Archive for April, 2020

Bác sĩ Anh cảnh báo máy thở Trung Quốc có thể gây tử vong

Thursday, April 30th, 2020


(Photo: Google)

Nhiều bác sĩ Anh viết thư cho giới chức y tế, cảnh báo 250 máy thở mua từ Trung Quốc có thể gây tử vong nếu dùng trong bệnh viện.

“Chúng tôi tin rằng nếu được sử dụng, những máy thở này có thể gây tổn hại đáng kể cho bệnh nhân, bao gồm tử vong”, theo bức thư đề ngày 13/4 của một bác sĩ gây mê cấp cao và chăm sóc tích cực, đại diện cho nhóm bác sĩ và quản lý cấp cao làm việc trong và quanh Birmingham, thành phố lớn thứ hai của Anh và là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do Covid-19. Phóng viên của NBC News tiếp cận được nội dung lá thư gần đây và công bố hôm nay.

Từ tháng 3, chính phủ Anh và nhiều quốc gia hối hả mua thêm thiết bị y tế, phần lớn từ Trung Quốc, để bù đắp thiếu hụt trong nguồn cung. Ngày 4/4, các bộ trưởng Anh hân hoan tuyên bố đã mua được 300 máy thở từ Trung Quốc.

“Tôi muốn cảm ơn chính phủ Trung Quốc vì đã hỗ trợ chúng tôi mua được số máy thở này”, Michael Gove, quan chức cấp cao trong chính phủ Thủ tướng Boris Johnson, phát biểu trong cuộc họp báo hôm đó.

Tuy nhiên, chỉ 9 ngày sau đó, các bác sĩ ở Birmingham viết thư cảnh báo về 250 máy thở mẫu Shangrila 510 được sản xuất tại công ty Bắc Kinh Aeonmed, một trong những nhà sản xuất máy thở lớn của Trung Quốc.

Các bác sĩ nói rằng nguồn cung oxy của các máy thở Trung Quốc “thường xuyên thay đổi và không đáng tin cậy”, trong khi chất lượng chế tạo của chúng chỉ ở mức “cơ bản”. Bộ lọc của các máy này không thể được làm sạch đúng cách, điều vốn rất cần thiết khi chống lại loại virus có khả năng lây nhiễm cao, trong khi ống cấp oxy không theo tiêu chuẩn EU.

Bên cạnh những lo ngại nghiêm trọng về chất lượng máy thở, các bác sĩ cho biết một lý do nữa khiến chúng không an toàn là các thiết bị do Trung Quốc sản xuất này xa lạ với các bác sĩ Anh và không phù hợp để sử dụng trong cuộc khủng hoảng Covid-19 hiện nay.

Họ còn chỉ ra rằng loại máy thở này được thiết kế để sử dụng trong xe cứu thương, không phải loại được đặt bên cạnh giường bệnh. Các bác sĩ cho biết họ đã phải tự chế một giá đỡ tạm thời cho thiết bị này từ xe đẩy trong bệnh viện.

“Chúng tôi mong mỏi những máy thở này bị thu hồi và được thay thế bằng các thiết bị có khả năng thông đường thở tốt hơn cho các bệnh nhân điều trị tích cực”, nhóm bác sĩ viết trong bức thư gửi cho quan chức y tế Anh.


(Nhân viên y tế di chuyển bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Hoàng gia London ở phía đông London, Anh hôm 21/4. Ảnh: AFP.)
Chính phủ Anh từng bị chỉ trích nặng nề về cách phản ứng với Covid-19, dịch bệnh đã khiến hơn 26.000 người chết tại nước này. Các nhà phê bình cho rằng chính phủ không cung cấp đủ thiết bị bảo hộ cho nhân viên y tế tuyến đầu và không xét nghiệm rộng rãi.

Bác sĩ viết thư chưa cho biết những biện pháp nào đã được thực hiện để giải quyết lo ngại về máy thở. Không rõ bộ phận nào trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của Anh nhận được thư, nhưng Bộ Y tế và Chăm sóc Xã hội, cơ quan giám sát Dịch vụ Y tế Quốc gia và việc mua máy thở từ nước ngoài, cho biết trong một email rằng họ biết “mối lo ngại của các bác sĩ và đã đề cập với nhà sản xuất”.

Bộ này từ chối trả lời một số câu hỏi chi tiết về bức thư, bao gồm bao nhiêu máy thở kiểu này đã được mua, tại sao mẫu đó được chọn và liệu các bác sĩ tuyến đầu có được tư vấn trước. Bộ cho biết không máy thở nào trong số này đang được sử dụng tại bệnh viện.

Giám đốc bán hàng quốc tế của Bắc Kinh Aeonmed nói “không biết” khi được hỏi liệu công ty có nắm được những lo ngại của các bác sĩ Anh về sản phẩm của mình hay không. Công ty cũng không trả lời các câu hỏi chi tiết về mẫu máy thở Shangrila 510 cũng như loại máy này đã được xuất khẩu tới những quốc gia nào.

Hồi cuối tháng 3, Hà Lan buộc phải thu hồi 600.000 khẩu trang mua từ Trung Quốc sau khi Bộ Y tế nước này phát hiện chúng không đạt tiêu chuẩn. Đầu tháng này, người đứng đầu cơ quan cung cấp y tế khẩn cấp Phần Lan từ chức sau khi lô khẩu trang trị giá hàng triệu euro từ Trung Quốc bị phát hiện không đạt tiêu chuẩn.

Không chỉ khẩu trang, chính phủ Tây Ban Nha đã phải thu hồi và trả lại 50.000 bộ xét nghiệm nCoV có nguồn gốc từ Trung Quốc vì chúng chỉ chính xác 30%. Anh đã đặt hàng 3,5 triệu bộ xét nghiệm Trung Quốc nhưng không bộ nào đủ tốt để sử dụng rộng rãi. Chính phủ Anh cho biết họ đang yêu cầu nhà cung cấp hoàn tiền.

Trước những lo ngại của các nước về chất lượng thiết bị y tế xuất khẩu, chính phủ Trung Quốc cam kết “truy quét hàng giả, hàng kém chất lượng” và sẽ trừng phạt nghiêm khắc những công ty bị phát hiện xuất khẩu thiết bị không đạt chuẩn, Triệu Lập Kiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong cuộc họp báo hôm 15/4.

Bộ Thương mại Trung Quốc hồi đầu tháng cũng thu hồi giấy phép xuất khẩu của hai công ty, cảnh báo việc xuất khẩu thiết bị y tế kém chất lượng “làm ảnh hưởng nghiêm trọng hình ảnh đất nước”. Cảnh Sảng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cũng cho rằng một số phàn nàn từ các nước có thể là do “khác biệt trong tiêu chuẩn sản xuất” hoặc các bác sĩ châu Âu “không quen với cách sử dụng sản phẩm, thậm chí mắc sai sót”.

Covid-19 khởi phát từ Vũ Hán, Trung Quốc hồi tháng 12/2019, đã xuất hiện tại 210 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tâm điểm đại dịch hiện nay là Mỹ và châu Âu. Toàn cầu ghi nhận gần 3,2 triệu ca nhiễm nCoV, gần 228.000 người chết và hơn 981.000 trường hợp bình phục.

Huyền Lê -VNexpress (Theo NBC News)

Chuyên gia chỉ rõ âm mưu của Trung Quốc “khuấy động” Biển Đông giữa Covid-19

Thursday, April 30th, 2020

Ngoại trưởng Mike Pompeo ngày 22/4 (giờ Mỹ) đã ra tuyên bố báo chí sau cuộc họp trực tuyến với Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên ASEAN. Ông Pompeo khẳng định cam kết của Mỹ tiếp tục phối hợp với ASEAN đối phó với Covid-19 và hỗ trợ phục hồi kinh tế.


Trung Quốc không ngừng đẩy mạnh quân sự hóa các đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp trái phép ở Biển Đông. Ảnh: news.com.au

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cảnh báo trong khi đối phó với đại dịch Covid-19, các nước cần phải nhớ rằng mối đe dọa dài hạn đối với an ninh chung vẫn chưa biến mất mà trên thực tế đã trở nên rõ ràng hơn.

Ông Pompeo không ngần ngại chỉ rõ, Trung Quốc đã lợi dụng sự sao nhãng của các nước để hiện thực hóa yêu sách đơn phương ở Biển Đông, từ việc ngang nhiên thông báo thành lập cái được gọi là các quận hành chính đối với các đảo và vùng biển ở Biển Đông, làm đắm một tàu cá của Việt Nam hồi đầu tháng, cũng như đặt các trạm nghiên cứu của nước này ở bãi đá Chữ Thập và bãi đá Xu bi.

Theo Ngoại trưởng Mỹ, Trung Quốc tiếp tục điều dân quân biển hoạt động xung quanh quần đảo Trường Sa và mới đây đã điều nhóm tàu khảo sát với mục đích chính là đe dọa các nước có tuyên bố chủ quyền khác không được tham gia phát triển hidrocacbon ngoài khơi.

“Điều quan trọng nhất hiện nay là cần nêu bật việc Trung Quốc lợi dụng thời điểm các nước đang tập trung chống lại cuộc khủng hoảng Covid-19 để tiếp tục những hành vi khiêu khích của mình. Mỹ cực lực phản đối hành vi bắt nạt của Trung Quốc và chúng tôi hy vọng các quốc gia khác cũng sẽ yêu cầu họ [Trung Quốc-ND] phải đưa ra lời giải thích”, ông Mike Pompeo nhấn mạnh.

Sự tiếp nối của cách tiếp cận hung hăng hơn

Các nhà phân tích cho rằng, những động thái mới đây của Trung Quốc mà Ngoại trưởng Pompeo đã chỉ ra, thực tế là một phần trong chiến lược quen thuộc của Trung Quốc ở Biển Đông.

“Những hành động gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông là sự tiếp nối cách tiếp cận hung hăng hơn để khẳng định các yêu sách lãnh thổ của mình, nhưng nó đang gây ra sự phẫn nộ hơn bao giờ hết của các nước láng giềng Đông Nam Á”, Giám đốc cơ quan Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) Greg Poling nhận định.

“Các sự cố như vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu đánh cá Việt Nam gần khu vực quần đảo Hoàng Sa và triển khai tàu khảo sát của Trung Quốc đến vùng biển của Malaysia không phải là mới”, ông Poling trả lời AP qua email.

“Tuy nhiên, điều mới mẻ nhất là sự phẫn nộ của các quốc gia Đông Nam Á khi nhìn thấy mối đe dọa vốn vẫn thường xảy ra nhưng lại đến vào thời điểm họ đang phải vật lộn với đại dịch mà ít nhất trong đó có một phần lỗi của Bắc Kinh”, Poling viết.

Đồng quan điểm với ông Poling, chuyên gia an ninh hàng hải Collin Koh tại Viện nghiên cứu chiến lược và quốc phòng Singapore cho rằng: “Sự khác biệt duy nhất là Bắc Kinh đang khai thác thực tế các đối thủ Đông Nam Á ở Biển Đông đang phải dồn lực ngăn chặn đại dịch và những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế. Trung Quốc làm điều này với hy vọng các nước sẽ không phản ứng hoặc phản ứng yếu khi chống lại các động thái của Bắc Kinh nhằm củng cố yêu sách của họ ở Biển Đông”.

Ông Greg Poling, Giám đốc cơ quan Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải (AMTI).

Đánh giá về tình hình Biển Đông hiện nay, hãng tư vấn rủi ro Eurasia Group có trụ sở ở New York, Mỹ tuần trước nhận định: “Nguy cơ của một sự cố mới đang gia tăng vì căng thẳng ở những khía cạnh khác trong mối quan hệ có thể gây ra tình huống căng thẳng trên mặt đất, hay nói đúng hơn là trên biển. Căng thẳng giữa hai bên sẽ gây khó khăn cho việc ngăn chặn một vụ va chạm vô tình dẫn đến cuộc khủng hoảng toàn diện”.

Mỹ và đồng minh sẽ không đứng ngoài

Trong bối cảnh căng thẳng đột ngột gia tăng ở Biển Đông, các tàu chiến của Mỹ và Australia đã có cuộc diễn tập được cho là gần khu vực tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc hoạt động gần một tàu khoan thăm dò của công ty dầu khí Malaysia Petronas, Reuters dẫn các nguồn tin khu vực cho hay.

Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ đã xác nhận cuộc tập trận hải quân chung giữa Mỹ và Australia nhưng không có biết vị trí chính xác. Theo thông tin từ Hải quân Mỹ, Tàu tuần dương HMAS Parramatta của Hải quân Hoàng gia Australia đi cùng với tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill và sau đó hội quân với tàu tấn công đổ bộ USS America và tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Barry hôm 18/4.

Nhận định về diễn biến này, chuyên gia Collin Koh cho rằng sự hiện diện của Hải quân Mỹ gửi đi thông điệp về cam kết của Washington trong bối cảnh một số lực lượng tác chiến trên biển của nước này bị nhiễm virus SARS-CoV-2. Mỹ hồi tháng 3 vừa qua đã phải hủy bỏ cuộc tập trận quân sự lớn nhất với Philippines vốn được ấn định vào tháng 5 do đại dịch Covid-19.

“Tôi tin rằng chúng ta vẫn có thể thấy các lực lượng Australia tiếp tục hoạt động ở Biển Đông, tiến hành sự hiện diện hải quân thường lệ”, ông Koh nói.

Mặc dù vậy, ông Poling không hy vọng Trung Quốc sẽ kiềm chế tham vọng phi lý ở Biển Đông, đồng thời cảnh báo Bắc Kinh có thể thực hiện các bước đi tiếp theo như thiết lập vùng nhận diện phòng không hoặc cơ sở thu thập thông tin tình báo, dữ liệu radar tại Scarborough – bãi cạn Trung Quốc đã giành quyền kiểm soát từ Philippines hồi năm 2012.

“Các tàu hải cảnh và tàu dân quân biển của Trung Quốc sẽ tiếp tục quấy rối các công ty khai thác dầu khí trong khu vực, vì vậy cuộc khủng hoảng tiếp theo chỉ là vấn đề thời gian. Tôi không nghĩ nó có thể xảy ra trong ngày một ngày hai nhưng nó sẽ xảy ra không sớm thì muộn”, ông Poling nói.

Ông Bill Hayton, chuyên gia hàng đầu về Biển Đông của Viện Nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh chỉ rõ âm mưu của Trung Quốc: “Trung Quốc đang ép các nước Đông Nam Á từ bỏ quyền của họ được quy định trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) và ép họ chia sẻ vùng đặc quyền kinh tế với Bắc Kinh. Nếu họ cố gắng tự khai thác tài nguyên mà họ có quyền thì Trung Quốc lại trừng phạt họ”.

Theo Hùng Cường-VOV-Dantri

Nhật Bản theo dõi chặt chẽ hoạt động của tàu sân bay Trung Quốc

Thursday, April 30th, 2020


Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc (Ảnh: Reuters)

Theo thông tin của Cơ quan tham mưu bộ quốc phòng Nhật Bản, tàu khu trục tên lửa dẫn đường JS Kongo, tàu khu trục JS Umigiri và máy bay trinh thám hàng hải P-3C Orion của lực lượng phòng vệ Nhật Bản ngày 28/4 đã phát hiện nhóm tàu sân bay Liêu Ninh cùng 5 tàu khác thuộc nhóm tác chiến ở cách đảo Miyako của Nhật Bản 80 km về hướng đông nam vào 9h sáng ngày 28/4 (giờ địa phương).

Nhóm tàu này đã đi về hướng bắc, qua vùng biển nằm giữa Okinawa và Miyako vào 10h sáng cùng ngày, trước khi di chuyển về biển Hoa Đông sau đó.

Đây là lần thứ 2 mà nhóm tàu sân bay Liêu Ninh đi qua vùng eo biển rộng 250km trong tháng này và là lần thứ 5 mà nhóm tàu Trung Quốc di chuyển qua khu vực kể từ khi nó vào biên chế từ năm 2012.

“Đây là lần đầu tiên hải quân Trung Quốc thực hiện cả hành trình đi và về trên qua eo biển Miyako. Dịch Covid-19 không làm ảnh hưởng tới nhiệm vụ của chúng tôi. Chúng tôi sẽ theo dõi sát sao các tàu này”, một phát ngôn viên của cơ quan tham mưu bộ quốc phòng Nhật Bản cho hay.

Ngày 11/4, nhóm tàu Liêu Ninh từng đi qua eo biển Miyako. Mỹ và các đồng minh trong khu vực theo dõi vụ việc ngày 11/4 sát sao vì nhóm tàu đã đi qua phía đông Đài Loan.

Động thái điều tàu của Trung Quốc hôm 11/4 diễn ra trong bối cảnh tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ trở thành “ổ dịch” Covid-19 và buộc phải cho thủy thủ sơ tán ở Guam. Vì dịch bệnh, Mỹ không có bất cứ tàu sân bay nào làm nhiệm vụ tuần tra ở tây Thái Bình Dương. Hải quân Mỹ cũng đang phải kiểm soát tình hình dịch bệnh lây nhiễm trên USS Ronald Reagan – tàu sân bay đang đậu để bảo trì ở Nhật Bản.

Động thái của nhóm tàu sân bay Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh hải quân nước này ngày càng gia tăng các hoạt động trên biển.

Gần đây, Trung Quốc đã bị cộng đồng quốc tế chỉ trích về một loạt các động thái phi pháp ở Biển Đông như xây “trạm nghiên cứu” ở Trường Sa hay đặt tên các khu vực quản lý hành chính tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Đức Hoàng-Dantri

(Theo Stars & Stripes)

Tàu chiến Mỹ áp sát quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc xua đuổi

Thursday, April 30th, 2020


Tàu khu trục USS Barry của Mỹ. (Ảnh: Getty)

Giới chức Hải quân Mỹ nói với trang tin USNI News ngày 28/4 rằng, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS Barry (DDG-52) đã tiến hành hoạt động đảm bảo tự do hàng hải tại vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Thông tin trên được đưa ra cùng thời điểm giới chức Trung Quốc thông báo về sự xuất hiện của một tàu chiến Mỹ tại quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông.

Theo Thời báo Hoàn Cầu, Hải quân Trung Quốc đã triển khai lực lượng hải quân và không quân “theo dõi, giám sát, xác thực, nhận dạng và xua đuổi” một tàu chiến Mỹ đi vào vùng biển Hoàng Sa.

Theo Bưu điện Hoa Nam Buổi Sáng, tàu Mỹ bị Trung Quốc cảnh báo là tàu khu trục USS Barry.

Mặc dù thông báo của Trung Quốc cho biết quân đội nước này buộc tàu USS Barry phải rời khỏi Hoàng Sa, song một quan chức Hải quân Mỹ nói với USNI News rằng, hoạt động của tàu Mỹ vẫn diễn ra như kế hoạch mà không phải đối mặt với hành vi thiếu an toàn hay thiếu chuyên nghiệp nào từ các máy bay hay tàu chiến Trung Quốc.

Trước đó, truyền thông Đài Loan đưa tin tàu USS Barry của Hải quân Mỹ đã đi qua eo biển Đài Loan 2 lần trong tháng này. Trong cả 2 lần, các tàu chiến của Trung Quốc đều bám sát tàu Mỹ.

Bộ Quốc phòng Australia ngày 22/4 thông báo, tàu hộ vệ HMAS Parramatta của Australia cùng 3 tàu Mỹ, gồm tàu tấn công đổ bộ USS America, tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill và tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Barry đã thực hiện cuộc diễn tập chung tại Biển Đông.

Trước đó, 2 tàu USS America và USS Bunker Hill được cho là đã hoạt động gần tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc, sau khi Hải Dương 8 bị phát hiện khảo sát gần một tàu của Công ty dầu khí quốc gia Malaysia Petronas tại Biển Đông.

(Thành Đạt-Tổng hợp-Dantri)

Mông Cổ tạm hoãn kế hoạch chào bán mỏ than 1 tỷ USD do đại dịch Covid-19

Thursday, April 30th, 2020

Nội các nước này đã hủy bỏ một phần nghị quyết kêu gọi hành động ngay lập tức đối với việc chào bán ở nước ngoài của ETT. Trong khi đó, kế hoạch bán cổ phiếu quốc tế vẫn là mục tiêu dài hạn, theo một thông báo được đăng trên trang web của chính phủ nước này hôm thứ Hai vừa qua.

Chính phủ Mông Cổ kêu gọi ETT chuyển trọng tâm sang một dự án đường sắt đã bị trì hoãn lâu ngày để kết nối mở than Tavan Tolgoi với Trung Quốc.


(Quang cảnh Tavan Tolgoi, mỏ than lớn nhất Mông Cổ nằm ở phía Nam sa mạc Gobi ngày 26/6/2016. Ảnh: AFP)

Bloomberg News từng đưa tin vào hồi tháng 10 rằng, công ty này đang chuẩn bị cho đợt IPO tại Hồng Kông với dự kiến thu về hơn 1 tỷ USD. Ngay trong năm nay, công ty này cũng nhắm mục tiêu vào một danh sách các trung tâm tài chính ở châu Á.

Việc trì hoãn diễn ra khi doanh số bán cổ phiếu lần đầu tiên chậm lại trên toàn cầu do tâm lý thị trường trước sự lây lan của đại dịch Covid-19. Theo đó, từ đầu năm đến nay, các công ty chỉ huy động được khoảng 2,3 tỷ USD thông qua IPO ở Hồng Kông, giảm 43% so với cùng kỳ năm 2019, theo dữ liệu được tổng hợp bởi Bloomberg.

Mỏ than Tavan Tolgoi nằm ở sa mạc Gobi là mỏ quặng lớn nhất ở Mông Cổ. Lớp trầm tích của nó được ước tính có tổng cộng hơn 6 tỉ tấn than. Hơn 1/3 trong số đó là than cốc cứng chất lượng cao.

Theo như trang web của Tavan Tolgoi, cái tên này có nghĩa là “năm ngọn đồi”, đề cập đến vị trí ban đầu của quặng than.

Việc bán cổ phần ít nhất cũng đánh dấu nỗ lực huy động tiền lần thứ ba để phát triển mỏ Tavan Tolgoi sau hai lần thất bại năm 2011 và 2015. Trước đó vào năm 2018, các nhà lập pháp Mông Cổ đã phê duyệt kế hoạch bán tới 30% mỏ than này.

(Hương Vũ-Theo SCMP-Dantri)

Việt Nam nghiên cứu sản xuất vaccine phòng nCoV

Wednesday, April 29th, 2020

Các chuyên gia khoa học và y tế Việt Nam, được giao nghiên cứu và sản xuất vaccine phòng chống Covid-19, tin tưởng sẽ có những hướng đi khả quan.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam hôm nay giao các bộ Khoa học, Y tế và các cơ quan liên quan nhiệm vụ phát triển vaccine phòng bệnh. Báo cáo của các bộ và viện cho thấy ngay từ những ngày đầu dịch Covid-19, các bên đã bắt tay vào nghiên cứu, phân lập, nuôi cấy virus, sản xuất được sinh phẩm xét nghiệm, từng bước hoàn chỉnh phác đồ điều trị.

Kết quả nghiên cứu về virus và vaccine phòng Covid-19 trên thế giới cũng được giới chuyên gia thảo luận. Họ nhận định việc phát triển và sản xuất vaccine là nhiệm vụ đòi hỏi sự phối hợp đa ngành, dài hơi, nhưng Việt Nam có thuận lợi từ các thành quả trước đó như phân lập được virus, sản xuất sinh phẩm xét nghiệm… Các nhà khoa học tin tưởng Việt Nam sẽ có những hướng nghiên cứu khả quan, thông tin từ Bộ Y tế chiều nay cho hay.

Vaccine chống nCoV đang được nhiều nước trên thế giới tích cực nghiên cứu. Ít nhất 7 loại vaccine đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng bởi Mỹ và Trung Quốc. Anh cũng mới tham gia cuộc đua thử nghiệm từ ngày 23/4 với sự tham gia của 800 tình nguyện viên. Hiện trên thế giới chưa có vaccine chính thức hay thuốc đặc trị Covid-19.

Giới khoa học nhiều nước cũng gấp rút thử xem có thể dùng vaccine sẵn có như lao phổi, sởi hay bại liệt cho mục đích trên hay không.

Tại Việt Nam, Bệnh viện Phổi Trung ương đã hoàn thành đề cương thử nghiệm dùng vaccine lao BCG để chống Covid-19, đang chờ Bộ Y tế phê duyệt. Nếu được thông qua, thử nghiệm sẽ được tiến hành trên 800 nhân viên y tế tuyến đầu tại hai bệnh viện bệnh nhiệt đới ở Hà Nội và TP HCM.

Tính đến chiều nay, Việt Nam ghi nhận 270 người nhiễm nCoV trong đó 219 người đã khỏi bệnh; 51 bệnh nhân. Ba bệnh nhân diễn biến nặng (20, 91, 161).
(Source: VNexpress)

Đừng Nhớ Người Xa (#DNNX) – Hoàng Thục Linh

Tuesday, April 28th, 2020

TUYỆT TÌNH – Tiếng hát LƯU HỒNG

Thursday, April 9th, 2020

…..THE PAIN OF LOVE WILL NEVER STOP……

Chuyện Buồn Tình Yêu – Quang Lê & Hà Ngọc Nhung | Official MV

Wednesday, April 8th, 2020

“…..Nói đi em cho vơi niềm thương đau.Nói đi em để lòng nguôi nỗi sầu.Khóc làm chi cho đau đớn người đi.Cho héo úa xuân thì ta âm thầm chia ly.”