Archive for March, 2014

Cung Le & To Uyen Show

Monday, March 31st, 2014

Lực lượng Hải quân và Thủy quân lục chiến của Hàn Quốc và Hoa Kỳ diễn tập đổ bộ quy mô lớn trong cuộc tập trận chung thường niên.

Monday, March 31st, 2014

Lực lượng Hải quân và Thủy quân lục chiến của Hàn Quốc và Hoa Kỳ diễn tập đổ bộ quy mô lớn trong cuộc tập trận chung thường niên.

Cuộc diễn tập được thực hiện ở Pohang, vùng bờ biển của Hàn Quốc, theo kế hoạch sẽ kết thúc vào ngày 07/04.

Chỉ vài giờ sau khi diễn ra tập trận, Bắc Hàn và Hàn Quốc bắt đầu đọ súng qua lại ở vùng biên giới tranh chấp.

Hàn Quốc nói hai quốc gia đã bắn pháo kích ở vùng nước trải trên biên giới ở biển phía Đông.

“Bắc Hàn bắn khoảng 500 phát… và khoảng 100 đạn trái phá đã rơi xuống vùng nước phía Nam biên giới,” còn Hàn Quốc sau đó bắn trả khoảng 300 lượt, người phát ngôn bộ Quốc phòng Hàn Quốc Kim Min-seok nói.

Sớm hôm thứ Hai 31/03, Bắc Hàn thông báo sẽ cho tập trận bắn đạn thật ở bảy vùng trong khu vực biên giới và cuối tuần qua, Bắc Hàn đe dọa sẽ cho thử hạt nhân “kiểu mới”.

Đây vốn vẫn là điểm căng thẳng giữa hai quốc gia. Liên Hiệp Quốc xác lập biên giới ở phía Đông sau cuộc chiến Triều Tiên nhưng chưa từng được Bắc Hàn công nhận.

Hồi cuối năm 2010, bốn người Hàn Quốc bị chết do pháo của Bắc Hàn ở đảo ven biên giới. Hai quốc gia cũng từng đụng độ ngắn ngủi hồi tháng 08/2011.

Tinh Buon Pho Cu

Monday, March 31st, 2014

Ca si Sacramento CA hoc cung lop
voi Phan Trong Hung, ten H.

Putin điện đàm với Obama về Ukraine

Saturday, March 29th, 2014

Putin điện đàm với Obama về Ukraine
Ông Obama đã đề nghị Nga phải phản hồi bằng văn bản rõ ràng, Nhà Trắng nói trong một thông cáo.
Điện Kremlin cho biết ông Putin đã đề nghị các bên xem xét những giải pháp có thể giúp ổn định tình hình hiện nay.
Việc Nga sáp nhập Crimea đã bắt gặp phải sự lên án mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế.
Trong cuộc gọi kéo dài một tiếng đồng hồ, tổng thống Hoa Kỳ đã thúc giục ông Putin tránh tăng quân tới sát khu vực biên giới với Ukraine.
“Tổng thống Obama đã nhấn mạnh với Tổng thống Putin rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục ủng hộ giải pháp ngoại giao nhằm tháo gỡ căng thẳng cho cuộc khủng hoảng hiện nay,” thông cáo của Nhà Trắng cho biết.
“Tổng thống Obama cũng khẳng định rằng điều này chỉ có thể được thực hiện nếu Nga chịu rút quân và không có thêm hành động xâm phạm chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.”
Lãnh đạo hai nước cũng đã đồng ý các ngoại trưởng của mình sẽ gặp mặt để bàn về những bước đi tiếp theo.

Đề xuất của Hoa Kỳ, vốn đã qua thảo luận với Ukraine và các quốc gia EU, bao gồm việc triển khai các quan sát viên quốc tế để bảo đảm quyền lợi của cộng đồng nói tiếng Nga tại Ukraine, cũng như việc Nga phải rút quân về căn cứ.
Ông Obama nhận cuộc gọi của ông Putin khi đang ở Ả rập Saudi, điểm dừng chân mới nhất của ông sau chuyến công du châu Âu, nơi mà khủng hoảng tại Ukraine đã là đề tài chính của các cuộc thảo luận.
Điện Kremlin nói trong một thông cáo rằng tổng thống Nga đã đề cập với ông Obama về “tình trạng lộng hành của các nhóm cực đoan” tại Kiev và những nơi khác của Ukraine.
Những người này đã “có hành động khiêu khích nhằm vào những người dân ôn hòa, công chức nhà nước và các cơ quan hành pháp”, thông cáo nói thêm.
Ông Putin gợi ý các bên nên xem xét những cách thức mà cộng đồng quốc tế có thể áp dụng nhằm tháo gỡ căng thẳng và giúp ổn định tình hình.
Ông cũng bày tỏ quan ngại trước việc vùng lãnh thổ ly khai thân Nga Trans-Dniester của Moldova, nơi có quân Nga đồn trú, bị “phong tỏa”.
Các lãnh đạo thân Nga tại đây đã đề nghị Moscow cho vùng này được phép gia nhập Liên bang Nga.
Nato lo ngại rằng Nga có thể sử dụng lực lượng tại Trans-Dniester để xâm lược vùng này.

Phương Tây đang lo ngại rằng Nga sẽ không chỉ dừng lại ở Crimea
Giải pháp ngoại giao
Trong khi đó tại New York, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon nói ông đã được Tổng thống Putin bảo đảm rằng Nga “không có ý định tiến quân” vào Ukraine.
Sự hiện diện của quân Nga ở vùng biên giới phía đông của Ukraine đã làm dấy lên quan ngại rằng ông Putin sẽ không chỉ dừng lại ở Crimea.
Biên tập viên Bắc Mỹ của BBC, Mark Mardell, nhận định rằng cuộc gọi vào tối thứ Sáu có thể là tín hiệu cho thấy hai bên đang tiến gần hơn đến một giải pháp ngoại giao, ngay vào lúc phương Tây đang lo ngại rằng Nga có thể sẽ xâm lược phía đông của Ukraine.
Hoa Kỳ và các đồng minh đã áp đặt lệnh trừng phạt lên nhiều nhân vật thân cận của ông Putin, và đe dọa sẽ nhằm vào các ngành kinh tế chủ chốt của Nga để đáp trả lại hành động của Moscow tại Crimea.
Moscow đã chính thức sáp nhập Crimea sau khi bán đảo với đa số dân cư là người gốc Nga tổ chức cuộc trưng cầu dân ý ủng hộ việc quay về với Nga.
Kiev và phương Tây đã gọi cuộc bỏ phiếu này là “bất hợp pháp”.
Động thái này diễn ra sau làn sóng biểu tình kéo dài nhiều tháng trời, vốn kết thúc với việc tổng thống thân Nga của Ukraine, ông Viktor Yanukovych, bị lật đổ vào tháng Hai.

‘Nga phải rút quân khỏi biên giới Ukraine’

Saturday, March 29th, 2014

‘Nga phải rút quân khỏi biên giới Ukraine’
Cập nhật: 14:45 GMT – thứ sáu, 28 tháng 3, 2014
Ông Obama nói với truyền hình CBS News rằng “đó có thể là động thái nhằm khiêu khích Ukraine, hoặc Nga đang có kế hoạch nào khác.”
Trong khi đó, một viên chức an ninh của Nga nói rằng biện pháp tình báo đã được sử dụng để ngăn chặn mối đe dọa từ phương Tây.
“Ngày càng có nhiều mối đe dọa từ bên ngoài đến an ninh quốc gia. Khao khát của người dân ở Crimea và tây Ukraine đang khiến Mỹ và đồng minh hoảng loạn,” phó chỉ huy Lực lượng An ninh Liên bang (FSB) Alexander Malevany được trích lời trên Interfax.
Ông Malevany nói rằng Moscow đang tiến hành “những biện pháp tình báo công kích,” nhằm ngăn chặn những nỗ lực gây “suy yếu ảnh hưởng tại khu vực tối quan trọng của Nga” bởi phương Tây.
Ông Obama phát biểu trên CBS News trước khi đến Italy vào Thứ năm, nói rằng Tổng thống Nga Putin đang “thể hiện nỗi căm hờn sâu sắc bởi những gì ông ta cho là mất mát của Liên bang Xô viết.”
Nhưng ông Obama cảnh báo rằng lãnh đạo Nga không nên “áp dụng các phương pháp chỉ dùng trong Chiến tranh Lạnh.”
‘Putin hiểu sai’
“Điều mà tôi muốn nhấn mạnh là có thể ông Putin hoàn toàn hiểu sai phương Tây. Ông ta chắc chắn đang hiểu sai chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ”
Barack Obama
“Tôi cho rằng chủ nghĩa dân tộc Nga đang lên rất cao và có suy nghĩ là phương Tây đã lợi dụng nước Nga trong quá khứ,” Tổng thống Obama nói.
“Điều mà tôi muốn nhấn mạnh là có thể ông Putin hoàn toàn hiểu sai phương Tây. Ông ta chắc chắn đang hiểu sai chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ.”
Ông Obama nói rằng nước Mỹ “không có lợi gì khi bao vây nước Nga” hay “lợi ích ở Ukraine ngoại trừ việc muốn người dân nước này tự quyết định vận mệnh của mình.”
Trước đó, tổng thống bị lật đổ Viktor Yanukovych, vốn đã trốn sang Nga từ tháng trước, kêu gọi trưng cầu dân ý toàn quốc để quyết định “địa vị chính thức của từng vùng bên trong lãnh thổ Ukraine.”
Ông Yanukovych bị lật đổ sau những cuộc biểu tình lớn và đụng độ giữa phe biểu tình và cảnh sát khiến hơn 100 người chết. Kremlin nói rằng chính phủ mới ở Ukraine là không hợp pháp.
Lãnh đạo phe đối lập Yulia Tymoshenko nói vào Thứ sáu rằng ông Yanukovych chắc chắn sẽ phải hầu tòa sau này vì kêu gọi chia cắt đất nước.
“Nếu đó thực sự là lời của ông ta, thì nó một lần nữa cho thấy người từng là tổng thống của Ukraine giờ đã trở thành công cụ để phá hủy đất nước này,” bà Tymoshenko nói với phóng viên.
Bà Tymoshenko cho biết sẽ ra tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống vào Tháng năm tới.

LHQ không công nhận Crimea độc lập

Friday, March 28th, 2014

LHQ không công nhận Crimea độc lập
Ukraine

Cuộc bỏ phiếu diễn ra sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chấp nhận viện trợ cho Ukraine 14-18 tỷ đôla dưới hình thức cho vay.
Quốc hội Hoa Kỳ hôm 27/3 cũng đã thông qua một khoản vay đảm bảo cho Ukraine với trị giá một tỷ đôla.
Căng thẳng giữa Nga và phương Tây đang ngày càng dâng cao sau khi các lực lượng thân Nga chiếm đóng bán đảo phía Nam của Ukraine.
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hôm thứ Tư, 26/3, đã cảnh báo rằng EU và Hoa Kỳ sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt “sâu rộng hơn” nhằm vào Nga nếu nước này tiếp tục có hành động xâm lấn Ukraine.

Không ràng buộc
100 nước đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc trong đó tuyên bố cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea hôm 16/3 là bất hợp pháp, đồng thời tái khẳng định sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.
11 nước đã bỏ phiếu chống và 58 nước khác bỏ phiếu trắng.
“Sự ủng hộ đến từ mọi nơi trên thế giới cho thấy đây không chỉ là vấn đề trong khu vực mà mang tính toàn cầu,” Ngoại trưởng Ukraine Andriy Deshchytsia nói với các phóng viên sau buổi bỏ phiếu.
Trong khi đó, đại sứ của Nga tại Liên Hiệp Quốc, ông Vitaly Churkin, nói trên thực tế, việc gần một nửa Đại hội đồng liên Hiệp Quốc không ủng hộ nghị quyết này là một “xu hướng rất tích cực và tôi tin rằng xu hướng này sẽ ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn.”
Vì nghị quyết không mang tính ràng buộc nên cuộc bỏ phiếu chỉ mang tính biểu tượng, phóng viên BBC Nick Bryant tại New York nhận định.
Tuy nhiên Ukraine hy vọng nghị quyết sẽ là một sự răn đe đối với Nga để ngăn nước này tiến sâu hơn vào lãnh thổ của họ, phóng viên của chúng tôi nói thêm.
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nói tuyên bố của IMF về việc cho Ukraine vay thêm 10 tỷ đôla là một “bước tiến lớn” nhằm giúp nước này ổn định nền kinh tế và đáp ứng những nhu cầu về dài hạn của người dân.
Phát biểu sau cuộc họp với Thủ tướng Ý Matteo Renzi tại Rome hôm 26/3, ông Obama nói quyết định này đã gửi đi một “tín hiệu rõ ràng” rằng thế giới đang đứng sau lưng Ukraine trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Một dự luật cũng được lưỡng viện Hoa Kỳ thông qua vào thứ Năm, 27/3, cho phép chính phủ cung cấp một khoản vay đảm bảo với tổng trị giá một tỷ đôla nhằm giúp Ukraine ổn định nền kinh tế. Dự luật này giờ đây chỉ còn đợi được Tổng thống Obama ký ban hành.
Thủ tướng tạm quyền Ukraine Arseniy Yatsenyuk trước đó đã thông báo với Quốc hội rằng nước này đang “đứng trước bờ vực khủng hoảng về cả kinh tế lẫn tài chính.”

‘Cánh cửa ngoại giao’
Vào tối thứ 27/3, khoảng 2.000 người biểu tình từ nhóm cực hữu Right Sector đã tụ tập phía trước trụ sở Quốc hội Ukraine tại Kiev để yêu cầu Bộ trưởng Nội vụ Arsen Avakov phải từ chức.
Những người này cho rằng ông Avakov phải chịu trách nhiệm trước cái chết của một trong các lãnh đạo của họ – ông Oleksandr Muzychko, hồi đầu tuần này.
Phóng viên BBC có mặt tại đây miêu tả đám đông là khá “hung hăng”, trong lúc các nghị sỹ phải dùng loa lớn để kêu gọi những người này rời khỏi tòa nhà.
Những người biểu tình đã đập vỡ một số cửa sổ và tuyên bố sẽ quay trở lại vào sáng thứ Sáu trước khi rút lui, hãng thông tấn AFP đưa tin.
Cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko trước đó đã tuyên bố sẽ tranh cử tổng thống trong cuộc bầu cử dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 25/5 tới.
Bà được trả tự do sau ba năm ngồi tù vì bị kết tội tham nhũng, sau khi tổng thống thân Nga, ông Viktor Yanukovych, bị truất quyền hồi tháng Hai.
Hơn 100 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình bắt nguồn từ quyết định không ký kết một thỏa thuận thương mại với EU để giữ quan hệ mật thiết với Nga của ông Yanukovych.
Kể từ đó, Nga đã sáp nhập bán đảo Crimea, nơi mà tuần trước đã bỏ phiếu để trở thành một phần của Liên bang Nga.
Ông Obama nói hôm thứ Năm, 27/3, rằng Hoa Kỳ hy vọng Nga sẽ “bước qua cánh cửa ngoại giao” và giải quyết vấn đề một cách hòa bình.
Một số diễn biến khác tại Ukraine:
 Sáu sỹ quan quân đội của Ukraine bị quân Nga bắt giữ tại Crimea đã được trở tự do, trong đó có Đại tá Yuli Mamchur, chỉ huy căn cứ không quân Belbek, nơi đã bị quân Nga chiếm giữ hôm 22/3.
 Thủ tướng Ukraine Arseny Yatseniuk nói Nga sẽ tăng giá khí đốt bán cho Ukraine lên 79% kể từ ngày 1/4.
 Tổng thống Vladimir Putin đã công bố kế hoạch thiết lập một hệ thống giao dịch nội địa để đối phó với các lệnh trừng phạt tài chính từ phương Tây.

MH370: Hộp đen có đem lại lời giải?

Tuesday, March 25th, 2014

MH370: Hộp đen có đem lại lời giải?
Hộp thu âm chỉ ghi lại được hai tiếng đồng hồ cuối cùng.
Việc nghe lại những khoảnh khắc cuối cùng của chiếc phi cơ 447 của hãng Air France, bị đâm xuống Đại Tây Dương hồi 2009, giúp ta hiểu thấu được những bối rối, khó khăn mà phi hành đoàn phải vượt qua.
Nội dung ghi lại về những diễn biến trong buồng lái là công cụ vô giá để các điều tra viên có thể làm sáng tỏ được liệu chiếc phi cơ của hãng hàng không Malaysia có phải là nạn nhân của một âm mưu nào không, hay nó gặp nạn do vấn đề kỹ thuật.
Nhưng mọi việc không đơn giản như thế, ngay cả khi người ta tìm được hộp đen.
Hộp đen trên MH370
 Có hai hộp đen, một hộp thu lại âm thanh ở buồng lái và một hộp ghi dữ liệu.
 Hộp thu âm chỉ lưu giữ âm thanh ghi lại trong hai tiếng đồng hồ bay cuối cùng của phi cơ.
 Pin cho phần phát ‘ping’ trên chiếc MH370 chỉ hoạt động trong 30 ngày.
 Tuy nhiên, ngay cả khi pin phát ‘ping’ cạn kiệt, thì các dữ liệu thu được trong thiết bị vẫn còn nguyên.
Thiết bị ghi âm trong buồng lái tiếp tục ghi âm trong lúc máy bay đang bay. Hãng Honeywell Aerospace của Hoa Kỳ nói hộp đen trên chiếc phi cơ mất tích, là thiết bị do hãng cung cấp, chỉ lưu giữ hai giờ thu âm. Đó là khoảng thời gian mà giới chức đòi hỏi.
Nguyên tắc này được đưa ra bởi thường thì đó là phần cuối cùng trong mỗi chuyến bay, có thể giúp xác định nguyên nhân tai nạn.
Nhưng trong trường hợp chiếc Boeing 777 của Malaysia Airlines, rất có thể là các sự kiện chính đã diễn ra từ lâu trước khi nó thực sự bị rớt.
Mặt khác, Steve Buzdygan, một cựu phi công lái 777 cho hãng BA của Anh, nói rằng thiết bị thu giữ dữ liệu có thể đem lại rất nhiều thông tin hữu ích. “Quý vị hầu như có thể tái hiện đường bay từ đó.”
Pin chỉ hoạt động một thời gian ngắn
Hộp đen gửi ra một tín hiệu ‘ping’, được kích hoạt khi chìm trong nước, có thể thu nhận được bởi microphone và bởi “thiết bị phân tích tín hiệu”.
Cả thiết bị thu âm và thiết bị thu dữ liệu đều phát ‘ping’ riêng. Nhưng vấn đề là pin cho phần phát ‘ping’ trên chiếc MH370 chỉ hoạt động trong 30 ngày, Steve Brecken, giám đốc truyền thông của Honeywell nói.
Một số bộ phận phát ‘ping’ hoạt động tới 90 ngày. Những khác biệt này là do quy định hàng không đã có những thay đổi sau vụ tai nạn phi cơ 447 của Air France. Người ta đã mất gần hai năm để tìm được hộp đen của nó, và các quy định mới đòi hỏi việc phát tín hiệu ping phải được duy trì 90 ngày để các nhóm tìm kiếm có thêm thời gian.

Hộp đen của phi cơ Air France 477 chỉ được tìm thấy gần hai năm sau vụ tai nạn, khi nguồn pin cho bộ phận phát tín hiệu ping đã cạn kiệt
Một số máy bay kể từ đó đã được cập nhật, nhưng có vẻ như chiếc MH370 thì chưa.
Ngay cả khi pin phát ‘ping’ cạn kiệt, thì các dữ liệu thu được trong thiết bị vẫn còn nguyên.
Đó là một thiết bị nhỏ, khiến khó tìm
Hộp đen được gắn vào đuôi máy bay để tránh bị hư hại nếu bị tai nạn từ phía trước.
Đó là một hộp nhỏ cỡ hộp đựng giày, Tiến sỹ Guy Gratton từ Phòng nghiên cứu An toàn Chuyến bay của Đại học Brunel nói.
Khác với tên gọi, thiết bị này có màu cam sáng. Thế nhưng nó không dễ phát hiện ra giữa đại dương mênh mông.
Việc tìm kiếm sẽ nhằm xác định vị trí của xác máy bay trước khi có thể định vị được hộp đen thông qua việc dò bắt tín hiệu ‘ping’.
Nếu như bộ phận phát ‘ping’ hết pin, thì người ta sẽ phải dùng các biện pháp khác, chẳng hạn như dùng máy do kim loại.
Thiết bị đó không nổi
Hộp đen được làm bằng nhôm và được thiết kế để chịu được sức va đập mạnh, sức nóng từ hỏa hoạn dữ dội và áp suất lớn.
Do đó nó nặng, khoảng 10kg, tuy kích thước nhỏ, và sẽ nhanh chóng chìm xuống.
Ấn Độ Dương là nơi rất sâu. Phạm vi tìm kiếm có độ sâu từ 1.150m đến 7.000m, các tường thuật trên truyền thông nói.
Do đó, các nhà điều tra sẽ phải cân nhắc tới chuyện nó nằm ngoài tầm phát hiện của nhiều thiết bị hoạt động ngầm dưới mặt nước. “Quý vị phải đặt câu hỏi là liệu địa hình có hiểm hóc không. Đáy biển có thể cũng nhấp nhô như núi, như dãy Alps vậy,” David Barry, một chuyên gia chuyên giám sát dữ liệu bay từ Đại học Cranfield nói.
Tầm phát ‘ping’ chỉ vài dặm
Honeywell, hãng làm thiết bị phát ‘ping’ gắn trên MH370, nói tín hiệu chỉ có thể thu được trong phạm vi bán kính một dặm. Nhưng nếu ở đáy biển sâu và bên hải quân dùng công nghệ phát hiện âm thanh dưới nước thì cơ hội tìm thấy sẽ cao hơn so với các thiết bị tìm kiếm thông thường.

Hộp đen của chiếc 447 của Air France chỉ được tìm thấy sau khi nó không còn phát ‘ping’ nữa. Cuối cùng nó được phát hiện bằng các phương tiện không người lái di chuyển dưới nước.
Một tàu ngầm hiện đại, chẳng hạn như một trong những mẫu săn mồi sát thủ của Hải quân Hoàng gia, có thể sẽ nghe được tín hiệu ‘ping’ từ cách xa hàng dặm, Gratton nói.
Hoa Kỳ, Trung Quốc và Úc đều có những tàu ngầm tương tự, ông nói. “Tới nay, sẽ có một tàu ngầm lặn xuống. Tôi chắc chắn là Trung Quốc sẽ đưa cái gì đó tới nơi.”
Hoa Kỳ đã triển khai một chiếc tàu kéo theo thiết bị đặc biệt nhằm phát hiện hộp đen dưới nước.
Theo hãng tin Associated Press, “thiết bị Towed Pinger Locator, được kéo sau tàu này ở tốc độ chậm, có khả năng bắt âm thanh rất nhạy. Cho nên nếu xác định được vị trí có xác máy bay thì nó sẽ nghe được tín hiệu ping từ độ sâu chừng 6.100m”.
Tuy nhiên, cũng còn những vấn đề phức tạp nữa, Barry nói. Hộp đen có thể phát tín hiệu ping từ đáy biển, nhưng nếu các tín hiệu bị cản bởi tầng nước ấm hơn hoặc lạnh hơn ở phía trên, thì nó có thể bị gián đoạn hoặc bị đổi hướng.

Tâm thư của một du học sinh Nhật gửi Việt Nam

Tuesday, March 25th, 2014

Tâm thư của một du học sinh Nhật gửi Việt Nam

Một bạn trẻ người Nhật từng du học ở Việt Nam vừa có bài viết gửi giới trẻ Việt Nam khiến cư dân mạng xôn xao. Nhận được từ Face book. Xin chuyển đăng lại trên CH

“Việt Nam – nhà giàu và những đứa con chưa ngoan

Tôi đang là một du học sinh Nhật, có hơn 4 năm sinh sống tại Việt Nam. Với ngần ấy thời gian, tôi đã kịp hiểu một đạo lý giản đơn của người Việt: “Sự thật mất lòng”. Song không vì thế mà tôi sẽ ngoảnh ngơ trước những điều chưa hay, chưa đẹp ở đây. Hy vọng những gì mình viết ra, không gì ngoài sự thật, như một ly cà phê ngon tặng cho mảnh đất này, tuy đắng nhưng sẽ giúp người ta thoát khỏi cơn ngủ gục – ngủ gật trước những giá trị ảo và vô tình để những giá trị thật bị mai một.

Tôi có một nước Nhật để tự hào

Tôi tự hào vì nơi tôi lớn lên, không có rừng vàng biển bạc. Song, “trong đêm tối nhất, người ta mới thấy được, đâu là ngôi sao sáng nhất”. Thế đấy, với một xứ sở thua thiệt về mọi mặt, nghèo tài nguyên, hàng năm gánh chịu sự đe dọa của hàng trăm trận động đất lớn nhỏ lại oằn mình gánh chịu vết thương chiến tranh nặng nề, vươn lên là cách duy nhất để nhân dân Nhật tồn tại và cho cả thế giới biết “có một nước Nhật như thế”.

Tôi tự hào vì đất nước tôi không có bề dày văn hiến lâu đời nên chúng tôi sẵn sàng học hỏi và tiếp nhận tinh hoa mà các dân tộc khác “chia sẻ”. Từ trong trứng nước, mỗi đứa trẻ đã được học cách cúi chào trước người khác. Cái cúi chào ấy là đại diện cho hệ tư tưởng của cả một dân tộc biết trọng thị, khiêm nhường nhưng tự trọng cao ngời.

Tôi tự hào vì đất nước tôi được thử thách nhiều hơn bất kỳ ai. Khi thảm họa động đất sóng thần kép diễn ra, cả thế giới gần như “chấn động”. Chấn động vì giữa hoang tàn, đổ nát, đói khổ và biệt lập, người ta chỉ nhìn thấy từng dòng người kiên nhẫn xếp hàng nhận cứu trợ và cúi đầu từ tốn cảm ơn. Không có cảnh hôi của, lên giá, cướp bóc, bạo lực nào diễn ra giữa sự cùng khổ. Chỉ chưa đầy một năm sau khi hàng loạt thành phố bị xóa sổ hoàn toàn, sự sống lại bắt đầu hồi sinh như chưa từng có biến cố nào đã xảy ra. Thế đấy, không có những thành tích to lớn để nói về nước Nhật nhưng thương hiệu “made in Japan”, là thương hiệu uy tín vượt trên mọi khuôn khổ, tiêu chuẩn khắt khe, được toàn cầu tôn trọng nhất mà tôi từng biết.

Bạn cũng có một nước Việt để tự hào

Nói Việt Nam là một “nhà giàu”, quả là không ngoa. Giàu tài nguyên, giàu truyền thống, giàu văn hóa… Nhưng con cháu của nhà giàu, sẽ phải đối mặt với những vấn đề nan giải của nhà giàu. Và không phải ai cũng biết cách sống có trách nhiệm trong sự giàu có ấy.

Thật đáng tự hào nếu bạn được lớn lên ở một đất nước được thiên nhiên ưu đãi với rừng vàng biển bạc. Đáng xấu hổ nếu xem đó là khoản thừa kế kếch xù, không bao giờ cạn. Thật tiếc đó lại là những gì tôi thấy. Tại các thành phố, chỉ cần nhà mình sạch sẽ là được, ngoài phạm vi ngôi nhà, bẩn đến đâu, không ai quan tâm. Ở các nhà máy, nếu không biết dồn rác thải ở đâu, họ sẽ cho chúng ra ngoài đường, sông suối, biển cả vì đó là “tài sản quốc gia” – đã có quốc gia lo, không phải việc của mỗi người dân. Tại một đất nước mà 80% dân số sống bằng nghề nông, đất đai, nước ngầm hầu như đã bị nhiễm độc, đến nỗi, người ta nói vui trong năm nữa thôi sẽ là thời đại của ung thư vì ăn gì cũng độc, không ít thì nhiều, không thể khác. Vì sao nên nỗi?

Thật đáng tự hào vì Việt Nam có 4000 năm văn hiến. Thật xấu hổ nếu 4000 năm văn hiến chỉ là một chương trong sách lịch sử chứ không được thể hiện trong cách hành xử đời thường. Thật buồn vì đó cũng là điều tôi thấy mỗi ngày.

Hãy chỉ cho tôi thấy rằng tôi đã sai nếu nói: Người Việt không biết xếp hàng, xếp hàng chỉ dành cho học sinh tiểu học; người Việt không biết tự hào về người Việt, nếu không thì Flappy Bird đã không phải chết yểu đau đớn; người Việt chửi hay còn hơn hát, cứ xách ba lô ra tới thủ đô một chuyến thì sẽ được mục sở thị; người Việt vẫn còn luyến tiếc văn hóa làng xã, giai cấp nếu không phải thế thì họ đã không đứng thẳng người chửi đổng và cúi rạp mình trước quyền lực bất công mà chẳng dám lên tiếng; người Việt có đôi mắt siêu hạng nhất vì nhìn đâu cũng thấy cơ hội để mánh mun, lọc lừa.

Tôi chưa từng thấy đất nước nào mà các bậc mẹ cha dạy dỗ con cháu cố gắng học hành để sau này là bác sỹ, phi công, thuyền trưởng… mà xuất phát không vì đam mê mà vì phong bì nhiều, đút lót dễ, giàu sang mấy hồi… Vì đâu nên nỗi?

Người Việt có một nền di sản độc đáo, một nguồn sức mạnh vô cùng to lớn, ai cũng nhìn thấy, chỉ có người Việt là không thấy hoặc từ chối nhìn thấy. Vì sao nên nỗi?

Tôi đang nhìn thấy một thế hệ, họ không còn biết phải tin vào điều gì, thậm chí còn không dám tin vào chính mình. Là một người Việt – khó lắm! Thật vậy sao?”

Hoa Kỳ vận chuyển thực phẩm cho quân đội Ukraine

Saturday, March 22nd, 2014

Hoa Kỳ dự trù chuyển 300.000 khẩu phần ăn liền cho quân đội Ukraine, tuy nhiên, một gói viện trợ rộng rãi hơn trị giá nhiều tỉ đô la cho chính phủ Kyiv vẫn còn bị kẹt tại Hạ viện.

Bộ Quốc phòng hôm thứ Sáu nói rằng, điểm chú trọng của Hoa Kỳ là những viện trợ không gây “tử vong” sau vụ sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào nước Nga. Chính phủ Moscow đã hành động mau chóng trong tuần này để sáp nhập Crimea vào lãnh thổ Nga sau khi khối dân nói tiếng Nga đa số tại tỉnh này biểu quyết với đa số áp đảo hôm Chủ Nhật tuần trước để gia nhập Nga.

Một phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng nói rằng, 25.000 kiện thực phẩm đã có tại châu Âu nhưng chưa được chở tới Ukraine.

Hoa Kỳ đã đề nghị một tỉ đô la viện trợ cho Ukraine nhưng dự luật này đã bị bế tắc tại Hạ viện, nơi các nhà lập pháp bất đồng về một điều khoản không liên quan bao gồm 60 tỉ đô la chi tiêu của Hoa Kỳ cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Ukraine và EU ký thỏa thuận liên kết

Friday, March 21st, 2014

Lãnh đạo khối Liên hiệp châu Âu (EU) vừa ký thỏa thuận thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn với Ukraine, nhằm thể hiện sự ủng hộ quốc gia này sau khi Nga sáp nhập vùng Crimea.
Thủ tướng lâm thời của Ukraine, Arseniy Yatsenyuk và EU ký thỏa thuận ở Brussels.
Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych bỏ qua thỏa thuận với EU dẫn tới các cuộc biểu tình và đụng độ bạo lực gây chết người và lật đổ ghế Tổng thống, rồi dẫn tới Nga chiếm đóng Crimea.
Hôm thứ Sáu 21/03, thượng viện Nga đã nhất trí thông qua hiệp ước về việc Nga sáp nhập Liên bang Nga.

‘Pháp luật’
Hiệp định Liên kết EU được thiết lập nhằm đưa ra ủng hộ về kinh tế và chính trị đối với chính quyền Ukraine lâm thời.
Chủ tịch EU, ông Herman Van Rompuy nói trong một thông cáo rằng hiệp định “công nhận nguyện vọng của người dân Ukraine được sống trong một đất nước được cai trị bởi giá trị, dân chủ và pháp luật”.
Ông Yatsenyuk nói: “Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng EU sẽ bảo vệ Ukraine bằng tiếng nói thống nhất và mạnh mẽ.”
Thủ tướng lâm thời Ukraine Arseniy Yatsenyuk
Ông nói thêm rằng, “cách tốt nhất để kiểm giữ Nga là thực sự áp dụng cấm vận kinh tế”.
Phóng viên Matthew Price của BBC ở Brussels nói thỏa thuận được ký hôm thứ Sáu chưa phải là toàn bộ gói thỏa thuận mà ông Yanukovych từ chối hồi tháng 11/2013 – rất nhiều điểm trong đó vẫn chưa được ký cho tới sau cuộc bầu cử Tổng thống mới vào tháng 5/2014.
Điểm nhạy cảm nhất là hội nhập thương mại với EU vẫn chưa được ký kết.
Nhưng trong bản kết luận về Ukraine được đưa ra hôm thứ Sáu, EU nói vẫn cam kết ký phần còn lại.
Châu Âu cũng muốn thúc đẩy các quan hệ hợp tác tương tự với hai quốc gia cựu Liên bang Xô Viết – Georgia và Moldova – vào mùa hè này.
Moscow vẫn có quân đội ở vùng tự xem mình là quốc gia độc lập ở Georgia và vùng Trans-Dniester, tự tách rời khỏi Moldova.
Phóng viên BBC nói thông báo của EU có lẽ sẽ khiến điện Kremlin còn giận dữ hơn cả các cấm vận đang được áp dụng.
Châu Âu cũng hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh G8 với Nga vào tháng Sáu và nói các nước thành viên cũng sẽ hủy các hội nghị thượng đỉnh song phương thường xuyên.

Phê chuẩn sáp nhập Crimea
Còn nhiều điểm quan trọng trong thỏa thuận giữa EU và Ukraine chưa được ký kết
Động thái trên diễn ra chỉ vài giờ sau khi châu Âu mở rộng cấm vận lên Nga do việc sáp nhập Crimea.
Châu Âu thêm 12 cá nhân vào danh sách đã có 21 người bị phong tỏa tài sản và cấm nhập cảnh.
Hoa Kỳ cũng thêm vào danh sách riêng của mình hôm thứ Năm 20/03 và cũng nhắm tới ngân hàng Rossiya.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói hôm thứ Sáu rằng cấm vận quốc tế là “hoàn toàn bất hợp pháp”.
Tuy nhiên Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố sau khi thảo luận với các quan chức ở Moscow rằng Nga sẽ không đưa ra hành động đối ứng khẩn cấp.
“Tôi nghĩ là chúng tôi sẽ kiềm chế việc đưa ra các bước đáp trả ở thời điểm này,” hãng tin Interfax dẫn lời ông Putin.
Nhưng Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev nói Ukraine phải trả lại 11 tỷ đô la Mỹ tiền chiết khấu giá khí đốt do thỏa thuận liên quan tới cho thuê căn cứ hải quân ở Sevastopol ở Crimea nay không còn hiệu lực.
Hai hãng xếp hạng tín dụng nay đã hạ bậc Nga từ ổn định xuống tiêu cực.
Ở Moscow, toàn bộ 155 thượng nghị sỹ có mặt trong thượng viện đã bỏ phiếu phê chuẩn hiệp ước sáp nhập Crimea vào Liên bang Nga.
Ông Putin được cho là sẽ hoàn tất quá trình bằng việc ký hiệp ước trong một buổi lễ vào ngày thứ Sáu.

Hạ Trắng

Tuesday, March 18th, 2014

Mỹ, EU hành động sau cuộc trưng cầu dân ý Crimea

Sunday, March 16th, 2014

Cử tri trong vùng Crimea của Ukraina đã đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý mà nhiều người dự kiến là sẽ tán đồng việc sát nhập vùng này vào nước Nga. Thông tín viên VOA Michael Bowman tường trình rằng Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu cực lực phản đối cuộc trưng cầu dân ý và có thể sẽ loan báo các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga cũng như tăng cường hỗ trợ đối với Ukraina.

Tỉ lệ cử tri tham gia cuộc đầu phiếu cao và cư dân Crimea thân Nga chiếm đa số, một trong số những người này là ông Vladimir Lozovoy, một thủy thủ từ thời Xô viết cũ đã về hưu. Ông phát biểu:

“Tôi muốn khóc. Cuối cùng tôi đã về lại tổ quốc của mình. Một cảm giác không thể tưởng được. Tôi đã chờ đợi trong suốt 23 năm.”

Tại thủ đô Ukraina, một số người cầu nguyện cho hòa bình trong khi gia tăng sự chống đối công khai Nga.

Một người đi lễ nhà thờ trong thủ đô Kyiv nói:

“Thật khó dự liệu rồi điều gì sẽ xảy ra, tuy nhiên ông Putin sẽ không dừng lại ở Crimea, ông ta sẽ muốn toàn lãnh thổ Ukraina.”

Thượng nghị sĩ Dân Chủ Hoa Kỳ Chris Murphy, vừa trở về sau chuyến đi thăm thủ đô Kyiv cho biết:

“Người dân Ukraina sẽ không buông tay đầu hàng mà không chiến đấu. Nếu Nga thực sự quyết định tiến xa hơn Crimea, sẽ có đổ máu và cuộc chiến đấu có lẽ sẽ lâu dài. Và người dân Ukraina cần sự trợ giúp của Hoa Kỳ.”

Tòa Bạch Ốc đã hứa sẽ nhanh chóng đáp trả đối với cuộc trưng cầu dân ý và bất cứ bước tiến nào thêm nữa của Nga vào Ukraina. Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Jay Carney nói:

“Chắc chắn sẽ có cái giá nửa phải trả nếu Nga thay vì giảm bớt lại làm cho cuộc xung đột leo thang. Và không phải chỉ có Hoa Kỳ mà các nước đối tác châu Âu cũng sẽ áp dụng chúng .”

Thượng nghị sĩ Murphy thừa nhận Hoa Kỳ và EU có những lựa chọn có giới hạn:

“Tôi không nghĩ có bất cứ điều gì chúng ta có thể làm về mặt quân sự. Rõ ràng đây là một nỗ lực lâu dài hơn để xây dựng lực lượng quân đội Ukraina. Tuy nhiên nếu vào thứ Hai này chúng ta loan báo, cùng với EU, một loạt các biện pháp trừng phạt làm tê liệt hoạt động nhắm vào các cá nhân và các thực thể kinh doanh Nga thì việc đó sẽ chuyển một tín hiệu mạnh mẽ đến Putin.”

Thượng viện Hoa Kỳ dự kiến sẽ biểu quyết một chương trình trợ giúp Ukraina và các bước trừng phạt nhắm vào Moscow khi các nhà lập pháp trở lại họp vào tuần tới, sau kỳ nghỉ.

Các dân biểu Hạ viện đã thông qua một chương trình tương tự trước đây trong tháng.

Nữ trang Trung Quốc độc hại tái xuất

Sunday, March 16th, 2014

Sau một thời gian ít được dư luận chú ý, các mặt hàng nữ trang xi mạ (hàng mỹ ký) của Trung Quốc có chứa chất cực độc lại tiếp tục tung hoành trên thị trường.

Ngày 14/3, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP HCM đã công bố kết quả kiểm nghiệm 3 mẫu dây chuyền trang sức xi mạ bị thu giữ tại 3 cửa hàng trên đường An Bình (phường 5, quận 5) do không có hóa đơn chứng từ, là hàng nhập lậu từ Trung Quốc.

Chứa chất cực độc

Kết quả do Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 (Quatest 3) tiến hành kiểm nghiệm, cả 3 mẫu đều nhiễm chì từ 0,003% đến 0,015% (tương đương 30 mg/kg đến 150 mg/kg) và cadimi (một kim loại nặng được xếp hàng thứ 7 trong 275 chất cực độc) với hàm lượng nhỏ hơn 0,001%. Ba mẫu kiểm nghiệm trên nằm trong lô hàng bị phát hiện lên đến gần 12.000 đơn vị sản phẩm, tương đương 145,5 kg. Cơ quan QLTT đã ra quyết định xử phạt hành chính 3 hộ kinh doanh này số tiền 21 triệu đồng, đồng thời tịch thu tiêu hủy toàn bộ tang vật.


Các mẫu trang sức xi mạ nhiễm chì và cadimi bị tạm giữ chờ tiêu hủy

Ngoài ra, còn một vụ cơ quan QLTT đang chờ kết quả kiểm nghiệm từ Quatest 3 cho lô hàng gồm 4.700 sợi dây chuyền các loại, trọng lượng 16 kg do vi phạm tương tự.

Quan sát trên các mẫu tang vật thấy có in bằng chữ Trung Quốc cỡ lớn và một số có kèm tiếng Anh mang các nhãn hiệu Stainless Steel Jewelry, Xuping Jewelry, Loe Jewelry có in dòng “Made in China” nhưng không hề có thông tin về nơi sản xuất. Có loại sản phẩm kèm dòng cảnh báo “children don’t touch” (tránh xa tầm tay trẻ em) nhưng nhiều mặt hàng không hề có nhãn mác. Nhiều loại trang sức mỹ ký này có màu vàng, trắng với các thiết kế đẹp long lanh bắt mắt.


Bán tràn lan

Cùng ngày, khảo sát thị trường, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy các mặt hàng tương tự đang được bán khắp nơi, nhất là trên những tuyến đường gần các chợ sỉ như: Bình Tây (quận 6), An Đông (quận 5), khu trường học và các khu bán đồ lưu niệm hoặc nơi bán các đồ làm đẹp cho giới bình dân. Nếu như tại chợ, các sợi dây chuyền, lắc tay, nhẫn được để thành chùm thì tại các cửa hàng lưu niệm chúng được bày biện riêng biệt, sang trọng.

Tại cửa hàng B.B trên đường Nguyễn Trãi (quận 5), các sợi dây chuyền vàng xi đều niêm yết giá cao ngất ngưởng từ 120.000-250.000 đồng/sợi, lắc tay cũng trên 100.000 đồng/cái, nhẫn từ 70.000-80.000 đồng/cái.

Nhân viên tại đây cho biết đây là hàng xi xịn của Thái Lan, dùng ít nhất một tuần mới phai màu. Đáng chú ý, nhiều mặt hàng y hệt lô hàng bị bắt giữ nhưng nhãn mác đã bị thay thành “Made in Vietnam” hoặc “Made in Korea” nhưng không có thông tin về địa chỉ nhà sản xuất, rất có thể đã bị thay đổi nhãn mác trước khi đưa đến cửa hàng.

Tương tự, cửa hàng T.F, cũng trên đường Nguyễn Trãi, chuyên về trang sức xi mạ, giá niêm yết cũng không hề rẻ, một mặt dây chuyền bé bằng ngón tay có giá 50.000 đồng/cái. Bà chủ cửa hàng cho biết khách hàng chủ yếu là giới trẻ và cả trẻ em.

Ông Phan Hoàn Kiếm, Phó Giám đốc Sở Công Thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục QLTT TP HCM, cho biết việc gửi mẫu đi kiểm nghiệm trên xuất phát từ việc trước đây (năm 2010) đã từng có phát hiện vi phạm tương tự. Nay thị trường lại xuất hiện mặt hàng này nên gửi mẫu đi kiểm nghiệm để cảnh báo cho người tiêu dùng biết không sử dụng cũng như đối với người bán, không kinh doanh mặt hàng này nữa.

“Sắp tới, lực lượng QLTT sẽ tiếp tục kiểm tra mặt hàng này để ngăn chặn hàng lậu và bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng” – ông Kiếm nhấn mạnh.

“Nhờ cảnh báo từ Mỹ

Tuy không phải là đồ chơi trẻ em nhưng nữ trang xi mạ lại được trẻ em yêu thích do có màu sắc bắt mắt, giá lại rẻ hơn nhiều so với đồ thật. Do đó, không loại trừ khả năng trẻ em sẽ cầm nắm, ngậm các loại nữ trang này và nhiễm độc. Vì thế, năm 2010, một trường ĐH tại Mỹ đã kiểm nghiệm độc tố cadimi trên các loại đồ trang sức bằng kim loại rẻ tiền từ Trung Quốc và cảnh báo không nên mua và sử dụng các sản phẩm này.

Từ thông tin trên, đầu năm 2010, Chi cục QLTT TP HCM đã kiểm tra rầm rộ và thu giữ hàng chục ngàn đơn vị nữ trang xi mạ nhập lậu từ Trung Quốc. Sau một thời gian tạm lắng, đến nay mặt hàng này lại “tái xuất”.

Ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ Kim hoàn TP HCM, cho biết đối với các loại hàng xi hay còn gọi là nữ trang giả thì trong chế tác đương nhiên phải có chì! Đây cũng là chất trẻ em phải hạn chế tiếp xúc.”

(Theo Ngọc Ánh-NLĐ)

Tìm kiếm MH370: Malaysia “liên tục” từ chối đề nghị giúp đỡ từ Interpol

Saturday, March 15th, 2014

Chính phủ Malaysia đã vài lần từ chối đề nghị hỗ trợ từ Interpol để giúp điều tra tung tích của chiếc máy bay MH370 thuộc hãng hàng không Malaysia Airlines, một quan chức thực thi pháp luật cấp cao nói với hãng tin ABC News vào thứ Bảy 15.3.

Đã có vài lần Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) đề nghị giúp đỡ, nhưng đều bị chính phủ Malaysia từ chối, vị quan chức phương Tây này cho biết.
Vị này so sánh việc Malaysia xử lý cuộc điều tra tung tích máy bay MH370 giống như cách chính quyền Mỹ áp dụng trước vụ khủng bố 11.9: “Họ ém nhẹm thông tin và không chia sẻ bất cứ cái gí”.
Đã dấy lên quan ngại khoảng thời gian điều tra quan trọng nhất đang trôi đi lãng phí. Chính phủ Malaysia cũng bị lên án là đang khiến cho việc điều tra trở lên mù mờ và rối ren hơn. Theo một số nguồn tin, Malaysia cũng chưa cần đến hỗ trợ từ Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI).
Trong khi đó, hãng hàng không Malaysia Airlines khẳng định trong một thông cáo là đã chia sẻ tất cả thông tin họ có với các cơ quan chức năng kể từ khi chiếc máy bay mất tích. Thực sự đây là một tình huống “chưa từng có” với hãng hàng không Malaysia Airlines và ngành công nghiệp hàng không thế giới nói chung, theo thông cáo.
Trong buổi chiều ngày 15.3, cảnh sát cũng đã tiến hành khám xét nhà của phi công Zaharie Ahmad Shah, cơ trưởng của chuyến bay MH370. Ông Zaharie 53 tuổi, có gia đình với 3 con và đã bay được 18.000 giờ. Cảnh sát đã lục soát nhà ông này trong suốt hai tiếng đồng hồ.
Việc khám xét nhà của cơ trưởng diễn ra ngay sau cuộc họp báo của Thủ tướng Najib Razak. Tại cuộc họp báo, Thủ tướng Najib xác nhận một ai đó có kinh nghiệm dày dặn trong nghề đã “cố tình” điều khiển chệch hướng chiếc máy bay. Bằng chứng là sau khi mất liên lạc, MH370 vẫn bay thêm được hơn 7 giờ đồng hồ nữa, và với ngần ấy thời gian nó có thể đến được Kazakhstan.
Ông Najib cũng nhấn mạnh rằng dù hành động này là hành vi cố ý và mang tính chất phá hoại, nhưng Malaysia vẫn điều tra “mọi khả năng” có thể làm cho chiếc máy bay này mất tích từ ngày 8.3 đến nay.
Thủ tướng Najib cũng cho biết Malaysia sẽ tập trung tìm kiếm ở hai vành đai. Vành đai thứ nhất là ở phía Bắc trải dài theo biên giới từ Kazakhstan và Turkmenistan tới phía Bắc Thái Lan. Vành đai thứ hai là ở phía Nam, có thể kéo dài từ Indonesa tới phía nam Ấn Độ Dương.
Vũ Kiều (MTG-theo Abcnews)

icon

Ukraine sẽ tái trang bị vũ khí hạt nhân để đối phó Nga?

Saturday, March 15th, 2014

rong một thời gian ngắn sau khi Liên Xô sụp đổ, Ukraine sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn thứ 3 thế giới, với khoảng 1.900 đơn vị, đa số là tên lửa hành trình tầm xa.


(Photo: Google)

Tờ Time mới đây có bài viết nhận định về khả năng Ukraine tái trang bị vũ khí hạt nhân để làm đối trọng với Nga trong tình hình căng thẳng hiện nay. Sau đây là nội dung bài phân tích:
Ukraine từng sở hữu một kho vũ khí hạt nhân khổng lồ và đã có nhiều ý kiến trong nước yêu cầu Ukraine nên tái phát triển vũ khí hạt nhân để làm đối trọng với Nga. Tuy nhiên ý tưởng này còn xa mới có thể trở thành hiện thực. Phát triển vũ khí hạt nhân là một việc rất khó khăn và đi ngược lại với chính sách phi hạt nhân truyền thống của nước này.
Trong lúc mà Nga đang củng cố sự hiện diện ở Crimea, nhiều người Ukraine ước rằng nước này có sức mạnh răn đe hạt nhân. Họ từng có một kho vũ khí hạt nhân lớn, nhưng đã từ bỏ số vũ khí trên 20 năm trước.
Giờ đây, nước này có lẽ đang cảm thấy hối tiếc về quyết định này, hay thậm chí là muốn đảo ngược nó. Pavlo Rizanenko, một đại biểu quốc hội Ukraine, cho biết: “Hiện nay đang có một luồng ý kiến mạnh mẽ trong công chúng Ukraine rằng chúng tôi đã phạm sai lầm lớn. Trong tương lai, bất kể việc tình hình Crimea đi theo hướng nào, Ukraine cần phải mạnh hơn. Không ai dám xâm lược một nước có vũ khí hạt nhân.”
Ý kiến này làm giới ngoại giao ở Washington lo ngại. Một cựu quan chức của chính quyền Tổng thống Obama cho biết ông chưa từng nghe bất kì một quan chức Ukraine nào hối tiếc về quyết định phi hạt nhân hóa trước đây.
Nhưng nhiều người khác cũng có chung suy nghĩ với Rizanenko. Theo lời cựu tổng thống Gruzia, Mikheil Saakashvili, trong một cuộc phỏng vấn tuần trước thì: “Nga sẽ không tấn công một nước có vũ khí hạt nhân.” Ông Saakashvili từng sống ở Ukraine vài năm và có những mối liên hệ chính trị sâu rộng ở đó. “Ukraine vẫn có thể kịp để chế tạo vũ khí hạt nhân”, ông nói thêm.


Ukraine vẫn còn có một số lượng lớn tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn OTR-21 Tochka tầm bắn 180km, được thừa hưởng từ Liên Xô sau khi liên bang tan rã.
Trên lý thuyết thì điều này là có thể, nhưng sẽ mất rất nhiều thời gian và không hề dễ dàng. Ukraine không có nguyên liệu hạt nhân thích hợp và phương tiện để sản xuất chúng. Phát triển vũ khí hạt nhân cũng đồng nghĩa với khả năng bị cả Nga và Phương Tây trừng phạt.

Việc Ukraine tái trang bị vũ khí hạt nhân sẽ là sự đảo ngược của một trong những lần giải trừ quân sự tự nguyện đáng nhớ nhất trong lịch sử. Trong một thời gian ngắn sau khi Liên Xô sụp đổ, Ukraine sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn thứ 3 trên thế giới, với khoảng 1.900 đơn vị, đa số là tên lửa hành trình tầm xa. Đến năm 1994, nước này ký kết Bản ghi nhớ Budapest với Mỹ, Anh và Nga, trong đó Ukraine sẽ chuyển toàn bộ số vũ khí này về Nga để tiêu hủy.
Tổng thống Ukraine khi ấy là Leonid Kravchuk giải thích quyết định trên một cách đầy lý tưởng, vì nó sẽ giúp thế giới tiến đến việc giải trừ và loại bỏ vũ khí hạt nhân nhưng đằng sau đó cũng có những lí do thực tiễn hơn. Hành động này giúp
Ukraine giành được thiện cảm từ phía Mỹ và mở đường cho những sự hỗ trợ từ WB, IMF và NATO. Ngoài ra, việc bán lại các nguyên liệu hạt nhân cũng đem lại một nguồn thu đáng kể.
Khi đó, nhiều đại biểu quốc hội Ukraine phản đối quyết định này, vì vũ khí hạt nhân là lá chắn quan trọng trước tham vọng bành trướng của Nga.
Trước đó, vào tháng 7/1993, quốc hội Nga từng bỏ phiếu xác nhận thành phố Sevastopol thuộc về Nga, và khiến Ukraine phải phản đối lên Liên Hiệp Quốc.
Nga sau đó rút lại kết quả cuộc bỏ phiếu này. Nhưng trong Bản ghi nhớ Budapest, Ukraine vẫn kiên quyết giành được việc đảm bảo rằng chủ quyền quốc gia của mình sẽ được tôn trọng. Cụ thể, các bên ký bản ghi nhớ sẽ ngay lập tức thúc đẩy hành động từ Hội đồng bảo an trong trường hợp Ukraine bị tấn công.
Tuy nhiên điều này cũng không giúp ích gì nhiều. Ngày 4 tháng 3 vừa qua, Tổng thống Putin tuyên bố Ukraine hiện nay là một quốc gia mới và do đó Nga không chịu bất kì ràng buộc nào.
Trong một cuộc điều trần trước quốc hội Mỹ, các quan chức của chính quyền Obama cũng bị chất vấn về tiền lệ khi một nước sau khi đã từ bỏ vũ khí hạt nhân lại không được bảo đảm về an ninh như đã được cam kết trước đó. Hạ nghị sĩ Cộng hòa Doug Lamborn hỏi Victoria Nuland, cố vấn ngoại trưởng phụ trách khu vực Châu Âu, tại sao Mỹ không hành động nhiều hơn để thực thi thỏa thuận Budapest và ngăn Putin thôn tính Crimea. Và câu trả lời là thỏa thuận Budapest là một dạng hiệp ước chính trị, không phải một hiệp ước ràng buộc như NATO, do đó Mỹ chỉ có thể phản đối về mặt chính trị, ngoại giao.
Vì vậy, không khó hiểu vì sao Ukraine muốn tái trang bị hạt nhân. Tuy nhiên thực hiện điều này không phải dễ.
Ukraine hiện có một số nhà khoa học nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này từ thời Liên Xô, trong đó bao gồm Vyacheslav Danilenko, một người thiết kế các hệ thống kích nổ và có liên hệ với chương trình hạt nhân của Iran. Tuy nhiên, họ lại thiếu các nguyên liệu hạt nhân cần thiết.
Khi tổng thống Obama mới lên cầm quyền, Ukraine vẫn còn đủ lượng uranium làm giàu để chế tạo vài đầu đạn hạt nhân. Nhưng với việc chính quyền Obama nhấn mạnh chính sách an ninh hạt nhân, Ukraine đồng ý từ bỏ số nguyên liệu trên. Đợt vận chuyển nguyên liệu hạt nhân cuối cùng khỏi Ukraine là vào tháng 3 năm 2012.
Hiện nay, Ukraine đang vận hành một số lò phản ứng dân sự, và có sẵn nguồn uranium tự nhiên, nhưng họ thiếu các cơ sở làm giàu nguyên liệu hạt nhân. Trên lý thuyết họ có thể tự xây dựng các cơ sở này, nhưng sẽ mất nhiều năm. Thời gian trên là quá trễ để cứu Crimea, nhưng lại quá dài để hứng chịu những sự trừng phạt từ cả Nga và Mỹ. Nga chắc chắn sẽ cảm thấy bị đe dọa trước hành động trên, còn Mỹ hiện nay đang có một tổng thống xem chính sách chống phổ biến vũ khí hạt nhân là một trong những ưu tiên hàng đầu. Tham vọng hạt nhân của Ukraine không phải là bất khả thi, nhưng nó gần như chắc chắn sẽ không xảy ra.

(Theo Trí Thức Trẻ)

Best Buy Co, Inc.

Hoa Kỳ phản hồi kiến nghị trừng phạt TQ

Saturday, March 15th, 2014

Nhà Trắng vừa phản hồi chính thức về thỉnh nguyện thư yêu cầu áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế lên Trung Quốc sau vụ giàn khoan Hải Dương 981.


(Trung Quốc nói giàn khoan Hải Dương 981 đã được triển khai trong vùng biển thuộc chủ quyền nước này)
Đơn kiến nghị do một người ký tên T.D mở ra trên hệ thống thỉnh nguyện thư ‘We the People’ của Nhà Trắng hồi 13/5.
Thư lấy danh nghĩa “người Việt trên toàn thế giới” để kêu gọi Nhà Trắng “áp đặt các lệnh trừng phạt nghiêm khắc lên Trung Quốc vì sự vi phạm trắng trợn các luật pháp quốc tế cũng như các ranh giới chủ quyền” bằng việc triển khai giàn khoan Hải Dương 981 “trên vùng biển của Việt Nam” hồi tháng 5 năm nay.
“Chỉ lời nói và sự lên án thôi sẽ không đủ. Chúng tôi cần Nhà Trắng xem xét những cách thức trừng phạt kinh tế nhằm vào Trung Quốc. Đây là cách hiệu quả duy nhất.”
Tính đến nay, thỉnh nguyện thư này đã đạt 139.554 chữ ký. Vượt xa số 100.000 chữ ký cần thiết để Nhà Trắng phải có phản hồi.
Trong thư trả lời ngày 23/12, Nhà Trắng khẳng định “Hoa Kỳ có lợi ích quốc gia tại Biển Đông, trong đó bao gồm tự do hàng hải, giải quyết các tranh chấp một cách ôn hòa, tôn trọng luật pháp quốc tế và thương mại hợp pháp diễn ra thuận lợi.”
Thư cũng nói Hoa Kỳ không nghiêng về phía bên nào trong vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, nhưng có lập trường về việc cách thức giải quyết tranh chấp cũng như liệu yêu sách của các quốc gia có phù hợp với luật pháp quốc tế hay không.
“Hoa Kỳ từ lâu đã kêu gọi Trung Quốc và các bên yêu sách theo đuổi các tuyên bố chủ quyền và các quyền lợi đi kèm đối với không gian hàng hải một cách ôn hòa, không gây hấn và tuân thủ luật pháp quốc tế.”

“Chúng tôi ủng hộ các nỗ lực nhằm giảm căng thẳng, mở đường cho giải pháp hòa bình, ngoại giao để giải quyết tranh chấp”.
“Chúng tôi đã bày tỏ quan ngại trước các hành động của Trung Quốc, trong đó bao gồm việc triển khai giàn khoan Hải Dương 981, đến các cấp lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc”.

(Các tàu chấp pháp hai nước đã đụng độ trong một tháng trời sau khi Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào Biển Đông)
Ủng hộ Hoa Kỳ
Một nhà nghiên cứu trong nước cho rằng thỉnh nguyện thư cho thấy sự ủng hộ của đông đảo người Việt trong và ngoài nước trước sự hiện diện của Hoa Kỳ trên Biển Đông.
Trả lời BBC ngày 24/12, ông Dương Danh Dy, cựu Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu và là một chuyên gia về Biển Đông, cho rằng dù tuyên bố không nghiêng về bên nào, nhưng “những lời nói và hành động của Hoa Kỳ thì thế giới đều thấy rõ Hoa Kỳ đồng tình với ai và chỉ trích ai”.
“Tôi nghĩ là người Trung Quốc họ đã bắt đầu giật mình rồi”, ông nói.
“Hoa Kỳ là nước siêu cường và có một vai trò rất quan trọng trong việc góp phần giữ ổn định ở Biển Đông và châu Á Thái Bình Dương, không ai có thể phủ nhận được.”
“Thái độ của Hoa Kỳ trong vấn đề này tôi cho cũng là công bằng thôi. Ví dụ như khi Hoa Kỳ có ý kiến về đường lưỡi bò của Trung Quốc. Đó là ý kiến công bằng đối với quyền lợi của Việt Nam và các nước Đông Nam Á.”
Ông cũng cho rằng thỉnh nguyện thư đưa lên Nhà Trắng thể hiện quan điểm ủng hộ của người Việt trước sự hiện diện của Hoa Kỳ trong khu vực châu Á Thái Bình Dương.
“Đại đa số người Việt, trừ một số rất ít còn tin tưởng vào Trung Quốc vì cùng ý thức hệ, đều đồng tình và đánh giá cao hành động của Mỹ tại châu Á Thái Bình Dương.”
“Sang năm là dịp kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Mỹ-Việt, tôi được biết sẽ tổ chức rất lớn.”

Source: BBC London News