Archive for April, 2011

Bài giải: Toán mới thi Canada – 2011

Wednesday, April 27th, 2011

Đây là một trong năm bài thi giỏi toán Canada năm 2011 vừa mới thi cách đây hai tuần mà cộng đồng toán học trên mạng chưa có bài giải. Bốn bài kia thì họ đã đăng bài giải. Mỗi bài họ đăng ít nhất năm cách giải khác nhau. Vậy đây là bài toán khó:

Amy has divided a square up into finitely many white and red rectangles, each with sides parallel to the sides of the square. Within each white rectangle, she writes down its width divided by its height. Within each red rectangle, she writes down its height divided by its width. Finally, she calculates x, the sum of these numbers. If the total area of the white rectangles equals the total area of the red rectangles, what is the smallest possible value of x?

Solution

Apply the method of move and cut, if you will. We can always move the scattered rectangles that have the same color into one-half of a square. The total area of these rectangles will fill up one-half of the square. If not, cut and fill in.

Now within each half of the square we prove that the scattered rectangles now combined together have their sums of the numbers greater than the combined number if we cut them into rectangles with the vertical divisors (or vertical lines) which is 2.0 (the width is twice the height for the first half of the square). If any of the rectangle is not cut this way the sum of the numbers doubled. So the minimum is 2.0 for the top half of the square.

Doing the same for the other bottom half of the square that now has all rectangles with the same color filled up. This time we cut them with horizontal lines. With the same argument, we get the minimum number to be the height divided by the width which is 0.5.

The sum, therefore, is the addition of two minimum numbers which comes out to be the minimum that we are looking for, or 2.0 + 0.5 = 2.5.

http://www.artofproblemsolving.com/Forum/viewtopic.php?p=2230157&sid=883d067f51a5af44c42ecf013d7953be#p2230157

Sách của Vatican cũng bị dịch sai

Wednesday, April 27th, 2011


Cuốn sách định giới thiệu những răn dạy của Giáo hội cho giới trẻ

Tòa thánh Vatican đã buộc phải sửa một cuốn sách mới, YouCat, sau khi phát hiện thấy sách có nhiều lỗi về dịch thuật, trong đó có một chỗ ám chỉ như là phê chuẩn việc tránh thai.

Cuốn sách, vốn là các bài giảng của Giáo hội cho giới trẻ, được giới thiệu tại Vatican, in bằng vài ngôn ngữ.

Ấn bản tiếng Ý đã được in thử, nhưng có các đính chính kèm theo.

Sai sót chính liên quan đến chuyện các cặp vợ chồng qua hôn nhân có thể lập kế hoạch về quy mô gia đình họ.

Trong ấn bản YouCat bị lỗi bằng tiếng Ý, vốn có một loạt các câu hỏi và trả lời, có một câu hỏi về việc kế hoạch hóa gia đình đã bị dịch sai.

Câu hỏi trong nguyên bản tiếng Đức là: “liệu một cặp vợ chồng Thiên Chúa giáo đã cưới xin có thể quyết định số trẻ em họ có hay không?” thì bị dịch thành: “liệu một cặp vợ chồng Thiên Chúa giáo đã cưới xin có được sử dụng các biện pháp tránh thai không?”

Câu trả lời là “Có”.

Tòa thánh Vatican vốn phản đối các biện pháp tránh thai nhân tạo, nhưng cho phép hạn chế sinh nở qua các biện pháp “tự nhiên”, như gợi ý dựa vào chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ để giúp quyết định khả năng có thai.

Bản tiếng Pháp của cuốn sách này giờ đã bị trì hoãn. Ngoài ra, hãng AP cho biết người ta còn phát hiện thấy có lỗi trong các câu hỏi về giải pháp chết một cách nhẹ nhàng.

Người phát ngôn cho Vatican, Federico Lombardi, nói: “Tiếng Đức là ngôn ngữ rất khó, như chúng tôi đã phát hiện ra trong một số trường hợp”.

BBC News

Apple kiện Samsung ‘nhái mẫu mã trắng trợn’

Wednesday, April 27th, 2011


iPhone 3G của Apple (trái) và Galaxy S của Samsung (phải)

Apple khởi kiện Samsung Electronics với cáo buộc sao chép mẫu mã iPad và iPhone.

Apple nói rằng các thiết bị Galaxy của Samsung như điện thoại di động và máy tính bảng sao chép iPhone và iPad một cách trắng trợn, theo đơn từ gửi tới tòa.

Đơn kiện của Apple tập trung vào các tính năng thiết kế của Galaxy, chẳng hạn như giao diện của các biểu tượng màn hình trên những thiết bị.

Samsung cho biết họ tiến hành nghiên cứu riêng và phát triển riêng và sẽ phản bác lại các cáo buộc.

‘Sao chép trắng trợn’

Các sản phẩm Galaxy sử dụng hệ điều hành Android của Google, cạnh tranh trực tiếp với phần mềm điện thoại di động của Apple.

Tuy là đối thủ cạnh tranh với Apple, Samsung cũng là nhàcung cấp Apple với các vi mạch được sử dụng trong một số sản phẩm của Apple, chẳng hạn như bộ vi xử lý A4 và A5, cũng như các chip bộ nhớ được sử dụng trong máy tính MacBook Pro.

Đơn kiện đã được thụ lý vào ngày thứ Sáu và cáo buộc Samsung vi phạm bằng sáng chế và thương hiệu của Apple.

Người phát ngôn Apple Kristin Huguet cho biết trong một tuyên bố: “Việc sao chép trắng trợn này là sai trái.”

Tuy nhiên, Samsung cho biết rằng các sản phẩm của nó là kết quả của nghiên cứu và phát triển thực hiện bởi các công ty.

“Phát triển công nghệ và tăng cường đầu tư sở hữu trí tuệ là chìa khóa để đạt đượcthành công liên tục của chúng tôi,” công ty cho biết trong một tuyên bố.

Hãng sản xuất thiết bị điện tử Nam Hàn cũng nói rằng họ sẽ phản bác các cáo buộc “thông qua các biện pháp pháp lý phù hợp để bảo vệ tài sản trí tuệ”.
Theo BBC

Giao tranh Thái-Campuchia sang ngày thứ 6

Wednesday, April 27th, 2011


Cuộc đụng độ tại khu vực biên giới giữa Thái Lan và Campuchia đã lan sang phía đông, về phía Đền Preah Vihear.

Phát ngôn nhân của cả hai bên đều xác nhận giao tranh tái bùng phát gần Đền Preah Vihear vào thứ Ba.

Tình trạng bạo lực cũng tiếp diễn quanh ngôi đền khác là Ta Krabey, cách đó 160km về phía tây.

Ít nhất 12 binh sỹ hai bên đã thiệt mạng trong đợt giao tranh hiện nay giữa hai nước láng giềng.

Một số phần trên biên giới Thái Lan – Campuchia chưa được phân định rõ ràng, gây căng thẳng và làm bùng lên không khí dân tộc chủ nghĩa ở cả hai nước.

Ngôi đền Preah Vihear xây từ thế kỷ thứ 11 được cho là một điểm đặc biệt nóng.

Một tòa án quốc tế đã phán quyết sở hữu Đền Preah Vihear cho Campuchia năm 1962, thế nhưng khu vực xung quanh ngôi đền thì vẫn còn đang tranh chấp. Ít nhất 10 người thiệt mạng trong các cuộc đụng độ quanh ngôi đền này hồi tháng Hai.

Hiện chưa rõ có thương vong gì xảy ra trong cuộc chạm súng ngày hôm thứ Ba hay không.

Người phát ngôn của quân đội Thái Lan, Đại tá Prawit Hookaew, nói: “Quân bên kia đã bắn pháo và nã đạn, chúng tôi phản ứng”.

Campuchia lại chỉ trích Thái Lan nổ súng trước.
Hoãn thương lượng

Trước đó, đụng độ xảy ra bên ngoài hai ngôi đền Ta Krabey và Ta Moan, tọa lạc trong rừng về phía tây so với Preah Vihear.

Đã có khoảng 36.000 người phải đi sơ tán vì chiến sự và Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi ngừng bắn.

Hôm thứ Bảy, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon nói tranh chấp biên giới không thể giải quyết bằng biện pháp quân sự và hai bên cần “đối thoại nghiêm túc” với nhau.

Thế nhưng tin mới nhất cho hay cuộc thảo luận giữa bộ trưởng quốc phòng hai bên vừa bị hoãn đột ngột, gây thất vọng cho những người muốn ngừng bắn sớm.

Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prawit Wongsuwon đáng ra đã phải gặp người đồng nhiệm Tea Banh tại Phnom Penh vào sáng thứ Tư, nhưng thay vào đó ông lại bay đi Trung Quốc.

Có tin nói Thái Lan đang vận động Bắc Kinh và cả Hà Nội cùng thuyết phục Campuchia đàm phán.

Trong khi đó, một người phát ngôn khác của quân đội Thái Lan là Sansern Kaewkamnerd vẫn tuyên bố Bangkok sẽ chỉ cân nhắc ngừng bắn nếu Phnom Penh có động thái đó trước.
Theo BBC

Bắt giữ 98 người Việt đưa lậu người

Wednesday, April 27th, 2011

Đã xảy ra năm vụ giết người Việt liên quan tới trồng cần sa

Cục Chống tội phạm có tổ chức (Soca) ở Liên hiệp châu Âu vừa công bố về bước đột phá trong chiến dịch phá một đường dây đưa lậu người Việt vào châu Âu, những người đứng đằng sau hàng ngàn các vườn trồng cần sa ở Anh.

Chiến dịch này diễn ra trong hai năm qua và theo hãng tin PA, ông Andy Baker, Giám đốc Soca châu Âu, cho biết 98 người bị tình nghi đã bị bắt giữ tại 6 quốc gia, trong số đó 1 người bị bắt tại Anh.

Theo ông Baker, đa số người Việt nhập cư lậu đã bị lừa khi trả hàng nghìn euro để được đưa lậu vào Anh với lời hứa sẽ có công ăn việc làm.

Tới nơi, rất nhiều người bị buộc phải làm công việc bán dâm hoặc làm nghề trồng cần sa (canabis) bất hợp pháp.

Những người di trú bất hợp pháp này phải trả tới 20 ngàn euro để được đưa lậu vào châu Âu từ Việt Nam, nhưng phần thưởng về tài chính đối với họ là đáng kể, vẫn theo ông Baker cho biết, đó là thu nhập một năm của họ tại Anh có thể nuôi một gia đình 10 người trong 10 năm ở Việt Nam.

Chuyên nghề cần sa

Người ta tin rằng băng đảng tội phạm người Việt đứng đằng sau hơn 6500 trại cần sa được phát hiện tại Anh trong năm ngoái và đã xảy ra năm vụ giết người liên quan tới đường dây này.

Việc bắt giữ 98 người này cùng với việc phát hiện 114 nạn nhân được đưa lậu, trong số đó một số đã được đưa về lại Việt Nam, là kết quả của một dự án thực thi pháp luật của châu Âu, mang tên Tội phạm di trú có tổ chức của người Việt, bắt đầu hồi năm 2009.

Trong khi đó, hôm thứ Ba, 19/4, một băng video do cảnh sát Hungary công bố cho thấy cảnh sát bắt giữ và lục soát nhà một người đàn ông và thu một lượng cần sa trong chiến dịch này.

Một quan chức của Văn phòng Điều tra Quốc gia Hungary, ông Zoltan Boross, cho biết những kẻ đưa lậu người đã thành lập công ty du lịch tại Hungary để làm cơ sở cho việc đưa lậu người và ông cho biết thêm một số đã bị bắt vì tội làm giả giấy tờ cho những người di trú bất hợp pháp này.

“Mục tiêu chính của những người này là Anh Quốc nhưng những người Việt này cũng được đưa lậu vào Pháp và Đức,” ông Zoltan Boross thuộc Văn phòng Điều tra Quốc gia Hungary nói.

Một khi vào được châu Âu, việc tự do đi lại giữa hầu hết 27 quốc gia trong khối EU khiến việc phát hiện người nhập cư lậu trở nên khó khăn hơn, cảnh sát cho biết.

Giới chức trách tại Ireland, Hà Lan, Bỉ, Ý, Ba Lan, Cộng hòa Czech và Slovakia cũng ủng hộ chiến dịch do Soca điều hành này.
BBC news

Liên Hợp Quốc kêu gọi Thái – Campuchia ngừng bắn

Sunday, April 24th, 2011

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đang kêu gọi Campuchia và Thái Lan tuyên bố ngừng bắn, sau khi 10 binh sĩ của hai bên thiệt mạng trong hai ngày giao tranh dữ dội vừa qua.

Binh sĩ Campuchia gần khu vực biên giới tranh chấp với Thái Lan. Ảnh: AFP

Ông Ban cho rằng tranh chấp biên giới giữa hai nước Đông Nam Á này sẽ không thể giải quyết được bằng quân sự và hai bên cần phải đi đến đối thoại một cách thực sự. BBC dẫn lời phát ngôn viên Liên Hợp Quốc Martin Nesirky cho biết thêm: “Tổng thư ký kêu gọi hai bên kiềm chế tối đa và có các biện pháp ngay lập tức để thực hiện một lệnh ngừng bắn hiệu quả”.

Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa, nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên của ASEAN và nỗ lực làm trung gian cho một thoả thuận hoà bình lâu dài giữa Campuchia và Thái Lan, trước đó cũng kêu gọi các bên ngừng bắn ngay lập tức để chấm dứt bạo lực.

Các cuộc giao tranh đẫm máu giữa binh sĩ Campuchia và Thái Lan nổ ra tại khu vực phía tây ngôi đền tranh chấp ở biên giới Preah Vihear từ hôm thứ sáu. Hai bên đều đổ lỗi cho nhau đã châm ngòi cho vụ đọ súng và pháo khiến mỗi bên tổn thất 3 binh sĩ này.

Sang thứ bảy, giao tranh bằng súng và pháo vẫn tiếp diễn khiến thêm một binh sĩ Thái Lan và 3 binh sĩ Campuchia thiệt mạng, nâng tổng số người chết trong hai ngày đụng độ lên con số 10. Hiện trường giao tranh cũng là nơi từng xảy ra đọ súng gây thương vong hồi tháng hai vừa qua.

Sau căng thẳng hồi tháng hai, một lệnh ngừng bắn không chính thức được áp dụng tại khu vực gần ngôi đền 900 tuổi Preah Vihear. Tuy nhiên việc duy trì hoà bình tại vùng biên giới tranh chấp này khó thực hiện do binh sĩ hai bên đóng quá gần nhau. Hàng nghìn người địa phương của cả hai bên phải rời bỏ nhà cửa do căng thẳng.

VnE-Đình Nguyễn

Tổng thống Yemen chấp nhận ra đi vì biểu tình

Sunday, April 24th, 2011

Nhà lãnh đạo Ali Abdullah Saleh hôm qua đồng ý rời chức vụ theo kế hoạch chuyển giao quyền lực nhằm chấm dứt cuộc biểu tình bạo loạn phản đối chế độ đã kéo dài 32 năm của ông tại Yemen.

Giới chức Yemen xác nhận việc chính phủ Saleh chấp nhận kế hoạch chuyển giao do Ảrập Xêút và 5 nước vùng Vịnh khác đưa ra. Theo đó trong vòng một tháng kể từ khi ký thoả thuận với phe đối lập, Tổng thống Saleh sẽ từ chức và chuyển giao quyền lãnh đạo cho Phó tổng thống Abdu Rabu Manur Hadi.

Ông Saleh cũng bổ nhiệm một lãnh đạo phe đối lập làm người điều hành chính phủ lâm thời, với nhiệm vụ chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra hai tháng sau khi ông rời chức vụ. Đổi lại, kế hoạch chuyển giao cho phép cá nhân ông Saleh và các thành viên trong gia đình của mình quyền được miễn trừ mọi truy tố.

Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh. Ảnh: AFP

Cuộc biểu tình đòi Saleh từ chức kéo dài suốt hai tháng qua làm ít nhất 120 người thiệt mạng. Đây là một phần trong làn sóng nổi dậy chính trị tại Trung Đông và Bắc Phi. Ông Saleh sẽ trở thành lãnh đạo Ảrập thứ ba phải ra đi trong làn sóng biểu tình sau cựu tổng thống Tunisia Zine al-Abidine Ben Ali và cựu tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak.

BBC cho biết, Mỹ lên tiếng hoan nghênh tuyên bố chấp nhận ra đi của tổng thống Yemen và kêu gọi các bên “nhanh chóng thực hiện” một cuộc chuyển giao quyền lực trong hoà bình. Yemen là đồng minh quan trọng của Washington trong cuộc chiến chống khủng bố tại Trung Đông.

Trong khi đó, lãnh đạo phe đối lập Yemen Yassin Noman hoan nghênh động thái của ông Saleh nhưng khẳng định sẽ không tham gia một chính phủ đoàn kết dân tộc như đề xuất. Họ cũng phản đối quyền miễn truy tố cho cá nhân Saleh cùng gia đình, đồng thời tỏ ý nghi ngờ ông Saleh sẽ nhanh chóng rời nhiệm sở như cam kết.

Yemen là quốc gia nghèo nhất trong thế giới Ảrập và trước khi nổ ra biểu tình nước này đã chứng kiến tình trạng bất ổn do sự hoành hành của mạng khủng bố Al-Qaeda và các nhóm đòi ly khai. Tổng thống Ali Abdullah Saleh cầm quyền liên tục tại nước này kể từ năm 1978.

VnE-Đình Nguyễn

Tại sao Đài Loan lại tái tuyên bố chủ quyền?

Saturday, April 23rd, 2011

Mới đây, Đài Loan có những động thái khá mạnh mẽ tuyên bố chủ quyền đối với các quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa, gây chú ý của dư luận.

Hành động của Đài Loan xảy ra trong bối cảnh Biển Đông lại đang nóng dần, với Philippines, Trung Quốc và cả Việt Nam đều tham gia diễn đàn chủ quyền đối với vùng biển được cho là giàu tài nguyên thiên nhiên này.

BBC đã hỏi chuyện nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, hiện giảng dạy tại Khoa Đông Nam Á học, ĐH Mở TP Hồ Chí Minh về chủ quyền đối với các quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa.

Trước hết, ông Phúc cho biết một số chi tiết lịch sử liên quan tới tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc và Đài Loan (kế thừa chế độ Trung Hoa Dân quốc).

Ông Đinh Kim Phúc: Trước hết, cần nhắc lại rằng trước năm 1918, tức là trước khi Thế chiến I chấm dứt, thì Trung Quốc chỉ có yêu sách chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà thôi, chứ không hề nhắc tới quần đảo Trường Sa.

Đến cuộc chiến tranh Thái Bình Dương thời kỳ Thế chiến II thì Nhật Bản đã tiến đánh và kiểm soát các đảo thuộc Hoàng Sa và Trường Sa, lập căn cứ quân sự để xâm chiếm khu vực Đông Nam Á và châu Đại dương.

Cũng chính vào thời kỳ này, tầm quan trọng của hai quần đảo đã làm thức tỉnh nhà cầm quyền Trung Quốc. Chính vì vậy, sau khi Chiến tranh thế giới chấm dứt, vào năm 1947, Trung Hoa Dân quốc đã lợi dụng nhiệm vụ giải giáp quân đội Nhật Bản ở Đông Nam Á để đưa quân ra chiếm đảo Phú Lâm trên quần đảo Hoàng Sa và đảo Ba Bình trên quần đảo Trường Sa.

Đến khi Cộng sản Trung Quốc chiến thắng ở đại lục thì quân đội Trung Quốc đem quân tiếp tục chiếm đóng đảo Phú Lâm, còn quân đội Tưởng Giới Thạch của Đài Loan thì tiếp tục đóng quân trên đảo Ba Bình cho tới ngày hôm nay.

Đài Loan, là một trong các quốc gia đòi hỏi chủ quyền, đã thiết lập sự hiện diện quân sự và sử dụng quyền pháp lý hữu hiệu tại Trường Sa kể từ khi Thế chiến II chấm dứt. Trung Quốc thì chậm chân hơn, bởi vậy họ đã khởi sự cuộc chiến trên đảo Đá Chữ thập của Việt Nam năm 1988.

(Ông Đinh Kim Phúc tại một hội thảo về Biển Đông ở Hoa Kỳ)

Nhìn lại chính sách của Đài Loan trong những năm trước đây, thì trong những năm 1970-1990, Đài Loan tỏ ra tự kiềm chế và ôn hòa trong vấn đề Biển Đông. Khi có va chạm chủ quyền đối với các lãnh thổ mà Đài Loan cưỡng chiếm, thì không có động thái quân sự cụ thể mà chỉ đơn giản là đưa công hàm ngoại giao để kháng nghị những hành động mà họ cho là xâm phạm lãnh thổ của họ.

Một điều làm cho các nhà quan sát quốc tế ngạc nhiên là trong hai năm 1999-2000, thì họ tuyên bố sẽ giảm hiện diện quân sự trên đảo Ba Bình, mà lúc cao điểm lên tới 500 quân, và Đông Sa.

Từ tháng 2/2000, quyền quản lý các đảo trên được chuyển từ cơ quan quốc phòng sang cơ quan tuần duyên và sau đó chính quyền cắt giảm bớt tàu thuyền đóng tại đây, đồng thời tăng số lượng nhân viên dân sự.

BBC: Vậy theo ông, tại sao gần đây Đài Loan lại lên tiếng mạnh mẽ hơn trong vấn đề Biển Đông?

Ông Đinh Kim Phúc: Nói về trước đây, thì Đài Loan tỏ ra thiếu vắng một chiến lược tổng thể đối với khu vực Biển Đông và một cấu trúc phòng thủ hợp lý.

Chính vì vậy mà các nhà hoạch định chính sách an ninh Đài Loan đã kịch liệt công kích chính phủ và hối thúc chính phủ phải phát triển chính sách đối với Biển Đông mà họ cho rằng Đài Bắc đã có sai lầm.

Từ phản ứng của giới quân sự, nó đưa lên đỉnh điểm là khi ông Trần Thủy Biển trở thành Tổng thống Đài Loan, nhất là trong nhiệm kỳ hai của ông, năm 2006, Đài Loan đã đưa ra báo cáo về an ninh quốc gia, lần đầu tiên nhấn mạnh về tầm quan trọng của vấn đề an ninh trên biển.

Chính từ đó đã dẫn tới các thay đổi về bố phòng trên biển, cũng như trên các hải đảo mà Đài Loan chiếm đóng từ trước tới nay.

Trong những tháng gần đây, với việc Philippines phản đối Trung Quốc sau vụ tàu Trung Quốc gây hấn trên bãi Cỏ Rong và chính phủ Philippines gửi văn kiện lên LHQ bác bỏ đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc thể hiện bằng đường lưỡi bò, một việc khác cũng khiến Đài Loan quan ngại là mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Trong chuyến thăm Việt Nam của ông Quách Bá Hùng, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, hai bên đưa ra một số khẳng định về hợp tác tìm cách giải quyết vấn đề Biển Đông, khiến Đài Loan lo lắng.

Đài Loan đã có một số hành động như tái vũ trang trên đảo Ba Bình và đóng chiến hạm mới để tuần tra trên biển.

Chính sự thỏa thuận giữa hai chính phủ Việt Nam-Trung Quốc làm Đài Loan thấy rằng, mặc dù có sự thiếu vắng trong các thỏa thuận hợp tác chính thức giữa các nước có yêu sách chủ quyền tại Trường Sa, nay Đài Loan muốn trở thành một bên tham dự và ký kết vào Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) mà Trung Quốc và các nước Asean đang hướng tới.
‘Tuy hai mà một’

BBC: Thưa ông, ước muốn của Đài Loan có thể trở thành hiện thực hay không, nếu như đa số các quốc gia, kể cả Việt Nam, không công nhận Đài Loan với tư cách một quốc gia độc lập?

Ông Đinh Kim Phúc: Tất cả các nước có quan hệ chính thức với Trung Quốc đều không quan hệ chính thức với Đài Loan và Đài Loan cũng ý thức như vậy.

Chính bởi thế, chúng ta phải xem xét quan hệ Trung-Đài trong vấn đề Biển Đông.

Nhiều thập niên trước, giới học giả Trung Quốc đã nhiều lần phát biểu không chính thức rằng họ đánh giá cao Đài Loan trong việc bảo vệ đảo Ba Bình bằng cách duy trì hoạt động tuần tra tại Biển Đông khi mà Bắc Kinh chưa có hiện diện thường xuyên tại Trường Sa.

Việc Đài Loan ngày càng biến đảo Ba Bình thành căn cứ quân sự để thực hiện mưu đồ tuyên bố chủ quyền của mình trên Biển Đông cũng như các hoạt động khác nói chung không gây quan ngại cho Trung Quốc.

Vào các năm 2000-2005-2008, Tổng thống Đài Loan Trần Thủy Biển ba lần ra thăm Trung Sa và Trung Quốc chỉ phản ứng nhẹ nhàng, tránh bình luận trực tiếp về các chuyến thăm này.
Tại sao vậy? Vì Trung Quốc giữ một quan điểm khiêm tốn không đặc trưng đối với việc Đài Loan duy trì các căn cứ quân sự trên Biển Đông với tính toán rằng các căn cứ này sẽ gián tiếp trợ giúp cho sự hiện diện của Trung Quốc trong khu vực, đối mặt với các nước Asean đang có yêu sách chủ quyền tại đây.

Một điểm nữa, gần đây Trung Quốc đã thiết lập một học viện nghiên cứu về Biển Đông đặt tại tỉnh Hải Nam để làm trung tâm liên hệ cho mọi quan hệ đối tác, mọi thảo luận trong vấn đề Biển Đông với Học viện Quan hệ Quốc tế thuộc trường Đại học Quốc gia Chengchi ở Đài Loan.

Các học giả hai bên đã thường xuyên thăm viếng, trao đổi quan điểm và giữa họ không có các khác biệt gây quan ngại lớn trong vấn đề Đài Loan xây căn cứ quân sự trên đảo Ba Bình.

Nhìn lại lịch sử, Việt Nam cũng cần nhớ một vài sự kiện. Thí dụ khi Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974, Đài Loan không những đã phụ họa với Trung Quốc trong việc đòi chủ quyền của họ mà còn cho quân chiếm đóng một vài hòn đảo nhỏ trên quần đảo Trường Sa.

Một bài học lịch sử khác vẫn đang diễn ra trước mắt chúng ta là trước đây, khi Hong Kong, Macau chưa về với đại lục, người Đài Loan, người Hong Kong, ngời Macau đã ngồi cùng chiến thuyền với người Trung Quốc ra quần đảo Shenkaku (Trung Quốc gọi là Điếu ngư Đài), để đấu tranh chủ quyền với Nhật Bản.

Theo tôi, dù là Đài Loan hay là Trung Quốc, tàu lạ hay tàu quen thì vẫn là tàu.

Tất cả những hành động tuyên bố chủ quyền của Đài Loan đối với Hoàng Sa-Trường Sa, cũng như hành động quân sự của họ trên Biển Đông chẳng qua là ăn theo Nhà nước Trung Quốc mà thôi.

BBC: Thưa ông, nhắc tới các vấn đề Biển Đông, người ta hay nghe thấy cụm từ ‘làm phức tạp thêm tình hình”. Liệu các hành động mới rồi của Đài Loan có nguy cơ làm phức tạp thêm tình hình hay không ạ?

Ông Đinh Kim Phúc: Nhiều lần chính phủ Việt Nam đã lên tiếg phản đối mạnh mẽ và cứng rắn việc Đài Loan tuyên bố chủ quyền tại Hoàng Sa-Trường Sa, nhất là biến đảo Ba Bình thành căn cứ quân sự.

(Đài Loan chuẩn bị điều thủy quân lục chiến ra Biển Đông)

Tuy nhiên theo tôi, tất cả các hành động của Đài Loan nếu nhìn trên tổng thể bàn cờ chính trị-chiến lược-quân sự khu vực, chẳng qua chỉ là miếng đệm giữa Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á mà thôi. Do đó, chúng cũng không thể đẩy mạnh hơn các xung đột đã sẵn có trên Biển Đông.

BBC News

Người phụ nữ thống lĩnh đế chế cờ bạc Macau

Saturday, April 23rd, 2011

Người phụ nữ nhỏ bé xuất thân từ trường múa ở Trung Quốc đại lục vừa giành quyền kiểm soát hệ thống sòng bạc khổng lồ của gia đình ông trùm Stanley Ho sau một cuộc chiến cam go.

Leong, bà vợ thứ tư của ông trùm Stanley Ho, vừa chiến thắng trong cuộc đấu đá với những người thừa kế của ông để trở thành người đứng đầu một trong những đế chế casino lớn nhất thế giới.

Cựu nữ sinh trường múa này tăng cường ảnh hưởng nhanh chóng lên gia đình Ho và sau một cuộc điều đình gần đây, người phụ nữ 50 tuổi này kiểm soát hoạt động của cơ sở làm ăn trị giá 1,2 tỷ USD trong chuỗi sòng bạc của Ho.

Leong đã vượt qua cuộc thách đấu công khai mà hai bà vợ khác của Ho cùng con cái họ đưa ra nhằm hất cẳng bà để giành quyền điều hành hoạt động của đế chế cờ bạc có doanh thu 7,4 tỷ USD năm ngoái.

Đại gia đình Ho đồng ý để Leong làm giám đốc điều hành công ty SJM Holdings thêm 6 năm nữa. “Mọi thứ cơ bản được giải quyết xong. Mọi người đều có vai trò. Tôi sẽ quản lý các sòng bạc và tìm cách làm chúng phát triển thêm, kiếm thêm tiền”, bà nói. “Bạn không thể nói ai chiến thắng, ai không. Hãy nhìn xem ai làm việc tích cực nhất để công ty phát triển tốt hơn”, Leong nói thêm.

Người phụ nữ này bắt đầu triển khai hàng loạt các dự án đầy tham vọng, trong đó có kế hoạch trị giá 1,3 tỷ USD xây dựng khu nghỉ dưỡng có 6 khách sạn, bãi biển trong nhà và trung tâm đua ngựa. Khu phức hợp này sẽ không có sòng bạc để phù hợp với nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế của chính quyền hòn đảo.

Dự án đó thỏa mãn mong ước được xây dựng thứ gì đó từ đầu mà Leong vẫn ấp ủ. “Tôi không dám chắc 100% là sẽ thành công nhưng đôi khi không phải thứ gì bạn làm cũng là vì tiền. Ít nhất là tôi có thể hòa vốn và tạo việc làm cho người dân Macau”, Leong nói.

Ông trùm Stanley Ho có 4 người vợ và 17 con. Quyền sở hữu các chi nhánh trong đế chế của ông nằm trong tay những người này và quân số đông đảo đó khiến cuộc cạnh tranh làm người thừa kế SJM trở nên phức tạp.

Cuộc chiến chấm dứt khi Ho, hiện phải ngồi xe lăn sau phẫu thuật não cách đây hai năm, cáo buộc các đối thủ của bà Leong biển thủ tài sản của công ty bằng cách phát hành cổ phiếu mới rồi chia nhau. Ho hai lần kiện các con nhưng rồi rút đơn. Suốt nhiều thập kỷ qua, Stanley Ho thống lĩnh ngành cờ bạc ở Macau nhưng gần đây, tỷ phú này bắt đầu bất đồng với gia đình về chuyện kiểm soát công ty.

Giới phân tích cho rằng chiến thắng của Leong sẽ mang lại sự ổn định cho công ty. Nhiều khả năng bà sẽ duy trì ban lãnh đạo hiện tại và SJM cũng sẽ chú trọng vào nhóm khách hàng đến từ Trung Quốc đại lục.

Đối với Leong, người phụ nữ nhỏ bé vốn nổi tiếng yêu thích thời trang và kim cương này, chiến thắng đó là sự đánh dấu tham vọng của bà từ 30 năm trước.

Cuộc sống đầy đặc quyền của Leong khi là con gái một sĩ quan quân đội Trung Quốc chấm dứt khi người cha qua đời năm bà 13 tuổi. Sự thay đổi đó thôi thúc Leong làm giàu.

Ông trùm Ho nhận thức rõ tham vọng của người vợ bé. “Không như những phụ nữ khác, bà tư thích tham gia việc kinh doanh hơn là nhận khoảng 12.000 USD mỗi tháng”, Ho từng nói với em gái ông.

Sau khi gia đình phải ra khỏi khu nhà công, Leong theo học trường múa một phần vì để được ở miễn phí và có khoản học bổng hàng tháng nhằm giúp đỡ gia đình. Leong nổi bật ở trường và sau đó xin được vào đoàn múa của tỉnh Quảng Đông.

Năm 1982, theo tiếng gọi của cơ hội và mơ ước làm giàu, Leong sang Macau. Để bắt đầu cuộc sống mới, người phụ nữ này đổi tên Xuan Weiling thành Liang Anqi với hy vọng sẽ gặp nhiều may mắn hơn. Leong là phiên âm tiếng Quảng Đông của Liang.

Ban đầu, Leong dạy múa và aerobics tại Macau và để dành tiền đầu tư vào bất động sản. Qua một học sinh là em của Ho, Leong kiếm được việc trong một sòng bạc của gia đình. Cũng chính người này sau đó giới thiệu Leong với Ho tại một cuộc khiêu vũ và rồi hai người nảy sinh tình cảm.

Khi gặp Ho năm 1986, Leong đã có trong tay nhiều căn hộ ở Macau và đến đầu những năm 1990, nhờ sự hậu thuẫn của Ho, bà phụ trách hoạt động kinh doanh bất động sản cho Ho ở Quảng Đông.

Bắt đầu từ đó, Leong xây dựng nền móng vững chắc cho bản thân. Ngoài vị trí điều hành casino lớn nhất ở Macau, Leong còn có công ty bất động sản và sòng bạc của riêng bà. Ngoài ra, người phụ nữ này còn là phó chủ tịch câu lạc bộ Jockey của Macau và là thành viên điều hành hàng hoạt các tổ chức từ thiện và cố vấn chính trị ở đại lục. Năm 2005, Leong giành một ghế trong cơ quan lập pháp Macau và hiện giữ nhiệm kỳ thứ hai.

Người phụ nữ này còn đứng đầu hiệp hội những người trung gian cho hệ thống sòng bạc của hòn đảo. Những người này mời gọi những con bạc lớn từ đại lục rồi cho họ vay tiền chơi bởi Trung Quốc hạn chế số tiền người dân được phép mang ra nước ngoài. Chính những vị khách này mang lại tới 75% doanh thu cho hòn đảo. Mối quan hệ mật thiết đó của Leong giúp các sòng bạc của SJM thu hút được những vị khách mạnh tay và duy trì 30% thị phần tại Macau.

Leong nói rằng bà thân thiện với những người trung gian và được bầu chức chủ tịch hiệp hội bởi họ tin tưởng và coi bà là người hòa giải đầy khách quan.

Người phụ nữ này cho biết động cơ làm việc của bà vẫn mạnh mẽ như khi còn là nữ sinh trường múa ở đại lục và không có ý định dừng lại. “Tôi không muốn già và yên phận trong trại dưỡng lão”, bà nói.

WSJ

Những loài cá khổng lồ của sông Mekong

Saturday, April 23rd, 2011

Khối lượng cực đại của cá tra dầu sông Mekong đạt 300 kg, còn chiều dài tối đa của cá đuối nước ngọt lên tới 5 m. Sông Mekong, với hàng trăm loài cá và nguồn phù sa dồi dào, là mạch sống của hàng chục triệu người.

Với chiều dài lên tới 3,2 m và khối lượng lên tới 300 kg, cá tra dầu là một trong những loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, chúng đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trong số các loài cá của sông Mekong. Ảnh: lugaluda.com.

Cá tra dầu sống ở hạ lưu sông Mekong thuộc địa phận Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan. Số lượng chúng giảm mạnh trong những năm gần đây bởi tình trạng đánh bắt quá mức, sự xuất hiện của các đập thủy điện và sự phá hủy môi trường sống. Ảnh: National Geographic.


Là một trong những loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới, cơ thể cá đuối sông Mekong có thể đạt tới chiều dài 5 m và nặng tới 30 kg. Tuy nhiên, hiện nay không ai biết còn bao nhiêu con cá đuối nước ngọt sống trong sông Mekong và liệu chúng có thể sống ở biển như các đuối nước mặn hay không. Ảnh: AP.

Giới khoa học chỉ biết chắc một điều: Số lượng cá đuối nước ngọt sông Mekong đang giảm rất nhanh trong vài thập kỷ qua do môi trường sống của chúng suy thoái. Ảnh: National Geographic.

Cá chép khổng lồ sông Mekong là một trong những loài cá chép lớn nhất thế giới. Chiều dài thân và khối lượng tối đa của chúng có thể đạt 2,4 m và 250 kg. Ảnh: hubpages.com.

Chép Thái khổng lồ (còn gọi là chép Xiêm, chép đen) cũng là một loài cá chép có kích thước lớn của sông Mekong. Đa số chúng có chiều dài trên 1,5 m và khối lượng hơn 45 kg. Chiều dài và khối lượng của những con to nhất có thể lên tới 3 m và 300 kg. Thịt cá chép Thái rất ngon và đó là nguyên nhân khiến số lượng của chúng giảm mạnh bởi tình trạng đánh bắt quá mức. Ảnh: National Geographic.

Tại Việt Nam, cá chép Thái được gọi là cá hô. Ngoài ra chúng còn được mệnh danh là “cá vua” của sông nước miền Tây. Ảnh: answers.com.

Cá vồ cờ (người Thái Lan gọi là cá Pla Thepa) có thể đạt tới khối lượng 200 kg, còn chiều dài thân cực đại của chúng là 3 m. Ảnh: waterwolves.com.

Một con cá vồ cờ trong sông Mekong. Ảnh: aquatic-photography.com.

VnE-Việt Linh

Danh sách 100 người ảnh hưởng nhất thế giới được trẻ hoá

Saturday, April 23rd, 2011

Tạp chí Time hôm qua công bố danh sách bình chọn thường niên 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới với khá nhiều gương mặt mới và trẻ tuổi.

Danh sách bình chọn năm nay tiếp tục có nhiều chính khách nổi tiếng và kỳ cựu như nữ tổng thống đầu tiên của Brazil Dilma Rousseff, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Anh David Cameron, người lọt vào danh sách ngay trong năm đầu tiên tại vị.

Tổng thống nữ đầu tiên của Brazil Dilma Rousseff. Ảnh: worldweblogwhizz.com

Nước Mỹ cũng góp mặt không ít chính trị gia trong danh sách 100 người ảnh hưởng nhất thế giới theo bình chọn của Time. Ngoài Tổng thống Barack Obama, Phó tổng thống Joe Biden, Chủ tịch Hạ viện John Boehner, Ngoại trưởng Hillary Clinton còn có một số đảng viên Cộng hòa Mỹ có tên trong danh sách.

Nhưng bên cạnh đó, một số gương mặt trẻ nổi lên từ những bất ổn đang gia tăng ở Trung Đông và Bắc Phi cũng được bình chọn. Trong số này có Wael Ghomim, 30 tuổi, vốn được tôn vinh như một người hùng của Ai Cập với vai trò châm ngòi cho các cuộc biểu tình phản đối chính quyền của tổng thống Mubarak thông qua Internet.

Saif Gaddafi, con trai thứ của đại tá Gaddafi đang được biết đến như đại diện cho chính quyền Libya trong suốt cuộc nội chiến xảy ra tại đất nước này đã thay cha mình có tên trong danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới năm nay.

Saif Gaddafi, con trai của Muammar Gaddafi. Ảnh: armyrecognition.com

Julian Assange, tổng biên tập trang Wikileaks gây chấn động thế giới với những công bố về tài liệu ngoại giao mật của Mỹ cũng góp mặt trong danh sách cùng với Mark Zuckerberg, người sáng lập mạng xã hội phổ biển nhất hiện nay là Facebook.

Cặp đôi hoàng gia Anh đang thu hút sự chú ý của thế giới với đám cưới thế kỷ sẽ diễn ra vào ngày 29/4 tới là hoàng tử William và hôn thê Kate Middleton cũng chiếm hai vị trí trong danh sách của Time.

Hoàng tử William và Kate Middleton. Ảnh: sadesays.com

Làng giải trí thế giới cũng chiếm một tỷ lệ đáng kể trong danh sách trên với các tên tuổi như nữ hoàng truyền hình Oprah Winfrey lần thứ 8 liên tiếp góp mặt, ca sĩ tuổi teen Justin Bieber, nữ ca sĩ quái chiêu Lady Gaga, diễn viên đoạt giải Oscar Colin Firth, cầu thủ người Argentina Lionel Messi và ca sĩ kiêm diễn viên Hàn Quốc Rain.

Danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới là cuộc bình chọn được tạp chí Time tổ chức hàng năm có uy tín. Những người lọt vào danh sách này gồm các nguyên thủ, nghệ sỹ, chính trị gia, nhà hoạt động, nhà cải cách, chuyên gia nghiên cứu. Tạp chí Time nhấn mạnh rằng những ý tưởng của họ tạo ra “những cuộc đối thoại, quan điểm trái ngược và thậm chí là các cuộc cách mạng”.

(Anh Ngọc -VnE)

Binh sĩ Thái, Campuchia giao tranh dữ dội

Saturday, April 23rd, 2011

Binh sĩ Thái Lan và Campuchia tiếp tục nổ súng sáng hôm nay ở biên giới, chỉ một ngày sau vụ giao tranh đẫm máu khiến 6 người chết hôm qua.

Một binh sĩ Thái bị thương trong vụ giao tranh với binh sĩ Campuchia hôm qua. Ảnh: AP.

Các cuộc giao tranh thường xuyên xảy ra ở khu vực biên giới hai nước trong nhiều năm nay do tranh cãi liên quan tới quyền sở hữu ngôi đền cổ Preah Vihear.

“Đấu súng diễn ra lúc 6h sáng nay. Binh sĩ dùng súng trường và pháo cối nhắm về phía nhau ở cùng địa điểm với vụ giao tranh hôm qua”, một phát ngôn viên quân đội Thái Lan đại tá Prawit Hookaew cho biết. “Chúng tôi đang đàm phán để ngừng bắn”.

Campuchia cũng khẳng định thông tin về vụ đụng độ sáng nay. “Giao tranh xảy ra lúc 6h15. Đạn pháo đã được sử dụng”, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Chhum Socheat ở Phnom Penh nói.

Hiện chưa có báo cáo về số thương vong trong vụ bạo lực hôm nay.

Trước đó, hôm qua, binh sĩ hai bên giao tranh suốt hơn 6 tiếng ở khu vực cách ngôi đền cổ Preak Vihear khoảng 100 km. 6 binh sĩ thiệt mạng và hàng nghìn người ở biên giới buộc phải đi sơ tán. Đây là vụ giao tranh đẫm máu nhất kể từ tháng hai, khi đó, 10 người thiệt mạng. Liên Hợp Quốc buộc phải lên tiếng yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức sau vụ việc đó.

Indonesia, đang là chủ tịch luân phiên của ASEAN, kêu gọi chấm dứt bạo lực ngay lập tức. “Indonesia với tư cách là chủ tịch hiện tại của ASEAN kêu gọi ngừng bắn giữa Campuchia và Thái Lan”, Ngoại trưởng Marty Natalegawa nói biết hôm qua.

Quan hệ giữa hai nước láng giềng không mấy êm đẹp kể từ ngôi đền Preah Vihear được công nhận là di sản thế giới hồi tháng 7/2008. Tòa án quốc tế ra phán quyết năm 1962 rằng ngôi đền thuộc về Campuchia song cả hai nước khẳng định chủ quyền khu vực rộng 4,6 km vuông quanh Preah Vihear.

(Mai Trang-VnE)

Nhật Bản chi 49 tỷ USD để khôi phục sau thảm họa

Friday, April 22nd, 2011

Quốc hội Nhật Bản vừa thông qua ngân sách 49 tỷ USD để giúp khôi phục lại các vùng đất bị tàn phá bởi động đất và sóng thần tháng trước.


Cảnh tan hoang sau sóng thần tại vùng đất cấm ở tỉnh Minamisoma, Nhật Bản. Ảnh: CNN.

Quỹ Khôi phục thảm họa sẽ được dùng để chi trả cho việc di chuyển các đống đổ nát và rác thải, xây nhà tạm, sửa chữa lại đường phố, trang trại, sân bay, trường học và cho vay những doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Nhằm chuyển hướng trọng điểm của quốc gia vào nhiệm vụ kiến thiết đầy gian khổ, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan tuần trước đã nhắc lại hình ảnh về một quốc gia hồi phục sau Thế chiến II.

“Chúng ta cần phải làm sống lại sự quyết tâm đã có được trong giai đoạn tái thiết đất nước sau Thế chiến II, và chúng ta cần phải đương đầu với nhiệm vụ xây dựng lại đất nước sau trận động đất này”.

Chinh sự tàn phá do trận động đất hôm 11/3 gây ra “là cơ hội để xây dựng một tương lai mới tốt đẹp hơn trước đây”, thủ tướng nói.

Kan cũng cho biết người dân Nhật Bản “từng dũng cảm đứng dậy và khôi phục đất nước, khiến cả thế giới phải kinh ngạc”.

Quỹ Khôi phục thảm họa này ước tính chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng chi phí dành cho công cuộc phục hồi trên toàn quốc. Thảm họa kép có thể khiến chính phủ Nhật Bản tốn kém tới hơn 305 tỷ USD, Thứ trưởng Tài chính Mitsuru Sakurai cho biết vào tháng trước.

Trận siêu động đất mạnh 9 độ Richter làm rung chuyển vùng đông bắc Nhật Bản, kéo theo sóng thần, khiến gần 28.000 thiệt mạng và mất tích.

(VnE-Song Minh)

Happy Easter !

Friday, April 22nd, 2011

Nhân dịp lễ Phục Sinh, Ban Biên Tập thuanan.net kính chúc gia đình quý thầy cô cùng thân bằng bạn hữu một lễ Phục Sinh nhiều hạnh phúc, sức khoẻ và an lành !
Happy Easter !
BBT thuanan.net

John Milnor được trao giải thưởng toán học Abel

Thursday, April 21st, 2011

Giải thưởng toán học Abel được trao cho John Milnor, Đại học Stony Brook, New York

Viện Hàn lâm Khoa học Na Uy đã quyết định trao giải thưởng Abel năm 2011 cho giáo sư người Mỹ John Milnor thuộc Viện Khoa học Toán, Đại học Stony Brook, New York “do công trình khám phá và nghiên cứu về hình học và đại số”. Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Na Uy, Oyvind Osterud, đã công bố Milnor là người thắng giải thưởng Abel trong năm nay tại Học viện Oslo, ngày 23 tháng Ba năm 2011.

John Milnor sẽ nhận được giải thưởng Abel từ vua Harald tại một buổi lễ trao giải tại Oslo vào ngày 24 tháng 5 năm 2011. Giải Abel công nhận sự đóng góp về toán học lớn lao có ảnh hưởng đến các ngành khoa học khác và toán học và đã được trao tặng hàng năm từ năm 2003. Nó là một giải thưởng bằng tiền mặt có giá trị một triệu đô la Mỹ. Nếu so sánh với giải thưởng toán học Fields medal mà ba người đã đoạt trong năm 2010 trong đó có giáo sư Ngô Bảo Châu của Việt Nam thì giải Fields chỉ có giá trị 15 ngàn đô la tiền mặt. Điều này chứng tỏ giải Abel có giá trị hơn nhiều và rất khó để đoạt hơn. Người ta nói giải Abel về toán học mới tương đương với giải Nobel. Trong chín năm giải này được trao kể từ năm 2003, đã có năm người Mỹ đoạt giải.

Lý thuyết toán của John Milnor bao hàm những ý tưởng sâu sắc và cơ bản phần lớn làm thay đổi cục diện toán học từ nửa cuối thế kỷ 20. Những khám phá của Milnor gồm một số nghiên cứu tuyệt vời và những hiểu biết sâu sắc, trí tưởng tượng sống động, bất ngờ nổi bật về “vẻ đẹp” của toán. Ông nhận được giải thưởng Abel năm 2011 “cho những khám phá tiên phong trong hình học và đại số,” theo ban trao giải Abel.

Trong quá trình 60 năm, John Milnor đã có những khám phá sâu sắc về toán học hiện đại. Nhiều khái niệm toán học, kết quả và phỏng đoán được đặt theo tên ông. Trong khoa học, chúng ta tìm thấy một quả cầu Milnor kỳ lạ, linh động với những con số Milnor và nhiều hơn nữa.
Tuy nhiên, ý nghĩa của công việc của Milnor vượt xa kết quả ngoạn mục của chính mình. Ông cũng đã viết rất nhiều sách có tầm vóc lớn lao và được nhiều người xem là những mô hình toán học vĩ đại.

Giải thưởng và danh dự

John Milnor đã nhận được nhiều giải thưởng và danh dự. Ông đã nhận được huy chương Fields năm 1962, cách đây gần 50 năm, cho thành quả trong cấu trúc liên kết khác biệt của toán khi ông ta chỉ mới 31 tuổi. Gần đây ông đã được trao giải Leroy P. Steele – Giải thưởng Danh Dự trọn đời của Hiệp hội toán học Mỹ. Milnor trước đây cũng đã giành được hai giải thưởng Steele khác từ AMS – Mathematical Exposition (2004) và Seminar Contribution to Research (1982). Milnor cũng nhận giải thưởng Wolf trong năm 1989 và Huy chương Khoa Học Quốc gia Hoa Kỳ năm 1967. Ông được bầu làm thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia vào năm 1963. Từ năm 1994, ông là một thành viên ngoại quốc được bầu vào Viện Hàn Lâm Khoa học Nga, và năm 2004 ông trở thành một thành viên của Viện Hàn Lâm Khoa học châu Âu.

Giải Abel

Niels Henrik Abel Memorial Fund được thành lập vào năm 2002 để trao giải thưởng Abel cho công trình khoa học xuất sắc trong lĩnh vực toán học. Giải thưởng Abel đã được trao kể từ năm 2003.

Lốc xoáy tràn qua một nửa nước Mỹ, 45 người chết

Sunday, April 17th, 2011

Ít nhất 45 người đã thiệt mạng trong trận bão kèm theo hàng trăm cơn lốc xoáy được coi là tệ hại nhất từng ập vào Mỹ trong suốt hơn 2 thập niên qua, gây ảnh hưởng đến một nửa lãnh thổ nước này, trong đó Bắc Carolina chịu hậu quả nặng nề.

Các cơn lốc xoáy đã bắt đầu ập xuống bang Okhahoma hôm 14/4 và quét về hướng Đông qua các bang Arkansas, Mississippi, Alabama, Georgia và Bắc Carolina trước khi tiến tới bang Virginia. Đã xảy ra khoảng 240 trận lốc xoáy.

Bang bị tác động nặng nề nhất là Bắc Carolina. Tin cho hay có hơn 60 cơn lốc xoáy xảy ra tại đây. Tình trạng khẩn cấp đã được ban hành tại nơi này và tại bang Alabama.

Các quan chức địa phương hôm qua cho biết số tử vong tiếp tục tăng trong hệ thống thời tiết giông bão trong 3 ngày qua, gây ra những cơn lốc xoáy và mưa lũ trên khắp các bang ở trung bộ và nam bộ Mỹ.

Nhiều tòa nhà đã bị phá hủy khắp 7 tiểu bang. Cây cối và đường dây điện bị phá sập.


Trong số các nạn nhân, nhiều người sinh sống trong các căn nhà tiền chế, lưu động ở Bắc Carolina, nơi các toán cấp cứu đang tiếp tục tìm kiếm thêm nhiều nạn nhân khác.

Riêng ở Alabama, nhà chức trách tiểu bang miền nam này hôm qua xác nhận bão lốc đã kéo phăng các căn nhà di động hàng nửa cây số.

Số người thiệt mạng tại Alabama cho đến hôm qua xác định được là 7. Thống đốc Robert Bentley của Alabama tuyên bố tình trạng khẩn cấp.


Tại tiểu bang Mississippi, bão làm bật nhiều gốc cây, đè lên các đường dây điện, phá sập nhiều mái nhà và lật tung một số xe tải loại lớn trên các xa lộ.

Đến ngày 16 và 17/4, đã thống kê được nhiều người thiệt mạng ở tiểu bang Oklahoma và Arkansas.

Có nhiều nhà cửa và ngay cả một nhà máy cũng bị bão làm hư hại nặng là Atoka Trailer Manufacturing. Ryan Eaves, chủ nhân nhà máy, cho hay phải tốn nhiều triệu đô la mới tái thiết lại nhà máy này, vốn sản xuất các loại xe tải lớn.

Cơ quan khí tượng quốc gia khi đó cảnh báo trận bão này có thể lan sang tiểu bang Georgia.
Ngoài ra, một trận bão khác đang hình thành và ảnh hưởng đến các tiểu bang từ Kansas cho đến Missouri và Illinois.

Trà Giang-DT
Theo AP, AFP