để tìm kiếm một giải pháp cho vấn đề kiểm toán xuyên biên giới.
Ông nói: “Tôi tin rằng chúng tôi chia sẻ mục tiêu chung với các nhà quản lý Trung Quốc nhằm bảo vệ các nhà đầu tư và bảo vệ chất lượng kiểm toán thông qua hợp tác song phương”.
Ông sẽ gặp gỡ các đối tác Trung Quốc vào thứ Hai và thứ Ba.
Nhiều công ty dính vào bê bối vẫn được niêm yết tại Mỹ theo lối đi cửa sau hoặc mua ngược, vốn liên quan đến việc mua một công ty vỏ hiện có.
Và mặc dù nhiều công ty sử dụng các kiểm toán viên ở Mỹ, các quan chức đã bày tỏ lo ngại về việc thiếu thông tin chính xác hiện có và tình trạng tài chính của các công ty.
Trong tháng Năm, công ty tin học Longtop bị hãng kiểm toán Deloitte cáo buộc là đã có những “sai phạm nghiêm trọng”, bao gồm giả mạo báo cáo ngân hàng. Công ty cho biết họ đã bắt đầu một cuộc điều tra nội bộ.
Vấn đề không chỉ giới hạn trong phạm vi các công ty Trung Quốc được niêm yết ở Mỹ. Công ty sở hữu các đồn điền Trung Quốc, Sino-Forest Corp, được niêm yết ở Toronto đã chứng kiến giá cổ phiếu sụt giảm tới 73% kể từ ngày 1/6 sau khi có cáo buộc rằng công ty đã giả mạo giấy tờ sở hữu đất đai.
Công ty đã bác bỏ các cáo buộc này, nhưng chỉ riêng tin đó đã đủ gây đảo lộn cho nhà quản lý quỹ đầu tư Hoa Kỳ John Paulson, người bị mất 500 triệu USD vào tháng trước, khi ông quyết định bán cổ phần của mình trong công ty.
Tại Hong Kong, một công ty sở hữu đồn điền khác, là China Forestry, thừa nhận vào tháng Năm rằng các báo cáo ngân hàng và hồ sơ thu hoạch đã bị làm giả, trong khi tài khoản của họ thì bị mất.
Sự cố này bị đổ lỗi cho cựu giám đốc điều hành, người đã bị giam giữ tại Trung Quốc vào tháng Hai về tội biển thủ.
Thị trường mới
Các vụ việc này làm nổi bật lên một số khó khăn khi đầu tư vào Trung Quốc, nơi nền kinh tế đang bùng nổ không nhất thiết đảm bảo lời lãi trên thị trường chứng khoán.
Thị trường chứng khoán chính của Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite, chấm dứt vào tuần trước với 2,797.70 điểm, chưa bằng một nửa mức mà nó đạt được trong năm 2006. Chỉ số này cũng giảm gần 8% trong ba tháng qua.
Thị trường chứng khoán của TQ hoạt động mới chưa đầy 20 năm và tình trạng buôn bán tay trong, lũng đoạn thị trường và các lạm dụng khác được biết vẫn còn phổ biến.
Quản trị doanh nghiệp còn lỏng lẻo và người ta hay đồn đại rằng các công ty Trung Quốc thường có ba bộ tài khoản – một cho các nhà kiểm toán, một cho chính phủ và một cho giới quản lý.
Hơn nữa, chính phủ vẫn là cổ đông chính tại rất nhiều công ty lớn được niêm yết trong khi lợi ích của họ không phải lúc nào cũng phù hợp với lợi ích của các nhà đầu tư tài chính.