Archive for October, 2011

Thông báo chung

Monday, October 31st, 2011

BBT vừa nhận được tin thầy Hối đang bị bệnh và đang nằm viện để chữa trị. Sau đây là nguyên văn bản tin từ Việt Nam (không dấu)

“Thay benh buou co cua da lau roi nay thay bi them benh viem xoan nang nua hang ngay phai choc xoan de dieu tri, hom D len BV tham nguoi ban moi biet nen thong tin cac ban biet de tham hoi.”

Vậy BBT xin loan báo cùng các bạn được rõ.

Vì Ta Đã Lỡ Yêu Người

Sunday, October 30th, 2011

Vì Ta Đã Lỡ Yêu Người CS:QUỲNH LAN
Thơ Hoàng Ngọc Ẩn; Nhạc Hoàng Cầm; Hòa âm Quang Đạt

Đường Trịnh Công Sơn thành phố nhậu

Thursday, October 27th, 2011

Dọc tuyến phố Trịnh Công Sơn (thành phố Huế) dài gần một km mọc lên hàng chục quán nhậu với những cái tên Diễm Xưa, Phố Trịnh, Hạ Trắng… Tối đến, những âm thanh hỗn tạp náo động cả một khúc sông Hương.


Dọc tuyến đường Trịnh Công Sơn bây giờ là la liệt các quán nhậu, có người lấy luôn tên bài hát của cố nhạc sĩ đặt tên cho quán mình. Ảnh: Nguyễn Đông

Được tỉnh Thừa Thiên – Huế đặt tên vào tháng 3 vừa qua, đường Trịnh Công Sơn ở Huế là con đường đầu tiên của Việt Nam mang tên cố nhạc sĩ tài hoa. Chủ trương của tỉnh cũng như mong đợi của những người yêu Trịnh là biến con đường thành “không gian văn hóa Trịnh” với những đoàn khách du lịch đến chụp hình, các kiốt được bày trí hài hòa hai bên đường sẽ bày bán băng, đĩa, phim ảnh về Trịnh; những quán cà phê mang tên những ca khúc của cố nhạc sĩ lúc nào cũng cất lên những ca khúc nhẹ nhàng, sâu lắng…

Tuy nhiên, sau thời gian ngắn được đặt tên, nơi đây trở thành “không gian nhậu”. Dọc con đường bắt đầu từ cầu Gia Hội xuôi theo bờ sông Hương về phía đò Cồn dài 600 m có tới gần 30 quán nhậu mọc san sát. Các quán đã “tận dụng” mặt bằng công viên đang xây dựng để kê bàn đón khách. Xe máy, ôtô đậu kín hai bên đường khiến người đi bộ phải tràn xuống lòng đường, giao thông lộn xộn.

Bà Hồng, một người dân sống tại khu vực này, cho biết ngày trước khi tỉnh chưa đặt tên đường Trịnh Công Sơn cũng như chưa có dự án xây dựng công viên, chỉ có một vài quán buôn bán và kinh doanh quán nhậu. Nhưng từ khi đường được đặt tên thì cả khoảng đất rộng ven sông đều bị đặt biển, xếp bàn mở quán. Mùa hè vừa rồi tối nào khách cũng đông nghịt đến nhậu nhẹt từ chập tối đến mãi khuya.

“Nhiều người nơi khác thấy khách đổ đến đây đông cũng tìm thuê mặt bằng để mở quán. Có khi vì tranh giành khách mà xảy ra cãi vã, ảnh hưởng đến an ninh trật tự”, bà Hồng nói thêm.


Phía công viên đang xây dựng ven sông Hương, thực khách ngồi chật kín. Ảnh: Nguyễn Đông

Việc kinh doanh làm mất đi cảnh quan đường Trịnh Công Sơn đã làm những người yêu Trịnh lo lắng. Nhà nghiên cứu Huế Nguyễn Đắc Xuân cho biết không chỉ cá nhân ông mà phía gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và những người yêu Trịnh đều rất buồn bởi sau bao nhiêu năm Huế mới có được con đường mang tên cố nhạc sĩ Trịnh, nhưng mở đường rồi lại để tình trạng buôn bán tràn lan.

“Dân chúng chỉ biết lợi dụng tên con đường và không gian xung quanh để kinh doanh kiếm tiền chứ không ai quan tâm đến việc tạo cảnh quan văn hóa cho đường Trịnh Công Sơn. Đồng ý là họ có quyền được kinh doanh buôn bán nhưng phía các đơn vị quản lý phải biết cách quản lý và hướng dẫn họ kinh doanh sao cho có văn hóa”, ông Xuân kiến nghị.

Trao đổi với VnExpress, ông Lê Văn Phiệt, Đội trưởng Đội quản lý đô thị thành phố Huế, thừa nhận từ khi Huế đặt tên đường Trịnh Công Sơn thì nơi đây trở thành tuyến phố ăn nhậu, tranh mua tranh bán và chặn xe người đi đường ép khách vào quán ăn nhậu. Ngay cả xe của đội quản lý đô thị thành phố đi dẹp trật tự cũng bị chặn lại ép vào quá nhậu vì nhầm tưởng là thực khách.

“Nhiều khi đội quản lý đô thị yêu cầu các chủ quán dẹp bỏ nhưng cứ vắng bóng lực lượng của đội là các quán xá di động lại đua nhau mọc lại, người dân bất chấp quy định để kinh doanh kiếm tiền. Cái khó là còn các hộ dân chưa chấp nhận di dời giải tỏa nên tiếp tục buôn bán và gây khó dễ việc quản lý đô thị”, ông Phiệt nói.

VnE

Kế toán ngân hàng xù nợ hơn 20 tỷ đồng

Wednesday, October 26th, 2011

Nguyễn Thùy Hương (29 tuổi, cựu kế toán một ngân hàng ở Đà Nẵng) khai với công an đã vay hơn 20 tỷ đồng của 18 người song không có khả năng thanh toán.

Chiều 26/10, Công an Đà Nẵng cho biết, khi nhận được đơn tố cáo của nhiều người về việc nghi bị Hương quỵt nợ, nhà chức trách đã làm việc với cựu cán bộ ngân hàng này.

Tại cơ quan công an, Hương khai với “mác cán bộ ngân hàng” cô đã lấy được lòng tin của nhiều người khi vay tiền với lãi suất cao để đầu tư kinh doanh vật liệu xây dựng và ngành nước.

Danh sách 18 người cho vay tiền được Hương liệt kê chi tiết, ai ít thì chừng 300-400 triệu, người nhiều lên tới vài tỷ. Hiện, hơn 20 tỷ đồng vay của những người này, Hương không có khả năng thanh toán do làm ăn bị thua lỗ.


(Ngôi nhà của Hương. Ảnh: Minh Nhật)
Theo nhà chức trách, không chỉ bị tố cáo quỵt nợ, cựu cán bộ ngân hàng này còn bị người đàn ông tên Lê Lộc cho rằng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trình bày với công an, ông cho biết đã thỏa thuận mua ngôi nhà ở phố Nguyễn Thành Hãn của Hương với giá 1 tỷ đồng, đặt cọc trước 800 triệu đồng.

Hai bên làm hợp đồng và hẹn ngày 10/10 đi công chứng thủ tục mua bán. Đến hôm đó, Hương không tới theo đã hẹn. Ông Lộc liên lạc không được; đến cơ quan tìm thì được biết người phụ nữ 32 tuổi này đã bị thôi việc. Ông tìm Hương từ nhiều ngày nay nhưng không có kết quả.

Soucre: VnE

Libya muốn NATO tiếp tục chiến dịch tới cuối năm

Wednesday, October 26th, 2011

Lãnh đạo lâm thời ở Libya Mustafa Abdel Jalil hôm qua kêu gọi NATO tiếp tục hỗ trợ nước này tới cuối năm, bởi họ cho rằng lực lượng trung thành với đại tá Moammar Gadhafi vẫn còn là một mối đe dọa.

Chủ tịch NTC Abdel Jalil trong tay người ủng hộ. Ảnh: AFP.

Phát biểu của ông Abdel Jalil được đưa ra tại hội nghị các liên minh quân sự của Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia (NTC), một ngày sau khi giới chức nước này chôn cất Gadhafi tại địa điểm bí mật. Thi thể ông Gadhafi bị bày trong một khu chợ suốt 4 ngày liền.

“Chúng tôi hy vọng NATO sẽ tiếp tục chiến dịch ít nhất là tới cuối năm nay để giúp chúng tôi và các nước láng giềng”, AFP dẫn lời chủ tịch NTC Abdel Jalil cho hay.

Yêu cầu này được đưa ra là để “ngăn vũ khí bị tuồn vào các quốc gia này và đảm bảo an ninh cho người Libya trước sự đe dọa của tàn dư của lực lượng Gadhafi”. NTC cũng cần NATO giúp đỡ để “phát triển hệ thống phòng thủ và an ninh cho Libya”.

Phái viên của Liên Hợp Quốc Ian Martin cũng cho rằng Hội đồng Bảo an cần điều thanh sát viên quốc tế tới thị sát hàng trăm địa điểm bị nghi là kho vũ khí của Libya trước những lo ngại rằng một số lượng lớn tên lửa vác vai đã bị lấy trộm. Ông cũng cho biết NATO đã phá nhiều kho chứa vũ khí hóa học bí mật của chính quyền Libya cũ.

“Chính quyền Gadhafi sở hữu lượng lớn tên lửa phòng không”, Ian Martin nói. “Hàng nghìn những tên lửa đó đã bị vô hiệu hóa trong chiến dịch của NATO song cũng cần phải cảnh giác về tình trạng trộm cướp và phổ biến hệ thống phòng không di động”.

Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe cho hay chiến dịch của NATO ở Libya đã kết thúc song liên quân đang tìm cách để giúp quốc gia này. “Chúng ta đang bước vào một giai đoạn mới”, ông nói. “Giai đoạn can thiệp quân sự đã kết thúc, mục tiêu đặt ra đã đạt được. Liệu còn cách khác để đồng hành với NTC trong giai đoạn chuyển tiếp này hay không? Chúng tôi đang xem xét vấn đề đó”.

Một đại diện của Libya ở Liên Hợp Quốc cũng cho biết NTC sắp chính thức đề xuất Hội đồng Bảo an kéo dài lệnh trừng phạt đối với Libya do nước này vẫn chưa có quân đội chính thức. Tuy nhiên, đại sứ Nga Vitaly Churkin cho rằng việc kéo dài lệnh này quá 31/10 là không hợp lý. Matxcơva từng bỏ phiếu trắng, dẫn tới việc LHQ thông qua lệnh cấm bay và mở đường cho NATO can thiệp quân sự vào Libya.

Cái chết của Gadhafi hôm 20/10 đã chấm dứt 8 tháng nổi dậy của lực lượng chống chế độ của ông. NTC tuyên bố giải phóng hoàn toàn Libya hôm 23/10.
Source: VnE

Boeing Dreamliner lần đầu bay thương mại

Wednesday, October 26th, 2011

Boeing Dreamliner đã bay chuyến bay thương mại đầu tiên, chậm ba năm so với kế hoạch.

(Boeing Dreamliner bay chuyến bay thương mại đầu tiên từ sân bay Narita, Nhật Bản đi Hong Kong hôm 26/10/2011. )
Chuyến bay của hãng hàng không Nhật Bản ANA bay chuyến đầu tiên chở hành khách từ Tokyo đến Hồng Kông.
Dreamliner theo kế hoạch ban đầu lẽ ra được giao cho khách hàng vào năm 2008, nhưng Boeing đã gặp một loạt sự cố kỹ thuật.

Các vấn đề mà Dreamliner gặp phải đã làm chậm trễ kế hoạch giao hàng với một trong các sự cố gần nhất là vụ cháy trên khoang máy bay trong chuyến bay thử nghiệm hồi tháng Giêng.

Tuy nhiên, hãng Boeing hy vọng thành công của chuyến khai trương sẽ giúp làm quên đi những sự cố trước đây.

Boeing cho hay các ưu điểm như lối đi rộng hơn, khoảng rộng linh hoạt hơn giữa ghế hành khách, cửa sổ lớn với tính năng xử lý ánh sáng đặc biệt, độ ẩm cabin cao hơn và không khí sạch hơn…, tất cả kết hợp lại để cho phép hành khách cảm thấy thoải mái hơn trong suốt chặng bay.

Đấu giá

Vì các vật liệu được sử dụng từ lĩnh vực công nghệ xây dựng –sợi carbon được tận dụng thay vì nhôm – Boeing Dreamliner được cho sẽ đạt hiệu quả tiết kiệm nhiên liệu tốt hơn khoảng 20% so với các máy bay có kích thước tương tự đang hoạt động hiện nay.

Đây sẽ là một hỗ trợ lớn cho các hãng hàng không đang phải đối đầu với việc tăng giá nhiên liệu sử dụng cho máy bay phản lực, vốn là chi phí lớn đáng kể nhất của các hãng.

Lãnh đạo hãng hàng không ANA Shinichiro Ito và Phó Chủ tịch Boeing Scott Fancher đã mở các thùng chứa rượu ‘sake’ và tận tay tặng rượu cho các hành khách khi họ lên máy bay ở Tokyo.

Hãng hàng của Nhật Bản đã bán đấu giá sáu vé ngồi hạng thương gia doanh nghiệp cho chuyến bay đầu tiên, với giá $ 34,000 một chỗ – cao hơn 13 lần so với giá của một vé thương gia với chặng bay tương tự thông thường.

Trì hoãn

(Nhiều bộ phận của chiếc Boeing Dreamliner được chế tạo từ vật liệu nhẹ, giúp giảm tải tiêu thụ nhiên liệu tốt hơn.)
Trước đó, dự án Boeing Dreamliner đã bị trì hoãn tới ba năm vì nhiều vấn đề, trong có vấn đề về thiết kế.

Boeing đặt nhiều kỳ vọng vào loại máy bay này, mà hãng quảng cáo là một trong các loại phi cơ tốn ít năng lượng nhất thế giới.

Đã có hàng trăm đơn đặt hàng cho Dreamliner từ các nước trên thế giới, tuy một số hợp đồng bị hủy vì chậm trễ trong dự án.

Máy bay này được ưa chuộng vì nhẹ. Thân máy bay có các bộ phận làm bằng carbon và titanium, giúp tiết kiệm nhiên liệu và chi phí bảo hành.

Thiết kế của máy bay cũng khá gọn gàng và nó có thể bay xa mà không cần tiếp nhiên liệu.

Ngoài ra, loại máy bay này được cho là sẽ làm “thay đổi mọi nguyên tắc” hàng không dân dụng, vì các thiết bị trong khoang của nó.

Nhon Nguyen – Theo BBC News

Nguy cơ bế tắc cho khủng hoảng nợ EU

Wednesday, October 26th, 2011

Với những bất đồng về chuyện tăng ngân sách giải cứu cho những nước dùng đồng euro đang ngập trong nợ nần, người ta ngày càng nghi ngờ về khả năng sẽ đạt được một thỏa thuận toàn diện trong kỳ họp thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo Liên hiệp Châu Âu (EU).


(Bà Merkel đã kêu gọi Quốc hội chấp nhận hỗ trợ khối euro vì sự thịnh vượng của chính nước Đức)

Các lãnh đạo EU đã tới Brussels dự họp khẩn cấp nhằm đưa ra kế hoạch giải quyết khủng hoảng của khu vực euro.
Người ta cũng lo sợ cuộc khủng hoảng ở Hy Lạp sẽ lan sang Ý và Tây Ban Nha.

Lên tiếng thúc giục các nhà lập pháp hãy ủng hộ các biện pháp nhằm tăng ngân khoản giải cứu, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói sự thịnh vượng của Đức phụ thuộc vào việc đạt giải pháp cho cuộc khủng hoảng.

Trước khi bà Angela Merkel lên đường tới Brussels dự kỳ họp thượng đỉnh, Quốc hội Đức đã biểu quyết trao cho bà quyền quyết định quỹ giải cứu chung.

Bà Merkel nói việc chấp nhận rủi ro nhằm tăng tối đa ngân quỹ giải cứu, qua đó đảm bảo được tương lai thịnh vượng cho nước Đức, là điều đáng làm.

Bà cũng nói bà sẽ nỗ lực nhằm đạt được các quyết định dài hạn tại phiên họp thượng đỉnh Brussels vào cuối ngày thứ Tư 26/10, nhưng nói không ai có thể đòi hỏi có ngay những giải pháp nhanh chóng được.

Bà Merkel nói điều cần làm lúc này là cần sát cánh bên Hy Lạp “trong một thời gian trước mắt.”

Khi sự chú ý được chuyển sang Ý và gánh nặng nợ công khổng lồ của nước này, Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi bị đòi phải trao cho các đồng nghiệp EU tại Brussels các chi tiết về những kế hoạch cải tổ kinh tế.

Các điểm quan trọng

Trong số những điểm chính của thỏa thuận đã đạt được hồi cuối tuần giữa các quan chức EU, có những nội dung sau:

Các ngân hàng Âu Châu phải nâng thêm 100 tỷ euro vốn mới, nhằm đảm bảo chống đỡ được trước nguy cơ thua lỗ ở các nước đang nợ nần nhiều.
Quỹ bình ổn tài chính Âu châu (EFSF), với mức ngân khoản 440 tỷ euro, sẽ được trao thêm quyền, tuy hiện chưa rõ điều này sẽ được triển khai như thế nào.
Các chủ nợ của Hy Lạp sẽ được yêu cầu chấp nhận mức thua lỗ cao hơn nhiều so với mức 21% hiện đang được đặt trên bàn đàm phán.

(Hai nước Đức và Pháp vẫn đang bất đồng về cách thức nâng ngân khoản cho EFSF)
Theo kế hoạch, việc tăng vốn lên thêm 100 tỷ euro tại các ngân hàng sẽ được các nhà đầu tư thương mại, các chính phủ và EFSF hỗ trợ.

Các điểm bất đồng chính vẫn còn tồn tại giữa các cường quốc trong khối sử dụng đồng euro.

Pháp đã hy vọng là Ngân hàng Trung ương Âu Châu (ECB) sẽ ủng hộ EFSF bằng cách cung cấp cho EFSF các khoản vay nhằm tăng tổng số vốn lên chừng 2 nghìn tỷ – 3 nghìn tỷ euro.

Tuy nhiên, ý tưởng này đã bị Thủ tướng Đức Merkel phản đối.

Thay vào đó, các chính phủ được trông đợi là sẽ đồng ý rằng EFSF có thể giúp đỡ các chính phủ đang gặp khó khăn trong khu vực eurozone, như Ý và Tây Ban Nha, bằng cách đưa ra các bảo đảm từng phần cho các chủ nợ và các ngân hàng vốn, qua đó giúp các nước này có thể vay thêm tiền.

Tham vọng và khả năng thực tế

Trưởng Biên tập về kinh doanh của BBC, Robert Peston, nói EU đang bị buộc phải sử dụng một cỗ máy tài chính phức tạp, với khả năng chỉ có thể tăng ngân khoản của EFSF lên chừng 1 nghìn tỷ euro.

Ông nói các thị trường không hài lòng về bước đi này, vốn chỉ có thể cứu vãn được chừng 1 năm chứ không đủ để tiến hành cải cách cơ bản cho các nền kinh tế đang ngập nợ ở Châu Âu.

Cũng đã có những bất đồng về mức độ thua lỗ mà các chủ nợ của Hy Lạp buộc phải chấp nhận, chẳng hạn như Đức đang tính đến khả năng xóa nợ 50-60%.

ECB được cho là phản đối khả năng nâng mức thua lỗ thêm nữa.

Những khó khăn trên dường như đã khiến dẫn tới quyết định hủy bỏ cuộc họp của các bộ trưởng tài chính EU, theo kế hoạch lẽ ra đã được tổ chức trước phiên họp thượng đỉnh.

Ông Berlusconi được trông chờ sẽ chỉ đưa ra những cam kết cải tổ tại Italy, tuy các lãnh đạo khác trong khối đã đòi ông phải đưa ra các kế hoạch rõ ràng trong việc dự kiến cắt giảm nợ của nước ông.

Nhon Nguyen- Theo BBC News

Exxon ‘tìm thấy dầu ngoài khơi Việt Nam’

Wednesday, October 26th, 2011


Giếng khoan ở lô 119 (điểm đen) nằm gần đường chín đoạn của Trung Quốc

Tập đoàn ExxonMobil của Hoa Kỳ loan báo đã tìm thấy dầu khí ở ngoài khơi Việt Nam, gần đường yêu sách chủ quyền chín đoạn của Trung Quốc.
Báo Wall Street Journal (WSJ) trong bản tin gửi từ Houston, Texas, nơi Exxon Mobil đặt đại bản doanh, cho hay hãng này đã tìm thấy dầu sau mũi khoan thứ hai hồi tháng Tám ở ngoài khơi miền Trung Việt Nam.

Mũi khoan đầu tiên đã được thực hiện hồi tháng Tư nhưng không có kết quả.

WSJ dẫn lời một người phát ngôn của Exxon nói hôm thứ Ba 25/10 rằng các thông số thu được từ giếng khoan số hai nằm trong lô 119 ngoài khơi Đà Nẵng đã được chuyển đi phân tích tiếp.

Lô 119 nằm ngoài khơi thềm lục địa Việt Nam, thuộc vùng biển các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Quảng Nam, rất gần đường chín đoạn mà Trung Quốc lập ra để đòi hỏi chủ quyền Biển Đông. Đường yêu sách này còn được gọi là đường ‘lưỡi bò’, bao quanh tới 80% diện tích Biển Đông.

Thông tin mới loan ra mang tầm quan trọng đặc biệt, không chỉ trong lĩnh vực dầu khí mà còn trong khía cạnh khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại khu vực.

Nó cũng cho thấy thái độ mạnh bạo của công ty Hoa Kỳ trong việc tiếp tục theo đuổi các dự án làm ăn với Việt Nam cho dù bị áp lực từ Trung Quốc.

Hồi tháng 7/2008, Trung Quốc đã gây sức ép buộc ExxonMobil ngừng dự án với Việt Nam tại khu vực mà Bắc Kinh nói là thuộc chủ quyền Trung Quốc.

Dự án bị Trung Quốc phản đối lúc đó nằm trên thềm lục địa phía Nam, gồm các lô 135 và 136, khu vực Tư Chính – Vũng Mây của bồn trũng Nam Côn Sơn. Exxon lúc đó không tuyên bố rút lui, nhưng sau đó cũng không có thêm thông tin gì về tiến độ dự án.
Trữ lượng dầu khí

WSJ nhận xét rằng nếu lượng dầu khí mà ExxonMobil tìm thấy quả thực có khả năng thương mại, thì đây là tin mừng cho Việt Nam, quốc gia trông chờ nhiều vào thu nhập từ dầu thô.

Tờ báo này nói đa số các mỏ dầu mà Việt Nam đang khai thác đều đã quá lâu năm và khó có thể thỏa mãn nhu cầu năng lượng và xuất khẩu ngày càng tăng.

Việt Nam đang là nước sản xuất dầu thô lớn thứ ba Đông Nam Á.

Tiềm năng dầu khí có thể làm tăng tranh chấp
Tuy nhiên giới phân tích nói cần phải chờ xem trữ lượng tiềm năng của giếng khoan này là bao nhiêu.

WSJ dẫn lời phân tích gia Phil Weiss từ công ty Argus Research nói: “Khó có thể bình luận tầm quan trọng của phát hiện mới này khi chúng ta chưa biết trữ lượng, nhưng chắc chắn đây là tin tốt đối với Exxon vì khu vực khoan dầu được nhiều người cho là giàu tiềm năng”.

Nhiều công ty nước ngoài đã tìm thấy dầu tại khu vực này, như Petroliam Nasional Bhd. của Malaysia, Premier Oil Plc. của Anh, Gazprom OAO của Nga và Total SA của Pháp.

Giếng khoan của ExxonMobil ở lô 119, nếu nhìn trên bản đồ trực tuyến mà chính Trung Quốc đưa ra, nằm hoàn toàn trên thềm lục địa của Việt Nam, nhưng cận kề một trong chín đoạn của ‘đường lưỡi bò’.

Gần lô 119 là lô 120, mà Công ty thăm dò – khai thác dầu khí Neon Energy của Úc đã cùng đối tác Việt Nam thăm dò địa chấn hồi tháng 5 năm ngoái.

Lúc đó phía Việt Nam đã phải cử tàu hải quân ra hộ tống công việc thăm dò của Neon vì sợ phản ứng của Trung Quốc.

Ngoài lô 119, ExxonMobil còn có dự án thăm dò ở hai lô kế cận là 117 và 118, đều nằm trong vùng thềm lục địa miền Trung Việt Nam.

Tiềm năng dầu khí nếu được chứng thực ở các lô trên thềm lục địa Việt Nam có khả năng sẽ làm tranh chấp chủ quyền tại khu vực thêm gay gắt.

Bằng nhiều cách, Trung Quốc đã gây áp lực buộc nhiều công ty nước ngoài muốn làm ăn với Việt Nam phải rút lui.

Thế nhưng trong khi các hãng dầu như BP của Anh chấp nhận ngừng dự án, thì các công ty Mỹ, được tin là có hậu thuẫn của Washington, giữ thái độ kiên quyết hơn.
Nhon Nguyen-Theo BBC News

VN và Philippines tăng cường hợp tác biển

Wednesday, October 26th, 2011


Đây là chuyến thăm Philippines đầu tiên của ông Sang với tư cách chủ tịch nước

Việt Nam và Philippines vừa ký thỏa thuận tăng cường hợp tác trên Biển Đông nhân chuyến thăm Manila của Chủ tịch Trương Tấn Sang.

Tuy nhiên hai bên nhấn mạnh sự hợp tác này mang tính chất phi quân sự và không phải thỏa thuận giữa hai quân đội.
Ông Sang đang có chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Philippines với tư cách chủ tịch nước Việt Nam từ 26/10-28/10.

Các hãng thông tấn có mặt tại Manila cho hay hai bên cũng đã chia sẻ mong muốn thúc đẩy cách tiếp cận đa phương và dựa vào luật pháp quốc tế cho các tranh chấp ở Biển Đông.

Chính phủ Philippines mời Việt Nam tham gia đầu tư vào 15 lô dầu khí bên ngoài vùng tranh chấp giữa các nước.

Ngay ngày đầu của chuyến đi, Chủ tịch Trương Tấn Sang đã cùng Tổng thống Philippines Benigno Aquino chứng kiến lễ ký kết bốn thỏa thuận, trong đó có văn bản nói về hợp tác song phương trong 13 lĩnh vực bao gồm cả nông nghiệp, năng lượng và công nghệ.

Quan trọng hơn cả là thỏa thuận về chia sẻ thông tin và lập đường dây nóng để xử lý các vấn đề nảy sinh trên biển, như cướp biển, buôn lậu, cứu nạn thiên tai và bảo vệ nguồn lợi biển.

Tổng thống Aquino phát biểu sau khi hội đàm với phía Việt Nam: “Thỏa thuận thiết lập đường dây nóng giữa lực lượng tuần duyên hai bên cũng như tăng cường quan hệ giữa hai nền hải quân đánh dấu tiến bộ đáng kể trong quá trình bảo đảm vùng biển an ninh an toàn hơn trong khu vực”.
Vùng biển hòa bình

Về phần mình, ông Trương Tấn Sang hứa rằng Việt Nam sẽ hết sức ủng hộ đề xuất thiết lập vùng biển Hòa bình, Tự do, Hữu nghị và Hợp tác tại Biển Đông.

Theo ông, đề xuất này sẽ bổ sung hữu hiệu cho bản hướng dẫn thực hiện Tuyên bố chung về cách ứng xử ở Biển Đông mà các nước Asean đã đạt được với Trung Quốc.

Ông chủ tịch được dẫn lời nói: “Chúng ta khẳng định lần nữa tầm quan trọng của việc gìn giữ hòa bình, an ninh, ổn định và tự do hàng hải tại Biển Đông”.

Ông Trương Tấn Sang nói thêm rằng ông hy vọng Asean sẽ đưa ra được bộ quy tắc ứng xử trong thời gian tới.

Quan chức Philippines có mặt tại các cuộc hội đàm nói ông Sang đã trấn an người đồng nhiệm nước chủ nhà, rằng thỏa thuận về sáu nguyên tắc giải quyết bất đồng mà Việt Nam ký với Trung Quốc hồi đầu tháng trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng không đi ngược lại chủ trương đa phương và tuân thủ pháp luật trong giải quyết bất đồng trên biển.

Nhon Nguyen – Theo BBC News

VN vay Mỹ 1 tỷ đôla phát triển điện gió

Wednesday, October 26th, 2011

Eximbank của Hoa Kỳ cam kết cấp tín dụng để đầu tư phát triển điện gió tại Việt Nam.
Thỏa thuận này có được sau khi chính phủ Việt Nam cam kết phát triển điện gió ở các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long cho giai đoạn 2011 – 2015.

(Năng lượng sạch đang được nhiều nước chú ý phát triển.)

Tin từ trang web của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cho hay Ex-Im Bank của Mỹ cam kết cung cấp hạn mức tín dụng trị giá 1 tỷ USD được triển khai dưới hình thức tín dụng trực tiếp hoặc bảo lãnh của ngân hang này để VDB vay vốn tại các ngân hàng quốc tế.

Cam kết này là một phần của Biên bản thỏa thuận hợp tác giữa VDB và US Ex-Im Bank ký kết giữa năm 2010.

Dự kiến hai ngân hàng sẽ hợp tác theo các hình thức được mô tả là đồng tài trợ cho các dự án theo đó VDB sẽ là tổ chức đứng ra vay vốn của US Ex-Im Bank.

VDB cũng sẽ vay vốn của ngân hàng quốc tế được US Ex-Im Bank bảo lãnh để cho vay lại các dự án thuộc các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm.

Trang tin của ngân hàng VDB cũng cho biết ngân hàng này, theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đã làm việc với Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Du lịch Công Lý ( Chủ đầu tư Dự án xây dựng nhà máy phong điện tại tỉnh Bạc Liêu) và với US Ex-Im Bank để tìm nguồn vốn cho dự án.

Cho tới nay đã có Ngân hàng Citibank và JP Morgan đề nghị tham gia tài trợ cho dự án này dưới sự bảo lãnh của US Ex-Im Bank

Dự kiến đầu tháng Mười một năm nay, cột tuốc-bin điện gió đầu tiên của dự án sẽ được khánh thành sử dụng thiết bị của hãng General Electric (GE) – Hoa Kỳ, theo VDB.

Nhon Nguyen- Theo BBC News

Làm đường Việt Nam đắt gấp 3 lần Mỹ

Friday, October 21st, 2011

Trục đường TP HCM – Long Thành – Dầu Giây lẽ ra là dự án cao tốc hiệu quả nhất TP HCM, nhưng cuối cùng lại trở thành mối nguy cơ làm tăng gánh nặng nợ công cả nước vì suất đầu tư quá cao.


Thạc sĩ Nguyễn Xuân Thành. Ảnh: Nhật Minh

Đường cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây và cảng nước sâu Thị Vải – Cái Mép được ông Thành coi là hai dự án điển hình của lĩnh vực giao thông, một lĩnh vực nặng gánh nợ công và vẫn có nhu cầu rất lớn về đầu tư công.

Trong đó, dự án thứ nhất đóng vai trò đường giao thông cửa ngõ của TP HCM. Rất nhiều yếu tố khiến dự án cao tốc có hiệu quả tài chính kinh tế cao như kết nối với sân bay quốc tế Long Thành trong tương lai, kết nối với cảng biển nước sâu và kết nối với hệ thống đường cao tốc bắc nam. Lưu lượng dự kiến của đường cao tốc này là 100.000 lượt đơn vị xe con mỗi ngày, cao hơn tất cả các trục đường cao tốc khác trong cả nước, nhờ vậy mà cơ hội thu phí cao.

Nhưng dự án này rất khó hút vốn tư nhân, 99,4% tổng mức đầu tư vẫn phải tài trợ bằng nợ công, khả năng chi trả rất khó khăn khi mà suất đầu tư quá cao. Tổng vốn lên tới hơn 930 triệu USD cho 55 km với 4 làn đường, suất đầu tư của dự án này là 18 triệu USD mỗi km, cao hơn hẳn các nước khác. Nếu loại trừ các chi phí xây cầu dẫn, đền bù giải phóng mặt bằng, suất đầu tư riêng cho việc xây đường đã là 12,7 triệu USD một km. Trong khi đó, chi phí bình quân để xây một km đường cao tốc ở Mỹ chỉ là 1,4 triệu USD, tức 5,6 triệu USD cho 4 làn. Còn ở Trung Quốc hay Nigeria chỉ là 1 triệu USD.

“Chi phí đầu tư quá cao khiến một dự án dù có hiệu quả kinh tế nhưng vẫn nguy cơ khó trả nợ và tạo thêm gánh nặng nợ nần”, thạc sĩ Thành bình luận.

Trường hợp cảng nước sâu Thị Vải – Cái Mép, hiệu quả kinh tế tài chính còn nhìn thấy rõ hơn. Đây là cảng lớn nhất và là cảng cửa ngõ của TP HCM. Số vốn ODA và ngân sách (765 triệu USD) chỉ đóng vai trò vốn mồi. Sau đó, với cam kết và quyết tâm của Chính phủ, dự án đã thu hút 1,2 tỷ USD vốn của tư nhân trong và ngoài nước. Số tiền này đều đã được giải ngân, nhiều nhà đầu tư tư nhân đã hăm hở tới đây khởi công hạng mục của mình.

Nhưng trục trặc phát sinh khi cảng đi vào hoạt động mà hạ tầng kết nối chưa hoàn thiện, hàng hóa không đủ để vẫn chuyển trong khi các cảng cũ của thành phố vẫn tắc nghẽn vì hoạt động quá công suất. Những cảng container đã hoàn thành tưởng sớm cho thu hồi vốn nhưng cuối cùng lại chưa thể vận hành hết công suất.

“Giờ thì khả năng trả nợ của dự án này lại gặp nhiều khó khăn. Không biết tới bao giờ có thể thu hồi được vốn để giảm gánh nặng nợ công”, ông Thành lo lắng sau khi trực tiếp tới khảo sát ở dự án này.

Từ hai ví dụ cụ thể này, ông Thành đề xuất câu chuyện giám sát nợ công bây giờ không phải là giữ nợ ở mức bao nhiêu so với GDP, mà phải tái cấu trúc các khoản nợ, bổ sung cơ chế giám sát bên cạnh việc chỉ nhìn từ góc độ vĩ mô.

Dù có chủ trưởng kiểm soát và hạn chế, nợ công tại Việt Nam vẫn liên tục tăng trong 10 năm qua, lần đầu tiên vượt mốc 50% vào năm 2009 khi triển khai kích cầu và hiện lên tới 57,3% GDP theo công bố của Bộ Tài chính. Ông Thành dự báo con số này có thể tiệm cận 60% vào cuối năm nay và 70% vào cuối năm sau nếu Chính phủ chấp nhận giảm tăng trưởng để ổn định kinh tế.

Nếu so với các nước đang phát triển, nơi đang hứng chịu khủng hoảng nợ công với tỷ lệ vượt 100% GDP, tình hình tại Việt Nam chưa đáng báo động. Và nếu nhìn vào các chỉ tiêu vĩ mô nội tại của nền kinh tế như nghĩa vụ trả nợ so với thu ngân sách, so với xuất khẩu, so với dự trữ ngoại hối, cơ cấu nợ ODA với lãi suất ưu đãi… thì nợ công của Việt Nam cũng vẫn an toàn.

Phối cảnh đường cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây tương lai. Ảnh: Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam

Tuy nhiên, xu thế gia tăng nợ công tại Việt Nam trái ngược hoàn toàn với các nước trong khu vực với tỷ lệ trung bình chỉ vào khoảng 40% và đang giảm dần. Tỷ lệ an toàn được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khuyến cáo cũng là 40%. Trong khi đó, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang ở mức thấp, chỉ tương đương 2 tháng nhập khẩu theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) và khó tăng trở lại như thời đỉnh cao.

Nguyên bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Trần Xuân Giá cho rằng điều đáng lo ngại của nợ công không phải là đã vượt qua ngưỡng cho phép, mà khả năng trả nợ của Việt Nam cực kỳ thấp.

“Ai đó có diệu kế để nâng khả năng trả nợ của Việt Nam và làm thế nào để cuộc khủng hoảng nợ công của Việt Nam đừng xảy ra, nó vốn đang tăng nhanh rồi. Nếu cứ với đà này nếu không kiểm soát được chúng ta sẽ vỡ nợ”, ông lo lắng.

Theo ông, việc làm đầu tiên khi tái cấu trúc đầu tư công đó là không cho “đẻ” các dự án mà vài năm nữa lại phải bàn cách xử lý nợ nần. Còn với những dự án dang dở, dù hiệu quả hay không, ông Giá đề nghị Nhà nước nên bán đứt nếu thấy mình làm không tốt bằng tư nhân.

“Tương tự như vậy với việc tái cơ cấu doanh nghiệp, đừng để xảy ra tình trạng cứ xả rác rồi phải lo quét rác. Và những doanh nghiệp nào không hiệu quả, nên bán cho tư nhân để lấy tiền làm việc khác”, ông đề nghị.

Chia sẻ quan điểm này, thạc sĩ Thành cho rằng cơ chế giám sát nợ công, bên cạnh việc nhìn từ tiêu chí vĩ mô, cần phải là cơ chế giám sát của các dự án đầu tư công và đánh giá khả năng trả nợ của các dự án này từ lúc thẩm định, triển khai cho tới khi đưa vào sử dụng, hoàn vốn.

“Vấn đề nằm ở chỗ, khủng hoảng nợ công nổ ra ở các nước phát triển nhiều khi chỉ vì một ngân hàng, một doanh nghiệp hay một dự án mất khả năng thanh toán, rồi bất ổn loang ra cả hệ thống”, ông Thành khuyến cáo và không quên nhắc lại hai dự án cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây và cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải .

Tiến sĩ Deepak Mishara, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng Việt Nam đang trải qua những bất ổn kinh tế mang tính chu kỳ, nhưng mới đưa ra được các giải pháp ngắn hạn, giải quyết các triệu chứng khó khăn chứ chưa đi tới gốc rễ vấn đề.

“Nguyên nhân chính của những khó khăn hiện nay là cơ cấu kinh tế bất hợp lý, khiến đầu tư công kém hiệu quả, tỷ lệ đầu tư cho GDP cao nhưng tốc độ tăng GDP lại không tỷ lệ thuận. Nền kinh tế lệ thuộc quá nhiều vào vốn ngân hàng. Tỷ lệ nợ ngân hàng dành cho các doanh nghiệp quốc doanh Việt Nam còn cao hơn nhiều so với các chaebol Hàn Quốc trước đây”, ông Mishara so sánh.

Ông Mishara đề nghị Việt Nam nên kiên định thực hiện nghị quyết 11 về ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt cần chú ý nhiều hơn tới các chính sách tài khóa, minh bạch hơn việc quản lý vốn nhà nước.

“Cần có tầm nhìn cho chính sách tài khóa trung hạn 3-5 năm, giảm dần tỷ lệ nợ trên GDP, đặc biệt thường xuyên giám sát và công bố tình hình nợ của các doanh nghiệp nhà nước”, ông nói.

Tại Hội thảo Triển vọng kinh tế thế giới và chính sách ứng phó của Việt Nam do Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia tổ chức đầu tuần này, nhiều chuyên gia tán thành với với lựa chọn của Chính phủ, chấp nhận tăng trưởng thấp hơn tiềm năng để tập trung tái cơ cấu, ổn định kinh tế vĩ mô.

“Tăng trưởng giảm có thể khiến tỷ lệ nợ công tăng lên. Nhưng Nếu tái cấu trúc thành công, kinh tế tăng trưởng cao trở lại từ 2014-2015, tỷ lệ nợ công sẽ giảm nhanh”, thạc sĩ Nguyễn Xuân Thành. Tuy nhiên ông cũng khuyến cáo, nhiều nước trên thế giới đã bị sụp đổ vì nợ nần khi tái cấu trúc thất bại. Nhiều nơi bị mắc kẹt giữa khủng hoảng kinh tế và nợ nần, phải dốc hết những đồng tiết kiệm được để trả nợ.

VnE

Quê hương của Gaddafi ‘thất thủ’

Friday, October 21st, 2011

Binh lính chính phủ lâm thời Libya nói họ đã kiểm soát toàn bộ Sirte, nơi sinh của Đại tá Gaddafi và thành phố lớn duy nhất đang kháng cự.

(Lãnh đạo quân đội của chính phủ lâm thời nói họ đã ‘giải phóng’ Sirte)

Cờ mới của Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia NTC đã xuất hiện tại các tòa nhà trung tâm ở Sirte.
Lính chính phủ đã có những cuộc giao tranh quyết liệt tại thành phố này trong vài tuần qua.

Một số tay súng trung thành với ông Gaddafi vẫn đang chống lại lực lượng chính phủ ở Bani Walid ở đông nam Tripoli.

Phóng viên BBC Gabriel Gatehouse ở ngoại ô Sirte – cách thủ đô Tripoli khoảng 360km về phía đông – nói anh không thể xác nhận Sirte đã thất thủ.

Binh lính nói họ dựng những ụ chắn đường xung quanh Sirte để đề phòng quân thân Gaddafi chạy khỏi thành phố.

Các quan chức ở Tripoli đã đưa ra những thông điệp lẫn lộn về những gì diễn ra.

Một phát ngôn viên quân đội nói Sirte đã “sắp giải phỏng”

Trong khi đó ông Abdel Hakim Belhaj, tư lệnh quân đội của NTC nói tại Tripoli: “Chúng tôi, ơn Thượng đế, thông báo rằng Sirte đã được giải phóng.”

Ăn mừng

Người đứng đầu chiến dịch của chính phủ ở nửa phía đông của Sirte cũng nói với Reuters hôm thứ Năm: “Sirte đã được giải phóng.”

“Hiện không còn lính của Gaddafi nữa,” Đại tá Yunus al-Abdali cho biết thêm. “Chúng tôi đang đuổi theo những tay súng đang bỏ chạy.”

Ít nhất 16 tay súng thân Gaddafi đã bị bắt giữ cùng với đạn dược và xe tải chất đầy vũ khí, theo hãng tin AP.

Lính NTC đã bắn chỉ thiên để ăn mừng và hô “Allah akbar” (“Thượng đế anh minh”), AP cho biết.

Quân NTC gặp sự kháng cự mạnh trong thành phố và đã dùng tới pháp hạng nặng trong chiến dịch.

Hàng ngàn dân thường đã rời bỏ Sirte trong những tuần qua.

Lực lượng chính phủ cũng chịu thương vong nặng nề ở Bani Walid trong vài tuần gần đây.

Hôm thứ hai NTC nói họ đã chiếm được 90% thành phố này trong đó có cả khu trung tâm.

Đại tá Gaddafi, người cai trị Libya trong 42 năm, bị lật đổ hồi tháng Tám khi quân nổi dậy chiếm thủ đô Tripoli.

Hiện chưa rõ ông Gaddafi đang ở đâu. Một số thành viên gia đình ông đang lẩn trốn hoặc đã rời khỏi Libya.

NN-ST- BBC News

Nhà sư nữ Tây Tạng tự thiêu đòi độc lập

Friday, October 21st, 2011

Một nhà sư nữ người Tây Tạng đã tự thiêu ở gần một tu viện tại miền tây Trung Quốc, và đây là vụ thứ chín trong mấy tháng gần đây, tin tức cho hay.

(Tu viện Kirti là nơi đã diễn ra nhiều cuộc biểu tình phản đối trong những tháng gần đây.)

Tổ chức Tây Tạng Tự do cho biết nhà sư nữ 20 tuổi, Tenzin Wangmo, đã qua đời hôm thứ Hai 17/10 ở quận Aba, tỉnh Tứ Xuyên.
Một nhân chứng nói với Đài Á Châu Tự Do (FRA) rằng nhà sư này đã kêu gọi tự do cho Tây Tạng trước khi tự thiêu.

Quận Aba, nơi có tu viện Kirti, là nơi diễn ra nhiều cuộc biểu tình chống lại sự cai trị của Bắc Kinh.

Bảy nhà sư từ tu viện, vốn nằm trong khu vực người sắc tộc Tây Tạng tại tỉnh Tứ Xuyên, đã tự thiêu trong những tháng gần đây. Nhà sư thứ tám tự thiêu tại một khu vực khác của tỉnh Tứ Xuyên.

Trung Quốc kể từ đó đã bắt giam ba nhà sư bị cáo buộc đã hỗ trợ trong một vụ tự thiêu và vẫn đang duy trì sự hiện diện an ninh chặt chẽ ở thị trấn Aba.

‘Các cuộc biểu tình ngày càng tăng’
Tin tức cho hay nhà sư nữ trẻ tuổi đã tự thiêu vào đầu giờ chiều.
“Một nhà sư nữ đã tự thiêu”, Aba Jigme, một người dân nói với RFA. “Nhưng bà đã chết ngay tại chỗ sau khi kêu gọi tự do cho Tây Tạng và kêu gọi Đức Đạt Lai Lạt Ma được trở về.”

Ông này cho biết nhà sư nữ này đã chọn điểm tự thiêu cách trung tâm thành phố vì tại đó có sự hiện diện dày đặc của an ninh Trung Quốc.

Hôm thứ Tư, cộng đồng người Tây Tạng lưu vong đã tổ chức một buổi lễ cầu nguyện cho những người đã tự thiêu.

Trong một tuyên bố, Giám đốc Tổ chức Tây Tạng Tự do, bà Stephanie Brigden, nói tình trạng bất ổn ở Tây Tạng đang “leo thang và lan rộng”.

“Các hành động tự thiêu không diễn ra đơn lẻ, các cuộc biểu tình được tin đã diễn ra ở các khu vực xung quanh và những kêu gọi biểu tình rộng lớn hơn đang gia tăng”, bà nói.

Tổ chức Tây Tạng Tự do cũng nói hai người Tây Tạng đã bị binh lính Trung Quốc bắn tại một cuộc biểu tình bên ngoài một đồn cảnh sát thuộc một khu vực khác ở tỉnh Tứ Xuyên hôm 16 tháng 10.

Tình trạng của họ vẫn chưa được biết ra sao và còn chưa rõ lý do tại sao họ đã bị bắn, tổ chức này cho biết.

Tin này không thể kiểm chứng được. Truyền thông nước ngoài không được phép vào các khu vực còn bất ổn của người sắc tộc Tây Tạng và giới truyền thông nhà nước Trung Quốc thường không đưa tin về các sự kiện này.

NN- BBC News

Người Kurd giết chết 26 lính Thổ Nhĩ Kỳ

Friday, October 21st, 2011

Có ít nhất 26 quân nhân Thổ Nhĩ Kỳ bị giết trong trận đọ súng với phe ly khai người Kurd tại vùng Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ trong diễn biến làm nổi bật lên các vấn đề của khu vực.


(Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường tấn công vào lực lượng Kurd sau vụ 26 binh sĩ Thổ bị giết)

Vụ chạm súng xảy ra tại các đồn của cảnh sát và quân đội tại tỉnh Hakkari đông người thiểu số Kurd, gây ra thiệt hại lớn nhất từ nhiều năm cho lực lượng chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ.
Để đáp trả, quân Thổ đã vượt qua biên giới vào vùng Bắc Iraq, nơi có người thiểu số Kurd sinh sống.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Gul nói sẽ “báo thù” cho các binh sĩ.

Cuộc tấn công xảy ra chỉ một ngày sau vụ nổ ̉ở tỉnh Bitlis phía Đông Nam đất nước, giết chết năm nhân viên cảnh sát và ba người khác.

Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã đáp trả bằng một cuộc bố ráp nhằm vào các nhóm thân với phe phiến quân Kurd.

Không quân Thổ cũng ném bom một số điểm của người Kurd ở Bắc Iraq.
Vấn đề dân tộc Kurd

Câu chuyện đang đem trở lại chủ đề về phong trào của người Kurd tại khu vực, liên quan đến một loạt nước.

Theo phân tích của phóng viên BBC Jonathan Marcus, các nhóm vũ trang Kurd tăng cường tấn công bên trong Thổ Nhĩ Kỳ từ th́ang 7.

Tháng trước, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, ông Recep Tayyip Erdogan nêu ra ý tưởng về cuộc hành quân phối hợp với Iran để đánh vào một số doanh trại của phe vũ trang Kurd nằm trong lãnh thổ Iraq.

Với Thổ Nhĩ Kỳ,vấn đề dân tộc của người Kurd luôn là một điều khó xử, và quan hệ tưởng như êm thắm giữa hai bên thời gian qua nay đang quay ngược 180 độ.

Chính thủ tướng Erdogan từng có các động tác nới rộng tự trị của người Kurd, và một đại học tiếng Kurd được mở lần đầu tại Thổ Nhĩ Kỳ gần đây.

Nhưng nay, phe dân tộc chủ nghĩa Thổ và Kurd đều cùng nêu ra các đòi hỏi mới.

Ngoài ra, trong bối cảnh Hoa Kỳ sẽ rút khỏi Iraq, tạo một khoảng trống về quyền lực trong vùng, và biến chuyển bên trong Syria nơi có cộng đồng Kurd đông đảo, đang làm tăng thêm sức ép lên các chính trị gia Kurd.

Khi đưa quân vào Iraq, Hoa Kỳ đã tạo ra vùng cấm bay để bảo vệ người Kurd vốn có lực lượng chống lại phe Saddam Hussein.

Trên thức tế, vùng Bắc Iraq đã trở thành lãnh địa của các lực lượng Kurd tự trị.

Nya, trước tình hình mới, những người theo xu hướng đòi độc lập muốn lợi dụng tình hình mới để tăng thêm quyền tự trị cho họ.

Đảng cộng sản Kurd (PKK) vốn nắm trong tay nhiều nghìn chiến binh, cũng muốn có vai trò tạo thay đổi và không đồng ý với đường lối ôn hòa hơn của đảng Hồi giáo Kurd (AKP).

Vì thế, cuộc xung đột làm hàng chục nghìn người thiệt mạng từ 1984 nay có nguy cơ bùng nổ trở lại.

QV- BBC News

Kinh tế VN ‘khó khăn nhất trong 20 năm

Thursday, October 20th, 2011

Quốc hội khóa 13 đã khai mạc kỳ họp thứ hai vào hôm thứ Năm ngày 20/10 ba tháng sau kỳ họp đầu tiên bầu lãnh đạo và nội các mới.

Kỳ họp này tập trung bàn các vấn đề kinh tế xã hội để tìm cách cứu nền kinh tế Việt Nam đang trong tình trạng khốn đốn.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bản báo cáo dài trước Quốc hội về tình hình đất nước trong năm 2011 và kế hoạch hành động trong năm tới.

(Kinh tế Việt Nam đang trong tình trạng khốn đốn nhất trong nhiều năm trở lại đây.)
Theo đó chỉ tiêu độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay được điều chỉnh xuống còn 6%, thay vì trong khoảng từ 7 đến 7,5% như chỉ tiêu trước đó.

Điểm lại tình hình kinh tế đất nước trong 9 tháng đầu năm, Thủ tướng Dũng cho biết kinh tế vĩ mô chưa ổn định, lạm phát và lãi suất cao, nợ xấu của ngân hàng tăng, dự trữ ngoại tệ thấp, áp lực phá giá tiền đồng còn lớn; chứng khoán và bất động sản đều đi xuống trong khi tình hình sản xuất, kinh doanh còn rất khó khăn.

‘Nguy cơ mất ổn định kinh tế vĩ mô trở thành thách thức lớn,” ông phát biểu.

Nguyên nhân của tình trạng này, theo ông Dũng, bên cạnh những tác động của cuộc suy thoái kinh tế thế giới, là ‘những yếu kém nội tại của nền kinh tế’ với mô hình và cơ cấu kém hiệu quả tích tụ từ nhiều năm mà không được khắc phục.

Đây cũng là kết luận của Hội nghị Trung ương lần thứ Ba của Đảng cộng sản Việt Nam diễn ra mới đây.
Ông cũng lưu ý là vẫn đang tiềm ẩn những ‘nhân tố đe dọa chủ quyền quốc gia’ và ‘gây mất an ninh trật tự’.

Thủ tướng Dũng cũng điểm qua một số điểm son trong thời gian qua, đó là chỉ số giá tiêu dùng đang giảm dần và ước tính cả năm tăng khoảng 18%, bội chi ngân sách chỉ còn chưa tới 5% tổng sản phẩm quốc nội, nhập siêu giảm mạnh và ước cả năm chỉ vào khoảng 10 tỷ đô la.

Chính phủ đã cắt giảm được trên 80.000 tỷ đồng đầu tư công và nợ công đến cuối năm 2011 được dự đoán vào khoảng 55% tổng sản phẩm quốc nội.
Chỉ tiêu năm 2012
Mục tiêu quan trọng nhất của chính phủ trong năm 2012 vẫn sẽ là ‘kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô’, Thủ tướng Dũng nói với các đại biểu Quốc hội.

Theo đó, chính phủ sẽ cố gắng kiềm chế lạm phát trong năm 2012 dưới 10% và đặt chỉ tiêu tăng trưởng vào khoảng từ 6 đến 6,5%.

Trong kế hoạch năm năm tới, Thủ tướng Dũng cho biết chính phủ ‘kiên quyết thực hiện thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần chi phối’.

Các doanh nghiệp Nhà nước đã được Chính phủ Việt Nam xây dựng trong thời gian dài để nắm vị trí chủ đạo trong nền kinh tế quốc gia.

Chính phủ cũng ‘kiên quyết duy trì đất trồng lúa theo quy hoạch’ trong khi sẽ ’sửa đổi Luật Đất đai’ để ‘đảm bảo quyền của Nhà nước trong việc thu hồi đất cho mục đích phát triển’.

Trong những năm qua, nhiều diện tích đất trồng lúa của Việt Nam đã được chuyển đổi cho các mục đích nông nghiệp và xây dựng các khu đô thị, gây ra những lo ngại về an ninh lương thực.

(Chính phủ vẫn phải tiếp tục chống chọi với lạm phát trong năm 2012.)
Mất đất mà không được đền bù thỏa đáng là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ khiếu kiện đông người dai dẳng ở Việt Nam trong thời gian gần đây.

Hôm 30/9, tờ Thời báo kinh tế Việt Nam dẫn lời nhà kinh tế kỳ cựu Lê Đăng Doanh, nguyên cố vấn kinh tế của chính phủ, rằng kinh tế Việt Nam đang trong tình hình tồi tệ nhất trong vòng 20 năm qua.

Lạm phát ở Việt Nam hiện nay thuộc vào hàng cao nhất ở Châu Á. Chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 23% vào tháng Tám, và giảm một chút chỉ còn tăng 22,4% trong tháng Chín, theo số liệu của văn phòng thống kê chính phủ.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phá giá tiền đồng đến 8,5% hồi đầu năm. Đây là lần phá giá tiền đồng sâu nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm Châu Á hồi năm 1997.

Ngân hàng phát triển Châu Á ước tính dự trữ ngoại tệ của Việt Nam vào cuối năm ngoái là 12,4 tỷ đô la. Hồi tháng Bảy, Chính phủ Việt Nam cho biết dự trữ này đã tăng thêm khoảng 4 tỷ đô la.

Thẩm tra báo cáo của chính phủ, ông Nguyễn Văn Giàu, chủ tịch Ủy ban kinh tế của Quốc hội, yêu cầu chính phủ phải hết sức thận trọng với nợ công và xây dựng phương án giảm nợ từ năm 2016.

Theo báo cáo của chính phủ, thì nợ công của Việt Nam đến năm 2015 sẽ đạt mức trong khoảng từ 60 đến 65% tổng sản phẩm quốc nội, vượt ngưỡng an toàn theo quy định của Quỹ tiền tệ quốc tế.

Nguyên là thống đốc ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Nguyễn Văn Giàu là một thành viên chủ chốt trong nội các kinh tế của ông Dũng.

Bây giờ trong vai trò chủ tịch Ủy ban kinh tế của Quốc hội, ông Giàu thẩm tra những kết quả điều hành nền kinh tế của chính phủ mà ông đã từng đóng vai trò quan trọng trong đó.
Nguyên nhân nội tại

Trao đổi với BBC, GS Hà Huy Thành, viện phó Viện kinh tế học thuộc Trung tâm khoa học xã hội và nhân vân quốc gia, cho biết các ‘nguyên nhân nội tại’ là đóng vai trò chủ yếu dẫn đến tình hình của nền kinh tế Việt Nam hiện nay.

Ông nói kinh tế Việt Nam đã sử dụng gần hết những thế mạnh của mình chẳng hạn như tài nguyên thiên nhiên và lao động rẻ.

‘Xăng dầu, than và các khoáng sản chỉ vài chục năm nữa là cạn kiệt,’ ông nói, ‘trong khi các mặt hàng xuất khẩu chủ lực khác như nông sản, thủy hải sản có tốc độ tăng trưởng không cao.’
Trong khi đó, muốn có sự đột phá thì nền kinh tế Việt Nam phải có lao động công nghệ và lao động kỹ thuật tiên tiến chứ không phải lao động giá rẻ như hiện nay.

Do đó, nguy cơ tiềm ẩn lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, theo GS Thành, là chưa có ‘xung lực’ mới để giúp Việt Nam bứt phá tốc độ tăng trưởng.

‘Chúng ta sản xuất, tiêu thụ và cạnh tranh với nước ngoài ngày càng khó khăn hơn,’ ông nói, nhấn mạnh những ‘xung lực’ giúp thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam trong nhiều năm như đầu tư nước ngoài và xuất khẩu đều chựng lại.

Ông cho biết các chỉ tiêu lạm phát và tăng trưởng mà chính phủ đặt ra cho năm 2012 là có khả năng đạt được khi mà những chính sách điều chỉnh nền kinh tế vĩ mô của chính phủ bắt đầu phát huy hiệu quả.

Tuy nhiên, ông cũng nói là những chỉ tiêu này được xây dựng dựa trên những yếu tố tích cực, còn những yếu tố tiêu cực thì không lường hết được và có khả năng tác động xấu đến việc đạt được những chỉ tiêu này, chẳng hạn như tình hình kinh tế thế giới diễn biến xấu đi.

‘Chính phủ Việt Nam đã khôn hơn trong xử lý khủng hoảng sơ với hồi năm 2008,” ông nói, đề cập đến các giải pháp mạnh tay của chính phủ trong việc điều hành nền kinh tế.

BBC News- London

Vẽ quá đẹp, cô bé 6 tuổi gốc Việt gây xôn xao Australia

Wednesday, October 19th, 2011

Bắt đầu cầm bút vẽ khi mới 3 tuổi và 3 năm sau, Jacquelyn Ngô, cô bé người Úc gốc Việt, đã có triển lãm tranh cho riêng mình tại Sydney cũng như được giới truyền thông nước này săn đón.
Ngay từ khi mới 3 tuổi, Jacquelyn Ngô nhanh chóng bộc lộ năng khiếu hội họa. Và 3 năm sau, cô bé người Úc gốc Việt đã có triển lãm tranh của riêng mình tại Trung tâm nghệ thuật Casula Powerhouse (Sydney, Australia).

Với nét vẽ, màu sắc tự nhiên, cũng như cách thể hiện chững chạc và không lẫn với họa sỹ khác về phong cách, Jacquelyn Ngô đã khiến không ít nhà phê bình hội họa phải kinh ngạc và dự đoán về một tương lai tươi sáng của họa sỹ nhí này.

Dù vậy, theo lời cô bé thổ lộ, cô chịu ảnh hưởng của những tác phẩm của họa sỹ vĩ đại Vincent Van Gogh. “Vincent là họa sỹ cháu quý mến nhất. Và tác phẩm cháu yêu thích nhất là Hoa hướng dương và Phòng ngủ tại Arles”, Jacquelyn Ngô hào hứng nói.

Còn theo bà Jenny, mẹ cô bé cho hay: “Mặc dù có người hỏi mua nhưng Jacquelyn muốn giữ lại tất cả những tác phẩm của mình bởi cháu rất yêu chúng. Giám đốc của Trung tâm nghệ thuật nói, ông ấy nhận được rất nhiều cuộc điện thoại muốn mua tác phẩm của cháu đồng thời có những lời mời triển lãm tranh đến từ bên kia đại dương”.

“Khi BTC công bố giải nhất cuộc thi ảnh nghệ thuật của thành phố Liverpool, tất cả mọi người đều ngạc nhiên khi thấy cô bé tự tin bước lên và nhận giải.

Tôi cũng cảm thấy đầy thú vị và phải tự nhủ: ‘Đó có đúng là tác phẩm của một cháu bé mới 6 tuổi?”, ông Steven Alderton, cựu giám đốc trung tâm nghệ thuật Casula Powerhouse, người góp phần đưa tranh của Jacquelyn tới công chúng cho biết thêm.

Được biết, bên cạnh những tác phẩm liên quan tới cuộc sống trẻ thơ của mình cũng như tại Sydney, Jacquelyn Ngô còn vẽ không ít những hình ảnh quen thuộc của Việt Nam như áo dài dân tộc hay nhạc cụ truyền thống.


Ngoài một số bức tranh miêu tả thế giới quan và cảnh sắc tại Australia…

Jacquelyn Ngô còn có không ít tác phẩm đậm chất Việt

Xem thêm clip Jacquelyn Ngô cầm cọ vẽ khi mới 3 tuổi

Clip Jacquelyn trong một chương trình truyền hình của Australia

Source: DT