Archive for January, 2013

Nước Mỹ trong tôi

Thursday, January 31st, 2013

Theo bản thống kê dân số của nước Mỹ năm 2010, hiện nay có 1,737,433 người Việt đang sinh sống trên nước Mỹ. Chúng ta những ai hiện nay đang sống, học hành, làm việc hay dưỡng già ở đây, đều đã trải qua một phần đời mình trên mảnh đất này, thường gọi là “tạm dung” nhưng thực tế là vĩnh viễn.

Từ biến cố 30 tháng 4 năm 1975, những đứa trẻ sinh ra lớn lên ở đây, ngoài huyết thống ra, chúng không khác gì những đứa trẻ Mỹ. Những người trung niên còn mang theo cả một thời thơ ấu và những kỷ niệm không quên từ nơi chôn nhau cắt rốn, nhưng vẫn lăn lộn với cuộc đời trên đất khách này để mưu sinh, có người thời gian sống với quê hương ngắn ngủi hơn là ở nơi quê người.

Tiểu bang California, nơi có nhiều người Việt sinh sống nhất đã rộng lớn bằng diện tích cả nước Việt Nam, nên cũng chưa có ai trong chúng ta tự hào đã đặt chân đến hết 50 tiểu bang của nước Mỹ, cũng như không ai dám nghĩ rằng mình hiểu hết những gì về nước Mỹ, dù đây chỉ là một nơi mới lập quốc hơn 300 năm. Có người cho Mỹ là anh chàng trẻ tuổi, xốc nổi, dại khờ, nhưng cũng có người công nhận nước Mỹ là ông cụ thâm trầm thường triển khai những bước đi tính toán trước cả trăm năm.

Ðối với những người già đã đến nơi này muộn màng, nhưng cả cuộc đời còn lại coi như sống chết với nước Mỹ, thường gọi là quê hương thứ hai, mà không bao giờ còn cơ hội trở về nằm trong lòng đất quê mẹ, nếu sự thực khốn nạn, chế độ Cộng Sản còn tồn tại trên quê hương vài ba mươi năm nữa.

Một người Việt về thăm lại quê hương, nơi họ đã từ bỏ tất cả để ra đi, lúc đặt chân trở lại nước Mỹ, cho rằng tâm hồn lại cảm thấy an toàn, nhẹ nhàng hơn như lúc về nhà.

Một người Việt xa quê hương đã lâu trở về Sài Gòn, có dịp vào Tòa Tổng Lãnh Sự Mỹ, ông thú nhận khi nhìn những hình ảnh tổng thống hay ngoại trưởng của Hoa Kỳ, ông lại có cảm giác quen thuộc, an toàn hơn là những lúc lang thang ở Hà Nội nhìn hình lãnh tụ và quốc kỳ Cộng Sản. Ðó không phải là vong bản, mất gốc mà chế độ này đã nhân danh đất nước, tạo hận thù, kỳ thị, xô đẩy biết bao nhiêu người xuống biển, bỏ quê hương ra đi.

Gần như chúng ta không còn lệ thuộc gì với đời sống nơi quê nhà, ngoài những tình cảm sâu đậm trong máu huyết, làm cho chúng ta gần gũi với ngôn ngữ, đời sống Việt Nam, mà chúng ta có cảm tưởng đang dần dần tách rời, cho đến một lúc nào đó trở thành xa lạ. Phải chăng vì vậy, mà đã có những đứa con ngày trước trở về, xót xa nhận ra rằng, họ đang đi, đứng trên một đất nước xa lạ, không còn là của họ nữa.

Quê hương ngày nay chỉ còn là nơi thăm viếng mà không phải là nơi để trở về. Nước Mỹ đã là nơi quen thuộc chúng ta đang sống, có gia đình, nhà cửa, công việc, bà con, bạn bè, thì làm sao chúng ta lại không có những suy nghĩ, có những câu chuyện buồn vui, hay những trăn trở về nước Mỹ. Cách đây 38 năm, chưa lúc nào, chúng ta, những người dân ở một đất nước xa xôi bên vùng trời Ðông Nam Á, cách biệt nơi này đến nửa vòng trái đất, lại có ý nghĩ rằng, một ngày kia chúng ta sẽ đến đây, sống lâu dài nơi đây, sinh con đẻ cháu nơi này, để tạo ra một nhánh người Việt lưu vong. Ðời sau, còn giữ được ngôn ngữ, phong tục hay không, lại là một điều mà nhiều người khác đang trăn trở, lo âu làm sao để duy trì, gìn giữ!

Trong cái cộng đồng gần gũi, thân mật gắn bó này, với sách vở, báo chí, truyền thông, quán xá, chợ búa, tiệm buôn, món ăn thức uống, cả cái tên vùng đất hay bảng hiệu Saigon chúng ta mang theo, đôi khi gần như quên hẳn là chúng ta đang sống trên đất Mỹ. Cả cái bữa cơm, cá mắm, canh rau, đôi đũa, chén nước mắm ớt, có khác gì ở Việt Nam. Cả cái bàn thờ nhang khói, hình ảnh tổ tiên, ông bà, cành mai, chậu lan, những cô thiếu nữ, trẻ em mặc quốc phục lên chùa ngày Tết, hồi trống, tiếng pháo Mùa Xuân làm chúng ta quên mất là chúng ta đang sống thật xa quê nhà.

Ðiều tôi muốn nói ở đây là chúng ta thường quên chúng ta đang sống trên đất Mỹ.

Ông Khổng Tử của nước Trung Hoa có ví von: “Ở chung với người thiện như vào nhà có cỏ chi lan, lâu mà mà chẳng thấy mùi thơm, tức là mình cũng đã hóa ra thơm vậy.” Một kẻ vào vườn hoa lan đầy hương thơm, lúc đầu còn nhận ra mùi hương nhưng dần dà trở thành quen thuộc, trở thành bình thường, không còn thấy hương thơm, như kẻ tiểu nhân sống với người quân tử dần dần được cảm hóa lúc nào mà không hay biết.
Nước Mỹ có nhiều hương thơm như thế mà cảm giác chúng ta bị dung hòa lúc nào không hay đến nỗi không còn cảm nhận được mùi thơm nữa. Hương thơm đó là những điều tốt lành, thấm nhập vào con người chúng ta lúc nào chúng ta cũng không biết, không hề quan tâm hay nhận ra được sự khác biệt trước và sau.

Chúng ta học hỏi được ở nước Mỹ tính bảo vệ đời sống riêng tư, tôn trọng luật pháp, sống an hòa, sự tử tế và mối tương quan giữa con người và con người trong xã hội. Ðiều này không chỉ có ông Bá Dương (1920-2008), sau khi đi New York, Las Vegas hay San Francisco về, đã tường thuật lại trong cuốn “Người Trung Quốc Xấu Xí,” mà bất cứ người Việt Nam nào khi đi du lịch nước Mỹ về cũng nhận ra. Có người thắc mắc sao lái xe trên đường vắng vào một hai giờ sáng, gặp bảng “stop” cũng phải đừng lại, sao một đứa bé phải đi tìm cái thùng rác để vứt cái giấy kẹo nhỏ chỉ bằng hai ngón tay, sao ở đây xe hơi nhiều như thế mà không nghe một tiếng còi? Trong cái không khí dễ chịu, thanh thản, an lạc người ta cảm nhận ra khi bước chân trở lại một nơi, có một chút mỉa mai, không phải là quê nhà của mình.

Chúng ta bước đi từ môi trường tử tế, trong lành của miền Nam qua giai đoạn “thống nhất” để bước đến một xã hội hỗn loạn như hôm nay, khi mà con người tốt đẹp dần dà trở thành vô cảm, lừa lọc, gian trá, đạp lên nhau mà sống, để mưu tìm một đời sống ích kỷ cho riêng mình, mà không thấy đó là bất thường, bất nhân và vô loại. Thì chúng ta, trong xã hội này, cũng theo lời ông Khổng Tử: “ Ở chung với người bất lương, như vào trong chợ cá ươn, lâu mà chẳng biết mùi hôi, vì mình cũng hóa ra hôi vậy!” Như người mới vào chợ cá, lúc đầu còn nghe mùi hôi tanh, dần dà quen thuộc, không còn nghe mùi tanh tưởi khó chịu nữa, như người quân tử sống với kẻ tiểu nhân, dần dần đồng hóa bởi cái xấu mà mình không hay biết. Thử hỏi một viên chức trong chế độ Cộng Sản Việt Nam hiện nay, xem những chuyện cường quyền áp bức, mạng sống của người dân xuống hàng súc vật, con người chỉ biết có đồng tiền và dục vọng, tráo trở, vô đạo lý hiện nay có là điều gì làm cho con người lạ lùng, khó chịu không? Hay đó là chuyện bình thường, thấy đã quen mắt, nghe đã quen tai, đầu óc đã xơ cứng, chai đá như khứu giác của con người ở lâu trong chợ cá, còn đâu phân biệt được mùi hôi nữa!

Ðiều cuối cùng chúng tôi muốn nói là sự may mắn đã giúp ta có cơ hội không phải chỉ cho riêng mình mà cả con cháu đời sau, tránh khỏi được kiếp oan nghiệt, ra khỏi được cái chợ cá ấy, được sống trong cái “chi lan, chi thất” cái vườn lan thơm ngát, mà qua một thời gian chúng ta không còn cảm nhận được mùi thơm nữa, nhưng trên thực tế, mùi thơm đó vẫn hiện hữu.

Nhiều kẻ hãnh tiến vẫn cho rằng nước Mỹ nợ chúng ta mà quên rằng, món nợ của chúng ta, và cả con cháu đời sau đối với nước Mỹ thật khó lòng trả nổi.

Hãy CÁM ƠN bằng cách sống thật có ý nghĩa cho đời sống này!

5 lý do Trung Quốc khó bá chủ kinh tế thế giới

Monday, January 28th, 2013

Sự đi lên nhanh chóng của Trung Quốc đang đặt ra câu hỏi liệu nước này có thay thế vị trí số một của Mỹ. Các nhà phân tích đưa ra 5 lý do để khẳng định sẽ còn rất lâu Trung Quốc mới trở thành bá chủ mới của thế giới.

Liệu Trung Quốc có trở thành nền kinh tế số 1 thế giới?. Ảnh: SCMP.

Khi tương lai nước Mỹ còn mờ mịt, dường như Trung Quốc sẽ trở thành số một dù GDP nước này chỉ bằng nửa Mỹ. Mỗi tuần lại có một cuốn sách ra lò bàn luận về Á cực với sự vươn lên mạnh mẽ này. Tương lai về việc đất nước hơn 1,3 tỷ dân tiếm ngôi thế giới có vẻ không còn xa. Người ta bàn luận rằng Trung Quốc đang chiến thắng. Nước Mỹ đã lùi xa xuống vị trí thứ hai.

Nhưng các chuyên gia Mỹ lại cho rằng đã đến lúc dừng bàn chuyện nước Mỹ đang tụt dốc thế nào và Trung Quốc đang làm mưa làm gió ra sao. Câu chuyện về Nhật Bản là lời giải thích. Đất nước một thời từng là nỗi ám ảnh đối với vai vế của nước Mỹ nay đang chịu đựng hệ quả giảm phát và vật lộn với việc giải quyết những vấn đề dân số phức tạp đã hình thành từ vài thập kỷ trước đó.

5 vấn đề sau là những tồn tại vẫn gây đau đầu cho Trung Quốc.

1. Tham nhũng

Chỉ trong 5 năm vừa qua, hơn 660.000 cán bộ nhà nước đã bị điều tra về tham nhũng, đặc biệt một số vụ nghiêm trọng liên quan tới những nhân viên cấp bộ và các cơ quan trên bộ, cũng những khoản tham nhũng khổng lồ. Ở Trung Quốc, nơi mà “nạn hối lộ như cơm bữa”, một doanh nghiệp nước ngoài còn phải đối mặt với rủi ro bị đánh cắp tài sản trí tuệ. Hoạt động ở Trung Quốc vì vậy tốn kém hơn những gì người ta thường nghĩ. Đây là một nhân tố chắc chắn sẽ tác động tiêu cực đến sự đi lên của nước này trong thế kỷ 21.

2. Đầu tư quá mức cho hạ tầng

Tăng trưởng kinh tế theo cấp số nhân của nước này không chỉ đến từ chi tiêu trong nước. Xuất khẩu của Trung Quốc đến những khu vực Nam Mỹ, châu Phi và toàn châu Á đã thúc đẩy sự phát triển nước này, dù doanh số nói trên vẫn khiêm tốn sau Mỹ. Tuy vậy, các nhà cầm quyền Trung Quốc lại tận dụng (nếu không nói là dựa dẫm quá mức) vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng để tạo đà cho kinh tế quốc gia.

Chỉ số đầu tư vào tài sản cố định – một chỉ số chủ chốt thể hiện ngân sách cho cơ sở hạ tầng ở Trung Quốc đã tăng đến 20,6% trong năm 2012. Con số đáng kinh ngạc 3.630 nghìn tỷ bảng Anh đã được chi cho các dự án loại này, đáng chú ý phải kể đến dự án xây dựng đường xe điện ngầm vào giữa năm ngoái, trong một nỗ lực đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế. Xây dựng hạ tầng chiếm tới gần 70% GDP sẽ tiếp tục là nhân tố tiên quyết cho kết quả kinh tế Trung Quốc năm nay. Con số này cao hơn rất nhiều so với Nhật Bản (35%) và Mỹ (20%) năm 1980. Sau khi khoản chi tiêu trong nước trên kết thúc, chỉ số tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giảm đi rõ rệt. Điều này sẽ dẫn tới một vấn đề tiếp theo.

3. Ác mộng nợ công

Cơn say sưa chi tiêu cho cơ sở hạ tầng đã và sẽ dẫn đến một cái giá đắt đỏ cho Trung Quốc. Những dự án này được cung ứng tài chính bằng các khoản vay nhà nước và tiến hành kế toán khéo léo để che giấu tổng nợ thực tế, đồng nghĩa với việc các cơ quan Trung Quốc đang bưng bít một khoản nợ khổng lồ. Gánh nặng này đe doạ sự tăng trưởng kinh tế trong hàng thập kỷ về sau.

Thực tế, sau khi chính phủ Trung Quốc ban hành chương trình kích thích trị giá 586 tỷ USD vào năm 2008 nhằm ngăn chặn tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới, các thành phố của nước này đã giành giật khoản tiền về những dự án hạ tầng để thúc đẩy năng suất và tăng trưởng. Cho đến nay đã được 5 năm, trong khi tổng nợ vẫn còn bị o bế, các chuyên gia dự đoán nợ công có thể lên tới 250% GDP, làm trầm trọng thêm gánh nặng nợ xấu và kéo theo những hệ luỵ kinh tế kéo dài như lạm phát, hay thậm chí một cuộc khủng hoảng tài chính. Tệ hơn, hệ thống ngân hàng Trung Quốc phát triển rối ren, làm nảy sinh hàng loạt mối quan tâm với chế độ tài chính nước này, bao gồm lo ngại về quản lý tài sản tạo bởi những “quỹ tín dụng”, một phần khuất của hệ thống ngân hàng, hoạt động bên ngoài nhưng lại quan hệ chặt chẽ với ngạch ngân hàng chính thức.

4. Dân số già

Trung Quốc rõ ràng đang đối mặt với những vấn đề dân số nghiêm trọng và có tầm ảnh hưởng lớn đến triển vọng kinh tế. Chính sách chỉ có một con của Trung Quốc đã tạo nên một vòng xu hướng sinh ít con, trong đó con cái của những gia đình con một chỉ muốn sẽ tiếp tục có một con. Như vậy, Trung Quốc sẽ đối mặt với tỷ lệ sinh dài hạn siêu thấp. Thực tế này đối lập với Mỹ: trong khi dân số Mỹ sẽ tăng thêm 30% trong 40 năm tới, dân số Trung Quốc sẽ đạt đỉnh vào năm 2026 và giảm rõ rệt sau đó.

Quan trọng nhất, dân số Trung Quốc đang già đi với tốc độ nhanh chưa từng có trong lịch sử hiện đại: đến năm 2050, các chuyên gia dự báo độ tuổi trung bình ở nước này sẽ đạt 49, hơn gần 10 năm so với người Mỹ. Vì nước này đang già đi nhanh hơn là giàu lên, số lượng hưu trí ở đây sẽ gia tăng trước khi xã hội phát triển đầy đủ để chăm sóc họ. Hiện nay, Trung Quốc vẫn dư nợ một khoản lương hưu tương đương 150% GDP và các chính quyền địa phương vẫn đang trì hoãn những cam kết về số tiền này.

Từ 2013 đến 2050, tỷ lệ người lao động trên tổng dân số Trung Quốc sẽ giảm 11%, từ 72% hiện nay xuống 61%. Kể cả khi số lượng người lao động hiện nay đặc biệt đông đảo, đây vẫn là một sự suy giảm lớn. Điều này đồng nghĩa Trung Quốc sẽ không còn là nguồn nhân lực giá rẻ của thế giới. Thú vị hơn cả, các chuyên gia dự báo trong vòng 20 năm tới, Trung Quốc sẽ bắt đầu nhập khẩu hơn là xuất khẩu lao động. Tăng trưởng trong một nền kinh tế với nhiều gánh nặng sẽ tiếp tục chậm đi.

5. Bài học từ Mỹ

Không kể tới nỗ lực cứu trợ cho hệ thống tài chính Mỹ vào năm 2008, trong lịch sử, nước Mỹ đã trau dồi để chịu đựng những khó khăn về kinh tế và tài chính khi các nền công nghiệp sụp đổ, sau đó thích nghi và tiếp tục phát triển. Ngành thép của Mỹ là một ví dụ. Sau khi đã đạt cực thịnh vào giữa những năm 1940 – 1970, ngành thép nhanh chóng suy giảm, đến mức vào năm 2001, ngành này chỉ chiếm 0,1% kim ngạch và nhân lực trong ngành sản xuất. Trung Quốc vốn là một nền kinh tế nhà nước và bởi vậy không có động lực cũng như yếu tố chi phối để phát triển kinh tế và tài chính với mức độ tương đương mà vẫn tránh được rủi ro về một cuộc cách mạng từ những người dân nhiều kỳ vọng (và ít nhiều thiếu ổn định).

Duy Tùng – VnE (theo Business Insider)

Nhật phóng vệ tinh để tăng cường khả năng do thám

Monday, January 28th, 2013

Tên lửa đẩy của Nhật Bản đưa hai vệ tinh nhân tạo lên quỹ đạo hôm qua nhằm tăng cường khả năng giám sát mặt đất.

Tên lửa đẩy H-IIA của Nhật Bản rời bệ phóng trong một vụ phóng vệ tinh nhân tạo. Ảnh: web-japan.org.

Cơ quan Thám hiểm Không gian Nhật Bản (JAXA) thông báo vụ phóng diễn ra tại Trung tâm vũ trụ Tanegashima ở tỉnh Kagoshima vào lúc 13h40 theo giờ địa phương. Hai vệ tinh đã tách khỏi tên lửa đẩy H-IIA vào đúng thời điểm dự kiến trước khi di chuyển vào quỹ đạo, AFP đưa tin.

Một trong hai vệ tinh của Nhật Bản mang theo radar. Từ độ cao vài trăm km, vệ tinh này có thể phát hiện những vật thể có diện tích từ 1 m2 trở lên trên mặt đất vào cả ban đêm lẫn ban ngày, ngay cả khi mây xuất hiện trên trời. Sau khi bay lên quỹ đạo, nó cùng với các vệ tinh radar khác sẽ giúp Nhật Bản giám sát mọi địa điểm trên thế giới với tần suất ít nhất một lần mỗi ngày.

Vệ tinh còn lại có khả năng chụp ảnh với độ phân giải lớn hơn so với các vệ tinh thông thường hiện nay. Nó sẽ thu thập dữ liệu để phục vụ cả hoạt động nghiên cứu và phát triển khoa học.

Nhật Bản đã triển khai hệ thống vệ tinh tình báo từ cuối thập niên 90 sau khi Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo qua lãnh thổ Nhật Bản vào năm 1998.

(Việt Linh-VnE)

Trung Quốc lo ngại vì Nhật tăng quân lực

Monday, January 28th, 2013

Bắc Kinh hôm nay bày tỏ sự lo ngại trước việc Nhật Bản công bố kế hoạch tăng quân số, trong lúc bầu không khí căng thẳng do tranh chấp chủ quyền đảo giữa hai nước vẫn đang nóng.

Trước đó vào hôm qua, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Itsunori Onodera thông báo chính phủ nước nay sẽ tăng số quân nhân từ 225.000 hiện nay thêm 287 vào năm tài khóa tiếp theo, bắt đầu từ tháng 4. Đây là sự gia tăng lớn nhất trong hai thập niên qua ở Nhật. Mức tăng tương đương 0,1%.


Từ trái qua là các chiến hạm hộ tống Atago, Kurama, Hyuga và Chokai trong một cuộc phô diễn lực lượng của hải quân lực lượng phòng vệ Nhật. Ảnh: AFP

Phát ngôn viên ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi, trong cuộc họp báo hôm nay, nói rằng Nahatj cần chú ý đến các mối lo ngại trong khu vực, hàm ý đến những hành động tàn bạo của quân đội thực dân Nhật trong Thế chiến II. Trung Quốc đến nay vẫn cho rằng Nhật chưa làm đủ để thể hiện sự hối lỗi.

“Do các lý do lịch sử, các nước láng giềng của Nhật luôn hết sức chú ý đến sự phát triển quân sự của Nhật”, Reuters dẫn lời ông Hồng phát biểu.

“Chúng tôi hy vọng rằng Nhật theo đuổi con đường phát triển hòa bình, tôn trọng các mối quan tâm của các nước trong khu vực, lấy lịch sử làm tấm gương và cần làm nhiều hơn nữa vì lợi ích hòa bình và ổn định của khu vực”, Hồng nói thêm.

Trung Quốc và Nhật Bản đang có mối quan hệ căng thẳng, đặc biệt nóng lên kể từ tháng 9 năm ngoái, khi Tokyo tuyên bố quốc hữu hóa các đảo thuộc quần đảo mà Nhật gọi là Senkaku trên biển Hoa Đông. Trung Quốc gọi các đảo là Điếu Ngư và cũng tuyên bố chủ quyền.

Đôi bên đã tìm cách giảm căng thẳng trong suốt tuần qua, sau khi một đồng minh thân tín của tân thủ tướng Nhật Shinzo Abe mang bức thư tay của ông tới Bắc Kinh trao cho Tổng bí thư đảng của Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông Tập cũng có các phát biểu cho rằng hai nước nên giải quyết “những vấn đề nhạy cảm”.

Trung Quốc thời gian qua cũng có những bước phát triển đáng kể trong lĩnh vực quân sự như đưa vào sử dụng tàu sân bay đầu tiên, các loại chiến đấu cơ trên tàu sân bay và tàng hình. Hôm qua, Trung Quốc cho thử công nghệ tên lửa đánh chặn trên không.

Ánh Dương – VnE

PHÂN ƯU

Sunday, January 27th, 2013

Nhận được tin buồn con trai của bạn Sơn vừa từ trần tại
Orlando, Florida.
BBT xin thành thật chia buồn cùng bạn và gia quyến
trong sự mất mát lớn lao này.
Xin linh hồn sớm siêu thoát miền cực lạc và ủi an
những người trong gia đình trong sự cố này.
BBT

Nhật Bản bắt giữ tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép

Friday, January 25th, 2013

Sau màn đấu vòi rồng với tàu cá Đài Loan di chuyển đến quần đảo tranh chấp trên Hoa Đông, Nhật Bản đã bắt giữ một tàu cá của Trung Quốc đại lục đánh bắt trái phép tại vùng biển này

Tàu cá Trung Quốc bị tàu tuần duyên Nhật Bản áp giải về cảng Nagasaki

Hãng Xinhua cho biết Lực lượng tuần duyên Nhật Bản chiều qua đã bắt giữ một tàu cá Trung Quốc hoạt động ở vùng biển ngoài khơi tỉnh Nagasaki, phía Tây Nam Nhật Bản. Đây là tàu cá đăng kiểm tại tỉnh Chiết Giang.

Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại tỉnh Fukuoka thừa nhận tàu cá trên bị bắt giữ tại vùng biển đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản gần thành phố Goto thuộc tỉnh Nagasaki.

Khi bị bắt, trên tàu có 8 người và đều mang quốc tịch Trung Quốc. Hiện thuyền trưởng tàu cá này đã được đưa lên tàu tuần duyên Nhật Bản để thẩm vấn và sẽ được chuyển đến cảng Hakata ở tỉnh Fukuoka. Trong khi đó, các thành viên khác trong thủy thủ đoàn vẫn bị giam giữ trên tàu cá.

Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc đã hối thúc phía Nhật Bản đảm bảo an toàn cho các thuyền viên Trung Quốc.

Sự việc này xảy ra cùng ngày sau khi lực lượng tuần duyên Nhật Bản và tuần duyên Đài Loan (Trung Quốc) đã có màn đấu vòi rồng gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hay Điếu Ngư Đài theo cách gọi của Đài Loan. Màn phun vòi rồng diễn ra trong bối cảnh các tàu tuần duyên Nhật Bản kiên quyết chặn các tàu tuần duyên Đài Loan đang có ý định hộ tống một tàu chở các nhà hoạt động tiếp cận đảo lớn nhất trên quần đảo tranh chấp.

Quần đảo tranh chấp được phía Nhật Bản gọi là Senkaku còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền với quần đảo này và gọi là Điếu Ngư Đài. Hiện quần đảo đang do phía Nhật Bản kiểm soát.

HVH- ST.

Những thách thức lớn của Trung Quốc ở châu Á-Thái Bình Dương

Friday, January 25th, 2013

Eo biển Đài Loan, bán đảo Triều Tiên, Biển Đông và Hoa Đông tiếp tục là những thách thức lớn của Trung Quốc ở châu Á-Thái Bình Dương, nơi Mỹ cũng đang ráo riết xoay trục an ninh nhằm tìm thêm cơ hội phát triển từ khu vực “động lực tăng trưởng của thế giới”.


Căng thẳng Trung – Nhật ở Hoa Đông đang chuyển từ đấu khẩu sang đối đầu, từ hải quân sang không quân.

Trong các xu hướng và thách thức đó, eo biển Đài Loan có vẻ ít gây đau đầu nhất cho Bắc Kinh, chí ít trong thời điểm này.

Mặc dù Trung Quốc luôn bày tỏ quan ngại trước xu thế mua sắm vũ khí của Đài Loan, cũng như quan hệ khăng khít của hòn đảo này với Mỹ, song Bắc Kinh có lẽ sẽ không có nhiều thay đổi trong quan điểm với Đài Bắc. Các nhà lãnh đạo mới ở Bắc Kinh vẫn bày tỏ hy vọng sẽ củng cố và làm sâu sắc thêm các nền tảng cho sự phát triển hòa bình quan hệ hai bờ.

Sau Đài Loan là tình hình bán đảo Triều Tiên. Hiện tại, Trung Quốc đang vấp phải tình huống khá hóc búa trên bán đảo này khi Tổng thống mới đắc cử của Hàn Quốc Park Geun-hye thể hiện rõ chủ trương tăng cường liên minh chiến lược toàn diện với Mỹ, trong khi nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên Kim Jong-un có xu hướng vượt khỏi tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh để tiếp tục theo đuổi tham vọng phát triển tên lửa đạn đạo và công nghệ hạt nhân.

Việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) nhất trí thông qua nghị quyết mở rộng các biện pháp trừng phạt Triều Tiên liên quan tới vụ phóng tên lửa mang vệ tinh hồi tháng trước càng khiến vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và việc đưa Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán trở nên khó khăn.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc kéo được Bình Nhưỡng trở lại phạm vi ảnh hưởng của Bắc Kinh sẽ là phép thử lớn đối với ban lãnh đạo mới ở Trung Quốc vì hai nhẽ. Thứ nhất, tiếp tục khẳng định vai trò lớn của Trung Quốc trong khu vực và thứ hai, không để Mỹ có thêm cớ đưa thêm nhiều trang thiết bị vũ khí tới các vùng biển gần Trung Quốc.

Trong khi đó, việc nữ Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye ngả về phía Mỹ cũng sẽ khiến Trung Quốc phải đau đầu, cho dù Seoul từng tuyên bố muốn nâng cấp quan hệ đối tác hợp tác chiến lược với Bắc Kinh.

Thách thức thứ ba là tranh chấp biển đảo tại cả Hoa Đông và Biển Đông.

Cho tới nay, Trung Quốc không chỉ tỏ thái độ quyết đoán trong tranh chấp biển đảo với Nhật Bản ở Hoa Đông và 4 nước thành viên ASEAN (Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei) ở Biển Đông, mà còn chính thức leo thang căng thẳng bằng những hành động đối đầu quân sự thông qua việc liên tục điều tàu hải giám và gần đây nhất là cả máy bay chiến đấu tới các vùng biển tranh chấp, lần đầu tiên kể từ năm 1958.

Điều này báo hiệu căng thẳng sẽ còn tiếp tục gia tăng, nhất là khi Tokyo đã tuyên bố sẵn sàng bắn cảnh cáo máy bay Trung Quốc, trong khi Mỹ – đồng minh thân cận của Nhật Bản nhưng lại là đối thủ của Trung Quốc – chính thức đứng về phía Tokyo trong cuộc tranh chấp ở Hoa Đông. Căng thẳng biển đảo sẽ tiếp tục đẩy mối quan hệ song phương giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á và thứ hai, thứ ba thế giới bước vào giai đoạn khủng hoảng mới, đe dọa ảnh hưởng tiêu cực đến thế kỷ châu Á-Thái Bình Dương.

Trong khi đó tại Biển Đông, Trung Quốc cũng sẽ không thể ngồi yên sau khi Philippines chính thức đệ đơn kiện Bắc Kinh lên Tòa án Trọng tài của LHQ. Không chỉ Manila, nhiều nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế rất bất bình khi Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền đối với gần 90% diện tích Biển Đông thông qua việc cho lưu hành hộ chiếu in hình “đường lưỡi bò 9 đoạn”, phát hành bản đồ in đường lưỡi bò, thành lập và xây dựng cái gọi là “thành phố Tam Sa” với tổng tiền đầu tư hơn 10 tỷ nhân dân tệ, tổ chức diễn tập trên không và trên bộ và lên kế hoạch triển khai tàu Hải tuần 21 trang bị máy bay trực thăng tới vùng biển tranh chấp…

Sự vi phạm luật pháp quốc tế, đặc biệt UNCLOS, một cách trắng trợn của Trung Quốc sẽ chỉ khiến các nước phải chú ý nhiều hơn tới khu vực này và kéo thêm sự can dự từ bên ngoài để đối trọng với phương thức trỗi dậy không hề hòa bình như ban lãnh đạo Bắc Kinh từng tuyên bố.

Như vậy, có thể thấy châu Á-Thái Bình Dương có vai trò rất quan trọng với Trung Quốc, vì Bắc Kinh rất cần một môi trường hòa bình để phát triển. Trong bối cảnh đó, có hai lý do chính giải thích cho thái độ căng thẳng của Bắc Kinh: đó là chính sách trở lại châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ và sự bức bách về nhu cầu tiêu thụ năng lượng trong nước. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng chính sự trỗi dậy mang hơi hướng bá quyền của Bắc Kinh mới là lý do khiến Mỹ phải đẩy mạnh chiến lược xoay trục, đồng thời buộc các nước trong khu vực phải thay đổi chiến lược an ninh biển nhằm bảo vệ an ninh-an toàn ở Biển Đông và Hoa Đông, hai khu vực được dự đoán có trữ lượng lên tới 150 tỷ và 70-160 tỷ thùng dầu.

“Tương kế, tựu kế” là câu nói có lẽ phản ánh rõ nhất tình hình ở châu Á – Thái Bình Dương hiện nay. Vì vậy, căng thẳng hay hòa bình sẽ phụ thuộc vào tất cả các bên, trong đó Trung Quốc là yếu tố mang tính quyết định nhiều nhất.

Theo: DT- Hà Giang

Thương nhớ hoàng mai

Friday, January 25th, 2013

Tháng Chạp ở quê tôi là tháng của hoa mai. Dường như màu của hoàng mai tươi thắm khắp mọi nẻo đường. Những chậu mai kiểng, vườn mai chùa, vườn mai nhà, đường phố mai, công viên mai, những thung lũng mai núi… đến thì lại nở đẹp một màu vàng mỏng nhẹ trong sương sớm.


(Photo: Internet)
Những năm xa quê, tôi vẫn thương hoài màu hoàng mai. Thương nhớ loài hoa chỉ nở hoa khi thân cây không còn một ngọn lá xanh. Không thể so sánh với các loài hoa khác khi xuân về nhưng tôi chẳng thể quên được những đóa lan rừng đã được cõng xuống núi.

Ngày ấy, trên phố núi từ sáng tinh mơ của tháng chạp, cả đoàn người gùi hoa rừng, bầu bí, bòng bong, heo, gà… xuống núi để đổi lấy gạo, muối và các thứ khác. Lẫn trong các gùi lan rừng có một cành mai núi khẳng khiu còn ngậm những hạt sương mỏng manh. Ông già K’ho gùi một cành mai đơn chiếc bên những giò phong lan rừng, bập bập trên môi một cái vố bằng gốc tre già, cười rất lành và bán cành mai cho tôi. Lần đầu tiên, tôi cầm trên tay một cành mai rừng. Thân mai săn chắc, da cây có rêu xanh, sót lại vài chiếc lá nhỏ, hoa vàng mơ mỏng nhẹ… đẹp đến nao lòng. Dù cành mai núi trông có vẻ khắc khổ, gầy chắc nhưng cũng đủ mang lại cho tôi những ngày xuân xa xứ một hoài niệm khó phai.

Những năm còn chiến tranh, tôi đã có lần nhìn thấy ở núi rừng phía Tây thành Huế những cánh rừng mai, những vạc mai rừng ở hai bên bờ khe suối, những cây mai già đơn độc trên sườn đồi. Đến mùa xuân thì những mai đồi, mai núi lặng lẽ ra hoa trên những thân cành gầy chắc, khắc khổ. Sau này, tôi biết thêm những người sành chơi hoa mai tại quê tôi ngày càng thích loài mai rừng. Có thể, thân cây gầy chắc, thô cứng, xù xì, lớn rất chậm, cành khẳng khiu nở rộ vàng mai, hoa mỏng nhẹ phơn phớt màu vàng, dịu dàng và thật gợi cảm? Có thể họ đã ưa chuộng mai rừng ở tính quật cường? Những năm làm quan tại cố đô Huế, sinh bất phùng thời, Cao Chu Thần (thi hào Cao Bá Quát) đặc biệt thích hoa mai và đã gửi gắm chí hướng của mình: “Thập tải luận giao cầu cổ kiếm/ Nhất sinh đê thủ bái mai hoa” (Mười năm giao du cố tìm một thanh gươm quý. Suốt một đời chỉ biết cúi đầu lạy trước hoa mai).

Vào dịp xuân, tôi về quê ăn Tết. Bất ngờ quá, trước mắt tôi là một vườn mai được gầy dựng bên bờ sông Hương. Cạnh Phu Văn Lâu là một vườn mai lớn đẹp, rực rỡ sắc vàng mơ. Những cây mai núi chen vai cùng với mai vườn chùa, mai vườn nhà, mai chậu kiểng… Những cây mai gầy chắc, khắc khổ đứng bên những cây mai đất đồng phù sa vạm vỡ tỏa hương hoa, thơm nhẹ, lẩn khuất, dịu dàng… Một vườn mai chắt chiu của cả một đời người. Năm mới có hàng ngàn cây mai ở khắp mọi miền xứ Huế góp về. Và dĩ nhiên không thể thiếu vắng những cành mai rừng. Tôi đã gặp lại cảnh cõng mai rừng xuống núi, nhưng tôi chợt nhận ra, không phải là cõng mai “xuống núi” mà là cõng mai “về phố”. Những cành, những thân mai núi khẳng khiu, gầy chắc không còn hiếm hoi giữa bãi đất trống trước cổng trường Quốc Học, nơi vườn mai lớn cạnh Phu Văn Lâu. Và trong “không gian” hoa mai Huế, tôi nhìn thấy có nhiều người đang cõng mai về phố. Họ gùi mai trên lưng, trên xe đạp, chở mai trên xích lô, xe máy… hoặc đang cầm những cành mai rừng trên tay chào mời người săn tìm hoa mai ngày tết dọc các đường Lê Lợi, đường lên Nam Giao, về Đập Đá, qua Gia Hội… và tại vườn mai tết Phu Văn Lâu cứ một năm họp chợ một lần. Có đủ các loại mai được trồng tại các vườn đồi của các ngôi chùa lớn, những vườn mai của các phủ đệ, vườn tư nhân, làng cổ nổi tiếng, những cành mai rừng hoang dã tận các miền A Sầu, A Lưới, rừng Kim Phụng, Bạch Mã… dọc dài trên Trường Sơn.

Được nhìn tận mắt cảnh cõng mai xuống núi, rồi cõng mai về phố, ký ức màu vàng hoa mai trong tôi lay động và bừng thức… Tôi chợt nhớ đến những câu thơ da diết về hoàng mai: “Cuối năm lần lữa trong ký ức/ Khất hẹn mai mốt sẽ về thăm/ Từ độ lưu dân miền đất lạ/ Xuân về chợt thức màu hoàng mai/… Thương lắm vườn mai ngoài xứ Huế/ Sắc vàng mơ suốt thời ấu thơ/ Xôn xao như cỏ đùa với gió/ Hoàng mai, tôi mong gió quay về”. Hoàng mai với tôi đã như một kỷ niệm đẹp lúc xuân về…

TRẦN HỮU LỤC (Tùy bút)
Source: TC-SH

Cuộc sống ở Nhật Bản

Thursday, January 24th, 2013
image
Viết
bài này, tôi không hề có ý định nói về cuộc sống của người Việt Nam nói chung tại Nhật. Tôi chỉ nêu nhận xét chủ
quan của riêng tôi đối với những điều tai nghe mắt thấy tác động trực tiếp đến
cuộc sống của cá nhân và gia đình tôi tại Tokyo.
Vì thế nếu các ý kiến của tôi khiến một số quý vị không đồng tình, mong các quý
vị bỏ qua.

Trước khi tới xứ sở của hoa anh đào, tôi đã sống 18 năm thời niên thiếu của
mình rồi sau này làm việc vài năm tại Việt Nam, 11 năm tại Liên xô cũ, một thời
gian tại châu Âu, và thăm một số trường đại học tại Hoa kỳ. Cuộc sống ở nhiều
nước đã giúp tôi kiểm chứng trong một chừng mực nhất định độ tin cậy của câu
ngạn ngữ tôi thường nghe thời còn là sinh viên tại Nga:

Ba năm
đi Pháp bằng một giáp đi Nga.
Năm năm ở Tây bằng một giây ở Nhật.

Theo tôi, cái “may mắn” lớn nhất của thần dân xứ Phù Tang có lẽ là nước Nhật đã
thua trong Đại chiến thứ Hai. Về mặt tâm lý, thất bại đó khiến người Nhật cảm
thấy nhục nhã, và quyết tâm đưa dân tộc mình vươn lên về mọi mặt để “rửa hận”.
Thất bại đó cũng khiến dân tộc Nhật trở nên khiêm tốn, nhún nhường hơn trong
giao tiếp vì có lẽ họ không có “chiến thắng oanh liệt” nào để họ có thể “vênh
váo” với thế giới, và quá khứ thê thảm của Đệ Nhị Thế Chiến không để lại gì để
họ có thể trở thành “ăn mày dĩ vãng” [1]. Về chính trị, thất bại đó khiến nước
Nhật ngay sau chiến tranh “bị” đặt dưới sự kiểm soát cuả Hoa kỳ. Từ đó Nhật bản
được Hoa kỳ giúp đỡ về mọi mặt và trở thành đồng minh chặt chẽ của Hoa kỳ. Bản
Hiến pháp của Nhật sau Đại chiến thứ Hai là do người Mỹ viết năm 1946 [2]. Đó
là một bản hiến pháp hết sức dân chủ.Người Nhật, từ ông thủ tướng (và gia đình,
họ hàng ông ta) đến cậu học sinh tiểu học, tất cả đều rất tôn trọng pháp luật
và thực hiện đúng Hiến pháp. Đó là điều mấu chốt đưa đến những ưu điểm dưới
đây.

1) Cuộc
sống ở Nhật rất an toàn


image
Hồi
còn đi học, tôi đọc sách thấy nói mô hình của xã hội giàu có thanh bình là thời
vua Nghiêu vua Thuấn bên Tàu, tiền rơi ngoài đường không có ai thèm nhặt. Lúc
đó tôi đã tự hỏi không biết bao giờ và ở đâu mới lại có được một xã hội như
vậy. Nhật bản là câu trả lời khẳng định cho tôi. Ở đây nếu đi tàu mà bạn vô
tình quên túi (trong đó có thể có tiền, máy ảnh, điện thoại di động v.v.) trên
tàu, bạn chỉ cần báo cho nhân viên nhà ga. Sau đó họ sẽ gọi điện nhắn bạn đến
nhận vì thông thường là họ sẽ tìm thấy đồ bạn để quên, do không có ai đụng đến
nó cả. Một lần chúng tôi đi tàu ra sân bay. Sau khi chúng tôi lên tàu rồi,
trong lúc chờ tàu khởi hành, bỗng một nhân viên nhà ga xuất hiện, tay dơ cao
một cái túi và nói to đủ để tất cả hành khách đều nghe thấy: “Cái túi này của
ai đây?”. Vợ tôi giật mình nhận ra đó chính là túi của mình để quên trên ghế
phòng đợi tàu, vội chạy tới nhận, chỉ vài giây trước khi tàu chuyển bánh. Một
lần khác, vợ tôi đi chợ và đánh rơi ví. Trong ví có tiền, giấy căn cước, chìa
khóa nhà, v.v. Hai hôm sau, người gác cửa báo xuống nhận. Người nhặt được ví và
mang đến trả tận nơi là một sinh viên. Con trai tôi có lần đi chơi cũng đánh
rơi ví trong đó có thẻ học sinh và chìa khoá vào nhà. Mấy hôm sau, những thứ
cháu đánh rơi đã được ai đó tìm thấy và gửi đến địa chỉ nhà tôi mà không đề địa
chỉ người gửi. Năm 1999 chúng tôi tổ chức một hội thảo quốc tế tại viện nghiên
cứu vật lý hóa học Nhật bản (gọi tắt là viện RIKEN) – nơi tôi làm việc từ 1995
tới nay. Một nhà vật lý Italia đại biểu hội nghị, trong khi đi chơi ở Tokyo, đã đánh rơi hộ
chiếu của mình. Anh ta hết sức hốt hoảng vì chỉ sau hai ngày anh ta sẽ phải bay
về nước. Chúng tôi nói anh cứ yên trí, gọi điện báo cho Đại sứ quán Italia, rồi
ngồi chờ. Quả nhiên ngày hôm sau, Đại sứ quán Italia gọi điện nói có người đã
nhặt được hộ chiếu của anh và gửi đến Đại sứ quán, anh chỉ việc đến nhận lại hộ
chiếu. Anh ta thốt lên: “Thật là không thể tin được!”. Anh đã lên đường về nước
đúng như lịch trình.


image


Mặc dù đôi khi đọc báo hay xem TV tôi cũng thấy tin nói về các vụ kẻ trộm đột
nhập nhà ở, kẻ cướp cướp nhà băng, kẻ cắp móc túi người say rượu trên các
chuyến tàu vắng khách về khuya, nhưng tôi chưa hề bị hoặc chứng kiến bất cứ một
vụ ăn cắp vặt nào ở nơi công cộng tại Nhật, kể cả trên những chuyến tàu chật
cứng người vào giờ đi làm sáng sớm. Mới đến Nhật người ta có thể lấy làm lạ là
mọi người ra đường để đồ đạc của mình rất hớ hênh: ví tiền bỏ túi sau không
cài, nhô cả ra ngoài, điện thoại di động nhét túi sau với cả một đám dây trang
trí như mời gọi kẻ móc túi, vào tiệm ăn thì vứt túi lên ghế rồi bỏ đấy đi nhà
vệ sinh, mà không hề sợ là túi sẽ “bốc hơi” lúc mình vắng mặt. Sau khi đã sống
ở Nhật một thời gian, người ta hiểu rằng sẽ không có chuyện gì xảy ra với những
“sơ ý” đó, vì xã hội ở đây rất an toàn. Hầu như không có ai động đến sở hữu của
người khác. Đi chơi ban đêm mà bị trấn lột là chuyện khó xảy ra ở Tokyo.


image


Người Nhật không ồn ào, không nói chuyện oang oang hoặc gọi nhau í ới ngoài
phố, và tất nhiên là tôn trọng luật đi đường. Nếu họ chẳng may đụng phải nhau,
thì cả hai cùng cúi xuống xin lỗi nhau với một thái độ thực sự thành khẩn. Xe
cộ rất nhiều nhưng hầu như không nghe thấy tiếng còi xe hơi. Nếu xe hơi hay xe
máy quệt phải nhau thi họ cũng từ tốn giàn xếp hoặc chờ cảnh sát tới. Tôi có
lần chứng kiến một xe hơi đi từ hẻm ra đường lớn, chẳng may đụng phải một thanh
niên đang phóng xe máy phân khối lớn. May thay anh ta không việc gì, vì nhảy
vọt được ra khỏi xe, như trong phim Holywood vậy. Chỉ có xe máy là bẹp. Người
lái xe hơi chắc chắn là sai. Ngay cả khi đó, anh thanh niên, trông rất “ngầu”,
cũng không hề to tiếng. Cả hai bên để nguyên hiện trường chờ cảnh sát tới giải
quyết.

2) Quan
chức hành chính và cảnh sát thực sự là các đầy tớ của nhân dân


image
Điều
15 trong Hiến pháp của Nhật quy định “tất cả các quan chức và nhân viên hành
chính là đầy tớ của toàn thể cộng đồng” [2].  Bộ máy hành chính của Nhật
cũng khá cồng kềnh, và mọi việc giấy tờ không phải khi nào cũng nhanh. Tuy
nhiên, những quan chức và nhân viên hành chính bao giờ cũng cố gắng giải quyết
công việc một cách tốt nhất cho dân, với một thái độ rất lịch sự, niềm nở, kể
cả khi “dân” là một cậu bé kém họ hai ba chục tuổi. Nếu không giải quyết được
ngay ngày hôm đó, thì họ bao giờ cũng hẹn chính xác ngày có  kết quả, và
không bao giờ sai hẹn. Họ hiểu rất rõ là họ làm việc để phục vụ nhân dân. Lương
của họ là do dân đóng thuế mà có. Bất cứ người dân nào cũng có thể phát đơn
kiện nếu họ phục vụ kém, và họ sẽ bị thải hồi ngay. Bất lịch sự, cửa quyền, sai
hẹn, chứ chưa nói “ăn hối lộ”, là điều xa lạ đối với hệ thống hành chính cơ sở
ở đây. Không bao giờ có hiện tượng nhân viên hành chính lại dám “lên lớp” cho
người dân.

Con trai tôi có lần thốt lên: “Công an ở Nhật hiền thật, bố nhỉ!”. Đấy là sau
cái lần cháu đi chơi đánh mất chìa khoá xe đạp. Vì lúc đó đã muộn, các hiệu
chữa xe đạp đã nghỉ, nên cháu phải bê xe đến đồn cảnh sát gần đấy cầu cứu các
chú cảnh sát. Họ phải dùng kìm cộng lực cắt khóa để cháu đạp xe về nhà. Nói
chung, tôi chưa gặp trường hợp nào cảnh sát giao thông chặn người xét hỏi vô cớ
giữa đường, huống hồ là hành hung người dân. Họ luôn từ tốn, lịch sự chỉ đường
kỹ càng khi được hỏi, vì các đồn cảnh sát thông thường là nơi người đi đường
vào hỏi đường. Họ có đầy đủ bản đồ chi tiết của khu vực họ. Chuyện cảnh sát tìm
cách chặn xe để phạt tiền là chuyện không có ở Nhật. Người lái xe bị phạt nếu
họ thật sự phạm luật, gây tai nạn, v.v. Cảnh sát Nhật không được phép dùng vũ
khí nóng (như súng) để uy hiếp dân chúng. Trong những cuộc dẹp rối loạn trật tự
công cộng, họ chỉ được dùng quá lắm là gậy bằng gỗ.

3) Khách
hàng thực sự là vua


image

Nhật người bán hàng hết sức lễ phép và thực sự chiều chuộng khách hàng, cho dù
khách hàng chỉ xem, không mua gì, hoặc giá trị của thứ mua chỉ vài trăm yên
(vài USD). Không bao giờ người bán hàng nhận xét, bình phẩm về sự lựa chọn của
khách hàng. Sau khi khách hàng mua, trả tiền xong, họ đều gói ghém hết sức cẩn
thận trước khi trao hàng cho khách, sau đó chắp hai tay trước bụng cúi chào
cung kính, mắt nhìn xuống. Nếu những người bán hàng đó đi mua hàng (đi chợ
chẳng hạn), họ cũng là khách hàng như bạn và cũng được những người bán hàng
khác phục vụ tử tế như vậy.

Ít lâu sau khi tôi vừa đến Nhật, một lần tôi ghé hiệu Yamano Music – một hiệu
bán nhạc cụ nổi tiếng ở khu Ginza – Tokyo.
Tại hiệu này có bán các đàn đại dương cầm Yamaha, Steinway, Bechstein giá hàng
trăm ngàn US dollars. Nhưng thứ mà tôi mua chỉ là một miếng dạ đỏ để phủ phím
đàn piano. Giá miếng dạ đó là 600 yen (khoảng 6 USD). Tôi gọi người bán hàng.
Ông ta dạ ran chạy đến. Tôi lại không có tiền lẻ, nên tôi đưa ông ta 10,000 yen
(khoảng 100 USD). Ông ta cúi người, hai tay đỡ lấy tờ tiền, nói: “Xin quý khách
đợi cho một lát”, sau đó chạy nhanh vào phía trong. Một khoảnh khắc sau, ông ta
quay lại, hai tay cầm một cái đĩa sứ nhỏ trên để miếng dạ đã được gói cẩn thận,
hóa đơn thanh toán, tiền thừa. Rồi ông ta lại cung kính cúi mình hai tay nâng
cái đĩa lên ngang mặt để tôi dễ lấy. Sau đó, ông ta lại cúi rạp xuống một lần
nữa, miệng nói to: “Xin cảm tạ quý khách!”

image



Rất ấn tượng về điều này, tôi kể chuyện đó với một giáo sư Nhật. Ông ta nói:
“Đấy là tiêu chuẩn phục vụ thông thường ở đây, nhất là tại các cửa hàng nổi
tiếng như Yamano Music. Anh trả tiền và anh có quyền được hưởng sự phục vụ tốt
nhất”. Sau này tôi thấy đó là trình độ phục vụ rất chuyên nghiệp của xã hội
Nhật bản, vượt xa tất cả các nước khác mà tôi đã đến (là Việt Nam quê hương
tôi, Trung Hoa, Nga Xô, Ấn độ, Pháp, Đức, Hà Lan, Italia, Hy lạp, Tây Ban Nha,
và Hoa kỳ).

Miếng dạ là thứ nhỏ. Bây giờ tôi kể đến thứ to hơn một chút. Cách đây vài năm
tôi mua một cái đàn đại dương cầm (grand piano) ghép kỹ thuật số gọi là
GranTouch cuả hãng Yamaha, giá ngót nghét 6,000 USD (kể cả ghế ngồi). Sau khi
đàn được vận chuyển đến nhà, tôi chơi vài hôm và phát hiện ra một trục trặc nhỏ
là khi chơi một hợp âm nhiều nốt, độ vang của một hai nốt thỉnh thoảng bị cắt
sớm hơn các nốt khác. Tôi gọi điện phàn nàn với cửa hàng. Sau vài hôm, hãng
Yamaha cử chuyên gia tới nhà tôi dùng máy để kiểm tra, vì hiện tượng này rất
khó phát hiện, và không phải lúc nào cũng xảy ra. Sau khi xác nhận là có trục
trặc thật, họ vận chuyển một cái đàn khác, cũng mới tinh đến, để cạnh cái đàn
kia để tôi chơi cả hai để so sánh. Sau một hồi đắn đo, tôi đã chọn cái đàn họ mới
mang đến. Họ lại vui vẻ đem cái đàn kia đi. Mỗi lần vận chuyển như vậy xe cần
trục phải trục cả cái đàn to tướng lơ lửng qua bao-lơn nhà (balcony). Một tốp
gồm ba người đàn ông lực lưỡng, và một chuyên gia kỹ thuật cùng làm việc. Tôi
không phải trả thêm bất cứ một yen nào. Thấy họ lao động vất vả, tôi mời họ
uống nước giải khát. Họ lễ phép từ chối với lý do là họ đang làm công vụ.

Vợ tôi luôn cảm kích mỗi khi nhớ lại lần phải nằm bệnh viện nhà nuớc (công) ở
Nhật. Tất cả mọi người – từ bác sỹ, y tá, hộ lý, đến nhân viên phục vụ, quét
dọn – đều rất lịch sự, dịu dàng, quan tâm chăm sóc như thể cả bệnh viện chỉ có
mỗi một mình vợ tôi là bệnh nhân vậy, khiến vợ tôi nói: “Mình thật sự cảm thấy
mình là một con người với ý nghĩa đầy đủ của nó.” Máy móc ở bệnh viện đều rất
tối tân. Phần lớn các bác sỹ nói được tiếng Anh. Một số bác sỹ trẻ nói tiếng
Anh giỏi. Mấy người bạn Việt Nam
khác ở đây, từng vào bệnh viện Nhật, cũng đồng ý với chúng tôi như vậy. Đến khi
vợ tôi kể chuyện này với một người bạn Nhật, bà này chẳng tỏ vẻ gì là ngạc
nhiên cả. Bà ta cho điều đó là tất nhiên. Bà ta bảo: “Người bệnh là người ốm
yếu, đầy lo lắng ưu tư, nên bác sỹ, y tá phải có nhiệm vụ làm dịu đi sự băn
khoăn đó”. Nghe nói bệnh viện tư nhân phục vụ còn tốt hơn thế.

image



Chuyện phục vụ tốt trên mặt đất ở Nhật kể không hết. Phục vụ trên trời cũng
“siêu” không kém. Ai đã bay Japan Air Lines (JAL) có thể dễ dàng nhận thấy điều
đó. Các cô chiêu đãi viên của Nhật bao giờ cũng hết sức nhã nhặn, lịch sự, nói
như rót mật vào tai. Có lần tôi đang ngồi trên một chuyến bay của JAL từ Tokyo sang châu Âu, thì
một con muỗi từ đâu đó xuất hiện vo ve trước mặt tôi. Tôi đành vỗ hai bàn tay
đập chết con muỗi. Ngay lúc đó một cô chiêu đãi viên xinh đẹp tình cờ đi ngang
qua nhìn thấy. Cô ta lập tức cúi xuống, miệng mỉm cười, bàn tay trắng muốt xòe
ra để … đỡ lấy cái xác con muỗi đem vứt đi.

4) Không
ai xâm phạm quyền tự do biểu hiện


image
Điều
21 trong Hiến pháp cuả Nhật [2] đảm bảo hoàn toàn không có bất cứ một sự kiểm
duyệt nào đối với quyền tự do biểu hiện của mỗi người dân. Vì vậy, ở Nhật không
có bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân nào có quyền bắt bạn cắt xén sáng tạo của bạn,
hoặc ngăn cấm bạn triển lãm hoặc in ấn tác phẩm của mình vì những gì bạn viết
hoặc vẽ ra trong tác phẩm của bạn. Nếu có tranh chấp liên quan xảy ra, thì cả
hai phía: phía muốn kiểm duyệt và phía tác giả hoặc nhà xuất bản đều bình đẳng
trước pháp luật, tức là đều có quyền mời luật sư và giải quyết tranh chấp tại
tòa án (Như vụ con gái một chính khách kiện một nhà xuất bản đã đăng vụ ly dị của
cô ta lên báo gần đây). Tiêu chuẩn duy nhất để một bức tranh được treo tại
triển lãm tập thể của một hội mỹ thuật nào đó, tại một địa điểm công cộng nào
đó như bảo tàng mỹ thuật, gallery, v.v. là nghệ thuật thuần tuý, và chỉ có nghệ
thuật mà thôi. Tranh đẹp thì được treo. Tranh xấu (hoặc không đẹp bằng) thì bị
loại. Tất nhiên đẹp hay xấu còn tuỳ thuộc vào thẩm mỹ của hội đồng nghệ thuật.
Vì thế để giảm tối thiểu sự thiên vị của một vài “ủy viên hội đồng nghệ thuật”,
các hội mỹ thuật ở Nhật thường mời tất cả các hội viên (vài trăm người) cùng
họp để chọn tranh, bằng cách dơ tay biểu quyết. Tranh nào được nhiều hội viên
chọn thì được treo.

5) Hệ
thống văn hoá giáo dục và các viện nghiên cứu:


image
Nhật
bản là nước có tỷ lệ người biết đọc biết viết cao nhất thế giới, tới 99% dân
số. Người Nhật kể cả tầng lớp lao động ít học cũng hành xử rất có văn hóa. Mọi
người nói năng rất lịch sự. Không thấy ai nói tục chửi bậy ở nơi công cộng.
Trên các phương tiện giao thông công cộng, ngoài phố, rất khó phân biệt người
giàu người nghèo, vì ai nấy đều ăn mặc đẹp đẽ, lịch sự như nhau, tuy là không
ai giống ai. Những người làm cho các công ty thường mặc “com-lê” đeo “cà-vạt”.
Giới trẻ ăn mặc hiện đại, lố lăng hơn, nhưng không hề có ai dám tỏ ý phê bình,
chê bai, chứ chưa nói là cấm đoán, dù là với bất cứ lý do gì kể cả “thuần phong
mỹ tục”. Ai cũng hiểu đó là quyền tự do cá nhân được hiến pháp tôn trọng tuyệt
đối. Một số ít trường không cho phép học sinh trung học nhuộm tóc. Nhiều trường
khác không hề ngăn cấm.  Có lần một thày giáo bị bố mẹ một học sinh kiện
vì đã bắt con của họ gội sạch mái tóc nhuộm, vì như vậy là vi phạm tự do thân
thể của học sinh. Trừ một số người “vô gia cư” (homeless) sống thường trực tại
công viên Ueno ở trung tâm Tokyo,
ngoài phố hầu như không gặp người rách rưới hoặc người ăn xin. Trong quan hệ
giao tiếp, người Nhật thường rất nhún nhường, ít khi nói về mình, về gia đình
con cái mình. Đặc biệt họ không bao giờ khoe khoang, nhất là khoe giàu, khoe
giỏi hơn người khác, vì họ tránh hết sức lòng ghen tị [3]. Họ đánh giá cao tình
hữu nghị lâu dài. Sau khi họ đã tin tưởng bạn, họ giúp đỡ bạn vô điều kiện.


image



Nói chung học sinh Nhật rất tôn trọng thầy cô giáo và các học sinh lớp trên. Hệ
thống tiểu học của Nhật khá nhẹ nhàng, học như chơi. Lên trung học thì bắt đầu
căng hơn vì phải học để thi vào các trường cao học (cấp 3) tốt thì mới có cơ
may thi được vào các trường đại học tốt. Tốt nghiệp các trường đại học danh
tiếng (như ĐHTH Tokyo,
ĐHTH Waseda, v.v.) thì khả năng tìm được việc làm ở các công ty tốt sẽ lớn hơn.
Vì thế học sinh Nhật cũng “học thêm” ở các trung tâm luyện thi bên ngoài. Nhưng
những thầy dạy ở các trung tâm “học thêm” đó tuyệt đối không được dạy tại các
trường học chính quy. Hoàn toàn không có việc một thầy (cô) giáo sáng dạy chính
khóa, chiều lại dạy “thêm” cho chính học sinh lớp mình. Giáo giới được xã hội
rất tôn trọng, và được trả lương khá cao, tăng lương định kỳ, và được tiền
thưởng hàng năm bằng 5 tháng lương. Lương một giáo viên độc thân 23 – 24 tuổi
mới vào nghề là khoảng 3 triệu yen (27 ngàn USD) mỗi năm. Một giáo viên 40 tuổi
có một vợ và 2 con hưởng lương khoảng 5.5 triệu yen (50 ngàn USD) mỗi năm,
tương đương lương phó giáo sư đại học (không quá 35 tuổi) khoảng 5 triệu yên
(45 ngàn USD) mỗi năm [4].

Sách vở, thiết bị phục vụ cho việc học ở Nhật rất đẹp, hiện đại và đầy đủ. Lớp
học thường được trang bị các phương tiện nghe nhìn như TV, video, v.v. Đặc biệt
các môn ngoại khóa rất đa dạng. Tất cả học sinh từ trung học trở lên đều tham
gia hoạt động ngoại khóa tại các câu lạc bộ khác nhau (âm nhạc, hội họa, thể
thao: bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, bóng chầy, tennis, badminton, bơi, judo,
karate, aikido, kiếm thuật, bắn cung, v.v.). Tất cả đều được trang bị rất
chuyên nghiệp và luyện tập hàng ngày (Người Nhật đã làm gì thì thích làm rất “chuyên
nghiệp”, ít nhất là về trang bị dụng cụ.).

image



Khá nhiều trẻ con Nhật được bố mẹ cho học nhạc, tuy không phải tất cả theo được
đến cùng. Nhiều gia đình có đàn piano đứng (upright piano), thậm chí đàn grand
piano (đại dương cầm). Hãng Yamaha có một mạng lưới dạy âm nhạc trên toàn nước
Nhật. Các cô giáo đều tốt nghiệp đại học âm nhạc, tài nghệ cao, trình độ sư
phạm rất giỏi, và không bao giờ quát mắng học trò. Một cô giáo piano, khi giảng
cho học sinh phải chơi không rung cổ tay, đã để một cục tẩy lên cổ tay mình rồi
chạy ngón mà cục tẩy vẫn nằm trên cổ tay cô, không rơi xuống đất (!) Học sinh
học piano đến giờ lên lớp bao giờ cũng được chơi đại dương cầm Yamaha. Nhiều
người khi vào đại học đã học 10 -12 năm piano, sau đó lại tiếp tục học thêm,
tuy không trở thành nhạc sỹ chuyên nghiệp. Vì thế trình độ âm nhạc nghiệp dư
của người Nhật khá cao. Các kinh điển của các nhà soạn nhạc cổ điển như Bach,
Mozart, Beethoven, Mendelssohn, Chopin, Listz, các nhạc sỹ nghiệp dư này đều
chơi như “cháo” cả. Ở Tokyo
có nhiều phòng hoà nhạc cho các nhạc sỹ nghiệp dư biểu diễn không mất tiền,
hoặc phải trả rất ít tiền, nhưng nhạc cụ bao giờ cũng là hạng đầu bảng như
Steinway hoặc Yamaha concert grand piano. Tất nhiên, không phải xin phép bất cứ
một cơ quan văn hoá nào để trình diễn ca nhạc. Mọi việc đều do ca sĩ, nhạc công
và chủ phòng hòa nhạc quyết định.

Các viện nghiên cứu quốc gia lớn của Nhật thường giầu có hơn các trường đại
học. Ví dụ là viện RIKEN đã nói ở trên. Đây là một viện nghiên cứu hàng đầu
trên thế giới. Viện này có khoảng 5,500 người làm việc, trong đó chỉ có
khoảng 700 nhân viên hành chính phục vụ các nhà nghiên cứu. Viện có 5 cơ sở
đóng tại Wako (ngoại ô Tokyo), Tsukuba, Harima, Yokohama, và Kobe.
Kinh phí nghiên cứu của viện hàng năm, chủ yếu do Nhà nước cấp, vào khoảng 80 –
85 tỷ yên (ngót ngét 800 triệu USD), tức là trung bình chi phí cho mỗi đầu
người làm việc tại RIKEN là khoảng 150 ngàn USD mỗi năm [5].

Khối cán bộ hành chính của RIKEN làm việc đúng như “các đầy tớ của các nhà khoa
học”. Ở đây không hề có chuyện phòng “Tổ chức cán bộ” hay vụ “Hợp tác quốc tế”
“tác oai” các cán bộ nghiên cứu. Các nữ thư ký đều hiểu rất rõ vị trí và chức
năng của mình. Một số người trong số họ cũng đã từng tu nghiệp ở Anh, Hoa Kỳ,
nói tiếng Anh như người Anh người Mỹ. Họ luôn luôn niềm nở, rất lịch sự, khiêm
tốn, và rất thành thạo trong công việc của mình. Mỗi lần tôi đi công tác nước
ngoài (dự hội nghị quốc tế, hợp tác nghiên cứu), bất kể đó là Hoa kỳ, châu Âu,
Trung quốc, hay Việt Nam v.v., tôi chỉ phải làm hai động tác. Đầu tiên là thông
báo cho giám đốc của laboratory của tôi. Sau khi giám đốc đồng ý (thường là
bằng miệng), tôi phải điền vào một trang A4 in sẵn hành trình, thời gian công
tác của tôi, kèm theo một dự báo giá vé máy bay của hãng du lịch. Tất cả mọi
việc còn lại là công việc của cô thư ký và bộ phận tài chính của viện. Họ sẽ
tính tiền công tác phí chi cho tôi (gồm chi phí ăn, ở, đi lại) cộng với tiền vé
máy bay. Sau đó toàn bộ số tiền đó sẽ được viện tự động chuyển tới tài khoản cá
nhân của tôi tại ngân hàng, trước khi tôi đi công tác. Sau khi đi công tác về,
nếu có những khoản chi tiêu khác liên quan tới công việc, viện sẽ thanh toán
nốt theo biên lai. Trong 9 năm trời làm việc ở RIKEN tôi chưa bao giờ thấy họ
chậm trễ trong việc chi trả đó. RIKEN quan niệm rằng việc một cán bộ khoa học
của RIKEN được mời dự hội nghị quốc tế, hoặc hợp tác quốc tế, là một cơ hội để
phát triển khoa học nói chung, đồng thời đem lại lợi ích, danh giá cho RIKEN
nói riêng trong cộng đồng quốc tế. Quà cáp biếu xén sau khi đi công tác về là
điều “bất ngờ”, không chờ đợi, và không phải thông lệ ở đây, ngoại trừ đó là ý
thích của cá nhân người đi công tác. Và cũng không phải vì thế mà người đó được
đối xử tốt hơn hoặc tồi hơn so với người khác.

Một xã hội cho dù có văn minh đến đâu cũng có cả mặt tốt lẫn mặt xấu. Bài này
chỉ liệt kê một số mặt tốt của xã hội Nhật bản.

image



Một anh bạn Việt Nam
mới sang Nhật cùng vợ và con trai học lớp 1. Tôi hỏi cháu: “Cháu thấy trường
Nhật khác với trường Việt Nam
thế nào?” Cháu trả lời: “Ở trường Nhật cháu cảm thấy được nói năng tự do thoải
mái.” Tôi nhớ lại câu chuyện không lấy gì làm vui của chính con trai mình. Cháu
nói với tôi là cháu đã nói dối lần đầu tiên khi cháu học lớp 1 ở Hà Nội. Hôm đó
cô giáo quát: “Ai quên mang lọ mực để tay lên bàn”. Các bạn để tay lên bàn đều
lãnh một vụt thước kẻ của cô vào tay rất đau. Con tôi cũng quên mực, nhưng
không muốn ăn vụt, nên cháu đã nói dối: “Thưa cô, sáng nay lúc em chuẩn bị lọ
mực đi học, mẹ em đã đánh đổ mất!”. Cháu được cô tha. Dạy dỗ dựa trên sự sợ hãi
không cảm hóa được con người mà chỉ làm con người trở nên dối trá, thủ đoạn.

Không thể xây dựng một xã hội tự do, văn minh, hạnh phúc dựa trên sự sợ hãi của
người dân. Có lẽ người Nhật hiểu rất rõ điều đó khi xây dựng xã hội của họ.

Nguyễn
an Hùng

Tokyo, 12 tháng 8 năm 2004 


(thêm
trích dẫn  [3] ngày 17/8/2004)
Trích dẫn:

[1] Theo tên một tiểu thuyết của nhà văn Chu Lai

[2] Xem “The Consitution of Japan” tạihttp://www.shugiin.go.jp/itdb_english.nsf/html/kenpou/english/constitution.htm

[3] Nước Nhật có khoảng 127 triệu dân. Bình quân thu nhập đầu người khoảng 27
ngàn USD. Theo tác giả Tomoko Otake (Japan Times, 17/8/2004), số triệu phú tiền
USD ở Nhật là 1 triệu 312 ngàn người, chiếm 1% dân số. Phần lớn các nhà triệu
phú Nhật nằm trong năm loại người: các nhà kinh doanh, các nhà chuyên môn (như
bác sỹ, luật sư, lực sỹ,…), các giám đốc công ty, những người thừa kế gia tài,
và các văn nghệ sỹ (như các nhạc sỹ và các nhà văn). Các nhà triệu phú Nhật chi
tiêu ít hơn nhiều so với thu nhập của họ. Phần lớn họ sống rất giản dị và tiết
kiệm.

[4] Theo Japanese Education System – The Teaching Profession tạihttp://members.tripod.com/h_javora/jed4.htm

[5] Theo RIKEN: Personel/Budget tại http://www.riken.jp/engn/r-world/riken/personnel/


TÌM
HIỂU VĂN HOÁ NGƯỜI NHẬT
Ông
Shinzo Abe vừa thăm chính thức tới Việt Nam và các nước châu Á, lần công du
nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức Thủ tướng Nhật.
Cúi
nhưng không thấp
Người
Nhật có thói quen gập hơn nửa người cúi chào khách. Từ ông chủ tịch, tổng giám
đốc của tập đoàn thực phẩm lớn như Acecook (Oaska) cho đến cô bé bán kem ở Lake
Hill Farm (Jozankei) đều nhiệt thành ra tận xe, vẫy chào tạm biệt khách cho đến
xe đi khuất hẳn.

image
Cái
nghiêng mình quen thuộc khi người Nhật chào khách

đất nước mặt trời mọc, hình ảnh nghiêng gập người cúi chào thể hiện cả một nền
văn hóa Nhật Bản: Cúi nhưng không hạ mình . Sự nhún nhường chỉ làm tăng thêm sự
nể trọng của người đối diện. 
Trên
các chuyến bay của hãng hàng không Japan Airlines, nụ cười luôn nở trên môi các
tiếp viên. . Họ sẵn sàng ngồi, chính xác là “quỳ xuống”, giúp khách
sửa tư thế của đôi chân tê mỏi.
Họ
niềm nở, vui vẻ tiếp nhận yêu cầu của hành khách khó tính nhất. Không phải phẩm
 chất  máy bay khiến hành khách hài lòng mà chính cách phục  vụ
của tiếp viên khiến mọi người nghĩ tốt về người Nhật. Chỉ vài phút khởi
hành trễ, toàn bộ nhân viên phục vụ mặt đất và tiếp viên, phi công dàn thành
hàng ngang, cúi  rạp người xin lỗi khách.
Họ
thật sự đã thành công khi để lại ấn tượng sâu sắc về một nước Nhật vô cùng hiếu
khách và  nghệ thuật giao tiếp của họ tuyệt vời.

image
Trung
thực

Nhật, bạn khó có cơ hội bắt taxi để đi một cuốc đường dài. Vì sao? Các tài
xế sẽ tự chở bạn thẳng đến nhà ga tàu điện ngầm, kèm lời hướng dẫn “Hãy đi tàu
điện ngầm cho rẻ”.
Sự
trung thực của người Nhật, in đậm nét ở những

image
“mini
shop không người bán” tại
Osaka.
Nhiều vùng ở Nhật không có nông dân. Ban ngày họ vẫn đến công sở, ngoài
giờ làm họ trồng trọt thêm. Sau khi thu hoạch, họ đóng gói sản phẩm, dán giá và
để thùng tiền bên cạnh. Người mua cứ theo giá niêm yết mà tự bỏ tiền vào thùng.
Cuối ngày, trên đường đi làm về, họ ghé đem thùng tiền về nhà. Nhẹ nhàng và đơn
giản.

image
Các
con đường mua sắm, các đại siêu thị ở Hokkaido,
Sapporo hay Osaka… cũng không nơi nào bạn phải gửi
giỏ/túi xách.  Quầy thanh toán cũng không đặt ngay cổng ra vào.  Người
Nhật tự hào khẳng định động từ “ăn cắp vặt” gần như đã biến mất trong
từ điển.
Nếu
bạn đến Nhật, toàn bộ các cửa hàng sẽ tự động trừ thuế, giảm 5 – 10% khi biết
bạn là khách nước ngoài.
“No
noise” – không ồn
Nguyên
tắc không gây tiếng ồn được áp dụng triệt để tại Nhật. Tất cả hight
ways đều phải xây dựng hàng rào cách âm, để nhà dân không bị ảnh hưởng bởi
xe lưu thông trên đường. Osaka
bỏ ra 18 tỷ USD xây hẳn 1 hòn đảo nhân tạo để làm phi trường  rộng
hơn 500ha ngay trên biển. Lý do đơn giản chỉ vì “người dân không chịu nổi
tiếng ồn khi máy bay lên xuống”.

image
Phi
trường  quốc tế Kansai được xây dựng trên hòn đảo nhân tạo, cách xa khu
dân cư

Tại các cửa hàng mua sắm, dù đang vào mùa quảng cáo, cũng không một cửa
hàng nào được đặt máy phát ra tiếng. Tuyệt đối không được bật nhạc làm ồn sang
cửa hàng bên cạnh. Muốn quảng cáo và thu hút thì cách duy nhất là thuê một nhân
viên dùng loa tay, quảng cáo với từng khách.


Nhân
bản

image

sao trên những cánh đồng ở Nhật luôn còn một góc nguyên, không thu hoạch? Không
ai bảo ai, những nông dân Nhật không bao giờ gặt hái toàn bộ nông sản mà họ
luôn “để phần” 5-10% sản lượng cho các loài chim, thú trong tự
nhiên.

Bình
đẳng
Mọi
đứa trẻ đều được dạy về sự bình đẳng.
Để
không có tình trạng phân biệt giàu nghèo ngay từ nhỏ, mọi trẻ em đều được khuyến
khích đi bộ đến trường. Nếu nhà xa thì xe đưa đón của trường là chọn lựa duy
nhất. Các trường không chấp nhận cho phụ huynh đưa con đến lớp bằng 
xe hơi.

image
Bình
đẳng là điều đầu tiên các em học được ở trường
Việc
mặc đồng phục vest đen từ người quét đường đến tất cả nhân viên, công chức cho
thấy một nước Nhật không khoảng cách. Những ngày tuyết phủ trắng nước Nhật, từ
trên cao nhìn xuống, những công dân Nhật như những chấm đen nhỏ di chuyển nhanh
trên đường. Tất cả họ là một nước Nhật chung ý chí, chung tinh thần lao động.
Văn
hóa xếp hàng thấm đẫm vào nếp sinh hoạt hàng ngày của người Nhật. Không có bất
cứ sự ưu tiên nào . Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu một ngày bạn thấy người xếp
hàng ngay sau lưng mình chính là Thủ tướng.

Ở Nhật, nội trợ là một nghề. Hàng tháng chính phủ tự trích lương của
chồng đóng thuế cho vợ. Do đó, người phụ nữ ở nhà làm nội trợ nhưng vẫn được
hưởng các chế độ y như một người đi làm. Về già, vẫn hưởng đầy đủ lương hưu.


image
Độc
đáo hơn nữa là nhiều công ty áp dụng chính sách, lương của chồng sẽ vào
thẳng tài khoản của vợ. Vai trò của người phụ nữ trong gia đình vì thế luôn
được đề cao, tôn trọng.
***
Ở đất
nước mặt trời mọc, mọi người  hiểu sâu sắc lý do khiến nước Nhật tan
hoang sau chiến tranh thứ 2, bật dậy mạnh mẽ trở thành cường quốc khiến cả thế
giới phải nghiêng mình.

Trung Quốc chuẩn bị chiến tranh?

Tuesday, January 15th, 2013

Trung Quốc chuẩn bị chiến tranh?
Quân đội Trung Quốc kêu gọi nâng cao tính chiến đấu
Nhật báo Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc (PLA) cho hay Bộ Tổng tham mưu quân đội nước này muốn tổ chức thêm nhiều cuộc tập trận, đồng thời kêu gọi các tướng lĩnh và binh sỹ sẵn sàng cho khả năng xảy ra chiến tranh trong năm 2013.
Trong một chỉ thị về tập huấn quân sự năm 2013, Bộ tổng tham mưu nói PLA quyết tâm nâng cao tính chiến đấu bằng cách tổ chức nhiều cuộc tập trận giống như thật trên thao trường.
Lý do để quân đội kêu gọi chuẩn bị tinh thần chiến đấu là do căng thẳng đang gia tăng giữa Trung Quốc và Nhật Bản tại Biển Hoa Đông. Tuy nhiên, một số bình luận viên cho rằng đây chỉ là những lời lẽ tuyên truyền.
Nhật báo của PLA dẫn chỉ thị của Bộ Tổng tham mưu nói rằng: “Năm 2013, mục tiêu đặt ra cho toàn quân đội cũng như lực lượng quân cảnh là nâng cao khả năng tác chiến và chiến thắng…”
Chỉ thị năm nay được xem là trái ngược với chỉ thị năm ngoái, vốn chú trọng các hoạt động tập trận chung và phối hợp giữa các đơn vị khác nhau của quân đội.
Giới quan sát chú ý tới hai từ “đánh trận”, được nhắc đi nhắc lại tới 10 lần trong bản chỉ thị chỉ dài chưa đầy 1.000 từ. Cụm từ này không xuất hiện trong chỉ thị năm 2012.
Cũng có nhận định rằng sở dĩ có sự chuyển dịch trong chính sách quân sự của Trung Quốc là vì ông Tập Cận Bình vừa lên thay ông Hồ Cẩm Đào làm chủ tịch Quân ủy Trung ương.
Cần phải nhắc tới một sự thực là không chỉ Trung Quốc, mà Nhật Bản cũng ráo riết thực hiện các cuộc tập trận. Mới nhất, hôm Chủ nhật 13/1, lực lượng phòng vệ Nhật Bản tổ chức diễn tập quy mô lớn với sự tham gia của 20 chiến đấu cơ, 300 lính và 33 chiến xa tại thao trường Narashino.

Cách cạo gió đúng cho từng loại bệnh

Thursday, January 10th, 2013

Cạo gió thích hợp với những người cảm mạo thông thường và cảm mạo dịch (còn gọi là cảm cúm, bệnh cúm) và một số trường hợp bị đau nhức.
Cạo gió là phương pháp sử dụng bờ của những vật có cạnh hình cung tròn nhẵn như muỗng nhôm, rìa đồng tiền kim loại, miệng chén, rìa bát, đĩa sứ, lược, nhẫn bạc, sừng trâu… tác động lên các vị trí thích hợp khác nhau trên cơ thể nhằm phòng và chữa trị bệnh tật.
Cạo gió phải đúng cách.
Khi bị bệnh các huyệt đạo của cơ thể bị bế tắc, bề mặt da cũng bế tắc một phần nên không thể thải độc tố trong cơ thể ra ngoài. Cạo gió sẽ giúp khí huyết, huyệt đạo và kinh lạc lưu thông, giúp bề mặt da thông thoáng để thải độc tố.
Tuy nhiên, mỗi loại bệnh có một cách cạo gió khác nhau, không phải bệnh nào cũng có thể lạm dụng phương pháp cạo gió.
Cạo gió đúng cách là tác động đúng lên các huyệt nằm trên đường Kinh Bàng Quang, giúp sự lưu thông, vận hành của khí huyết trở nên tốt hơn, nâng cao thể trạng bệnh nhân, giúp bệnh nhân tự đề kháng, khỏi bệnh.
Cách cạo gió cho các loại bệnh

1. Sốt nóng nhức đầu: Cạo 2 bên đường gân dưới cổ (ngay bên dưới ót) tạo thành 2 đường chéo ở 2 bên vai, theo chiều từ cổ đến vai và từ đốt xương sống lưng số 2,3 ra 2 bên vai.

2. Ho: Cạo gió phía sau lưng, giữa sống lưng và trước ngực theo đường thẳng giữa ngực.

3. Đau bụng, nôn ọe, đi ngoài: Cạo giữa sống lưng và 2 bên mạng sườn từ trên xuống. Cạo trước ngực, từ lõm cổ xuống, rồi từ cánh tay đến các đầu ngón tay. Sau đó, cạo từ mặt ngoài chân xuống đến mu bàn chân, sau gáy đến mặt sau cánh tay, lưng đến chân rồi bàn chân.

4. Đau nhức: Tay chân nhức mỏi hay đau nhức chỗ nào thì cạo ngay chỗ ấy. Tại điểm đau nhức, cạo 2 bên theo đường tuyến từ trên xuống.

5. Bị trúng gió, cảm nắng: Cạo gió sau lưng (giữa lưng và 2 bên), bắt gió ở trước trán (chỗ ấn đường), chà xát 2 bên Thái Dương (mang tai). Nếu bị ngất thì lấy móng tay ấn mạnh tại huyệt nhân trung cho tỉnh lại. Nếu phát sốt, lấy kim châm các tĩnh huyệt hay đầu ngón tay ra máu. Trong trường hợp người bệnh đầu còn nặng thì ấn mạnh tại xoáy hay huyệt bách hội trên đỉnh đầu và cạo gió thêm ở hai bên tay, chân.

QUÊN ĐI NGÀY THÁNG CŨ

Thursday, January 10th, 2013

Tôi sinh ra là một người con gái con nhà nghèo. Bố tôi mất sớm lúc tôi chưa được 8 tuổi, mẹ tôi phải đi ở đợ cho một gia đình giầu có. Công việc hàng ngày của mẹ tôi là dọn dẹp nhà cửa, đi chợ và nấu ăn cho nhà bà Đạm, một thương gia, chồng chết, có 2 người con, một trai và một gái. Con gái bà tên Minh Thư bằng tuổi tôi, có lẽ vì lý do này mà bà Đạm đã mướn mẹ tôi để có người chơi với con gái bà. Con trai bà tên Thuấn hơn tôi 7 tuổi.

Tôi được đi học cùng với Minh Thư, chúng tôi chơi thân với nhau khiến bà Đạm rất vui mừng và đối xử tử tế với mẹ con tôi. Tôi được biết trước đây bà Đạm có mướn một người làm nhưng Minh Thư không thích chơi với người con gái nên đã bị cho nghỉ việc.

Thuấn thương em gái nên tôi được thương lây. Thuấn thường hay đưa chúng tôi đi chơi, đi coi hát và chỉ dẫn cho chúng tôi làm bài ở trường. Thuấn che chở cho tôi và bênh vực tôi mỗi khi bị những đứa trẻ khác bắt nạt. Có lần chơi ở sân tôi bị té ngã, Thuấn ôm tôi vào lòng và an ủi tôi: “Em bé ngoan đừng khóc nữa anh thương”. Tôi cảm động muốn trào nước mắt. Thuấn vuốt nhẹ mái tóc tôi và lau nước mắt cho tôi . Chàng bảo “ Ngân Khánh phải cười trông mới đẹp”. Được Thuấn khen đẹp tôi thích và cười với chàng. Thuấn ôm chặt tôi một lần nữa rồi mới buông ra. Tuy mới 12 tuổi nhưng tôi mơ hồ hình như có một cảm giác là lạ, hay hay. Tôi mong té ngã một lần nữa để được Thuấn ôm tôi và lau nước mắt cho tôi… Tôi buồn nhất là ngày Thuấn phải ở nội trú trong trường Đại học. Tôi bắt đầu nhớ Thuấn. Mỗi cuối tuần tôi đứng ở cửa đợi Thuấn về và cứ như thế năm này qua năm khác rồi chúng tôi đã yêu nhau lúc nào tôi cũng không biết. Khi tôi học xong bậc Trung học thì Thuấn tốt nghiệp bác sĩ y khoa. Tôi yêu Thuấn, một tình yêu chân thật, trọn vẹn chứ không bao giờ dám có ý định làm vợ Thuấn vì hai gia đình quá cách biệt, mặc dù Thuấn có nói với tôi là Thuấn sẽ cưới tôi làm vợ. Tôi tin tưởng ở Thuấn nhưng làm sao bà Đạm có thể chấp nhận mẹ tôi thông gia với bà. Tuy biết như thế nhưng chúng tôi vẫn yêu nhau say đắm và không thể rời xa nhau được.
Bà Đạm là một người đàn bà tốt nhưng rất cương quyết và thẳng thắn. Hình như bà đã biết được chuyện hai chúng tôi yêu nhau và chuyện Thuấn muốn cưới tôi làm vợ. Một hôm đợi Thuấn và Minh Thư đi vắng bà Đạm gọi hai mẹ con tôi lại và nói rất ôn tồn: “ Con gái chi Tư đã lớn nên ở đây bất tiện. Mặc dù tôi và hai con tôi rất quý hai mẹ con chị nhưng tôi vẫn phải cho chị nghỉ việc. Trai gái không nên để chúng nó gần nhau. Trong vòng một tuần chị tìm nơi khác để dọn ra. Tôi cho chị 6 tháng đủ tiền ăn ở, sau đó mẹ con chị có thể tự túc được. Tôi chỉ yêu cầu chị và cháu hứa với tôi một điều là không cho hai con tôi biết gì hết và không bao giờ được liên lạc với chúng nữa. Chị cứ sẵn sàng rồi đợi hôm nào hai con tôi không ở nhà thì dọn ra…”. Tôi quá bất ngờ và sửng sốt. Tim tôi ngừng đập, mặt tôi tái đi. Bà Đạm nhìn hai mẹ con tôi như ra lệnh. Tôi thấy bà thật nghiêm nghị. Gần 10 năm sống trong nhà bà, lần đầu tiên tôi thấy nơi bà đáng sợ như vậy. Mẹ tôi cũng sợ bà và nói trong nghẹn ngào: “ Tôi xin hứa và sẽ làm theo lời bà”. Bà Đạm gật đầu như để chấp nhận lời hứa của mẹ tôi. Bà nhìn sang phía tôi. Lúc này nước mắt tôi đã trào ra. Tôi nghĩ đến ngày phải xa Thuấn, xa Minh Thư, xa mái nhà thân yêu với bao kỷ niệm thời niên thiếu mà tôi đã quên đi tưởng như nhà mình. Không thấy tôi nói gì, mẹ tôi nắm chặt tay tôi và lắc nhẹ. Bà Đạm nhướng mắt lên ra lệnh. Tôi nói trong nghẹn ngào: “Cháu xin hứa sẽ làm theo lới bà ”.
Bốn hôm sau Thuấn và Minh Thư đi vắng, mẹ con tôi dọn ra khỏi nhà bà Đạm. Trước khi lên xe tôi nhìn ngôi nhà một lần cuối lòng không khỏi bùi ngùi. Nơi đây như một mái ấm gia đình trong thời niên thiếu, có bao nhiêu kỷ niệm, có mối tình đầu. Tôi bước đi nhưng đôi chân như hụt hẫng. Tôi thương tôi nhưng nhìn mẹ sụt sùi lau nước mắt tôi càng thương mẹ hơn. Thuấn ơi! Từ nay em sẽ phải xa anh, vĩnh viễn xa anh. Vì danh dự, vì giữ lời hứa với bà Đạm em không thể nào gặp lại anh được. Mối tình em với anh tưởng là thần tiên, bây giờ đây mỗi người một ngả. Anh biết gia đình em quá nghèo sao anh lại còn yêu em, sao anh lại muốn cưới em làm vợ để em phải xa anh… Đứng ở cửa tần ngần một lúc rồi mẹ con tôi lên xe để đến ở chung nhà với bà bán rau muống ngoàì chợ mà mẹ tôi đã quen vì hay mua rau của bà. Cuộc sống của mẹ con tôi hoàn toàn thay đổi. Bao nhiêu mộng đẹp của thời con gái đã tan theo mây khói. Tôi đang dự định thi vào một trường chuyên nghịêp nào đó để giúp đỡ mẹ tôi, nhưng không may chuyện xẩy ra quá bất ngờ, tôi không kịp xoay xở gì nữa. Tôi phải xin đi làm thư ký cho một hãng bào chế thuốc Tây. Nhìn những chuyên viên mặc áo trắng đi qua lại, tôi liên tưởng tới Thuấn trong bộ đồ bác sĩ y khoa, lòng tôi không khỏi xót xa. Tôi không bao giờ được gặp chàng nữa.
Mẹ tôi từ ngày dọn ra ngoài ở thì sức khỏe đã suy yếu nên không còn làm được gì nữa ngoài việc nấu ăn. Mẹ tôi nấu ăn ngon lắm. Nếu mẹ tôi còn trẻ bà đã mở một quán ăn. Gần 10 năm nấu ăn, cả nhà bà Đạm mọi người đều thích. Thuấn, con trai bà Đạm đã nói với mẹ : “ Con đã đi ăn tiệc ở nhiều nơi nhưng không ăn ở đâu ngon bằng ăn ở nhà do bà Tư nấu” . Nào là món gỏi gà bắp cải thêm chút rau răm, đậu phộng rang rắc lên trên . Rau muống xào tỏi hoặc xào với thịt bò, rồi món rau muống trộn với mắm tôm vắt chanh, thêm ít ngò gai, kinh giới và đậu phộng rang, có khi mẹ tôi cho thêm tép hay thịt thái nhỏ. Món nộm hoa chuối mẹ tôi gọi là nham hoa chuối cũng rất ngon. Cuối tuần mẹ tôi hay nấu bún riêu, bún ốc hoặc canh chua… món nào cũng đặc biệt. Nay mẹ con tôi đi rồi Thuấn không được ăn những món mà chàng thích nữa. Càng nghĩ tôi lại càng thương chàng. Anh ơi mẹ em đi rồi ai nấu cho anh ăn những món mà anh thích. Em đã học ở mẹ một vài món, dự định sẽ nấu cho anh ăn nhưng em chưa kịp làm thì đã phải xa anh. Xa anh em không được nói câu từ giã. Anh có trách em vô tình em cũng xin đành mang.
“Ngày đi lặng lẽ không từ giã
Cất bước âm thầm thương nhớ thôi”
Hai câu thơ của NT đã áp dụng với tôi bây giờ thấy đúng làm sao. Nếu một ngày kia tình cờ gặp lại anh hay Minh Thư em sẽ phải trả lời ra sao. Em có được nói sự thật là vì chúng mình yêu nhau nên mẹ anh đuổi mẹ con em không? Đầu óc tôi rối loạn, tôi không tìm được câu tả lời. Chắc tôi không nói thế được. Tôi không oán trách gì bà Đạm, nếu là tôi liệu tôi có làm khác bà được không ? Bà Đạm là người đàn bà có thế lực, làm sao bà có thể thông gia với mẹ tôi, một tôi tớ trong nhà mà bạn bè, khách khứa ai cũng biết. Tuy buồn nhưng tôi cũng thông cảm với bà. Mẹ tôi cũng biết thân phận mình nên không hề oán trách bà Đạm. Đôi lúc tôi tự trách tôi, làm sao tôi dám với quá cao để giờ bị té đau, nhưng rồi tôi lại bênh vược cho chính tôi. Người con trai như Thuấn làm sao tôi không yêu được. Thuấn có đầy đủ mọi điều kiện, người con gái mới lớn như tôi sao không ngã lòng. Con tim có những lý do riêng của nó, người ta vẫn nói thế.
Nhưng nếu chỉ yêu nhau rồi xa nhau thì cũng là sự thường tình của thế nhân, hợp để rồi tan, Trên đời này có biết bao nhiêu mối tình chia ly bằng nước mắt. Nhưng tôi đã yếu đuối, không làm chủ được thân xác tôi và đã dâng hiến trọn vẹn đời con gái của tôi cho Thuấn. Hai tháng nay tôi không thấy có kinh nguyệt, cơ thể tôi bắt đầu thay đổi, ngực tôi căng phồng thêm, tôi bắt đầu lo sợ. Tôi đi thử nghiệm và được biết tôi đã mang thai. Tôi đắn đo nhưng rồi cũng phải thú nhận với mẹ. Mẹ tôi không la mắng như tôi nghĩ, bà chỉ khuyên tôi cố gắng giữ gìn sức khoẻ cho cái thai được tốt. Mẹ tôi cũng nghĩ như tôi là vì danh dự và giữ lời hứa nên không cho Thuấn biết tôi đã có thai với chàng. Tôi thấy mẹ tôi buồn, tôi hỏi là mẹ có trách vì tôi mà bà Đạm đuổi mẹ con tôi không thì mẹ tôi trả lời là bà không trách nhưng thương tôi, tội nghiệp cho tôi. Bà biết trai gái mà để sống chung với nhau trong nhà thì chuyện gì rồi cũng sẽ phải xẩy ra, nhưng bà chưa kịp khuyên bảo tôi.
Tôi mang thai được gần 9 tháng thì mẹ tôi qua đời. Buổi tối mẹ tôi nói bà bị nhức đầu, tôi lấy thuốc cho mẹ uống và nửa đêm thì mẹ tôi ra đi. Bà ra đi bình yên, lặng lẽ, buồn thảm như cuộc đời mẹ, Tôi không ngờ mẹ tôi chết dễ dàng quá. Tôi đau buồn và đã ngất xỉu đi, không còn biết gì nữa…
Sau năm ngày ở trong bệnh vịên, tôi tỉnh lại và đã nhận thức được. Sờ tay lên bụng thấy bụng đã xẹp xuống biết là tôi đã sinh nhưng không biết đứa bé giờ ra sao. Đợi người y tá đến gần tôi hỏi thăm về con tôi. Người y tá trả lời: “ Bác sĩ thấy không có hy vọng cứu sống cô nên đã mổ để lấy cháu bé ra. Cháu rất khỏe mạnh. Không biết cô có đủ sức để nuôi nấng con không. Cháu là con gái, mặt mày sáng sủa lắm. Rất mừng cô bình phục trở lại, đó cũng là nhờ 3 vị bác sĩ đã tận tình chữa trị, các vị ấy tử tế với cô lắm, coi cô như người nhà …”. Một giờ sau người y tá mang con đến đưa tôi bế và nói : “Cho cháu ở đây với cô một lúc rồi tôi đưa cháu trở lại phòng để cô nghỉ vì vết mổ chưa lành”. Nhìn thấy con, tôi hết sức vui mừng, sao tôi thấy nó thân thương gần gũi quá. Có nhà văn đã nói: “ Đứa con là tác phẩm vĩ đại nhất trong số những tác phẩm mà tôi có”. Nhưng vừa vui tôi chợt buồn ngay. Tôi chỉ có một thân một mình làm sao có thể nuôi được con. Tôi lại phải đi ở đợ như mẹ tôi ngày xưa. Nhưng mẹ tôi còn có người mướn chứ tôi đứa con còn đỏ hoẻn ai chịu cho làm. Hay tôi nhờ người báo cho Thuấn biết. Tôi vội xua đuổi ý nghĩ này, vì tự trọng, vì danh dự của hai mẹ con, tôi không thể liên lạc với gia đình bà Đạm được nữa. Người y tá đến mang con tôi trở lại phòng dưỡng nhi, nước mắt tôi trào ra…
Tôi khai ở bệnh viện là chồng tôi đi lính chết bây giờ chỉ có mình tôi, không có thân nhân, không bạn bè, mẹ tôi mới chết hôm tôi vào đây. Hoàn cảnh của tôi đa số các nhân viên đều biết, họ nói chuyện với nhau tôi nghe được: “Cô ta còn trẻ và xinh đẹp quá, tội nghiệp chồng bị chết
sớm”. Mấy hôm sau ông chủ sự phòng hành chánh của bệnh viện đến bên tôi và nói: “ Tôi xin lỗi đã đi vào đời tư của cô và có thể làm cô buồn, nhưng trong hồ sơ tôi thấy hoàn cảnh cô thật khó khăn. Chúng tôi rất aí ngại không biết khi xuất viện cô ở đâu và làm sao nuôi được con, lúc đó cô cũng phải đem cho hoặc bỏ vào viện mồ côi và người nhận nuôi con cô không biết họ thế nào, có được tốt không, rồi lại tội nghiệp đứa bé… Tôi có quen hai ông bà này rất giầu và tử tế, họ lấy nhau trên 16 năm mà không có con, đang có ý định tìm nuôi một đứa con nuôi, nếu cô đồng ý cho họ nuôi tôi sẽ nói với người ta. Cô suy nghĩ rồi cho tôi biết”. Tôi quá đau buồn, mới gặp con vài lần giờ sắp phải xa nhau. Ông chủ sự nói đúng, tôi không đủ phương tiện để nuôi con. Biết bao người hoàn cảnh như tôi đã phải bỏ con ngoài đường, bỏ vào cổng chùa, viện mồ côi… Nếu con tôi có được người tử tế nuôi cũng là điều may cho nó. Đi ở với người ta cuộc đời nó có thể khá hơn là ở với tôi. Tôi đã làm khổ con tôi rồi, nó không có tội gì để phải khổ thêm nữa. Tôi không thể ích kỷ giữ mãi con bên tôi. Nghèo là khổ lắm. Tôi với Thuấn yêu nhau chỉ vì tôi nghèo mà phải xa nhau. Thuấn ơi! Chỉ vì nghèo mà em phải xa anh, chỉ vì em nghèo mà chúng ta phải xa con chúng ta.
Tôi trả lời ông chủ sự là tôi muốn được gặp bố mẹ nuôi của con tôi. Hôm sau hai người này tới. Đúng như ông chủ sự nói, nhìn hai ông bà rất phúc hậu khiến tôi yên tâm. Người chồng hỏi tôi có yêu cầu đìều gì không, tôi nói tôi chỉ mong có con và đặt tên là Thuận Khanh (tức là gần tên Thuấn và tên tôi), nhưng nay tôi không còn cái quyền này nữa. Người chồng ôm vai vợ cười lớn: Em tên Thuận, cô ấy tên Khánh. Một bên mẹ nuôi, một bên mẹ đẻ, đúng là trời đã xếp đặt, sau này cháu bé sẽ gặp nhiều may mắn lắm. Chúng tôi bằng lòng với lời ước nguyện của cô. Cô còn yêu cầu điều gì nữa không? Tôi lắc đầu không nói ra lời… Buổi chiều ông chủ sự gặp tôi để cho biết lúc tôi xuất viện thì họ mang con tôi đi. Ông còn nói thêm là ông bà này rất mừng khi thấy tôi không đề cập đến tiền bạc, chỉ lo đặt tên cho con chứng tỏ tôi trọng tinh thần chứ không phải vật chất, như vậy gốc đứa bé rất tốt. Cô lại rất xinh đẹp, họ hy vọng con họ sau này cũng sẽ đẹp như cô. Ngày cuối cùng tôi được bế con tôi một giờ. Tôi ôm chặt con tôi trong lòng như giữ gìn một báu vật, tôi không muốn rời xa nó nữa, nhưng vì chữ tín tôi không thể nào đổi ý được. Nước mắt tôi trào ra, ai nhìn thấy cảnh chia ly này cũng phải ngậm ngùi. Dù đã quá giờ người y tá không nỡ lấy đứa bé ra khỏi tay tôi. Tôi ghì chặt con tôi vào lòng và đặt chiếc hôn lên má con rồi đưa cho người y tá. Đích thân ông chủ sự trao tôi một túi vải lớn, nói tôi nên giữ cẩn thận vì đây là số tiền khá nhiều do bố mẹ nuôi đứa bé đưa, đủ cho tôi ăn ở 4, 5 tháng như là để cám ơn tôi chứ không có ý mua bán gì đâu. Tôi nói lời cám ơn ông chủ sự cùng bác sĩ và các nhân viên trong nhà thương rồi ra về.
Tôi thuê xe đến thẳng nhà bà bán rau muống. Khi đến nơi tôi không gặp bà và thấy có người lạ ở trong. Tôi hỏi thì được biết vì có người chết nên bà bán rau sợ hãi và đã bỏ đi. Người thuê nhà mới con cái đông và giá thuê rẻ nên đã dọn vào. Tôi ra ngoài đường và phân vân không biết đi đâu, chợt một chiếc xe Honda dừng trước mặt, tôi nhận ra chị bạn làm chung hãng với tôi khi trước. Sau khi hỏi han chị biết chuyện nên đã thương tình rủ tôi về nhà ở chung với chị. Trong khi đó những người trong hãng họ không biết lại tưởng tôi đã theo chồng đi ngoại quốc.
“ Hãy cố yêu người mà sống, lâu rồi đời mình cũng qua…”
Lời ca của bản nhạc trong “Bài không tên số 5” đã thức tỉnh tôi phải can đảm và cố gắng chịu đựng.

Mấy tháng sau nhờ có người chỉ dẫn tôi tìm được mộ mẹ và thắp nén hương lên mộ bà. Thời gian này tình hình Saì Gòn ngày càng giao động và biến cố tháng Tư năm 1975 xẩy ra. Tôi theo đoàn người ra bến Bạch Đằng, sao may tôi lên được tàu và sang tới Hoa Kỳ, định cư tai tiểu bang California . Tôi cố gắng lập lại cuộc đời, vừa đi làm vừa đi học . Sau một năm bổ túc Anh văn tôi ghi danh vào Đại học, 4 năm tôi ra trường về ngành kỹ sư điện tử, rồi tôi lập gia đình với một nha sĩ giầu có. Tôi đi khám răng và gặp chồng tôi. Chồng tôi hơn tôi 11 tuổi, góa vợ và có một con trai. Chúng tôi lấy nhau được gần 14 năm. Chồng tôi mới qua đời cách nay 3 năm. Tôi tiếp tục vừa làm chủ trung tâm nha khoa cũ của chồng tôi vừa đi làm cho công ty điện tử. Đời sống tuy có bận rộn nhưng vật chất rất đầy đủ vì có hai nguồn lợi tức. Tôi nghĩ đến thời gian nghèo khổ khi xưa, nhớ đến mẹ và đứa con gái riêng lòng không khỏi xót xa. Tôi đã tìm kiếm khắp nơi nhưng không biết được con tôi bây giờ ra sao, còn ở lại Việt Nam hay đã qua Mỹ ? Tôi có nhờ hội Hồng Thập Tự tìm kiếm nhưng không ra. Tôi ngày đêm cầu nguyện để được gặp con gái tôi…
Tôi đi khám định kỳ hàng năm và được giới thiệu đến bác sĩ Nguyễn Trọng Toản chuyên về tim mạch. Nghe tên bác sĩ tôi chợt nhớ ra vị bác sĩ đã cứu sống tôi ở bệnh viện Việt Nam khi xưa. Sau khi khám bệnh và cho thuốc, tôi nói với bác sĩ Toản chính tôi là người được bác sĩ chữa trị gần 25 năm về trước.. Nhận ra tôi vị bác sĩ này mừng lắm. Cũng may tôi là người khách cuối cùng nên ông đã có nhiều thì giờ nói chuyện với tôi. Bác sĩ Toản cho tôi biết cách đây 2 năm trong cuộc họp mặt của hội y sĩ toàn quốc tại Texas ông có gặp Thuấn, người tình cũ của tôi. Nghe tên Thuấn tôi lặng người đi nhưng cố giữ bình tĩnh để nghe kể: “ Thuấn với tôi học cùng lớp với nhau nhưng không thân. Tôi có gặp chị đi chơi với Thuấn vài lần nên nhớ. Tôi chữa trị cho chị và nghĩ Thuấn bỏ rơi chị, nên tôi tránh không muốn nói gì với ai, ngay cả lúc chị
sinh đẻ trong bệnh viện cũng vậy. Kỳ vừa qua gặp nhau ở Texas tự nhiên Thuấn tâm sự với tôi là Thuấn yêu chị lắm nhưng bị bà mẹ ngăn cản và không có cách nào gặp được chị. Sau khi chị đi rồi Thuấn giận mẹ nên không chịu lấy vợ, mãi sau thấy bà cụ quá buồn nên Thuấn mới lập gia đình. Đến nay Thuấn vẫn không có con và vợ chồng đã ly dị vì không hợp nhau. Nghe tôi nói chị đã có thai với Thuấn và chính tôi chữa trị cho chị, Thuấn xúc động lắm. Thuấn thương chị và thương đứa con của anh chị phải đi làm con nuôi người ta, không biết giờ này ra sao. Mẹ Thuấn biết tin cũng buồn lắm, bà đã hối hận cho hành động của bà để đứa cháu duy nhất bị bỏ rơi, nay bà đã trên 80 tuổi vẫn chưa có cháu bế…”. Nghe lại chuyện xưa lòng tôi nặng chĩu và không cầm được nước mắt. Bác sĩ Toản hỏi tôi có đồng ý cho Thuấn biết đã gặp tôi không, tôi dặn bác sĩ thôi đừng nói gì cả, chuyện xưa nên cho vào dĩ vãng, điều cần thiết là tìm được đứa con chúng tôi. Tôi chào bác sĩ Toản rồi ra về, lòng buồn mênh mang:

Biết được tin anh cũng đủ rồi
Tâm sự có nhiều vẫn thế thôi
Ra đi không nói câu từ giã
Em biết chuyện mình mãi cách đôi
*
Cứ mỗi năm nhìn lá uá vàng
Chạnh lòng nhớ lại lúc Thu sang
Anh ơi! Thu đến mang sầu tới
Khơi dậy mối tình đã cách ngăn
*
Một lần yêu đã quá khổ rồi
Nhắc làm chi chuyện cũ anh ơi
Thân tuy gầy yếu tim băng gía
Giữ mãi trong em bóng một người
*
Biết được tin anh đã đủ rồi
Em bây giờ cũng vẫn đơn côi
Bao nhiêu kỷ niệm, bao đau đớn
Và khóc âm thầm, khóc mãi thôi…

Nhưng thôi tôi không muốn tiếp tục làm thơ buồn nữa. Tôi trở về với đời sống hiện tại của tôi. Tôi không có con nên yêu con trai của chồng tôi như con đẻ. Tân (tên con trai của chồng tôi) rất quý tôi. Tuy đã ra hành nghề bác sĩ nhưng tất cả những chuyện riêng tư Tân đều mang ra hỏi ý kiến mẹ. Một hôm Tân khoe với tôi Tân quen một cô gái tên Thuận Khanh kém Tân 4 tuổi. Hiện nay Thuận Khanh là dược sĩ, trông nom tiệm thuốc Tây của gia đình. Tân và Thuận Khanh quen nhau qua dịch vụ thương mại. Nghe con trai nói đến Thuận Khanh tôi rất hồi hộp, liệu có sự trùng tên, trùng tuổi được không? Thuận Khanh có phải là con gái tôi không? Tôi hỏi con trai xem gia đình Thuận Khanh ra sao, thì được biết bố Thuận Khanh đã mất chỉ còn mẹ già trên 70 tuổi. Nhà giầu lắm, tất cả tài sản sau này sẽ là của Thuận Khanh hết. Tôi hơi lạ, nếu là mẹ nuôi thì đúng chứ mẹ đẻ có thể trùng tên. Tôi nói con trai tôi đưa Thuận Khanh về nhà tôi chơi. Gặp Thuận Khanh tôi linh cảm ngay người con gái này là con tôi. Nét mặt vừa giống tôi vừa giống Thuấn. Không cầm được lòng tôi ôm chầm lấy Thuận Khanh và thốt lên: “con ơi! mẹ đây”, nhưng rồi tôi chợt nhớ ra, chưa phải là lúc mẹ con thổ lộ tâm tình nên đã buông Thuận Khanh ra và nói lời xin lỗi: “ Bác xin lỗi con, tại bác thấy con dễ thương quá nên bác mến”. Thuận Khanh nói: “ Không sao đâu bác. Được bác yêu quý và cho đến nhà thăm bác con rất vui mừng. Trước khi đến con sợ lắm, nay thấy bác vui vẻ như mẹ con ở nhà, con thật có phước. Mới gặp bác lần đầu nhưng con có cảm tưởng như đã gặp bác từ lâu rồi ”. Lòng tôi dịu xuống, tôi thầm cám ơn ông bà mẹ nuôi đã dạy giỗ con gái tôi nên người, dạy cách ăn nói khôn khéo và lễ phép. Tân thấy mẹ yêu thích bạn thì mừng lắm, chàng mỉm cười nhìn Thuận Khanh. Tôi giữ Thuận Khanh ở lại ăn cơm. Lần đầu tiên tôi được nấu cơm cho con gái tôi ăn. Tôi hỏi thăm sơ qua về những ngày đã qua của Thuận Khanh, tôi tránh những chi tiết sợ con gái nghĩ tôi tò mò. Cám ơn Trời Phật đã giúp cho mẹ con tôi được gặp lại nhau…
Khi Thuận Khanh ra về tôi hỏi con trai tôi chương trình dự trù như thế nào, Tân cho tôi biết tháng sau chúng định làm đám hỏi và 4 tháng nữa sẽ làm đám cưới. Thuận Khanh muốn lo sớm vì mẹ đã già, muốn cho mẹ được vui.
Ngày đám hỏi qua đi một cách thuận lợi. Người mẹ nuôi của con gái tôi không nhận ra tôi. Có lẽ bà không ngờ một cô gái nghèo khổ ngày xưa nay là thông gia với bà. Tôi nhận ra bà Thuận nhưng vẫn giữ im lặng không cho ai biết chuyện tôi là mẹ đẻ của Thuận Khanh để cho các con tôi không phải bận tâm và tránh gây nên sự buồn phiền cho bà mẹ nuôi, một ân nhân của tôi. Tôi rất vui mừng sửa soạn đám cưới cho con. Tôi hồi hộp lo đến ngày đám cưới vừa cho con gái vừa cho con chồng.
Bốn tháng qua đi thật mau. Đám cưới của các con tôi tổ chức rất trọng thể. Gần 700 quan khách tham dự. Con gái tôi lộng lẫy trong bộ áo cưới. Có nhiều người đã nhận xét là mẹ chồng với con dâu trông rất giống nhau như hai mẹ con, chắc là sẽ hợp với nhau lắm. Tôi vui mừng nghĩ ngợi từ nay con gái tôi sẽ được ở chung nhà với tôi, và tôi sẽ dành hết thì giờ săn sóc con gái tôi. Văng vẳng bên tai như lúc nào cũng nghe thấy lời chúc mừng hạnh phúc…
Đám cưới xong hai con đi hưởng tuần trăng mật, tôi ở nhà một mình. Vì quá lo lắng và bận rộn cho ngày đám cưới nên tôi thấy trong người hơi mệt. Tôi sợ có vấn đề về tim như trước nên đi khám bác sĩ gia đình nhưng khi đến nơi mới biết bác sĩ đã đi nghỉ hè và ông nhờ người khác tạm thay thế vài ngày. Vì đến trễ và không có hẹn trước nên tôi là người được khám sau cùng. Cô y tá cân đo và thử nhiệt độ. Nhịp tim và nhiệt độ của tôi bình thường.
Tôi ngồi trong phòng đợi một lúc thì Thuấn mở cửa bước vào. Bất ngờ gặp Thuấn tôi kêu lên: “Anh!”. Thuấn cũng ngạc nhiên, ôm chầm lấy tôi: “Em ! Không ngờ gặp em ở đây, anh mừng quá !”. Thuấn kể lể những sự nhớ nhung và xin tôi tha lỗi. Thuấn nói : “Anh không ngờ mình đã có con với nhau. Từ ngày nghe bác sĩ Toản nói chuyện về em anh buồn và ân hận quá. Khi đẻ chỉ có một mình em làm sao xoay xở…”. Tôi bảo Thuấn : “ Hãy quên đi ngày tháng cũ”. Bây giờ mỗi người có một cuộc sống riêng, còn gặp nhau và quý nhau là đủ rồi. Tôi không oán hận ai cả, chỉ mong mọi chuyện cho qua đi. Thuấn hỏi tôi về con gái chúng tôi, tôi nói Thuận Khanh bây giờ rất hạnh phúc nhưng chuyện hơi dài, sẽ nói cho Thuấn sau. Thuấn rất mừng khi thấy tên con gái là tên Thuấn và tên Khánh hợp lại. Biết tôi bây giờ vẫn còn độc thân nên Thuấn đề nghị cùng chàng tái hợp. Mặc dù vẫn còn yêu Thuấn nhưng tôi rất ngại, một lần chia tay đã quá khổ rồi, bây giờ tôi đang sống yên ổn và hạnh phúc với con gái mới tìm được, tôi không muốn có sự xáo trộn trong đời sống nên đã từ chối. Không được tôi chấp thuận Thuấn có vẻ thất vọng. Một lúc sau Thuấn hỏi thăm về mẹ tôi, khi biết mẹ tôi đã qua đời chàng cúi đầu xuống che dấu sự xúc động rồi cho biết bà Đạm bây giờ bệnh tình rất nặng, sức khoẻ được tính từng ngày. Bà đang nằm trong bệnh viện, nếu được tôi bỏ qua chuyện cũ thì bà mừng lắm. Thuấn gợi ý muốn tôi đến bệnh viện thăm bà Đạm, tôi nhận lời.
Hôm sau tôi đến bệnh viện thấy Thuấn và vợ chồng Minh Thư đã ở đó. Minh Thư gặp tôi rất mừng . Minh Thư hỏi thăm tôi và cho địa chỉ mời đến nhà chơi. Hàn huyên một lúc, Thuấn và vợ chồng Minh Thư ra ngoài cho tôi nói chuyện với bà Đạm. Tôi cầm bàn tay gầy yếu của bà và hỏi:
– Bà còn nhớ cháu không, cháu là Ngân Khánh đây ?
Bà Đạm thều thào:
– Ngân Khánh ! Làm sao tôi quên được cháu. Mong cháu tha lỗi cho tôi. Vì tôi quá nghiêm khắc mà mẹ con cháu phải khổ. Tôi cũng nghe tin bà Tư đã qua đời. Tội nghiệp bà Tư. Thôi tôi sẽ gặp bà ở bên kia thế giới để xin lỗi bà vậy.
Bà Đạm tiếp:
– Ông trời đã phạt tôi. Có đứa cháu duy nhất thì hất hủi nó, bây giờ tôi không có cháu nào ở bên cả. Vợ chồng Minh Thư lấy nhau lâu rồi vẫn chưa có con.
Nói xong nước mắt bà trào ra vì ân hận khiến tôi cũng buồn lây. Giọng bà run run tiếp :
– Tôi không sống được nữa và sắp phải ra đi. Tôi xin cháu một điều không biết cháu có thể giúp tôi không ?
Tôi lắc tay bà Đạm:
– Xin bà cứ nói.
Bà Đạm cố lấy sức lực còn lại nói ngắt quãng từng câu:

– Bác mong cháu nhận lời tái hợp với con trai bác, có như vậy bác mới yên tâm ra đi. Thuấn yêu cháu lắm. Thuấn đã lấy vợ nhưng lúc nào cũng nghĩ đến cháu nên hai vợ chồng đã bỏ nhau.

Đôi mắt bà Đạm yếu đuối nhìn tôi như cầu xin. Tôi thấy thương bà như mẹ. Gần 10 năm ở với nhau tình cảm dù sao cũng đã sâu đậm, thật khó có thể từ chối lời yêu cầu của một người sắp lìa đời như bà. Tôi im lặng suy nghĩ giây lát rồi nói trong xúc động:

– Vâng, con xin nghe lời bác.

Bà Đạm mỉm cười, mắt bà mở hé ra như thầm cám ơn tôi. Giữa lúc đó Thuấn và vợ chồng Minh Thư đi vào. Bà Đạm cầm bàn tay Thuấn để lên bàn tay tôi, một lúc sau mắt bà nhắm lại và hơi thở yếu dần. Y tá vội vàng gọi bác sĩ. Tôi và Thuấn đứng cách ra xa cho y tá làm việc. Tôi lau nước mắt cho Thuấn rồi nắm chặt tay chàng, nghẹn ngào nhìn bà Đạm từ từ lịm đi…

Câu Chuyện Đầu Năm

Tuesday, January 8th, 2013

Giọng ca tình cảm hát từ San Francisco CA

Chào mừng bạn Trương Viết Cuôi đến Mỹ

Sunday, January 6th, 2013

Chúc mừng gia đình bạn Trương Viết Cuôi, cựu học sinh Trung Học Thuận An, vừa đến Hoa Kỳ đoàn tụ gia đình và hiện sống tại thành phố Reno, tiểu bang Nevada. Điện thoại liên lạc (775) 240-7812.

 

Tuổi Ngọc

Tuesday, January 1st, 2013