Archive for August, 2012

Làm sao giữ cho sức khoẻ đươc tốt?

Friday, August 31st, 2012

Ngủ sớm, dậy sớm

Tại sao vậy? Ấy là để phù hợp với tiến trình sinh hoá trong cơ thể

 

Buổi tối từ 9 đến 11 giờ đêm là thời gian để giải độc tức là loại các hoá chất độc hại ra khỏi hệ thống kháng thể ( các hạch bạch huyết- lymph nodes). Trong khoảng thời gian này bạn nên thư dãn hay nghe âm nhạc. Nếu trong lúc này bà xã của bạn hãy còn chưa nghỉ ngơi mà còn lau rửa chén bát chẳng hạn thì quả là không tốt cho sức khoẻ.

 

Ðêm từ 11 giờ tới 1 giờ sáng là tiến trình tẩy độc gan. Lúc này mà bạn ngủ say được thì tốt nhất

 

Sáng sớm từ 3 đến 5 giờ sáng là thời kỳ tẩy độc phổi, vì vậy những người bị ho hay lên cơn ho nặng vào lúc này. Bạn không cần phải uống thuốc ho vì thuốc này sẽ làm xáo trộn tiến trình đào thải chất độc ra khỏi phổi

 

Sáng từ 5 đến 7 giờ là lúc kết tràng được giải độc. Bạn nên đi cầu để xả hết phân ra khỏi ruột

 

Sáng từ 7 đến 9 giờ là lúc ruột non hấp nạp chất dinh dưỡng, vì vậy bạn nên ăn điểm tâm vào giờ này..Những người bị đau yếu thì phải ăn điểm tâm vào lúc trước 6 giờ rưỡi. Nếu bạn muốn cảm thấy mạnh khỏe thì tốt nhất là ăn điểm tâm trước 7 giờ rưỡi. Nếu bạn luôn luôn bỏ bữa điểm tâm thì bạn nên ngưng thói quen này ngay và nên ăn cái gì vào buổi sáng dù là trễ ( 9 đến 10 giờ sáng)

 

Ði ngủ quá trễ và dậy quá trễ sẽ gây trở ngại cho tiến trình đào thải các hoá chất không cần thiết. Ngoài ra, từ nửa đêm tới 4 giờ sáng là thời gian tủy xương sản xuất ra máu. Vì vậy chúc bạn ngủ cho ngon giấc và đừng bao giờ đi ngủ trễ

 

Năm loại thực phẩm đứng hàng đầu trong việc gây ung thư

 

Hot dog nguy hiểm vì chứa nhiều chất nitrate. Liện hiệp Phòng ngừa Bệnh Ung thư khuyên không n6n cho trẻ nhỏ ăn quá 12 cái hot dog mỗi tháng. Nếu bạn không thể bỏ đươc thì hãy mua loại hot dog không chứa sodium nitrate

 

Thịt biến chế và thịt mỡ. Các thứ này cũng chứa nhiều sodium nitrate như hot dog nên gia tăng rủi ro bị bệnh tim. Ngoài ra chất béo bão hoà trong thịt mỡ cũng có thểgây ung thư

 

Bánh doughnuts là món ăn tệ hại nhất có thể gây ung thư vì đươc làm bằng bôt xay, đường và dầu hidro-hoá, sau đó đươc chiên ở nhiệt độ cao

 

·         Khoai tây chiên (french fries) Cũng như doughnuts, khoai tây chiên đươc làm với dầu hidro-hoá và sau đó chiên ở nhiệt độ cao. Loại thức ăn này còn chứa chất gây ung thư acryl amide tạo thành trong tiến trình chiên, vì vậy có người gọi đùa là “cancer fries”.

 

Lát khoai chiên (chips), bánh bít-quy dòn (crackers), bánh kẹp nhỏ (cookies) Các thứ này thường đươc làm bằng bột xay và đường. Ngay cả những loại thức ăn này mà bao bì có in hàng chữ “free of trans-fats” cũng đều chứa một lương nhỏ trans-fats

 

Các thói quen làm tổn thương não

 

Bỏ bữa điểm tâm Những người không ăn sáng có mức đường trong máu thấp, não sẽ nhận không đủ oxi và sẽ thoái hoá

 

Ăn quá nhiều làm cứng các động mạch não dẫn đến sự suy giảm sức mạnh của não

 

Hút thuốc làm não teo lại và có thể dẫn đến bệnh Alzheimer

 

Ăn nhiều đường làm gián đoạn tiến trình hấp thu protein và các chất dinh dưỡng làm cho cơ thể thiếu dinh dưỡng và có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của não

 

Thở không khí ô nhiễm Não là bộ phận cơ thể tiêu thụ oxi nhiều nhất, như vậy không khí ô nhiễm làm giảm lương oxi cung ứng cho não và do đó não sẽ mất bớt hiệu năng

Bão Isaac đổ bộ lên bờ biển Louisiana

Thursday, August 30th, 2012

Cập nhật: 06:44 GMT – thứ tư, 29 tháng 8, 2012
Isaac đang dập vào bờ biển Louisiana với sức gió 130km/h và được dự đoán sẽ vào đến New Orleans vào đúng ngày mà thành phố này bị siêu bão Katrina tấn công bảy năm trước đây.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã kêu gọi những người dân nằm trong đường đi của bão phải lưu ý đển các cảnh báo di tản.
Hàng ngàn người đã chạy khỏi khu vực. Những người còn ở lại đều ở trong nhà đóng kín.
Các vùng đất thấp của các tiểu bang Louisiana và Mississippi đã được thông báo bị cắt điện, với hơn 200.000 hộ gia đình và doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Tổng thống Obama đã loan báo tình trạng khẩn cấp ở Louisiana và Mississippi – một động thái cho phép sử dụng ngân sách liên bang để cứu trợ và khôi phục sau bão.
“Lúc này không phải là lúc đùa giỡn với số phận. Lúc này không phải là lúc bỏ qua các cảnh báo chính thức.”
Tổng thống Mỹ Barack Obama
“Tôi kêu gọi tất cả cư dân trên Bờ Vịnh (Mexico) lắng nghe chính quyền địa phương và làm theo hướng dẫn của họ ngay cả khi họ yêu cầu phải di tản,” Obama nói hôm thứ Ba ngày 29/8.
“Lúc này không phải là lúc đùa giỡn với số phận. Lúc này không phải là lúc bỏ qua các cảnh báo chính thức,” Obama phát biểu từ Nhà Trắng.
Thị trưởng New Orleans Mitch Landrieu nói thành phố của ông ‘chính thức chiến đấu’ hôm thứ Ba 29/8 và ông xác nhận sân bay thành phố đã bị đóng cửa và sẽ không được dùng làm nơi trú ẩn.

Thị trưởng Landrieu cũng cho biết chính quyền đã đóng cửa con đê cao 8 mét để bảo vệ khu vực của thành phố bị ngập lụt nghiêm trọng hồi năm 2005. Ông gọi con đê này là ‘trường thành của New Orleans’.

Nhiều người ở New Orleans chọn ở lại để bảo vệ nhà cửa và tài sản
“Chúng ta sẽ không thấy Katrina một lần nữa,” ông nói nhưng cũng cho biết một số khu vực của thành phố vẫn có thể bị ngập lụt.
“Đừng để cơn bão này ru ngủ làm bạn chủ quan,” ông khuyên, “Mọi người có thể chán (với các cảnh báo). Nhưng thà chán còn hơn để bị thương.”
Cho đến giờ chính quyền thành phố vẫn chưa ra lệnh di tản nào và chỉ yêu cầu người dân gia cố nhà cửa và dữ trự hàng thiết yếu.
Thành phố New Orleans có hình chén rất dễ tổn thương trước bão. Trung tâm thành phố là điểm thấp nhất so với mực nước biển.
Người dân thành phố đang hy vọng rằng hàng tỷ đô la được chi ra để gia cố các công trình chống lũ của thành phố lần này sẽ có tác dụng so với hồi bão Katrina khi mà hệ thống này đã không làm gì được.
Trước đó, bão Isaac đã giết chết ít nhất 24 người ở Haiti và Cộng hòa Dominica và gây ngập lụt và thiệt hại nghiêm trọng ở các quốc đảo Caribe.
“Chúng ta sẽ không thấy Katrina một lần nữa.”
Thị trưởng New Orleans Mitch Landrieu
Đường đi của bão đã ra khỏi Tampa, bang Florida nơi Đảng Cộng hòa đang tổ chức đại hội toàn quốc. Tuy nhiên nó cũng làm đại hội hoãn lại một ngày.
Trung tâm bão quốc gia của Hoa Kỳ cảnh báo rằng các đợt sóng dâng do bão kết hợp với thủy triều cao có thể nhấn chìm các khu vực ven biển xung quanh Vịnh Mexico.
Phóng viên BBC Alastair Leithead hiện đang ở Khu phố Pháp ở New Orleans cho biết sức gió hiện giờ chỉ bằng một phần ba so với hồi bão Katrina nhưng vấn đề là lượng mưa và nước biển dâng tràn bờ sẽ đe dọa ngập lụt nhà cửa.
“Nhiều người chọn ở lại – gia cố lại cửa nẻo và ở trong nhà trong suốt đêm và hy vọng rằng bão Isaac sẽ hiền lành với thành phố của họ hơn (so với bão Katrina),” ông nói.

Đuờng Xa Ước Mưa

Monday, August 27th, 2012


(Người đẹp này đi đường xa dưới mưa dễ bị cọp cắn!!!)

Giọng ca này tên Kh, hiện đang ở Huế, VN

NHÌN NGƯỜI

Sunday, August 26th, 2012

Có một giai thoại về đại học Stanford, “Một câu chuyện thật thú vị”, nội dung như sau:

Một phụ nữ trong bộ trang phục áo bằng vải lanh kẻ sọc và chồng mình trong bộ com-lê giản dị đã mòn xơ cả chỉ, xuống ga tàu ở thành phố Boston và rụt rè bước đi không hẹn trước tới văn phòng ở phía ngoài của đại học Harvard. Trong chốc lát cô thư ký có thể nói rằng những người ở nông thôn lạc hậu về văn hóa như thế không có việc gì phải bước chân vào đại học Harvard thậm chí còn không xứng đáng được vào đại học Cambridge.

Cô thư ký mặt mày cau có. Người đàn ông nói nhẹ nhàng:

– Chúng tôi muốn gặp thầy hiệu trưởng

Cô thư ký gắt gỏng lên:

– Ông ấy bận rộn cả ngày.

Người phụ nữ trả lời.

– Chúng tôi sẽ đợi.

Suốt nhiều giờ trôi qua, cô thư ký không thèm để ý đến họ, trong lòng hy vọng rằng hai người rốt cuộc sẽ nản lòng mà bỏ đi.

Nhưng hai người vẫn không đi. Và cô thư ký đã nản lòng, và cuối cùng quyết định phải quấy rầy vị hiệu trưởng, mặc dù đó là công việc thường ngày mà cô luôn luôn thấy ân hận mỗi khi làm. Cô nói với vị hiệu trưởng:

– Có thể nếu họ gặp được thầy ít phút họ sẽ đi ngay.

Vị hiệu trưởng thở dài bực tức, rồi gật đầu. Ai đó có vai trò quan trọng như ông ta thì rõ ràng là không có thời gian để tiếp họ, thế nhưng ông ghét cay ghét đắng chiếc áo vải lanh sọc và bộ com-lê đã sờn chỉ cứ phủ đầy bừa bãi căn phòng ở phía ngoài của ông ta.

Vị hiệu trưởng với gương mặt lạnh lùng đầy vẻ nghiêm nghị đi khệnh khạng về phía cặp vợ chồng. Người phụ nữ nói với vị hiệu trưởng:

– Chúng tôi có một đứa con trai đã từng theo học ở trường đại học Harvard một năm. Nó thực sự yêu mến ngôi trường này. Nó cảm thấy hạnh phúc khi học ở đây. Thế nhưng, cách đây một năm, nó đột nhiên bị giết chết. Và vợ chồng tôi rất muốn xây dựng một tấm bia để tưởng nhớ con trai mình ở một nơi nào đó trong khuông viên trường.

Vị hiệu trưởng không động đậy, ông đã bị sốc. Ông nói một cách thô lỗ cộc cằn:

– Thưa bà, chúng tôi không thể dựng tượng cho mỗi người đã từng theo học ở Harvard rồi sau đó bị chết. Nếu chúng tôi làm như vậy thì ngôi trường này sẽ trông giống như một nghĩa trang !

Người phụ nữ nhanh chóng giải thích:

– Ồ, không phải như vậy. Chúng tôi không có ý định xây dựng một bức tượng. Chúng tôi nghĩ sẽ xây một tòa nhà cho nhà trường.

Vị hiệu trưởng trợn tròn con mắt. Ông liếc nhìn chiếc áo vải lanh sọc và bộ com-lê đã sờn chỉ rồi thốt lên:

– Một tòa nhà ! Ông bà có tưởng tượng được một tòa nhà trị giá bao nhiêu không ? Chúng tôi phải đầu tư hơn 7 triệu rưỡi đô la cho xưởng thiết bị vật lý ở Harvard.

Người phụ nữ im lặng một lát. Vị hiệu trưởng có vẻ hài lòng. Bây giờ thì ông có thể rời khỏi họ. Người phụ nữ quay lại phía chồng và nói nhỏ:

– Bắt đầu xây một trường đại học tất cả chỉ tốn ngần ấy thôi sao ? Tại sao chúng ta không xây một trường đại học riêng ?

Người chồng gật đầu đồng ý.

Khuôn mặt của vị hiệu trưởng thượt ra đầy bối rối và lúng túng. Và ông bà Leland Stanford đã bỏ đi, đến thành phố Palo Alto, bang California, nơi đó họ lập nên trường đại học mang tên mình, một đài tưởng niệm để tưởng nhớ đứa con của mình mà trường Harvard không còn quan tâm đến nữa.

“Bạn có thể dễ dàng đánh giá tư cách của những người khác thông qua cách mà họ đối xử với những người không thể làm gìvì họ và cho họ” (Malcolm Forbes).

———————-

CHIA SẺ MỘT CHÚT SUY TƯ

NHÌN NGƯỜI

Vẻ hào nhoáng bề ngoài

Ngày nay, người ta thích chạy theo vẻ hào nhoáng bề ngoài. Nhiều người đua nhau phô trương sự giàu có của mình. Vì sự giàu có thường mang lại cho người ta danh giá và lời ca tụng.

Nhưng, “không phải mọi thứ lấp lánh đều là kim cương”. Nhiều kẻ giàu có đã sống một cuộc đời vô nghĩa. Có câu: “Người ta ca tụng trước tài năng, nhưng người ta cúi phục trước lòng nhân”.

Nhiều kẻ sống chỉ biết đi tìm sự giàu có, nên những ai có thể giúp họ vững bước trên con đường giàu có, thì họ mới cần quan hệ, ngoài ra, họ chẳng quan tâm đến ai. Thật không sai khi Malcolm Forbes kết luận: “Bạn có thể dễ dàng đánh giá tư cách của những người khác thông qua cách mà họ đối xử với những người không thể làm gì vì họ và cho họ”.

“Vì họ” và “cho họ” là thứ “ích kỷ thời đại”. Là cội nguồn của sự thoái hóa đạo đức con người. Nó làm cho con người lạnh lùng trước những kẻ thiếu thốn, và ngoảnh mặt trước những kẻ khốn cùng. Vì họ nghĩ rằng: những người “thiếu thốn và khốn cùng” kia làm cản trở bước tiến của họ, thậm chí có thể làm cho họ bị thiệt hại và nghèo đi, khi họ phải đưa bàn tay cứu giúp.

Và, cứ như thế, tháng năm nối tiếp, họ lo củng cố sự hào nhoáng bề ngoài của họ, còn tâm hồn của họ thì ngày càng trống rỗng !

LA FONTAINE để lại câu nói đáng ta suy ngẫm: “Danh giá phần đông chỉ là bọn hề ở hí trường. Cái bề ngoài của nó chỉ lòe được kẻ ngây ngô thôi” (Les grands pour la plupart sont masques de théâtre. Leur apparence impose au vulgaire idolâtre).

Điều cao quý bên trong

Cái gì ở trong thẳm sâu tâm hồn thì khó thấy, nhưng đó lại là điều cao quý và bền vững với thời gian. Đó là vẻ đẹp tâm hồn,mà chỉ có những ai sở hữu một tâm hồn cao đẹp mới “nhìn thấy” và “hiểu được”. Người ta thường dùng “ngôn ngữ riêng” để diễn tả sự cảm nhận kỳ diệu ấy qua một thứ “giác quan thiêng liêng” mà không phải ai cũng có được, như “đôi mắt tâm hồn”, “đôi tai tâm hồn”…

Như câu chuyện về đại học Stanford, vị hiệu trưởng không thể thấy được “tâm hồn” của hai vợ chồng Leland Stanford vì chiếc áo vải lanh sọc và bộ com-lê đã sờn chỉ mà họ mặc đã làm tối mắt vị hiệu trưởng thông minh ấy.

Vấn đề không phải là vì vị hiệu trưởng không có thời giờ để tiếp khách, mà vì khách chỉ là những người trông nghèo nàn thiếu học, không có lợi gì khi bỏ công sức và thời gian để trò chuyện với họ.

Ai đó có vai trò quan trọng như ông ta thì rõ ràng là không có thời gian để tiếp họ, thế nhưng ông ghét cay ghét đắng chiếc áo vải lanh sọc và bộ com-lê đã sờn chỉ cứ phủ đầy bừa bãi căn phòng ở phía ngoài của ông ta.

Trong ánh mắt phàm phu, biết bao điều còn mờ tối. Lòng kiêu căng tự phụ, chận lối biết bao người. Nhiều khi ta không nhận ra được “viên ngọc tâm hồn” ở tha nhân, vì ta quá vội vã, ta tự cho là mình đã thông suốt tất cả. Giống như nhiều thầy tu tự cho mình là thánh, nên nhìn ai cũng là những kẻ tội đồ.

Chắc các bạn đã biết câu chuyện “Ngọc bích họ Hòa”:

Nước Sở, có người họ Hòa, được một hòn ngọc ở trong núi, đem dâng vua Lệ Vương. Vua sai thợ ngọc xem. Thợ ngọc nói: “Đá, không phải ngọc”. Vua cho người họ Hòa là nói dối, sai chặt chân trái.

Đến khi vua Vũ Vương nói ngôi, người họ Hòa lại đem ngọc ấy dâng. Vua sai thợ ngọc xem. Thợ ngọc nói: “Đá, không phải ngọc”. Vua lại cho họ Hòa là nói dối, sai chặt nốt chân phải.

Đến khi vua Văn Vương lên ngôi, người họ Hòa ôm hòn ngọc, khóc ở chân núi Sở Sơn suốt ba ngày ba đêm đến chảy máu mắt ra. Vua thấy thế, sai người đến hỏi. Người họ Hòa thưa: “Tôi khóc không phải là thương hại cho chân tôi bị chặt, chỉ thương về nỗi ngọc mà cho là đá, nói thật mà cho là nói dối”. Vua bèn cho người xem lại cho rõ kỹ, thì quả nhiên là ngọc thật, mới đặt tên gọi là “Ngọc bích họ Hòa” (Hàn Phi Tử).

Nhìn người

Có câu: “Con cáo nó tưởng ai cũng ăn gà như nó”. Vị hiệu trưởng trong câu chuyện không ngờ trong những con người “nghèo nàn” thế kia lại có thể chứa một “kho tàng” như thế ! Đúng là “ngọc trong đá” ! Đối với những con người kia, có thể việc làm của họ chỉ là chuyện “bình thường”, nhưng với vị hiệu trưởng, đó lại là chuyện “phi thường” vì lòng ông quá “tầm thường”. Vị hiệu trưởng ! Ngạc nhiên chưa !? Và ngạc nhiên trong sự thẹn thùng.

Khuôn mặt của vị hiệu trưởng thượt ra đầy bối rối và lúng túng.

Vị hiệu trưởng đã để vuột mất một cơ hội lớn để phát triển hơn nữa cho đại học Harvard, nhưng nỗi đau không phải là sự mất mát mà là sự tủi nhục trong tâm hồn. Khi vị hiệu trưởng thấy mình quá lớn lại là lúc nhận ra mình quá nhỏ, và bài học hôm nay không phải đến từ bậc quân sư, mà chỉ là từ những con người xem ra thật bình dị.

Còn sống ngày nào đừng đoán người qua vẻ mặt. (La Fontaine)

Nào, ta hãy thận trọng. Khi “nhìn người” để rồi phê phán và ứng xử, có khi chính lúc ấy lại là lúc ta để lộ nguyên hình “tâm hồn đầy rong rêu” của ta.

Họ – những người ta đang tiếp xúc – là những kẻ quá bé mọn hay vì lòng ta quá hẹp hòi. Họ là những người quá vụng về hay vì lòng ta quá đòi hỏi. Họ là những người quá thấp hay vì lòng ta quá kiêu căng. Họ là những người quá tội lỗi hay vì ta tự phong mình là thánh nhân…

Và ta nhìn người, nhìn đời, không vừa ý ta. Không vừa ý ta vì không có lợi gì cho ta. Không “vì ta, cho ta”. Khi ta muốn tom góp lại là lúc ta đánh mất tất cả.

Biết bao điều tốt đẹp đến với ta, nhưng ta đã từ chối vì ta không nhận ra được điều quý giá tiềm ẩn, những điều mà chỉ có “đôi mắt tâm hồn” ta mới thấy được.

Nếu bạn cảm thấy sao đời mình u ám quá, thử coi lại xem cánh cửa sổ tâm hồn mình thật đã có lau kỹ chưa (La Rochefoucauld)

Phi hanh gia My Neil Armstrong qua doi 82 tuoi

Sunday, August 26th, 2012

Phi hành gia Mỹ Neil Armstrong, người đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng, vừa qua đời ở tuổi 82.
Gia đình ông cho hay nguyên nhân là do có biến chứng sau cuộc phẫu thuật tim hồi đầu tháng.
Neil Amstrong đặt bước trên Mặt trăng ngày 20/7/1969, và mô tả sự kiện này bằng câu nói sau này trở thành bất hủ: “Một bước đi nhỏ của con người, một cú nhảy vọt của loài người”.
Tháng 11 năm ngoái Armstrong được trao tặng Huân chương vàng của Quốc hội Mỹ, phần thưởng dân sự cao quý nhất ở nước này.
Ông là chỉ huy trên tàu vũ trụ Apollo 11. Hơn 500 triệu người xem truyền hình trên toàn thế giới đã theo dõi cảnh Apollo hạ cánh xuống bề mặt Mặt trăng.
Armstrong và phi hành gia cùng chuyến bay Edwin “Buzz” Aldrin đã có ba tiếng đồng hồ ‘đi bộ’ trên Mặt trăng.
Aldrin nói trên chương trình Newshour của BBC: “Thật là buồn khi chúng tôi không còn có thể gặp mặt với nhau trong lần kỷ niệm 50 năm chuyến bay lên Mặt trăng… [Tôi sẽ luôn nhớ tới] ông ấy như một vị chỉ huy tài năng.”
Apollo 11 là chuyến du hành vũ trụ cuối cùng của Armstrong. Năm 1971, ông đã rút khỏi cơ quan vũ trụ Hoa Kỳ Nasa để giảng dạy môn kỹ thuật không gian.
Sinh năm 1930 và lớn lên ở tiểu bang Ohio, Armstrong bắt đầu bay cùng với cha khi mới sáu tuổi và cả đời luôn say mê nghiệp phi công.
Ông từng phục vụ trong không quân thời kỳ chiến tranh Triều Tiên những năm 1950, và bắt đầu tham gia chương trình không gian của Hoa Kỳ năm 1962.
Các phóng viên từng tiếp xúc với ông nói Armstrong là người khiêm tốn và không thích trở thành tâm điểm chú ý của giới truyền thông.
Tháng Hai năm 2000, trong một lần xuất hiện hiếm hoi trước công chúng, ông nói: “Tôi hiện là, và mãi mãi vẫn sẽ là, một người kỹ sư miệt mài công việc”.
Trong thông cáo gia đình, thân nhân của ông ca ngợi Amstrong là “một người hùng miễn cưỡng”, người đã phụng sự Tổ quốc một cách trung thành trong mọi vị trí – “phi công chiến đấu, phi công thử nghiệm và phi hành gia”.

Thơ Tặng Bạn Hiền

Sunday, August 26th, 2012

Thưa các bạn, trong thời gian dài Thuanan.net đã vắng những bài thơ. Hôm nay Xõa ráng viết một bài thơ ngắn, trước tặng bạn Ngọc Cô Hàn (VBT), chúc Tường sớm bình phục và hy vọng sẽ đọc được những giòng thơ mới của Tường, và cũng để góp phần vào Thuanan website, xin các bạn tham gia để website thêm phong phú. 

 Thơ Tặng Bạn Hiền 

(Trần Xõa, viết tại Thung Lũng hoa vàng, San Jose – Saturday, 8-25-2012, 4:33pm)

Nợ con nợ vợ nợ tình xưa

Gói gắm trong thân trọn kiếp người

Ong bướm giao tình mình cô quạnh

Công danh sự nghiệp đóng rêu xanh

                              ***

Chữ Tài chữ Mệnh có ai định ?

Ông trời già qúa hóa bất công

                              ***

Hãy tìm hạnh phúc trong đau khổ!

Ai bảo sóng đời không nỗi trôi?

Nhân đức công danh mãi sáng ngời

7 Kỳ Quan Thế Giới Cổ Đại

Friday, August 24th, 2012

7 Kỳ Quan Thế Giới Cổ Đại

1. Vườn treo Babylon.
2. Hải đăng Alexandria.
3. Tượng thần Zeus ở Olympia (chúa tể của các vị thần Hy Lạp, do nhà điêu khắc vĩ đại Pheidias tạc).
4. Đền Artemis ở Ephesus, Tiểu Á (Thổ Nhĩ Kỳ) được dựng lên để tôn vinh nữ thần săn bắn và thiên nhiên hoang dã của Hy Lạp.
5. Lăng mộ vua Maussollos tại Halicarnassus, chúa tể xứ Caria vùng vịnh Percic.
6. Bức tượng khổng lồ thần mặt trời Helios, do người Hy Lạp dựng lên tại một cảng gần đảo Địa Trung Hải, có tên tượng Rhodes.
7. Kim tự tháp Giza, một cấu trúc bằng đá khổng lồ gần thành phố cổ Memphis, nơi chôn pharaoh Ai Cập Khufu. Kim tự tháp Giza là kỳ quan duy nhất trong bảy kỳ quan cổ đại còn tồn tại đến hôm nay. Kỳ quan biến mất sau cùng là hải đăng Alexandria.

I. VƯỜN TREO BABYLON

Vườn treo Babylon, một kiệt tác tiêu biểu của nền văn minh Lưỡng Hà thời cổ đại và là một công trình kiến trúc tráng lệ độc nhất vô nhị. Vườn treo Babylon được xây dựng năm 3000 trước CN, bên bờ nam sông Euphrates và cách thủ đô Baghdad, Iraq, 90km về phía Nam. Từ xa xưa, Babylon đã được mệnh danh là “Cửa Thần” rất linh thiêng. Trước khi cuộc chiến tranh Iraq nổ ra, mỗi năm có hàng chục vạn tín đồ, khách du lịch trên khắp thế giới đổ về đây cúng lễ cầu phúc và du lịch thưởng ngoạn kỳ quan tráng lệ bậc nhất thế giới. Nhân loại có lẽ còn phải mất nhiều công sức giải mã mới có thể lý giải nổi câu hỏi, tại sao ở một vùng đất phần lớn là sa mạc, chỉ có dầu mỏ và ruồi vàng với những người nông dân, lại có thể xây dựng được công trình kiến trúc tráng lệ và bền chắc tồn tại cùng thời gian suốt 5.000 năm qua?

Babylon từng là thủ đô của Vương quốc Babylon cổ đại và là trung tâm thương mại sầm uất nhất vùng Tây Á, nơi “con đường tơ lụa” đi qua. Tổng thể khu vườn treo Babylon là những tường thành hùng vĩ, cung điện nguy nga tráng lệ, đường sá, cầu cống… phản ánh trình độ thẩm mỹ, óc sáng tạo, đặc biệt kỹ thuật tính toán xây dựng rất cao của những người nông dân Lưỡng Hà cổ đại. Chính vì vậy, vườn treo Babylon được công nhận là một trong 7 kỳ quan của thế giới và là niềm tự hào không chỉ của nhân dân Iraq mà còn của cả nhân loại. Và hiện nay, không chỉ các nhà khảo cổ học mà nhân loại tiến bộ trên thế giới đều hết sức lo lắng và bất bình trước thông tin báo chí đã nêu gần đây: Vườn treo Babylon ở Iraq, một trong 7 kỳ quan thế giới đã tồn tại hơn 5.000 năm nay có nguy cơ bị biến mất. Đúng vậy, vườn treo nổi tiếng này hiện đang dần trở thành đống hoang tàn vì sự tàn phá của những lính Mỹ tại Iraq. (Còn nguyên nhân vì sao xin được miễn nêu ra, vì liên quan đến chính trị, mong các bạn thông cảm).

II. HẢI ĐĂNG ALEXANDRIA

Hải đăng Alexandria do triều đại Ptolemy xây dựng trên đảo Pharos ngoài khơi thành phố Alexandria, thủ đô Ai Cập một thời, nơi có thư viện Alexandria nổi tiếng. Alexandria được mệnh danh là hòn ngọc lấp lánh của Địa Trung Hải, thành phố lớn thứ hai và là cảng chính của Ai Cập hiện nay. Alexandria do kiến trúc sư Dinocrates (332 – 331 TCN) xây dựng tại vị trí của một ngôi làng cổ Rhakotis, theo ý nguyện của Alexander đại đế để bất tử hóa tên ông. Không bao lâu sau, Alexandria trở thành trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế và tri thức của Ai Cập. Đến nay, nhiều di tích vẫn còn tồn tại, Alexandria là thủ đô của triều đại Ptolemy với vô số tượng đài, đền miếu. Nơi đây mọc lên hải đăng Alexandria và thư viện Alexandria. Các nhân vật lịch sử của Ai Cập, La Mã như Cleopatra, Julias Caesaz, Mark Antony và Octavian đều có dính líu ít nhiều đến thành phố này.

Alexandria nằm ở tây bắc sông Nile, trải dài trên dải đất hẹp giữa Địa Trung Hải và hồ Mariut. Nó có hai xa lộ lớn và một đường xe lửa đẫn đến Cairo. Thành phố là nơi nghỉ mát mùa hè nổi tiếng nhất Trung Đông. Hải đăng Alexandria có lẽ là kỳ quan duy nhất trong bảy kỳ quan cổ đại được sử dụng vào mục đích phục vụ cuộc sống hằng ngày. Nó hướng dẫn cho tàu bè đi lại an toàn tại cảng lớn. Đối với các kiến trúc sư thì hải đăng còn là công trình xây dựng cao nhất thế giới, và là tấm gương phản chiếu ánh sáng vào ban ngày (ban đêm sử dụng đèn báo) vẫn còn là điều bí ẩn đối với nhiều nhà khoa học. Theo sử sách, tấm gương nhìn thấy từ xa 50 km.

Không lâu sau khi Alexander đại đế mất, vị tướng Ptolemy Soter của ông lên nắm quyền tại Ai Cập. Chính Ptolemy đã đôn đốc việc xây dựng thành phố Alexandria, thủ đô mới. Ngoài khơi thành phố là đảo nhỏ Pharos. Đảo nối với đất liền bằng con đê biển Heptasđaion, được xem là cảng thứ hai của thành phố. Tàu buồm đi lại tấp nập quanh và trong khu vực cảng, nên cần có một ngọn hải đăng hướng dẫn để không mắc cạn tại dải bờ biển thoai thoải không dốc. Ptolemy vạch kế hoạch xây dựng ngọn hải đăng vào năm 230 TCN, nhưng khi ông mất nó mới hoàn tất dưới triều đại của Ptolemy Philadelphus, con trai ông. Sostratus, người cùng thời với Euclid, là kiến trúc sư trưởng công trình, nhưng bản tính toán chi tiết hải đăng và các công trình phụ trợ do thư viện Alexandria làm. Hải đăng được dâng hai vị thần cứu rỗi : đó chính là Ptolemy Soter và Berenice, vợ ông. Trong hàng thế kỷ, hải đăng Alexandria, còn được gọi là đèn biển Pharos, phát huy hiệu quả rất tốt trong việc hướng dẫn tàu bè. Hình ảnh của nó được in trên cả các đồng tiền La Mã.

Khi người Arập chinh phục Ai Cập, họ hết sức khâm phục Alexandria và sự giàu có của thành phố này. Nhưng giới cầm quyền mới dời thủ đô đến Cairo để cắt đứt sự nối kết với Địa Trung Hải. Tấm gương trên ngọn hải đăng được tháo ra một cách bất cẩn, nên không thể lắp đúng vào chỗ cũ. Năm 956 SCN, một trận động đất gây thiệt hại nhẹ cho ngọn hải đăng. Hai trận động đất mạnh sau đó (1303 và 1323) tiếp tục gây thiệt hại lớn cho công trình. Năm 1449, thương buôn Arập nổi tiếng Ibu Battuta nói là ông ta không thể đi vào công trình đã đổ nát này. Chương cuối cùng của hải đăng Alexandria khép lại vào năm 1480, khi phó vương Ai Cập Mamelouk quyết định củng cố hệ thống phòng thủ của Alexandria, bằng cách xây một công sự kiên cố ngay trên vị trí của ngọn hải đăng và sử dụng chính các vật liệu lấy từ nó. Mô tả chính xác, chi li nhất về hải đăng Alexandria là mô tả của thương buôn Arập Abou-Haggay Al- Andaloussi. Ghé thăm hải đăng năm 1166, ông nêu chi tiết sự tráng lệ của lớp đá cẩm thạch bao quanh ngọn tháp. Theo ông thì tấm gương trên ngọn hải đăng có công dụng đốt cháy các chiến thuyền của kẻ thù trước khi nó lọt vào cảng. Ngoài phần bệ, hải đăng có ba tầng : khối vuông thấp nhất cao 55,9 m có lõi tròn, khối giữa cao 27,45 m và khối trên cùng cao 7,3 m có hình tròn. Chiều cao tổng cộng của ngọn hải đăng là 117 m tính từ cột mốc số 0 là mực nước biển, tương đương ngôi nhà cao bốn mươi tầng. Trên nóc hải đăng là tượng thần Poseidon (thần biển cả, có bộ râu trắng, tóc trắng mắt xanh với dải băng cuốn quanh đầu như thần Zeus).
Poseidon là con của thần Cronus và thần Rhea. Cronus đã nuốt Poseidon vào bụng, nhưng lại nhả ra để ông lớn lên với các anh chị khác. Khi Cronus bại trận, Poseidon trở thành vua biển cả và vua các hòn đảo. Có lúc Poseidon được mô tả như vị thần trần truồng, tay cầm đinh ba mà thần bão Cyclopes đã cho ông. Cây đinh ba biểu tượng cho vương quốc Poseidon, vương quốc thứ ba của vũ trụ (tức biển cả).

III. TƯỢNG THẦN ZEUS Ở OLYMPIA
Đây là bức tượng của vị thần mà các cuộc thi tài thể thao Olympic cổ được tổ chức để tôn vinh ông. Tượng đặt tại thành phố cổ Olympia, nằm ở bờ biển phía tây Hy Lạp hiện nay, cách thủ đô Athens 150 km. Theo lịch Hy Lạp cổ bắt đầu từ năm 776 TCN thì các cuộc thi đấu cũng bắt đầu từ năm đó. Bức tượng Zeus kỳ vĩ do kiến trúc sư Libon thiết kế và được xây dựng vào năm 450 TCN. Vào thời điểm nước Hy Lạp đang hùng mạnh, ngôi đền kiểu Doric quá tầm thường, đơn giản nên cần có các sửa đổi lớn. Giải pháp là đặt một bức tượng khổng lồ trong đền. Điêu khắc gia Athens được giao nhiệm vụ “thiêng liêng” này.
Nhiều năm sau đó, ngôi đền thu hút số du khách và người hành hương đến từ khắp nơi trên thế giới. Bước sang thế kỷ II TCN, bức tượng được tu sửa chút ít, rồi đến thế kỷ I SCN, hoàng đế La Mã Caligula tìm cách đưa bức tượng về Rome, nhưng giàn giáo do các nhân công của Caligula xây dựng bị đổ sụp. Sau khi các cuộc thi đấu Olympic bị cấm năm 391 SCN, hoàng đế Theodosius cũng ra lệnh đóng cửa đền Zeus. Sau đó, thành phố Olympia bị động đất, trượt đất và ngập lụt tấn công. Đến thế kỷ V SCN, đền lại bị lửa làm hư hại. Nhưng trước đó, bức tượng đã được những người Hy Lạp giàu có chuyển đến Constantinople, và tượng đứng vững tại đây cho đến khi nó bị lửa làm thiệt hại nặng vào năm 462 SCN.

Hôm nay, bức tượng không còn lại gì ở ngôi đền cũ, trừ đá và vụn cát cùng nền và những chiếc cột bị gãy của ngôi đền. Điêu khắc gia Pheidias bắt đầu xây dựng bức tượng vào năm 440 TCN. Vài năm trước đó, ông đã phát triển một kỹ thuật đặc biệt dùng cho việc xây dựng các bức tượng bằng vàng và ngà. Kỹ thuật này sử dụng các khung gỗ lắp ghép như giàn giáo, để phủ những tấm kim loại quý hoặc ngà voi lên mặt ngoài công trình. Hiện di tích nhà xưởng của Pheidias ở Olympia vẫn tồn tại. Nó bằng kích cỡ và theo đúng hướng với ngôi đền Zeus cũ. Tại xưởng này, Pheidias cho đẽo, khắc những phần khác nhau của tượng trước khi mang đến đền lắp ghép. Nhưng khi bức tượng hoàn tất, ngôi đền lại quá nhỏ so với nó. Một số người cho rằng bức tượng không cân xứng với chiều cao đền. Thần Zeus ở trong tư thế ngồi, nếu ông đứng lên, ngôi đền sẽ bị bung mái. Nhưng cũng có người khen ngợi ý đồ của Pheidias. Chính nguy cơ ngôi đền bị bung mái khi “vua các vị thần” đứng lên đã tạo cảm hứng cho nhiều nhà thơ và sử gia. Bệ của tượng có bề rộng 6,5 m, cao 1 m. Tượng cao 13 m tương đương với ngôi nhà bốn tầng. Bức tượng cao đến nỗi các du khách chỉ có thể mô tả về chiếc ngai vàng thần Zeus ngồi, chớ không thấy rõ chi tiết cơ thể ông. Phần chân của chiếc ngai được trang trí bằng các tượng nhân sư và những vị thần chiến thắng có cánh. Thần Apollo, Artemis và con gái của thần Niobe đều có mặt. Theo ghi chép của sử gia Hy Lạp Pausanias thì trên đầu của thần Zeus là chùm tia Olive. Tay phải ông giữ biểu tượng chiến thắng làm bằng vàng và ngà voi. Tay trái ông giữ một quyền trượng có con ó đậu ở đỉnh.

VÀI DÒNG VỀ THẦN ZEUS
Là con của thần Kronos và thần Rheia, Zeus theo gương cha : lật đổ chính người sinh thành ra mình. Khi Kronos giết cha (thần Uranus), người cha có điềm báo là ông cũng sẽ bị con trai bức hại. Do sợ hãi và tham lam, Kronos nuốt những đứa con đầu ngay lúc chúng ra đời, nhưng khi Rheia sinh hạ đứa con thứ sáu Zeus, bà đánh lừa chồng bằng cách đưa cho ông cục đá. Kronos nuốt cục đá và lời nguyền trở thành hiện thực. Zeus được nuôi nấng bí mật cho đến ngày đủ lớn để phục kích Kronos lúc đi săn. Ông đá Kronos vào bụng mạnh đến nỗi người cha già nua đã ói ra hòn đá và năm đứa con (cả trai và gái) chưa tiêu hóa được. Đó là các thần Demeter, Hades, Hestia, Hera và Poseidon. Sau đó, Zeus tuyên bố là lãnh tụ của các vị thần, thống trị các đỉnh núi và những đám mây. Ông cưới Hera xinh đẹp, chị mình. Thần Zeus có nhiều mục tiêu phải hoàn thành trước khi cuộc chiến thành Troy kết thúc. Người Hy Lạp bao vây thành Troy được sự hỗ trợ của các vị thần Hera, Athene, Poseidon, Ares và Aphrodite nên trước sau gì họ cũng thắng. Trong lúc đó, thần Zeus đối mặt với cuộc nổi loạn trên đỉnh Olympus. Sau khi thần Aphrodite và thần Ares bị thương ở thành Troy, Zeus ra lệnh cho tất cả các vị thần đứng ngoài cuộc chiến. Riêng ông sẽ đích thân đến ngọn Ida để chỉ huy cuộc dẹp loạn và tạo uy thế cho Hector yêu dấu, chủ nhân Ida. Có nhiều con các vị thần tham gia cuộc chiến thành Troy. Con trai Sarpedon của Zeus chết tại chiến trường trên tay đứa con trai khác là Aias. Aphrodite bị thương khi bảo vệ thần Aineias. Askalaphos, con trai của Ares, cũng bị giết và cả Achilleus, con trai nữ thần Tethys, cũng phải hy sinh. Có lúc cuộc chiến thất thế cho người Hy Lạp đến nỗi Hera buộc phải ra tay, bằng cách đánh lừa Zeus để bí mật tung Poseidon vào cuộc chiến giúp người Achaian (Hy Lạp). Nhưng tiếng thét của Poseidon làm Zeus thức dậy khi đang ngủ, ông phát hiện ra Hera đánh lừa mình bằng nhan sắc và một đêm hoan lạc, phát hiện ra sự cứng đầu không vâng lời của Poseidon. Ông cử Hera đến Olympus đưa Iris và Apollo về. Iris được giao nhiệm vụ qui cố hương cho Poseidon, còn Apollo được giao trách nhiệm đẩy lùi người Achaian về tàu của họ như một cách trừng phạt. Thỏa mãn với những gì đạt được, Zeus ra lệnh cho các vị thần tập trung ở Olympus. Ông cho phép họ chọn một trong hai bên giao chiến và tham gia chiến trường nếu thích. Sau đó, Odysseus, vua vương quốc Ithaca, đã dùng mưu mẹo đánh chiếm thành Troy (ngựa gỗ thành Troy) với sự giúp đỡ của các vị thần; nhưng sự kiêu ngạo của Odysseus đã làm cho thần Poseidon tức giận và phải mất mười năm ông mới qui được cố hương.

IV. ĐỀN ARTEMIS Ở EPHESUS

Artemis không chỉ đơn thuần là một ngôi đền mà còn là công trình kiến trúc đẹp nhất thế giới, theo đánh giá của các triết gia cổ đại. Đền được xây dựng để tôn vinh nữ thần săn bắn và thiên nhiên hoang dã của Hy Lạp, vị trí nằm tại thành phố cổ Ephesus gần thị trấn đương đại Selcuk, cách thành phố Izmir (Thổ Nhĩ Kỳ) 50 km về phía nam. Dù nền ngôi đền có từ thế kỷ thứ VII TCN, Artemis chỉ mới được xây dựng sau đó 150 năm. Công trình đặt dưới sự bảo trợ của vua Croesus và do kiến trúc sư Hy Lạp Chersiphon thiết kế. Đền làm bằng đá cẩm thạch, trang trí bằng nhiều tượng đồng, sản phẩm của các thiên tài điêu khắc Pheidias, Polycleitus, Kresilas và Pheadmon. Đền vừa là chợ, vừa là cơ sở tôn giáo. Trong nhiều năm, nó là nơi tụ hội của các thương buôn, du khách, nghệ sĩ và các vị vua đến để bày tỏ lòng tôn kính đối với nữ thần và dâng tặng đồ tế lễ. Các khai quật khảo cổ mới đây cho thấy nhiều tặng vật được chôn vùi, từ các tượng thần Artemis làm bằng vàng và ngà voi đến các vòng, nhẫn, lạc… có gốc gác xa như Ấn Độ và vùng Persca (Iran hiện nay).

Đêm 21–07–356 TCN, một người đàn ông Herostratus đốt đền với mục đích bất tử hóa tên mình cùng ngôi đền. Có một sự trùng hợp kỳ lạ, cũng vào đêm đó, Alexander đại đế ra đời. Về sau, sử gia Plutarch viết rằng: “Do quá bận chăm sóc sự ra đời của Alexander, nên nữ thần Artemis không rảnh tay bảo vệ ngôi đền thờ của mình”.
Hai thập niên sau, đền được phục hồi. Khi Alexander chinh phục Tiểu Á, ông góp sức xây dựng lại ngôi đền. Vào thế kỷ thứ I sau thiên chúa giáng sinh, thánh Paul ghé thăm Ephesus để truyền đạo thiên chúa, nhưng người dân vùng này không có ý định bỏ rơi nữ thần của họ. Đến năm 262 SCN, đền lại bị người Goth phá hủy lần nữa. Dù các cư dân Ephesus thề sẽ khôi phục lại ngôi đền nhưng đến thế kỷ thứ IV, do đa số họ đã chuyển sang đạo thiên chúa, nên đền không còn ý nghĩa tôn giáo nữa. Sau đó, thành phố Ephesus bị bỏ hoang cho đến thế kỷ XIX mới được khai quật. Công trình đào bới đã làm lộ nền ngôi đền và con đường dẫn đến đền.

Bước thứ hai là phục hồi một số cột để phục vụ du khách. Nền đền Artemis có hình chữ nhật giống như đa số ngôi đền khác vào thời kỳ đó. Tuy nhiên, khác với các công trình cùng tuổi, Artemis có tầm nhìn bao quát các khu vườn rộng. Các bậc thềm quanh đền dẫn đến những cây cột đá cao 20 m. Có 127 cây cột đá, và tất cả đều được trang trí rất đẹp. Sàn đền rộng 80 m x 130 m. Trong đền chứa nhiều công trình nghệ thuật kể cả bốn bức tượng đồng cổ Amazon, do các nghệ sĩ lỗi lạc nhất vào thời đó khắc. Theo sử sách, thì khi thánh Paul đến thăm đền, nó còn có cả những cây cột mạ vàng và nhiều tượng bằng bạc. Ngoài ra, còn nhiều bức tranh vẽ tuyệt mỹ. Dù không có chứng cứ lưu lại về bức tượng Artemis đặt giữa ngôi đền, nhưng người ta tin rằng nó đứng ở đó cho đến lúc đền bị đốt.

VÀI NÉT VỀ NỮ THẦN ARTEMIS
Artemis và Apollo là hai con của thần Zeus và thần Leto. Cả hai đều sinh ra tại đảo Delos và gắn liền số phận với một loại cung tên : Apollo cung cong, còn Artemis cung bạc. Artemis là một trong ba người không bị mê hoặc bởi thần Aphrodite (hai người kia là Hestia và Athene). Artemis là bạn với loài người. Nữ thần nhảy múa khắp vùng thôn dã trong đôi xăng đan bạc để bảo vệ các loài thú hoang, nhất là thú nhỏ. Nàng cưỡi chiếc xe ngựa bạc băng qua bầu trời và bắn tên xuống mặt đất dưới ánh trăng. Giống như các thần Olympia khác, Artemis không thể bảo vệ được người thợ săn thiện xạ Shamandos trước mũi giáo của người Menelao trong trận đánh thành Troy. Khác với Apollo, Artemis không thiện chiến, nhưng bà có thể trừng phạt và giết chóc theo lệnh của Zeus. Trong trường ca THE ILIAD, Leto, mẹ của Artemis, bị một phụ nữ Niobe lăng nhục. Niobe khoe khoang rằng, bà có mười hai đứa con trong khi Leto chỉ có hai. Để trừng phạt Leto, Apollo giết sáu đứa con trai của bà ta, còn Artemis giết sáu đứa con gái. Trong trường ca THE ODYSSEY, Odysseus kể câu chuyện về hòn đảo kỳ thú Syria, nơi không có chỗ cho cái đói và tuổi già. Khi thần số phận quyết định các cư dân cao quí của hòn đảo phải chết, Artemis và Apollo ra tay bằng những mũi tên không gây đau đớn. Artemis thường bị nhập chung với nữ thần La Mã Diana.

V. LĂNG MỘ VUA MAUSSOLLOS TẠI HALICARNASSUS, CHÚA TỂ XỨ CARIA, VÙNG VỊNH PERCIC

Halicarnassus là thủ đô của một vương quốc nhỏ nằm bên bờ Địa Trung Hải. Năm 353 trước CN, vua Mausolus qua đời. Nữ hoàng Artemisia cũng là em gái của ông (theo tục lệ ở Caira thì người cai trị vương quốc phải kết hôn với em gái mình) quyết định xây một khu mộ thật lớn cho người chồng của mình. Ngôi mộ trở thành một công trình kiến trúc nổi tiếng thế giới, đến nỗi cái tên Mausolus sau này đồng nghĩa với từ “ngôi mộ”. Ngôi mộ cao bằng một tòa nhà 14 tầng. Vua Mausolus không nổi tiếng, nhưng chính ngôi mộ đã khiến cho cả nhân loại biết đến ông.

VI. BỨC TƯỢNG KHỔNG LỒ THẦN MẶT TRỜI HELIOS
Pho tượng nữ thần Tự Do mặc áo choàng, tay đưa ngọn đuốc lên cao tại cảng New York, một hình ảnh biểu trưng của nước Mỹ có lẽ không mấy xa lạ với chúng ta. Nhưng điều mà ít ai biết chính là bức tượng nữ thần Tự Do này còn có một tên gọi khác – “Modern Colossus” (Colossus = tượng khổng lồ), như là âm vang gợi nhớ đến một bức tượng khổng lồ khác cùng kích cỡ (khoảng 110 feet = 33m, cao tương đương một tòa nhà hiện đại với 10 tầng), đã tồn tại cách đây hơn 2000 năm, cũng ở ngõ vào của một cảng biển sầm uất thời cổ đại và cũng là một biểu tượng của tự do: “Colossus of Rhode” – Tượng khổng lồ ở đảo Rhode.
Đất nước Hy Lạp cổ đại bị chia cắt bởi nhiều thành bang nhỏ. Trên đảo Rhode bấy giờ có 3 thành bang : Ialysos, Kamiros và Lindos. Năm 408 trước CN, các thành bang này kết hợp lại thành một lãnh thổ thống nhất với thủ phủ tại Rhodes. Thành phố phát triển hưng thịnh và có mối quan hệ chặt chẽ về thương mại và kinh tế với nước liên minh Ptolemy (Ai Cập). Năm 305 trước CN, những người thuộc phe Antigonids của Macedonia, cũng là đối thủ của Ptolemie, bao vây Rhodes, tìm mọi cách phá vỡ liên minh Rhodes – Ai Cập. Nhưng họ đã không thể xâm nhập vào thành phố. Hiệp ước hòa bình đạt được vào năm 304 trước CN, những người phe Antigonid mở vòng vây, rút lui, để lại nhiều trang thiết bị quân sự dồi dào của họ. Nhằm tổ chức kỷ niệm ăn mừng chiến thắng và thống nhất, người dân đảo Rhodes đã bán vũ khí đó, dùng tiền dựng nên bức tượng khổng lồ hình vị thần mặt trời – Helios.
Bức tượng khổng lồ đứng kiêu hãnh, uy nghi ngay cửa ngõ vào cảng, sải chân giang rộng và tàu bè có thể đi lại bên dưới. Mỗi sáng sớm, mặt trời chiếu vào làm pho tượng đồng ánh lên rạng rỡ một biểu tượng của tự do và thống nhất : sau khi Alexander Đại Đế chết, các tướng lĩnh của ông đã không kiểm soát được vương quốc quá rộng lớn mà đế quốc Macedonia vừa chiếm được (gồm Tiểu Á, vùng Lưỡng Hà, Ai Cập, Ba Tư, Afganistan và Turkestan). Tướng sĩ tranh nhau quyền hành, đế quốc tan rã và Macedonia suy từ đó. Có ba trong số các tướng sĩ của Alexander đã thành công trong việc chia vương quốc này là Ptolemy (Ai Cập), Seleucus và Antigons.
Bức tượng thần mặt trời khổng lồ này do nhà điêu khắc nổi tiếng Charles ở Lindos thực hiện. Tượng đúc bằng đồng, đế tượng làm bằng đá cẩm thạch. Tượng cao 33m. Riêng ngón tay cái vài người ôm không xuể, thật là một pho tượng khổng lồ. Công trình tạc tượng Helios kéo dài 12 năm và hoàn thành vào năm 282 trước CN. Trong nhiều năm, bức tượng được đặt trên đảo Rhodes, cửa ngõ ra vào Ðịa Trung Hải của nước Hy lạp cổ. Cho đến khi xảy ra trận động đất kinh hoàng năm 266 trước CN, cả thành phố bị thiệt hại nặng và pho tượng thần mặt trời khổng lồ bị gãy ở đầu gối, phần yếu nhất của pho tượng.
10 thế kỷ trôi qua, bức tượng khổng lồ vẫn nằm trong đống đổ nát. Năm 654 sau CN, Arab đánh chiếm đảo, họ tháo gỡ phần còn lại của pho tượng và bán cho một người Do thái ở Syrie. Người ta kể rằng, cần đến 900 con lạc đà để chở những bộ phận của bức tượng khổng lồ đến Syrie. Từ đó đến nay, không ai còn nhìn thấy bức tượng này nữa. Tính từ lúc xây dựng cho đến khi bị phá hủy, nó chỉ tồn tại có 56 năm, nhưng được xếp vào 1 trong 7 kỳ quan cổ đại của nhân loại.

VII. KIM TỰ THÁP GIZA
Phía bờ tây sông Nile, sừng sững những Kim tự tháp hùng vĩ. Hình dạng độc đáo với nền móng vững chắc tiếp đất và chóp nhọn chọc trời là minh họa cho một sự kết hợp giữa trình độ kỹ thuật cùng sự cam kết tâm linh của người Ai cập cổ đại. Thời hoàng kim về xây dựng kiến thiết của Ai cập kéo dài trong suốt thời kỳ thứ 3, từ 2868 đến 2613 trước CN. Mục đính chính của các Kim tự tháp để làm hầm mộ chôn cất các pharaoh và các quan chức cao cấp của triều đình. Nền móng của nền quân chủ Ai cập dựa trên sự bất tử của các pharaoh, do vậy xác nhận sự tồn tại của “kiếp sau”. Kim tự tháp vừa để tôn vinh các pharaoh, vừa là nơi các vị này chờ đợi trước khi được gia nhập vào thế giới mới. Người Ai cập cổ đã đạt tới trình độ hoàn thiện trong kỹ thuật ướp xác để gìn giữ cơ thể sau khi chết, và thường trữ đầy trong các Kim tự tháp những tiện nghi sinh hoạt cung đình mà các pharaoh tỏ ý nguyện muốn đem theo vào kiếp sau.

Kim tự tháp vĩ đại nhất, cũng là kiến trúc duy nhất còn tồn tại đến ngày nay trong số 7 kỳ quan của thời cổ đại, là Kim tự tháp Giza, xây dựng trong thời kỳ cai trị của Cheops, tên Hy lạp của Vua Khufu (2545-2520 trước CN). Tại thời điểm nó được xây dựng, Kim tự tháp này cao cỡ 482 phút, trải rộng một diện tích chừng 13 hec-ta và nặng ít nhất 6.5 tỉ tấn. Napoleon tính toán rằng lượng đá xây nên Kim tự tháp này là trên 2.300.000 khối, có thể tạo nên một bức tường dày 1 phút bao quanh Pháp với độ cao 10 phút. Tầm vóc khổng lồ của Kim tự tháp Giza cũng được tương xứng bởi thiết kế chính xác. Mỗi cạnh của nền tháp dài 776 phút, chênh lệch nhau không quá 7.9 inches; các khối đá được xếp chồng khít tới mức không thể nhét xen kẽ giữa chúng, dù chỉ một tờ giấy mỏng. Các cạnh tháp chạy hầu như chính xác từ bắc tới nam, đông qua tây, sai lệch chừng 4 độ không hơn. Vào thế kỷ 19, khi các nhà khảo cổ học phát hiện ra các Kim tự tháp, sức hấp dẫn của chúng đã làm nảy sinh cả một trường phái ngụy khoa học.

Giới theo “Kim tự tháp học” miệt mài làm việc hòng tìm ra một “đơn vị Kim tự tháp”, một đơn vị chuẩn đã cho phép người Ai Cập cổ đại xây dựng nên các công trình với sự chính xác siêu phàm. Các chuẩn như pi, khối lượng và chu vi TD, khoảng cách từ TD tới Mặt trời đã được gợi ý. Một số thì đề đạt giả thuyết các Kim tự tháp đóng vai trò các văn bản đá, ghi chép mã hóa toàn bộ lịc sử chi tiết của thế giới con người. Các nhà Kim tự tháp học thậm chí còn dài dòng phóng đại giải thích quy trình các công trình vĩ đại này được xây dựng. Một giả thiết được phổ biến khá rộng rãi trong thế kỷ 20 là các tảng đá khổng lồ ấy đã được chuyên chở tới TD bởi các sinh vật ngoài hành tinh, thả xuống vị trí hiện tại của chúng bằng các UFO…

Sự thật, đằng sau sự tạo thành của các Kim tự tháp không hề kém phi thường, có chăng nó chỉ không mang tính chất hoang đường như các giả thuyết trên. Chu trình xây dựng bắt đầu với việc đẽo các tảng đá được mang về từ các mỏ khai thác cách đó chừng 600 dặm xa, tại Aswan. Đa số các nhà sử học cho rằng, các tảng đá này được thả trôi theo bè xuôi sông Nile trong mùa lũ, mặc dù không có bằng chứng khảo cổ nào của các bè gỗ lớn đủ để chuyên chở các khối đá có kích cỡ khổng lồ ấy. Đá được chuyển về tại công trình, việc đầu tiên của các nhân công lao động là tạo ra một mặt bằng móng bằng cách dẫn nước ngập vào bãi, tạo nên một hệ thống kênh rạch; sau đó đào sâu cho tới khi mực nước khắp nơi cân bằng. Vòng đai ngoài được thiết lập, rồi cắt tới mức độ thích hợp, đôi khi một vài tảng đá cực lớn được giữ nguyên. Một con đường lề bằng đá được làm bên bờ sông Nile, nhằm phục vụ cho quá trình bốc dỡ. Các khối đá được kéo trên các xe trượt trụ trên các trục lăn từ vị trí cách xa chừng nửa dặm tới công trường. Tại đây, đội thợ nề và thợ đẽo đá sẽ bào nhẵn bề mặt đá, chuẩn bị cho việc xây dựng. Khi đã sẵn sàng, những khối đá khổng lồ được lăn vào vị trí, một quá trình gây nhiều tranh cãi, bởi thực tế là vòng xe và dây tời kéo phải 800 năm sau đó mới xuất hiện tại Ai cập. Một vài học giả cho rằng, người Ai Cập cổ đã chế ra các bậc cầu thang tam cấp dài theo độ cao dần của công trình với một độ nghiêng cố định; số khác gợi ý về một cầu thang xoắn dài theo tòa tháp. Đá được đẩy tới đầu cầu thang, rồi đặt vào trên nền vữa lỏng, bỏ yên tĩnh cho tới khi khô.

Đường cầu thang này được tháo dỡ dần sau khi đỉnh tháp đã được dựng xong, và những người thợ nề có trách nhiệm mài nhẵn bề mặt đá trên đường đi xuống. Lượng nhân công đã tham gia xây dựng nên tòa tháp này được nhà sử học Hy Lạp Herodotus dự đoán là 100 000 người, thay thế sau mỗi giai đoạn 3 tháng, trong suốt 20 năm, dù đây có lẽ là một con tính hơi bị cường điệu hóa. Một trại lính cổ đại phát hiện được ở gần đó có sức chứa 4000 người, và có vẻ như có tới vài trại lính ở xung quanh tòa tháp. Nhân công xây dựng không phải là nô lệ, công việc không bị ép buộc lao dịch, gây ra sự nghi ngờ với các truyền thuyết từ Kinh thánh về các quản đốc hà khắc dã man. Một bản khắc trên tường một hầm mộ một pharaoh tuyên bố rằng, ông ta chưa bao giờ đánh một công nhân đủ mạnh để làm người đó ngã.

NN suu tam

Những nhạc sĩ gốc Huế (phần 3)

Wednesday, August 22nd, 2012

10 – NHẠC SĨ ĐỖ KIM BẢNG
Nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng gốc Quảng Nam, sinh năm 1932 tại Huế. Ông là bạn đồng khoá với nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương từ trường trung học Khải Định cho đến trường Cao đẳng Sư phạm và Đại học Văn khoa Hà Nội. Ông học đàn với nhạc sĩ Lê Quang Nhạc, học lóm nhạc lý Tây phương với nhạc sĩ Văn Giảng và học thêm cổ nhạc với nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba. Những năm học trung học ông tham gia sinh hoạt văn nghệ trong trường và trong Gia đình Phật tử với các bạn như Phạm Mạnh Cương, Hồ Đăng Tín, Hoàng Nguyên, Kiêm Đạt, Diên Nghị, Tạ Ký (thơ), Minh Tuyền (nhiếp ảnh), Lữ Hồ (văn học)…
Năm 1949, ông sáng tác ca khúc “Mục Kiền Liên” và trình bày trong mùa Vu Lan tại Huế.
Năm 1951, ông làm bài “Mùa th ” được ban hợp ca Thăng Long dựng thành nhạc cảnh và trình diễn nơi ở trong nước.
“Hôm nay mùa thi , bao nhiêu người đi
Xe rộn ràng, lớp ồn ào, niềm vui vấn vương.
Thi ơi là thi, sinh mi làm chi ,
“bay” nghẹn ngào, “bám” ồn ào, buồn vui vì mi” .
Sau đó được ban Gió Nam của nghệ sĩ Trần Văn Trạch cùng ban Thăng Long trình diễn “Mùa thi” tại Hà Nội năm 1954. Ban Thăng Long đã làm bài hát này nổi tiếng và đưa tên tuổi ông đến giới hâm mộ nhạc VN.
Năm 1953, ông ra Hà Nội học tại Đại học Văn khoa và Cao đẳng Sư phạm. Trong thời gian này ông học thêm âm nhạc với nhạc sĩ Hùng Lân. Cuối năm 1954, ông di cư vào Saigon .
Năm 1955, ông tốt nghiệp Cao đẳng Sư Phạm, được bộ Giáo dục biệt phái sang bộ Quốc phòng và dạy tại trường Võ bị Quốc Gia Đà Lạt từ 1955 đến 1960. Trong thời gian này ông sáng tác bản “Khúc hát ngày mai” được ban Thăng Long trình bày trên đài phát thanh Saigon và đài Quân đội.
Năm 1960 về lại bộ Giáo dục ông dạy tại trường Trần Lục rồi Nguyễn Du. Trong năm này ông cho ra đời bài “Mưa đêm ngoại ô” và năm 1963 bài “Bước chân chiều Chủ nhật” do Thanh Thúy hát.
Năm 1965 ông nhập ngũ khóa 21 trường Võ bị Thủ Đức. Ra trường với cấp bậc chuẩn úy, ông làm việc dưới quyền của thi sĩ Tô Kiều Ngân, lúc ấy là đại úy Trưởng phòng và thi sĩ Tô Thùy Yên, trung úy phụ tá Trưởng phòng của Phòng Văn nghệ Cục Tâm lý chiến. Tại đây ông cùng làm việc với các nhạc sĩ khác như Lam Phương, Duy Khánh, Trầm Tử Thiêng, Song Ngọc, Phạm Minh Cảnh, Anh Việt Thu, vv… Cùng phục vụ trong Cục Tâm lý chiến ông cũng đã gặp và quen biết các nhạc sĩ cùng các văn, nghệ sĩ như Trần Trịnh, Trần Thiện Thanh, Mai Trung Tỉnh, Tường Linh, Du Tử Lê, Phạm Lê Phương, Tạ Tỵ….Cũng trong thời gian này ông viết bản trường ca “Những người đi giữ quê hương” được Ban hợp ca Quân đội trình bày tại rạp Thống Nhất nhân ngày Quân lực VNCH năm 1969, dưới sự điều khiển của nhạc sĩ Vũ Minh Tuynh và Ngô Mạnh Thu .
Năm 1969 ông được biệt phái về lại bộ Giáo dục và tiếp tục dạy học cho đến tháng 4-1975. Sau đó, ông đi học tập cải tạo đến năm 1978.
Năm 1980, ông vượt biên rồi được định cư tại Hoa Kỳ. Ông đi học lại nghề cũ và dạy học ở Boston cho đến 1999 th2 về hưu. Trong thời gian ở Mỹ ông phổ nhạc bài thơ “Tháng ba đi hành quân” của Trần Hoài Thư.
Ngoài những nhạc phẩm nêu trên ông còn những sáng tác khác như : Mưa đêm ngoại ô, Sương đêm, Vòng tay giữ trọn ân tình, Vui dựng gia đình, Xin dìu nhau đến tình yêu.

11 – NHẠC SĨ HOÀNG NGUYÊN
Nhạc sĩ Hoàng Nguyên tên thật là Cao Cự Phúc sinh ngày 03-01-1932 tại Quảng Trị, nhưng lớn lên và học hành tại Huế. Ông mất ngày 21-08-1973 tại Saigon trong một tai nạn xe cộ lúc ông 41 tuổi là lúc tài năng sáng tác đang lên.
Ông học trung học tại trường Quốc Học Huế, đậu Cử nhân Anh văn tại Đại học Saigon, dạy anh văn và âm nhạc tại Đà Lạt, Vĩnh Long, Saigon.
Ông phụ trách ban nhạc đại hòa tấu “Hương thời gian” trên Đài truyền hình VN và chương trình “Tiếng thời gian” trên Đài phát thanh Saigon.
Ông có nhiều kỷ niệm với Đà Lạt và hai nhạc phẩm nói về miền cao nguyên này là “Ai lên xứ hoa đào”, “Bài thơ hoa đào” trở thành tác phẩm tiêu biểu của ông. Hai tác phẩm này hiện nay được nữ ca sĩ Ánh Tuyết trình bày rất thành công, đã làm rung động những tâm hồn yêu nhạc. Nhạc đã hay mà lời lại như thơ.
Ai lên xứ hoa đào dừng chân bên hồ nghe chiều rơi
Nghe hơi gió len vào hồn người chiều xuân mây êm trôi
Thông reo bên suối vắng lời dặt dìu như tiếng tơ
Xuân đi trong mắt biếc lòng dạt dào nên ý thơ
Nghe tâm tư mơ ước chuyện Đào nguyên đẹp như chuyện ngày xưa …
Về xứ Huế, ông đã để lại cho đất Thần Kinh nhạc phẩm “Tà áo tím”, một bài hát trữ tình lãng mạn, êm đềm, thơ mộng và đã được ca sĩ Hà Thanh ru vào lòng người :
Một chiều lang thang bên dòng Hương Giang
Tôi gặp một tà áo tím nhẹ thấp thoáng trong nắng vương
Màu áo tím sao luyến thương, màu áo tím sao vấn vương
Rồi lòng bâng khuâng theo màu áo ấy, màu áo tím hôm nào
Tình quyến luyến ban đầu, chập chờn tâm tư màu áo thoáng chiêm bao…
Những ca khúc khác của Hoàng Nguyên gồm có : Anh đi mai về, Anh đi về đâu, Bài Tango riêng cho em, Cho người tình lỡ, Đường nào em đi, Đường nào lên Thiên thai, Duyên nước tình trăng, Em chờ anh trở lại, Lá rụng ven sông, Lời dặn dò, Sao em không đến, Thuở ấy yêu nhau.

12 – NHẠC SĨ NHỊ HÀ
Nhạc sĩ Nhị Hà tên thật là Lê Quang Mại, sinh ngày 24-08- 1935 tại Quảng Bình, nhưng lớn lên tại Huế và học trường trung học Khải Định. Sau khi đỗ Tú tài 2, ông vào Saigon. Sáng tác của ông không nhiều, nhưng mọi người đều biết tên ông qua nhạc phẩm “Mẹ tôi”, và nhất là từ khi ca sĩ Như Quỳnh hát bài này trên sân khấu Thúy Nga.
Mẹ tôi tóc xanh nhuộm bạc tháng ngày
Mẹ tôi đau buồn nặng trĩu đôi vai
Bao năm nuôi đàn trẻ thơ nhỏ dại
Cầu mong con mình có một ngày mai…
Nhạc phẩm thứ hai của Nhị Hà được nhiều người biết đến lá bài “Trở về thôn cũ” nói lên cảnh quê hương điêu tàn đổ nát vì sự tàn phá của chiến tranh trong thời chống Pháp :
Nhưng sao hôm nay tôi trở lại quê xưa
Tuy con sông xưa vẫn êm đềm uốn quanh
Còn đâu đồng xanh, còn đâu gia đình
Còn đâu bóng hình mẹ già mến yêu…
Ngoài hai tác phẩm tiêu biểu trên, ông còn sáng tác các bài như : Đừng trách người đi, Lá thư xuân, Nhớ một mùa hoa…

13 – NHẠC SĨ LÊ CAO PHAN
Nếu không có bài hát “Phật giáo Việt Nam” được dùng làm bài ca chính thức cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, thì rất ít người VN biết đến nhạc sĩ Lê Cao Phan.
Phật giáo Việt Nam thống nhất Bắc, Nam, Trung từ đây
Một lòng chúng ta tiến lên vì Đài Sen…
Trước đây, ông chỉ sáng tác những ca khúc vui tươi dành cho thiếu nhi, cho học sinh, nên thường những ai làm nghề nhà giáo mới biết đến ông. Các bài hát vui của ông dành cho thiếu nhi gồm có : Bài ca tình bạn, Ca múa học vui, Hai chú gà con, Nhi đồng múa ca, Ra chơi, Tập tầm vông, Tiếng còi đánh thức, Vui đi học.

14 – NHẠC SĨ LÊ QUANG NHẠC
Hiện nay người ta chỉ biết nhạc sĩ Lê Quang Nhạc là người Huế. Ông là giáo sư âm nhạc của vài trường trung học ở cố đô, đồng thời là nhạc sĩ dương cầm trong ban nhạc của Đài phát thanh Huế trong thập niên 50. Tác phẩm duy nhất của ông còn lại đến bây giờ là nhạc phẩm “Xa quê”.

15 – NHẠC SĨ PHẠM MẠNH CƯƠNG
Nói đến nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương , người yêu nhạc nhớ đến “Thu ca”, một trong những ca khúc được thu thanh nhiều nhất từ trong nước đến hải ngoại, và cũng là nhạc hiệu quen thuộc của những chương trình ca nhạc của ông tại các Đài phát thanh và truyền hình Saigon trước năm 1975.
Nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương sinh quán tại Huế, tỉnh Thừa Thiên. Ông theo học bậc trung học tại trường Khải Định, đỗ Tú tài 2 năm 1953. Sau đó, ông ra Hà Nội tiếp tục việc học, tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm và Cử nhân Văn khoa 1955.
Từ 1955 đến 1958, ông là giáo sư tại trường trung học Nguyễn Đình Chiểu, Mỹ Tho.
Từ 1958 đến 1975, ông là giáo sư môn triết và môn văn tại trường trung học công lập Pétrus Ký và các trường tư thục lớn ở Saigon như Văn Học, Nguyễn Văn Khuê, Bồ Đề, Hưng Đạo, Văn Lang, Lê Bảo Tịnh, Huỳnh Thị Ngà, Thượng Hiền…
Từ 1960 đến 1975, ông vừa dạy học vừa hoạt động âm nhạc. Ông là trưởng ban các chương trình “Hoa thời đại” của Đài Phát thanh Saigon, “Tiếng hát hậu phương”, “Nghệ sĩ và chiến sĩ” của Đài Tiếng nói Quân đội, “Chương trình Phạm Mạnh Cương” của Đài truyền hình. Ông còn là giám đốc trung tâm “Tú Quỳnh”, một trung tâm băng nhạc quy mô đầu tiên tại Saigon.
Năm 1980, ông rời Việt Nam và định cư tại thành phố Montreal, tỉnh Quebec, Canada. Ông tiếp tục hoạt động văn nghệ : thành lập ban nhạc Phạm Mạnh Cương với hai người con là nhạc sĩ Phạm Mạnh Quỳnh và Phạm Lê Diễm Phúc. Đồng thời ông là chủ biên nguyệt san Thẩm Mỹ từ năm 1994 đến nay.
Một số nhạc phẩm nổi tiếng của ông đã xuất bản và thu thanh tại VN trước 1975 : Thung lũng hồng, Mắt lệ cho người tình, Tóc em chưa úa nắng hè, Thương hoài ngàn năm, Tình yêu đã mất, Giã từ cố đô, Về thăm cố đô, Loài hoa không vỡ, Tháng bảy mưa ngâu, Sầu ly biệt, Nhạc khúc mừng xuân, Thu về trong mắt em…
Tháng 04-2003, nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương đã được trung tâm Thúy Nga mời xuất hiện trên băng Vidéo “Paris By Night 70”, chủ đề “Thu ca” cùng với hai nhạc sĩ Lê Dinh và Trường Sa.

16 – NHẠC SĨ DUY KHÁNH
Nhạc sĩ Duy Khánh tên thật là Nguyễn Văn Diệp, sinh năm 1936 tại làng An Cư, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ông thuộc dòng họ quan phụ chánh đại thần Nguyễn Văn Tường triều Nguyễn. Tuy không sống ở Huế nhưng Quảng Trị rất gần với cố đô, nên ông thường lui tới với các bạn bè ở đây. Ông rất nặng tình với xứ Huế và là người nhạc sĩ có nhiều nhạc phẩm nói về quê hương miền Trung của ông như : Ai ra xứ Huế, Sầu cố đô, Nén hương yêu, Sao không thấy anh về, Thương về miền Trung, Bao giờ em quên, Biết trả lời sao, Lối về đất mẹ, Huế đẹp Huế thơ.
Những ngày cuối đời, ông sống tại Hoa Kỳ và cho xuất bản hai tập nhạc gồm những nhạc phẩm được sáng tác từ trước đến nay. Tập 1 mang tựa đề “Huế đẹp và thơ”, tập 2 “Nỗi niềm riêng”.
Ngày 10-01-2003, một buổi dạ vũ mang tên “Tạ tình tiếng hát và dòng nhạc Duy Khánh” được tổ chức tại vũ trường Majestic, thành phố Huntington Beach, quận hạt Orange County, để nhớ công lao của ông đã đóng góp cho nền âm nhạc VN.

17 – NHẠC SĨ HOÀNG THI THƠ
Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ sinh ngày 01 – 07 – 1928 tại làng Bích Khê, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ông học trung học tại Huế. Ông theo kháng chiến một thời gian, sau đó vào Saigon lập nghiệp và sinh hoạt âm nhạc cho đến 1975. Sự đóng góp to tát của ông cho nền âm nhạc VN mọi người đều biết. Vì quê ở miền Trung, nên nhạc của ông cũng mang âm hưởng tiếng hò giọng hát miền Trung. Riêng về xứ Huế, ông có những nhạc phẩm như “, Chiều cố đô”, Tâm tình gửi Huế, ”…
Năm 1975, khi biến cố 30-04 xảy ra, lúc đó, ông đang hướng dẫn đoàn văn nghệ VN trình diễn ở Nhật. Sau đó ông định cư tại Hoa Kỳ và mất ngày 23 – 09 – 2001 tại Glendale , Nam Cali , thọ 74 tuổi .

18 – NHẠC SĨ DƯƠNG THIỆU TƯỚC
Ông là nhạc sĩ gốc miền Bắc nhưng nổi danh qua hai bản nhạc miền Trung : ‘Tiếng xưa” và “Đêm tàn Bến Ngự”. Ông sinh ngày 15 – 05 – 1915 tại làng Vân Đình , huyện Sơn Lãng , phủ Ứng Hòa , tỉnh Hà Đông, trong một gia đình nho học truyền thống. Năm 1930 ông gia nhập nhóm Myosotis, là nhóm nhạc sĩ đầu tiên khởi xướng tân nhạc VN. Ông chủ trương viết “nhạc Tây theo điệu ta”. Trong thời gian ông và vợ, là ca sĩ Minh Trang, vào Huế thăm bạn bè đồng thời nghiên cứu về dân ca Huế và cổ nhạc miền Trung, ông đã dùng ký âm pháp Tây phương ghi lại một cách chính xác những câu hò, điệu hát của địa phương như hò mái đẩy, ca Huế, nhạc cung đình… Cái âm hưởng buồn mênh mông của cổ nhạc Huế bắt nguồn từ tiếng hát ai oán của người dân Chàm mất nước đã ảnh hưởng đến người nhạc sĩ miền Bắc, và ông đã sáng tác bản “Tiếng xưa”. Rồi trong một đêm trăng ông cùng các bạn nghệ sĩ tổ chức đi thuyền ca hát trên sông Hương, một thú vui tao nhã của các văn nhân, nghệ sĩ lúc bấy giờ. Đêm về khuya, mọi người đều đã an giấc trong khoang thuyền. Không ngủ được, ông ra mũi thuyền ngồi ngắm trăng. Giữa cảnh im lặng trời nước mênh mông, nhìn những con đò cập bến sát bên nhau khiến ông bâng khuâng, cảm hứng dạt dào, ông liền lấy sổ tay ra ghi chép và viết nên nhạc phẩm “Đêm tàn Bến Ngự”. Hai ca khúc bất hủ này trở thành tác phẩm tiêu biểu ông. .

NN

Hình Ảnh Hội Ngộ Cùng Thầy Đệ Ở San Jose Aug. 18, 2012

Tuesday, August 21st, 2012

Xin chia sẻ với các bạn những hình ảnh tiệc Hội Ngô CựuThầy Trò THTA tổ chức tại nhà Xoã ở San Jose vào ngày 18 tháng 8 năm 2012. Không khí buổi tiệc thật là ấm cúng và chan hòa, tuy không đông nhưng tình người,tình bạn hữu, không thiếu.

Thầy Đệ đề xướng hảy chọn “Hội Ái Hữu Trường Trung Học Thuận An” sẽ là tên hội của trang web thuanan.net từ đây

Học trò đang lắng nghe Thầy tâm sự “Thầy nặng nợ trò…Thầy ơi đừng rơi lệ, các em sẽ lệ rơi theo”

Thầy vượt gần 12 ngàn cây số đến gặp các em để trả nợ, thấy các em vui khỏe Thầy cảm thấy nhẹ nhàng hơn

Chúng ta hảy ca hát cho trọn cuộc vui hôm nay

3 Couples Nga & Du, Kha & Mai, Hùng & Thu

Du & Nga, Kha & Mai, Minh, Xõa

Du và Hữu, không ngờ hôm nay lại gặp nhau ở đây

Vợ chồng Du-Nga & Hữu

Tấn & Hùng thử bia mới “Stella Artois” Xõa giới thiệu, nhẹ nhàng và đã khát

Để Thầy hát tặng các em một bản…Hát hay qúa thầy ơi

Sơn đại diện học trò hát tặng lại Thầy

Kha, Hùng, Thầy Đệ, và Tấn…Không biết khi nào mình gặp lại nhau thế này…

Ra ngoài sân xin chút gió…Xõa, Đoàn, Mai, Kha, Minh

Trước khi chia tay tiệc nhà Xõa cho Thầy đóng góp 100 DL Úc để bắt đầu xây dựng Hội Aí Hữu THTA (thuanan.net) bắt đầu từ đây…Cám ơn Thầy đã khởi động máy, các em sẽ tiếp tay với Thầy đưa Hội ta về một nơi lành mạnh và vui tươi

Sáng hôm sau Thầy trò gặp nhau tại quán Càfê lịch Coffee Lover ở San Jose

Xong càfê sang phở Tàu Bay cùng khu phố
Khi xem xong hình bạn có cảm xúc gì xin ghi lại để lưu lại ý tưởng đó

MƠ HOA

Monday, August 20th, 2012

10 khách sạn đắt nhất thế giới

Saturday, August 18th, 2012

Những phòng khách sạn đắt nhất thế giới (eo ôi tiền trả cho mỗi đêm gần bằng tiền mua một căn nhà…)
Trong số các phòng suite khách sạn đắt nhất thế giới, cái giá của một đêm xa hoa và sang trọng có nơi lên đến 65.000 USD.
10. Royal Towers Bridge, Atlantis, Bahamas
Giá tiền: 25.000 USD/đêm
Khách sạn này đủ để khiến các du khách khó tính nhất cũng phải mềm lòng, với với những chiếc trường kỷ, đệm, gương và đèn chùm được mạ vàng, quyến rũ tới chết người.
Sảnh lớn của Royal Towers Bridge gây kinh ngạc với sàn nhà làm bằng 4 loại đá cẩm thạch. Ông chủ nơi này còn mạnh tay xây dựng những phòng khách dài tới 15m, được trang bị một chiếc piano cỡ lớn. Mỗi căn phòng đều có khu vực giải trí rộng lớn với quầy bar đầy đủ tiện nghi.
9. Ritz-Carlton, Ritz-Carlton, Tokyo, Nhật Bản
Giá tiền: 26.300 USD/đêm
Tọa lạc trên diện tích 300 m2, phòng suite ở Ritz-Carlton Suite mang đầy đủ yếu tố của những căn phòng hạng sang: ga trải giường bằng vải lanh Frette, một phòng tắm ngoại cỡ được trang trí bằng cẩm thạch, những chiếc giường lớn và TV màn hình phẳng.
Dãy phòng này nằm tại một trong những tòa nhà cao nhất Tokyo. Đứng tại đây, du khách có thể phóng tầm mắt và chiêm ngưỡng những địa danh nổi tiếng nhất thành phố như Cung điện Hoàng gia, tòa nhà Roppongi Hills hay núi Phú Sĩ.
8. Villa La Cupola, Westin Excelsior, Rome, Ý
Giá tiền: 30.000 USD/đêm
Là một trong những khách sạn lớn nhất châu Âu, nơi này được lấy cảm hứng từ thành phố Rome cổ đại, với đá cẩm thạch, kính màu và tranh tường. Mỗi suite đều bao gồm một sân thượng tuyệt đẹp, nơi du khách có thể ngắm nhìn hoàng hôn, một khu spa riêng biệt với phòng tắm hơi và bể bơi, một rạp chiếu phim cá nhân.
7. Presidential suite, Khách sạn Cala di Volpe, Sardinia, Ý
Giá tiền: 32.736 USD/đêm
Presidential suite được xây dựng rất tinh tế khi hướng ra bờ biển Costa Smeralda luôn ngập tràn ánh nắng. Được giới thiệu là một trong những dãy phòng rực rỡ nhất thế giới, nơi đây được bố trí ba phòng ngủ sang trọng, tọa lạc trên những tòa tháp riêng biệt với mái ngói lượn sóng, thuộc khu nghỉ dưỡng Porto Cervo.
Với sự kết hợp của phong cách Địa Trung Hải và quang cảnh tuyệt đẹp của vịnh, mỗi căn phòng đều có một bể bơi trên sân thượng, một hầm rượu vang và phòng tập thể dục ngoài trời.
6. Biệt thự Royal, Grand Resort Lagonissi, Athens, Hy Lạp
Giá tiền: 34.356 USD/đêm
Với một quản gia, đầu bếp và nghệ sĩ dương cầm riêng, chỉ cần một cú gọi, mọi mong muốn dù là nhỏ nhất của du khách khi nghỉ mát tại khu biệt thự ba phòng ngủ này sẽ đều nhanh chóng được đáp ứng.
Khi muốn hoạt động nhiều hơn, các “thượng đế” có thể tận dụng hồ bơi trong nhà, bồn tắm nước nóng và phòng tập thể dục ngoài trời, cũng như phòng tắm hơi và phòng massage.
Không những thế, nơi này còn rất gần với bến du thuyền tư nhân và bãi biển.
5. Khu nghỉ mát Hugh Hefner Sky Villa Palms, Las Vegas, Mỹ
Giá tiền: 35.487 USD/đêm
Phòng suite của Hugh Hefner Sky tọa lạc trên Tháp Palms’ Fantasy, được trang bị mọi thứ liên quan tới Playboy: những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc do chính Hef lựa chọn, một chiếc giường ngoại cỡ, có thể xoay tròn và một hồ bơi trong nhà, mang hình ảnh thỏ Bunny. Tất cả đều khiến nơi này trở nên rất gợi cảm và níu chân du khách.
Mỗi căn phòng ở đây đều bao gồm hai phòng ngủ, bồn tắm, quầy bar, bàn poker và một thác nước trong nhà.
4. Penthouse suite, Khách sạn Martinez, Cannes, Pháp
Giá tiền: 37.500 USD/đêm
Khách sạn Martinez có một nhà hàng Michelin, quầy bar với đàn piano và một bãi tắm riêng biệt.
Mỗi suite ở đây đều được trang trí rất nghệ thuật, với một phòng khách, một phòng ăn, hai phòng ngủ, hai phòng tắm với hệ thống tắm hơi, vòi sen, bồn tắm spa, phòng thay đồ, luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của du khách. Mỗi suite có một sân thượng lớn nhìn ra vịnh Cannes.
3. Ty Warner Penthouse, Khách sạn Four Seasons, New York, Mỹ
Giá tiền: 41.836 USD/đêm
Dãy phòng này chiếm tới 400 m2, tọa lạc trên tầng cao nhất của khách sạn tráng lệ bậc nhất New York, giúp du khách có thể phóng tầm mắt tới 360 độ để ngắm nhìn toàn cảnh Manhattan.
Nơi này là sản phẩm trí tuệ của nhà thiết kế Peter Marino, kiến trúc sư IM Pei và chủ khách sạn Ty Warner. Ông Warner là một tỷ phú, đồng thời là cha đẻ của thương hiệu nổi tiếng toàn cầu Beanie Babies.
Một khu vườn Zen trong nhà và ngoài trời, những chiếc đèn chùm tuyệt đẹp, hệ thống phục vụ chuyên nghiệp với một quản gia, một huấn luyện viên, một bác sĩ và một tài xế riêng là sự đền đáp xứng đáng cho số tiền mà du khách phải bỏ ra cho mỗi đêm ở đây.
2. The Presidential suite, Khách sạn The Raj Palace, Jaipur, Ấn Độ
Giá tiền: 45.000 USD/đêm
Hệ thống phòng tráng lệ này từng là nhà riêng của gia đình hoàng tộc Maharaja. Với diện tích lên tới 1.500 m2, đây là một trong những dãy phòng lớn nhất châu Á, bao gồm căn nhà 4 tầng xa hoa được trang trí bằng vàng.
Được bố trí sân thượng và một hồ bơi riêng biệt, du khách tới đây có thể phóng tầm mắt ra thành phố Jaipur. Nơi này thậm chí còn bao gồm một bảo tàng, với những món đồ quý giá. Những vị khách với hầu bao rủng rỉnh dường như không thể tìm được lý do để rời khỏi cung điện lộng lẫy này.
1. Royal Penthouse, Khách sạn President Wilson, Geneva, Thụy Sĩ
Giá tiền: 65.000 USD/đêm
Dù bạn đặt sự an toàn của bản thân lên quá cao hay ảo tưởng hơn mức cần thiết, cũng chẳng có nơi nào xứng với bạn hơn hệ thống phòng Royal Penthouse của khách sạn President Wilson, với tầm nhìn ra cảnh hồ Geneva và Mont Blanc.
Với hệ thống cửa chống đạn, đây là nơi ăn toàn nhất cho các quan chức cấp cao, hoặc những người nổi tiếng luôn đặt an ninh lên hàng đầu.
Tọa lạc ở tầng trên cùng của khách sạn, nơi này được trang bị thang máy riêng và gồm 12 phòng. Đàn piano, phòng bi-da, thư viện và trung tâm thể dục riêng biệt luôn sẵn sàng phục vụ nhu cầu của mỗi du khách khi tới đây

NN sưu tầm

Quân đội Mỹ ào ạt kéo đến Thái Bình Dương

Saturday, August 18th, 2012

Quân đội Mỹ ào ạt kéo đến Thái Bình Dương
Để hiện thực hóa chiến lược “Tái cân bằng quân sự” mà Tổng thống Barack Obama vừa công bố hồi tháng 1/2012, một lực lượng quân đội Mỹ hùng hậu đang được huấn luyện, chuẩn bị điều động đến khu vực Thái Bình Dương. Theo kế hoạch, đến năm 2020, hơn 60% lực lượng Hải quân Mỹ sẽ tập trung về khu vực này.
Vì sao Mỹ “chợt nhớ ra” Thái Bình Dương?

Chiến tranh lạnh đã kết thúc, những cuộc trường chinh ở nước ngoài mà Mỹ phát động kể từ năm 2003 đến nay như Iraq, Afghanistan cũng đã nguội dần hoặc lâm vào thế sa lầy và “bài học Việt Nam” đã dạy cho Hoa Kỳ biết rằng họ cần phải nhanh chóng rút chân ra nếu không muốn nhận thấy một thất bại cay đắng. Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải là lý do chính yếu.
Như ông Ashton B.Carter – Thứ trưởng Bộ quốc phòng Mỹ có lần tiết lộ, sở dĩ nước Mỹ đột ngột chuyển trọng tâm từ Trung Đông về châu Á – Thái Bình Dương là do họ “chợt nhớ ra” rằng trong vài thập kỷ qua, tận dụng hòa bình, các nước châu Á như Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Singapore và đặc biệt là Trung Quốc đã trỗi dậy một cách mạnh mẽ. Khi Trung Quốc trỗi dậy, quốc gia này ngay lập tức thể hiện tham vọng bá chủ toàn bộ khu vực châu Á – Thái Bình Dương, khu vực kinh tế phát triển nhanh và năng động nhất thế giới. Trong tình thế này, Mỹ hiểu rằng nếu không nhanh chân có thể họ sẽ “mất phần”.
Đó chính là động lực để Mỹ hối hả trở lại Thái Bình Dương. Theo như tuyên bố của ông Demsey – Chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng liên quân, Lầu Năm Góc đang tiến hành xây dựng “Lực lượng chung năm 2020” với trọng tâm là gia tăng sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương. Bộ trưởng quốc phòng Leon Panetta còn cho biết, đó sẽ là một lực lượng gọn nhẹ, cơ động, sẵn sàng, được trang bị công nghệ hiện đại, có thể tiến hành các chiến dịch toàn diện và đánh bại bất cứ kẻ thù nào, ở bất cứ đâu và bất cứ thời điểm nào.
Vội vã “trở về”
Với chiến lược “Tái cân bằng quân sự”, Mỹ đã lên kế hoạch đưa các đơn vị quân đội tinh nhuệ và hiện đại nhất của mình về Thái Bình Dương.
Về Hải quân:
Kế hoạch của Lầu Năm Góc cho biết, đến khoảng năm 2020, hơn 60% tài sản và lực lượng của hải quân Mỹ sẽ chuyển về Thái Bình Dương trong đó không thể thiếu những “con át chủ bài” như tàu sân bay, tình báo, giám sát và do thám (ISR)…
Tháng 1/2012, Mỹ đã điều chuyển một máy bay trinh sát EP-3 của Bộ chỉ huy trung tâm (CENTCOM) cho Bộ chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM); tái triển khai 2 máy bay không người lái từ Afghanistan, một số máy bay trinh sát điện tử, máy bay tuần tiễu biển P-3C… Theo kế hoạch, trong thời gian tới, Lầu Năm Góc sẽ điều thêm: 1 tàu sân bay, 7 tàu khu trục (trong đó có 3 tàu Zumwalt), 10 tàu tác chiến ven bờ và 2 tàu ngầm. Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ điều động một số tàu đổ bộ và tàu khu trục nữa đến khu vực này sau khi bổ sung lực lượng cho khu vực châu Phi, châu Âu và Nam Mỹ.
Về Không quân:
Nhằm tăng cường sức mạnh và “ra oai”, Lầu Năm Góc đã quyết định đưa dòng máy bay ném bom chiến lược B-1 đến Thái Bình Dương cùng với đàn anh của nó là những chiếc “pháo đài bay trên không” B-52. Chính thức được đưa vào sử dụng trong quân đội Mỹ từ năm 1986, B-1 là mẫu máy bay ném bom được Mỹ kỳ vọng để thay thế cho B-52 nên nó có sức mạnh khá đáng sợ, điển hình là khả năng mang số lượng bom và tên lửa nhiều gấp đôi so với B-52.
Không chỉ có B-1, Mỹ đã lên kế hoạch điều chuyển một số máy bay từ chiến trường Afghanistan về châu Á – TBD như MQ-1 Reaper, máy bay trinh sát U-2 và Global Hawk, chuyển các tài sản PED (khai thác và phổ biến) của Hệ thống phân phối chung mặt đất hiện đang thuộc biên chế của USCENTCOM cũng như các phương tiện chiến tranh mạng, chiến tranh vũ trụ…
Về lính thủy đánh bộ và lục quân:
Mỹ sẽ tiếp tục duy trì và gia tăng số lượng lính thủy đánh bộ và lục quân của mình ở các căn cứ đặt tại châu Á – TBD. Bên cạnh khu vực truyền thống là Đông Bắc Á, Mỹ sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự tại Đông Nam Á và Ấn Độ Dương.
Hiện nay, Mỹ đang đầu tư xây dựng đảo Guam thành một trung tâm chiến lược phục vụ cho khu vực Tây Thái Bình Dương, điều động lính thủy đánh bộ và máy bay ném bom đến căn cứ không quân Andersen, đầu tư xây dựng cơ sở hải quân ở cảng Apra… Bên cạnh đó, Mỹ cũng vừa cho triển khai một lữ đoàn máy bay chiến đấu F-12 tại căn cứ không quân Kadena thuộc đảo Okinawa của Nhật Bản. Đây cũng là căn cứ không quân nước ngoài đầu tiên sẽ được trang bị dòng chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5, F-35 của Mỹ.
Một số nguồn tin từ Bộ quốc phòng Mỹ còn cho biết, hải quân nước này đang đầu tư sản xuất loại tàu ngầm lớp Virginia với khả năng mỗi chiếc có thể mang tới 40 tên lửa đầu đạn hạt nhân tầm thấp, duy trì sức mạnh dưới biển bằng cách cải tiến chiến tranh chống tàu ngầm trong đó chú trọng cải tiến Virginia, máy bay tuần tiễu biển P-8A và máy bay trực thăng MH-60, triển khai Hệ thống cảm biến biển khu vực rộng (BAMS) vào năm 2016 để mở rộng tầm và khả năng ISR trong khu vực Thái Bình Dương.
MINH TÂN

Đàn ông Việt: thăng tiến trên bàn nhậu?

Saturday, August 18th, 2012
Cảnh các quán bia rượu, nhà hàng luôn đông đúc, đặc biệt sau giờ tan tầm ở các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố HCM đã trở thành quá quen thuộc với người dân tại Việt Nam.



Tình trạng ăn nhậu đã trở nên rất phổ biến này ban đầu chỉ là một phần của văn hóa ẩm thực, giải trí, thậm chí trở thành thói quen không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày nhưng đang có tác động xã hội sâu rộng.


image

Nhậu sau giờ làm đã trở thành thói quen không thể thiếu của nhiều người tại Việt Nam

Việc các ông chồng đi nhậu sau giờ làm đã trở thành điều rất nhiều bà vợ chấp nhận và coi đấy là bình thường. Thậm chí hình ảnh cả gia đình quây quần bên bữa ăn tối mỗi ngày giờ đây trở hành ước mơ của nhiều bà vợ.

Tác động xã hội

Chi phí cho bia rượu, được VnExpress trích thuật từ khảo sát của Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, lên tới 1,3 tỷ lít bia và hơn 300 triệu lít rượu mỗi năm, tức là chi tiêu hàng năm lên tới cả nghìn tỷ đồng cho bia rượu.
Đó là chưa kể tới những phí tổn cho bệnh tật từ rượu hay tai nạn giao thông do lái xe sau khi uống rượu.

Lý do cho các cuộc ăn nhậu rất đa dạng, vì công việc làm ăn, tiếp đối tác, ăn mừng sinh nhật, khao lương, đón người mới hay tiễn người cũ.
Ông Hùng, một trí thức, hiện làm giám đốc một công ty sửa chữa tàu biển tại thành phố HCM, cho BBC hay mỗi lần đi ăn nhậu tiếp khách đối với ông là “cực hình” nhưng “vẫn phải đi vì nó là thủ tục nghiễm nhiên, chứ có báu gì đâu, uống vào có khi về đến nhà lại cho ra hết!”.

Chị Thi, vợ một giám đốc công ty cung cấp thiết bị truyền thông, trực thuộc công ty VTC tại Hà Nội cho biết chị và hai con thậm chí rất ngạc nhiên nếu có chiều nào đó thấy chồng về nhà ăn cơm với vợ con mà không đi ăn nhậu.

Điều làm phụ nữ này lo lắng là việc chồng thường lái xe sau mỗi lần đi nhậu sau giờ làm bất kể uống ít uống nhiều.

image
Một nghệ sĩ ưu tú khá nổi tiếng trong ngành điện ảnh không muốn nêu tên cho biết ông sẽ không bao giờ ra sống ở nước ngoài vì “ở nước ngoài làm gì chuyện hô một tiếng là chỉ chưa đầy một tiếng đồng hồ đã có thể tụ tập cả đám ăn nhậu như thế này!”

Với ông, những buổi ăn nhậu là để xả stress sau một ngày làm việc căng
thẳng.


image
Tỉ lệ sử dụng rượu bia cao nhất ở nam giới và dân công sở

Thị trường mở rộng

Theo một khảo sát nhanh với 5 ngàn phiếu trả lời do tờ báo mạng VnExpress thực hiện và công bố hôm 15/8 thì “số người ra quán để ‘giải quyết công việc’ chỉ chiếm 16%, trong khi gần 40% số người được hỏi nhậu theo kiểu ngẫu hứng, nghĩa là thích thì ra quán, không có mục đích gì cả”.

Tờ báo này cũng viết “Ngoài ra, cứ 10 người thì có gần một người thừa nhận ra quán chỉ để trốn việc nhà”.
Trong khi một khảo sát nhanh khác cũng của VnExpress với hơn 6 ngàn phiếu cho thấy hơn 50% nam giới đi nhậu sau khi tan sở, trong đó 13% ngày nào đi nhậu và 14% trả lời không giờ đi nhậu sau giờ làm.

Một cuộc điều tra trên diện rộng của Viện Chiến lược và Chính sách y tế về tình hình lạm dụng rượu bia tại Việt Nam hồi năm 2006 cho thấy tỷ lệ sử dụng rượu bia cao nhất là ở nam giới và nhóm cán bộ nhà nước, tiếp đến là công nhân trong các doanh nghiệp, người hưu trí và nông dân.
Điều đáng chú ý những người có trình độ học vấn cao có tỷ lệ sử dụng rượu bia cao nhất, tới 63%.

Vẫn theo nghiên cứu này thì mức độ tiêu thụ rượu bia gia tăng trong cả nước là kết quả của nhiều yếu tố, mà chủ yếu là do mức sống tăng, tập quán truyền thống và thêm vào đó là thị trường rượu bia mở rộng.

Hiệp hội sản xuất rượu whisky của Scotland (SWA) cho biết xuất khẩu sang Việt Nam đạt gần một triệu bảng mỗi năm, và Việt Nam được coi là
một thị trường mới nổi được ưu tiên cao đối với ngành công nghiệp rượu Whisky.

image
Tại Việt Nam luôn có tình trạng chuốc rượu hay khích nhau uống để chứng tỏ nam tính với những tiếng hô “trăm phần trăm” và “zô zô” ồn ào để rồi nhiều người gục bên bàn nhậu vì say xỉn.

Có một số phụ nữ cho biết buộc phải tham gia các cuộc nhậu vì làm doanh nghiệp nên không thể không có mặt khi tiếp đối tác làm ăn, hay vì muốn đi theo để “kèm chồng cho chồng đỡ say xỉn” hoặc buộc phải đi theo chồng hay người yêu những khi không thể từ chối.

‘Thăng tiến trên bàn nhậu’?

Nhiều người nước ngoài khi tới Việt Nam
làm việc đã không khỏi ngạc nhiên khi được mời uống bia rượu vào bữa trưa – tức vẫn trong giờ làm việc.
Ở Anh chẳng hạn, dân công sở cũng thường có thói quen chiều thứ Sáu tan làm rủ nhau ra quán uống một hai ly bia chừng 1-2 tiếng đồng hồ để thư giãn và họ tin rằng nó tạo cơ hội có quan hệ tốt hơn với đồng nghiệp.

Hiệu vẫn còn
những ý kiến khác nhau về “văn hóa nhậu” tại Việt Nam.
Một số cho rằng nếu chỉ uống 1,2 ly để tiếp khách hay giải stress thì có thể chấp nhận được, rồi “nam vô tửu như kỳ vô phong” – đàn ông mà không uống rượu thì không thể hiện nam tính, và chỉ khi uống theo kiểu thách đố đến say xỉn mới thôi thì như thế mới có thể coi là một tệ nạn.

image
Trong khi một số khác thì lập luận rằng nếu ai cũng biết kiềm chế khi uống và biết dừng khi nên dừng thì đã không có chuyện phải bàn về “văn hóa nhậu”.
Phải chăng lề thói văn hóa của Việt Nam từ xưa theo kiểu “miếng trầu làm đầu câu chuyện” đã dẫn tới “chuyện làm ăn là phải nói trên bàn nhậu, thăng quan tiến chức, lương bổng …cũng trên bàn nhậu” như hiện nay?

Và để thay đổi
được “văn hóa nhậu” này có lẽ sẽ là cả một quá trình lâu dài, đòi hỏi
có những thay đổi căn bản cách nhìn nhận trong xã hội về giá trị hạnh phúc gia
đình, quan điểm về vai trò của người vợ và người chồng ở nhà và trong xã hội,
và có thể cần tới cả những quy định hạn chế chi phí cho việc tiếp đãi khách của
các công ty.


Hà Mi

Tửu lượng
của bạn thế nào?

image
Các chuyên
gia tư vấn sức khỏe nói các bác sĩ nên hỏi bệnh nhân về liều lượng
rượu họ uống, như một thông lệ khi khám.
Nhưng liệu
bạn có thực sự biết câu trả lời?
Ngày xưa thì
mọi chuyện có vẻ dễ dàng hơn.
Một ly rượu
vang. Nửa vại bia. Hay một cốc whisky nhỏ.
Nói chung
thì chừng đó đồ uống bằng khoảng một đơn vị cồn, tức là 10ml cồn
nguyên chất.
Nhưng khi các
ly uống rượu được sản xuất theo kích thước lớn hơn, bia có nồng độ
cao hơn và thước đo cồn khác biệt nhiều hơn thì cách tính toán ắt
cũng phức tạp hơn.

Một số bác sĩ đã đề cập chuyện
lượng rượu với bệnh nhân.

Nhưng tuần
này cơ quan tư vấn cấp chính phủ ở Anh, Viện Chuẩn mực Y tế và Lâm sàng
Quốc gia (NICE), đề nghị bác sĩ nên thường xuyên hỏi bệnh nhân hơn.
Các bác sĩ
không nên cho rằng câu trả lời là chính x́ac, theo Don Shenker, giám đốc
điều hành quĩ Alcohol Concern, bởi vì người ta không muốn đối mặt với
lượng rượu họ uống.
Và ngay cả
trong trường hợp họ thành thật, thì cũng không dễ nói họ đã dùng
bao nhiêu lượng cồn.
“Mặc dù
90% người từng nghe về đơn vị cồn như một khái niệm, chỉ có khoảng
13% có thể tính ra được, cho nên chúng ta vẫn còn mù mờ về chỉ số
này,” ông nói.
Ông cho rằng
cần phải tăng chất lượng dán nhãn về lượng cồn trên các chai bia
rượu bán trong siêu thị, cửa hàng và quán, cũng như qui định bắt
buộc.
“Khi bạn
đến quán rượu và mua một ly rượu thì bạn không biết bên trong đó có
bao nhiêu đơn vị cồn, trừ khi bạn thực sự biết về nó. Trong đó có
hai hay ba đơn vị phụ thuộc vào kích thước.”
“Nếu là
một chai rượu 14% thì một ly 175ml rượu trắng sẽ vào khoảng 2,3 đơn
vị nhưng nếu là một ly nhỏ thì sẽ là 1,8 đơn vị và nếu là chai 11%
thì sẽ ít hơn.”
Cho nên vấn đề
khá phức tạp, ông Shenker nói, và cần phải có quan tâm của chính phủ
để giáo dục người uống rượu, siêu thị và quán rượu về dung lượng
cho mỗi loại thức uống.
Để đơn giản
hơn thì chúng ta cần ít chi li hơn về các số thập phân và làm tròn
lên hoặc xuống, ông nói, tức là một ly rượu chứa khoảng hai đơn vị
và một vại (pint) bia chứa khoảng ba.

Các nguy cơ

Đòi hỏi các
bác sĩ cần đưa ra câu hỏi này thường xuyên hơn kéo đã khiến một số
nhóm cáo buộc rằng đây là một ví dụ nữa về chuyện nhà nước chọc vào
chuyện riêng tư, nhưng ông Shenker nói hành động đó có thể cứu mạng
sống và giảm nhẹ gánh nặng cho hệ thống NHS
“Nhiều
người không ý thức rằng việc uống rượu của họ tạo ra nguy cơ về sức
khỏe, và chỉ khi bác sĩ gia đình (GP) hỏi về chuyện đó và liên kết
với các điều kiện y khoa, thì họ mới cắt giảm.”
“Tất
nhiên, họ vẫn có thể bỏ qua hướng dẫn của bác sĩ nhưng bằng chứng
cho thấy một phần tám số người uống rượu nhiều giảm lượng rượu sau
khi GP nêu vấn đề, so với chỉ có một trên 20 số người hút thuốc.
Việc đó sẽ tiết kiệm cho NHS rất nhiều tiền.”
Lý do khác
khiến người ta xem nhẹ chuyện tửu lượng là họ thường tăng độ khi uống
ở nhà, theo ông Chris Sorek, giám đốc điều hành Drinkaware, quĩ khuyến
khích uống rượu có trách nhiệm.
“Người
ta thường pha lượng rượu nhiều gấp đôi lượng nên uống, có nghĩa là
họ có thể đã vô ý tăng số đơn vị rượu dùng hàng ngày theo hướng
dẫn và đưa mình vào nguy cơ có hại về thể chất, xã hội và tâm lý liên
quan đến uống rượu.”
Tất cả
những điều thiếu nhất quán cá nhân đó, giữa những gì người ta nghĩ
rằng họ uống và họ thực sự uống, tạo ra một thâm hụt quốc gia lớn,
theo Trung tâm y tế công cộng tại Đại học Liverpool John Moores.

Không nói thật

image
Nhiều người
không thành thật khi nói về lượng bia rượu họ tiêu thụ
Các nhà
nghiên cứu ước tính khác biệt giữa con số tiêu thụ do Tổng khảo sát
hộ gia đình – một nguồn chính phủ – đưa ra và các con số bán rượu
là 430 triệu đơn vị mỗi tuần, hay chừng một chai rượu vang trên mỗi
người lớn mỗi tuần.
Các con số
mới nhất của NHS công bố cách đây hai tuần cho rằng ở xứ Anh, lượng
rượu tiêu thụ trung bình hàng tuần trong năm 2008 là 17 đơn vị với đàn
ông và gần 9 đơn vị với phụ nữ.
Nhưng nghiên
cứu ở Liverpool cũng cho rằng khoảng 14% dân số phản đối uống rượu và
cho thấy đối với những người lớn có uống rượu thì lượng đơn vị tiêu
thụ trung bình hàng tuần là 26 đơn vị, cả nam lẫn nữ.
Mark Bellis
là người chỉ đạo nghiên cứu ở Liverpool,
nói người ta không nói thật trong các khảo sát một phần bởi vì họ
thực sự không nhớ hoặc vì họ có chọn lọc.
“Người
ta ngay lập tức bỏ qua giai đoạn uống nhiều rượu, như trong một đám
cưới hay sinh nhật, bởi vì họ không nghĩ đó là thường lệ. Các sự
kiện đó thường là một ngày mỗi tuần hay một ngày mỗi hai tuần và
bị bỏ qua.”
“Và
chúng ta sắp đến World Cup, là thời gian có lẽ người ta tại uống
nhiều nữa.”
Nhưng có một
vấn đề rộng hơn và phức tạp hơn trong việc đếm các đơn vị rượu, theo
cựu bác sĩ gia đình Ian Banks, hiện là bác sĩ cấp cứu ở Belfast.
Ông nói hỏi
chuyện bệnh nhân kiểu như vậy là “vô ích”, bởi vì uống rượu
liên kết rất nhiều cộng đồng ở Anh và được nói ra như niềm tự hào.
“Họ sẽ
nói ‘Ê, tôi uống 50 đơn vị tối qua’. Thay vì giáo dục và thánh hóa
người dân, quí vị cần biết nhiều hơn về lý do tại sao họ uống và
có biện pháp, hơn là ra luật ngăn cản.”
Tom Geoghegan
BBC News Magazine

Tango & MÙA THU Trong Tình Ca Việt

Saturday, August 18th, 2012

Tango

image
Click here: YouTube – Tango http://www.youtube.com/watch?v=rnGBTpVFCtM&feature=related

image

MÙA THU Trong Tình Ca Việt                  
“Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đámmây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường… Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và đầy giá lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm Nay Tôi Đi Học…” Tôi còn nhớ mãi bài “Tôi đi học” của nhà văn Thanh Tịnh hồi mới lên trung hoc đệ nhất cấp. Do đó mùa thu vẫn là đề tài được bàn tán muôn thủa bởi những nhà văn, nhà thơ hay những nhạc sĩ trong kho tàng văn chương hay âm nhạc Việt Nam . Người ta ca tụng mùa thu, bối cảnh mùa thu được dàn dựng trong những tác phẩm của họ như những không gian lá vàng rơi hay những chia ly buồn bã. Tôi yêu mùa thu từ bản chất, yêu cả những bản nhạc mùa thu. Trong khuôn khổ hạn hẹp của bài này, tôi cố gắng đưa ra một số bài tiêu biểu của những nhạc sĩ đã sáng tác những tác phẩm về mùa thu. Tôi vốn thích bản thu ca tiền chiến của nhac sĩ Đoàn Chuẩn – Từ Linh. Cuối thập niên 50 khi tôi còn học tiểu học, thầy giáo của tôi di cư từ miền Bắc vào. Ông có một tâm hồn nhạc sĩ, chính ông đã để lại trong tôi một ấn tượng thật tuyệt vời của một mùa “Thu quyến rũ”:
“Anh mong ch mùa thu
Tr
i đt kia ng màu xanh lơ
Đàn b
ướm kia vui đùa trên muôn hoa
Bên nh
ng bông hng đp xinh
Anh mong ch
 mùa thu
Dìu th
ế nhân vào chn thiên thai
Và cánh chim ng
p ngng không mun bay
Mùa thu quy
ến rũ anh ri …” 
Thu Quyen Ru-Anh Tuyet
image

Trong bối cảnh buồn bã nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã nói về mùa thu của ông qua đi khi “Nhìn những mùa thu đi”. Thu đi và để lại cho chúng ta những chia ly, những nuối tiếc sầu rơi, những ý nghĩ riêng tư man mác trong tâm hồn:

“Nhìn nhng mùa thu đi
Em nghe s
u lên trong nng
Và lá r
ng ngoài song
Nghe tên mình vào quên lãng
Nghe tháng ngày ch
ết trong thu vàng …” 
Nhìn những mùa thu đi – Khánh Ly
image 
Khi người ta yêu nhau thì mọi thứ đều từ thiện, người ta sẽ cho nhau tất cả, từ những tháng ngày, những tặng phẩm quý báu, cho con tim, cho nhau kỷ niệm, … với nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, ông cho người tình cả một bầu trời mùa thu tuyệt vời về nhạc và lời ca . Bài “Mùa thu cho em” được ra đời năm 67. Chính bài ca này đã đánh thức tôi những cái đáng yêu của một mùa thu tình ái:
” Em có nghe mùa thu mưa giăng lá đ
Em có nghe nai vàng hát khúc yêu đ
ương
Và em có nghe khi mùa thu t
i
Mang ái ân mang tình yêu t
i
Em có nghe, nghe h
n thu nói
Mình yêu nhau nhé …”
Mùa Thu Cho Em
 Mùa thu là mùa của nỗi buồn, của chia tay, của những mối tình dang dở. Ở tuồi còn đi học, những nam sinh vẫn có những kỷ niệm đến đứng ngẩn ngơ ở cổng trường con gái như những cửa trường Gia Long, Nguyễn Bá Tòng, Sương Nguyệt Ánh hay Trưng Vương. Để rồi “Em tan trường về, mưa bay mờ mờ, anh trao vội vàng chùm hoa mới nở, ép vào cuốn vở”. Người con gái như đóa hoa hồng, hoa pensé, hoa mimosa hay hoa phượng hồng như môi em. Một nụ hôn đầu ngất ngây để rồi nhung nhớ mãi mãi về sau. Mùa Hạ đến rồi mối tình chia ly vì lý do nào đó… Để rồi khi sang mùa thu, mùa tựu trường cô gái Trưng Vương nhìn lá vàng rơi ngoài đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, theo gió heo may vi vu để nhớ đến người bạn trai xưa với nụ hôn đầu nồng nàn. Nhà thơ nữ Nguyễn Thị Lệ Thanh đã sáng tác bài thơ “Trưng Vương, khung cửa mùa thu”, và nhạc sĩ Nam Lộc đã soạn thành một ca khúc ghi dấu những mối tình nhẹ nhàng, nỗi bâng khuâng, những xao xuyến của tuổi học trò:
“Tim em chưa nghe rung qua mt ln!
Làn môi em ch
ưa hôn ai cho tht gn
Tình tr
n mong manh như lá me xanh Ngô ngác rơi nhanh
Thu giăng heo may che bóng cây l
nh này
Ng
ười cho em nghe câu nh thương tng ngày…
Ng
ười mang cho em quen môi hôn ngt mm
Tình cho tim em rung nh
ng đêm lnh lùng…
N
ng vn vương nh gót chân
Tr
ưng Vương vng xa anh ri
Mùa thu đã qua m
t ln
Ch
t nghe bâng khuâng lá rơi đy sân…”
Trung Vuong Khung Cua Mua Thu
image
Mùa thu của những tình tự yêu đương, đã lôi cuốn người nhạc sĩ đã dùng bối cảnh thu ca như trong nhiều tác phẩm của ông về mùa thu, Phạm Anh Dũng đã tâm sự những nồng nàn, những cụm từ truyền cảm của ông qua bài “Gọi mùa thu mơ”:
“Anh gi mùa thu mơ
M
t sm thu sương m
Nai vàng đ
p trên lá
B
ước tng bước xa xa…
Anh g
i mùa thu mơ
Tr
i sm sông không b
Lá vàng r
ơi lác đác
D
u dàng cơn gió bay
Anh h
n mùa thu sang… 
Gọi Mùa Thu Mơ (Phạm Anh Dũng) Xuân Thanh
image 
Mùa thu để chúng ta ru người tình. Khi mùa thu tới người nhạc sĩ hát khúc thu ca để dìu người yêu vào giấc điệp bình yên, Đức Huy đã ru người tình của mùa thu như sau:
“Hôm mùa thu gió hát bài ca cũ
Mùa thu lá vàng bay
Anh ru em ngủ
Bài ca dao ta vẫn hát khúc ấu thơ
Nắng vàng ấm suối nước dệt mây thu
Ngập ngừng trôi giấc mơ
Anh ru em ngủ
Dài cơn mê thương yêu ấy
Những ngày còn ái ân…”
Còn mùa thu của Từ Công Phụng thì như thế nào? Ông ru người yêu về với mùa thu dịu dàng, du dương với những lối ru nhẹ nhàng, dấu yêu của mây ngàn bay, hãy nghe bài “Mùa thu mây ngàn”:
“Buồn vương mây ngàn giăng khắp lối
Mùa thu bơ vơ đến bên trời
Ru tóc em suối nguồn
Gọi hồn trong gió thu buồn
Ngày mai chúng mình xa nhau rồi
Cầm tay em nhìn sao không nói …”
Mùa Thu mây ngàn – Tuấn Ngọc & Thái Hiền
 
image
 
Tuần rồi tôi tình cờ được nghe bài “Dáng thu”, người nhạc sĩ đã âu yếm so sánh vẻ đẹp kiều diễm, đài các của mùa thu như người thiếu nữ trong những dòng nhac thu ca . Nhật Vũ đã dìu người tình qua vũ điệu Tango:
“Dáng thu vơi bun như thương nh ai
Dáng thu v
 đây mùa thu ơi ai có hay
Ta v
n ngm mây tri
Th
ương v tóc buông lơi
Th
ương nh mãi n cười
B
 môi xinh như mng
T
 ngày em đi
Đã bao l
n thu v ri ? 
image  
Dáng Thu Về
Lại một tình cờ khác tôi lắng nghe tiếng đàn của một người nhạc sĩ Mai Đức Vinh bên phương trời Canada, ông cho chúng ta nghe một bản tình ca quyến luyến và nhiều vương vấn của người thiếu nữ trong giấc mơ thu của ông “Thu về hôm nao”, thơ Pham Anh Dũng:
“…..Này em nhé mt nâu qua rng thu
Trong bóng th
i gian nh tiếng sương mù
Chi
u rơi lá chín thương em hương la
Anh nh
t thu v xây tím áng thơ
Chi
u sao hoang vng vàng phai sc lá
Anh vi
ết tình thu trên môi em thôi .”
 
Một chiều thu đến để rồi Phan Bá Chúc đã làm thơ, đã phổ nhạc từ khung trời yêu thương Đà Lạt qua ca khúc thật trữ tình và đáng yêu, “Tôi có em chiều thu”:
“Chiu phai mây trng trôi
Trôi qua dòng đ
i mun phin
Chi
u nay tôi thy em gi nng lên
Chi
u thu tôi em tôi em như mt tình c va đến
Bàn chân em e th
n, bàn tay em thơ di
V
i vàng con chim bé v cánh bay lên cao
Đ
i cho tôi có em trong mt chiu không mong đi
Đ
i cho tôi có em trong thu v hương tình ti
Bàn tay thôi e th
n, bàn chân thôi thơ di
Chi
u nay con chim én líu lo thương đi
 
 image 
 
Mùa thu 75 đã làm bao nhiêu con tim điêu đứng, Ngô Thụy Miên khi ra xứ ngồi đã chia sẽ tâm tư của ông qua bài “Thu Sàigòn” như sau:
“Em hi anh mùa thu Saigòn
N
ng còn vương vương trên hàng ph vng
Em h
i anh mùa thu Saigòn
N
ước mt bây gi có như mưa tuôn…”
Thu SÀI GÒN
 
Từ miền trung nam nước Mỹ, nhac sĩ Đỗ Duy Thụy đã bộc lộ tâm sự của ông khi mùa thu về ta.i Houston với những nhung nhớ mùa chia ly của tình yêu trong bài “Thu vàng nổi nhớ”:
“Theo bước chân em đi thu vàng
Tình 
ơi sao đến mun màng
N
i nh mang theo cung đàn
Bu
n vương trên bao tháng năm
Đ
i mt rng thu hoang vng
M
ơ em là nng xuân sang
H
n anh mng cũ chưa tan
Tình theo lá thu vàng”
Trong nỗi khắc khoải khôn nguôi, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên đã tưởng nhớ dến mùa thu năm cũ khi nhìn về người tình

Cũng vì mùa thu năm cũ vơi đầy nhung nhớ, Ngô Thụy Miên âu yếm nhìn vào ánh mắt người tình với bài “Thu trong mắt em”:

“Ri mt mùa thu ti cho mt em bun trong nng
M
u tình hôn tóc ri ru má em hng say đm …
Ô hay mùa Thu l
i v cho mình giăng hn hò
G
i tên nhau khi chiu đến
Mây Thu v
n vương đan ngp li đi
Ái ân theo h
n vút cao Vết mơ tình xõa tay mm…”
Thu Trong Mắt Em (Phạm Anh Dũng) Quỳnh Lan hát (Vinh Nguyễn”
 
image 
Nếu mùa thu được dùng như biểu tượng của sự ra đi hay sự chia ly để rồi dứt khoát một cuộc tình buồn não nề nào đó. Trong bối cảnh buồn của mùa thu ở vườn Luxemburg với ngập xác lá vàng rơi. Nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu đã viết bài “Mùa thu không trở lại” để nói lên nỗi sầu tan tác của ông:
“Em ra đi mùa thu, mùa thu không tr li
Em ra đi mùa thu, s
ương m giăng âm u
Em ra đi mùa thu, mùa thu không còn n
a
Đ
ếm lá mùa thu, đo su ngp tim tôi…”
 Mua Thu Khong Tro Lai – Si Phu
image 
Cũng như sự chia ly từ mùa thu dang dỡ, người yêu sẽ tìm quên lãng mùa thu sầu úa vì tình đã chết trong lòng khi niềm cô đôn chợt đến mà nhạc sĩ Nam Lộc ghi nhận qua bài “Anh đã quên mùa thu”:
“Bây gi là mùa thu
Chi
u vng khói sương mù
Hàng cây khô s
u úa
Hiu h
t đng trong mưa
M
ưa như l tình xưa
L
 thm mãi cho va
L
 thương hoa phượng rũ
Em có nghe mùa thu … 
Anh Đã Quên Mùa Thu – Nam Lộc, Tùng Giang-Tiếng hát:Dalena
image 
Mùa thu về với khung trời Paris của Cung Trầm Tưởng, nhà thơ này đã kể về chuyện tình mùa thu với nàng kiều nữ tóc nâu người địa phương bên vườn Luxemburg. Bài thơ “Mùa thu Paris” đuoc nhạc sĩ Pha.m Duy phổ thành một nhạc phẩm đã đi vào dĩ vàng của Saigon một thời xa xưa:
“Mùa thu Paris, tri but ra đi
H
n em quán nh, hn em quán nh
R
ượu rưng rưng ly đ tràn tr …
Mùa thu âm th
m bên vườn Lc Xâm
Ng
i quen ghế đá, ngi quen ghế đá
Không em bu
t giá t tâm
Mùa thu n
ơi đâu, người em mt nâu
Tóc vàng s
i nh, tóc vàng si nh
Ch
 mong em chín đ trái su..”
MÙA THU PARIS
 
image
 
Từ một phương trời nào đó Phạm Anh Dũng âu yếm thì thầm với người em gái mắt nâu của mình bằng những lời yêu dấu để thăm chừng khi nào mùa thu của tình yêu thực sự đến. Nếu Phạm Trọng Cầu hay Trịnh Công Sơn nhìn mùa thu đi với nỗi niềm tiêu cực thì tương phản thì Phạm Anh Dũng lại nhìn mùa thu ở khía cạnh tích cực. Nào chúnh ta hãy nghe lời hát của Pha.m Anh Dũng qua bài “Mùa thu về chưa em nhỉ”:
“Này yêu du, mùa thu v chưa nh
G
i mây trôi em th tóc bay đi
H
t long lanh rơi nht lá thay mu
Tình xanh bi
ếc, xanh mu đôi mt nâu …
Này yêu d
u, mùa thu v lá đ
Dòng sông xanh trôi v
 mãi xa xôi
Chiec La Thu Phai – Trinh Cong Son
Thu ca
Mua Thu La Bay
GIOT MUA THU- Dan Bau
Mua thu cho em Ngo Thuy Mien

Top 10 thành phố đắt đỏ nhất thế giới.

Friday, August 17th, 2012

.Top 10 thành phố đắt đỏ nhất thế giới.

Dưới đây là top 10 thành phố đắt đỏ nhất thế giới theo kết quả khảo sát trên 400 thành phố lớn do Công ty nguồn nhân lực toàn cầu ECA thực hiện:

1. Tokyo, Nhật Bản
Bữa ăn trưa nhanh: 20,8 USD
1 chai bia tại quán: 20,56 USD
1kg gạo: 9,8USD
Vé xem phim: 23,80 USD.
Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng ở Tokyo đã giảm kể từ năm 2009, nhưng sức mạnh của đồng Yên đã giúp Tokyo giữ vững vị trí số 1 trên bảng xếp hạng năm nay. Mức giá thuê nhà trung bình cho một căn hộ 2 phòng ngủ ở Tokyo là khoảng 4.352 USD (giá thời điểm tháng 9/2009).

2. Oslo, Na Uy
Bữa ăn trưa nhanh: 45,20 USD
1 chai bia tại quán: 13,18 USD
1kg gạo: 6,10 USD
Vé xem phim: 18,80 USD
Thủ đô của Na Uy là một trung tâm thương mại, tài chính, tàu bè và là nơi có Sở giao dịch chứng khoán Oslo. Oslo cũng nằm trong số những thành phố đắt nhất thế giới trong nhiều năm.

3. Nagoya, Nhật Bản
Bữa ăn trưa nhanh: 19 USD
1 cốc bia: 12,83 USD
1kg gạo: 8,5 USD
Vé xem phim: 21,80 USD
Nagoya là một trong những trung tâm công nghiệp, công nghệ và nổi tiếng về chất lượng sống cao và chi phí kinh doanh cạnh tranh – theo cơ quan thương mại Mỹ. Không giống như những thành phố lớn khác của Nhật Bản, Nagoya không bị ảnh hưởng nhiều của suy thoái kinh tế toàn cầu và vẫn duy trì được tăng trưởng mạnh.

4. Stavanger, Na Uy
Bữa ăn trưa nhanh: 32,30 USD
1 chai bia tại quán: 12,83 USD
1kg gạo: 5,7 USD
Vé xem phim: 17,30 USD
Stavanger ban đầu chỉ là một cộng đồng ngư dân cho tới những năm 60 của thể kỷ trước khi dầu được phát hiện ở Biển Bắc thì nó nhanh chóng trở thành một thành phố lớn của Na Uy.

5. Yokohama, Nhật Bản
Bữa ăn trưa nhanh: 16,90 USD
1 chai bia tại quán: 6,59 USD
1kg gạo: 4,20 USD
Vé xem phim: 21,70 USD
Là thành phố lớn thứ 2 Nhật Bản sau Tokyo, Yokohama cách Tokyo không xa bằng được xe lửa. Thành phố cảng hiện đang tập trung hơn 300 công ty công nghệ thông tin và có nền công nghệ sinh học phát triển. 9 quận tại thành phố này đều tập trung sản xuất xe hơi và các phụ tùng xe hơi.

6. Zurich, Thụy Sĩ
Bữa ăn trưa nhanh: 32,90 USD
1 chai bia tại quán: 3,70 USD
1kg gạo: 3,70 USD
Vé xem phim: 19,60 USD
Các lĩnh vực tài chính là một phần quan trọng của nền kinh tế ở Zurich. Đây được xem là thành phố của các sở giao dịch chứng khoán.Mercer đã từng xếp thành phố này là thành phố có chất lượng cuộc sống cao thứ 2 trên thế giới năm 2010.

7. Luanda, Angola
Bữa ăn trưa nhanh: 52,4 USD
1 chai bia tại quán: 6,62 USD
1kg gạo: 4,60 USD
Vé xem phim: 13,90 USD
Luanda là thành phố đắt đỏ nhất thế giới theo xếp hạng của ECA năm 2009. Năm ngoái, nó đã trượt xuống vị trí thứ 3 và năm nay tiếp tụctụt xuống vị trí thứ 7 do ảnh hưởng từ sự trượt giá của đồng Kwanza và do tỷ lệ đói nghèo cao.

8. Geneva, Thụy Sỹ
Bữa ăn trưa nhanh: 33,70 USD
1 chai bia tại quán: 9,12 USD
1kg gạo: 4,70 USD
Vé xem phim: 19,20 USD
Geneva thực sự là một thành phố toàn cầu, nơi quy tụ của các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Chữ thập đỏ. Đây là trung tâm của ngân hàng, công nghệ, các cơ quan chính phủ. Geneva thu hút nhiều chuyên gia cũng như khách du lịch. Năm 2010, Geneva được xếp hạng là thành phố có chất lượng cuộc sống tốt thứ 3 thế giới theo xếp hạng của Mercer.

9. Kobe, Nhật
Bữa ăn trưa nhanh: 15,60 USD
1 chai bia tại quán: 8,69 USD
1kg gạo: 9,30 USD
Vé xem phim: 20,80 USD
Kobe là một trong những cảng biển tấp nập nhất Nhật Bản và là trung tâm sản xuất đồ gia dụng, thực phẩm, thiết bị vận tải. Thành phố này cung cấp nhiều loại món ăn khác nhau chứ không riêng gì đặc sản thịt bò Kobe cao cấp.

10. Bern, Thụy Sỹ
Bữa ăn trưa nhanh: 28,80 USD
1 chai bia tại quán: 7,46 USD
1kg gạo: 4,70 USD
Vé xem phim: 19,10 USD
Thủ đô Bern là nơi tập trung các cơ quan chính phủ, ngành kĩ thuật công nghiệp, công nghiệp chính xác cũng như là nơi sản xuất đồng hồ, các thiết bị trong y tế, công nghệ thông tin, ô tô.

Top 10 thành phố đắt đỏ nhất thế giới năm 2010
1. Tokyo, Nhật Bản
2.Oslo, Na Uy
3: Luanda, Angola
4. Nagoya, Nhật Bản
5. Yokohama, Nhật Bản
6. Stavanger, Nauy
7. Kobe, Nhật Bản
8. Copenhagen, Đan Mạch
9. Geneva, Thụy Sỹ
10. Zurich, Thụy Sỹ

Thiên Thư (Theo Bloomberg BusinessWeek)

===================================

Pháp là nơi đáng sống nhất

Nước Pháp là nơi tốt nhất để sống trên thế giới, trong khi Việt Nam đứng thứ 125 trong số 194 quốc gia được xếp hạng.

Pháp được coi là một trong những quốc gia đẹp nhất trên thế giới. Ảnh: EPA.

Tạp chí International Living đã công bố kết quả khảo sát dựa trên bảng chỉ số Chất lượng cuộc sống lần thứ 30, trong đó khảo sát 194 quốc gia và vùng lãnh thổ về 9 lĩnh vực, trong đó có chi phi sinh hoạt, văn hóa và giải trí, môi trường, độ an toàn và rủi ro, nền kinh tế, cơ sở hạ tầng…

Nước Pháp đứng đầu danh sách trong vòng 5 năm liên tiếp, đánh bại Australia và Thụy Sĩ – đứng vị trí thứ 2 và 3 trong năm nay.

“Tại Pháp, cuộc sống đầy hương vị”, biên tập viên Jackie Flynn của tạp chí nói. “Tôi không nghĩ rằng ai đó lại đi phản đối việc nước Pháp là một trong những nơi đẹp nhất trên thế giới, nơi niềm kiêu hãnh ngự trị trong từng chi tiết nhỏ bé. Người Pháp yêu những chiếc hộp hoa nhỏ, các khu vườn xinh xắn, những quán cafe vỉa hè, đường phố sạch sẽ. Các thành phố đều được chăm sóc kỹ càng và tội phạm vô cùng ít”.

International Living đặc biệt chú trọng tới các vùng quê nước Pháp, ca ngợi các dịch vụ bên ngoài Paris, đặc biệt cho những người nghỉ hưu và gia đình của họ. “Vùng Midi-Pyrenees ở phía đông nam đặc biệt là nơi thích hợp cho các gia đình có thu nhập chưa tới 100.000 USD/năm và những bữa ăn truyền thống với giá 14 USD”, Flynn nói.

Australia đã tăng từ vị trí thứ 5 lên á quân nhờ sự khôi phục nền kinh tế, trong khi nước Mỹ tụt xuống vị trí thứ 7 từ mốc thứ 3 năm ngoái, do “Giấc mộng nước Mỹ” đã vượt khỏi tầm với của rất nhiều người. Sudan, Yemen và Somalia nằm cuối bảng xếp hạng.

Việt Nam xếp thứ 125 trên 194 quốc gia, với điểm bình quân của các chỉ số là 53/100, trong đó môi trường được đánh giá tương đối tốt 71/100, nhưng cơ sở hạ tầng thì chỉ được 36/100.

Trong số 10 nước đứng đầu, New Zealand và Canada đạt điểm cao nhất về chi phí sinh hoạt, nước Mỹ đầu bảng về cơ sở hạ tầng. Đức có điểm số về môi trường cao nhất trong khi Italy, Australia và Pháp cùng xếp thứ nhất về khí hậu.

Sau đây là Top 10 nước có chất lượng cuộc sống tốt nhất:

1. Pháp
2. Australia
3. Thụy Sĩ
4. Đức
5. New Zealand
6. Luxembourg
7. Mỹ
8. Bỉ
9. Canada
10. Italy

(NN sưu tầm)

Đa Tạ

Monday, August 13th, 2012

Đa Tạ