Archive for February, 2011

Nhật bỏ chính sách quân sự Chiến tranh Lạnh, đối phó thách thức mới

Monday, February 28th, 2011

Nhật hôm nay đã tiết lộ kế hoạch sửa đổi sâu rộng đối với chính sách quốc phòng, thực thi thái độ linh hoạt hơn và chuyển đổi nguồn lực tập trung của nước này do lo ngại trước việc củng cố quân sự của Trung Quốc và chương trình hạt nhân của Triều Tiên.


Nhật sẽ chuyển đổi sự tập trung nguồn lực vào hải quân và không quân.

Bản Chỉ đạo chương trình Quốc phòng, được nội các của Thủ tướng Nhật Naoto Kan phê chuẩn, theo đó sẽ chi 23,49 nghìn tỷ yên (280 tỷ USD) cho quốc phòng trong vòng 5 năm, bắt đầu từ tháng 4 tới, giảm 3% so với chi tiêu cho giai đoạn 5 năm kết thúc vào tháng 3/2010, do công nợ của nước này đã tăng gấp đôi GDP.

Kế hoạch nhấn mạnh củng cố quốc phòng của Nhật ở phía tây nam, nơi nước này chia sẻ biên giới biển với Trung Quốc, bằng cách tăng cường máy bay chiến đấu trên đảo Okinawa, miền nam đất nước và quân đồn trú trên các hòn đảo nhỏ hơn.

Bản cập nhật chính sách này là bản cập nhật lớn đầu tiên trong vòng 6 năm qua và là lần đầu tiên dưới thời Đảng Dân chủ của Thủ tướng Naoto Kan, đảng đã giành chiến thắng áp đảo lần đầu tiên sau nhiều năm vào năm ngoái.

Trong phản ánh lo ngại về nước láng giềng khổng lồ của mình, Trung Quốc, bản Chỉ đạo mới bày tỏ lo ngại tới việc tăng chi tiêu quốc phòng ngày càng lớn của Trung Quốc, quá trình hiện đại hóa các lực lượng vũ trang diễn ra nhanh chóng, cũng như việc gia tăng các hoạt động hàng hải của nước láng giềng.

“Những động thái này, cộng với việc thiếu minh bạch trong các vấn đề quân sự, an ninh, đã trở thành vấn đề lo ngại cho khu vực cũng như cộng đồng quốc tế”, báo cáo cho biết.

Ngoài ra, tài liệu cũng gọi chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên là “nhân tố làm bất ổn nghiêm trọng và hiện hữu đối với an ninh của đất nước chúng ta cũng như khu vực”.

Quan hệ Trung – Nhật đã bị tổn hại nghiêm trọng kể từ tháng 9 vừa qua, khi Nhật bắt giữ một thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc, tàu đã va chạm với 2 tàu tuần tra Nhật gần dãy đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông mà Nhật gọi là Sankaku trong khi Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.

Song chỉ đạo quốc phòng cũng kêu gọi nỗ lực xây dựng mối quan hệ hai bên tốt đẹp hơn trong khi khuyến khích Bắc Kinh hành động với tư cách là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Thay đổi tập trung nguồn lực vào không, hải quân

Trong nỗ lực nhằm cũng cố khả năng quốc phòng nói chung, trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, Nhật lên kế hoạch sẽ chuyển các nguồn lực sang không quân và hải quân.

Khả năng quân sự của Nhật trước đây thường tập trung ở miền bắc, với một binh đoàn xe tăng lớn, “di sản” của thời Chiến tranh Lạnh, khi họ được triển khai nhằm đối phó với Liên Xô cũ.

Theo chỉ đạo mới, chỉ đạo xuyên suốt 10 năm tới, số lượng xe tăng sẽ được cắt giảm 1/3 xuống 400 xe và số đầu quân chính thức sẽ cắt giảm 1.000, xuống còn 154.000, mặc dù số đầu quân thực tế đã thấp hơn con số chính thức.

Ngược lại, Nhật dự kiến sẽ tăng số lượng tàu ngầm từ 16 lên 22 bằng cách đặt mua thêm các tàu mới và giữ lại số tàu ngầm hiện có hoạt động trong thời gian dài hơn. Trong khi đó, Nhật sẽ củng cố số lượng tàu chiến được trang bị hệ thống tên lửa đạn đạo Aegis từ 4 lên 6.

Một nghiên cứu cũng sẽ được tiến hành nhằm trả lời cho vấn đề cấm xuất khẩu vũ khí có từ nhiều thập kỷ nay. “Đã là một xu thế giữa các nước phát triển, khi củng cố khả năng về thiết bị quân sự và cắt giảm chi phí bằng cách cùng tham gia vào việc phát triển và sản xuất vũ khí của quốc tế”, chỉ đạo cho biết.

“Chúng tôi sẽ xem xét các biện pháp phù hợp với xu thế lớn này”.

Lệnh cấm tự ban hành nhiều thập kỷ nay của Nhật chủ yếu nhằm vào việc xuất khẩu vũ khí và vào phát triển, sản xuất vũ khí với các nước khác không phải là Mỹ, khiến các nhà thầu quân sự của nước này như Mitsubishi Heavy Industries khó “làm ăn”, phải cắt giảm chi phí và “theo đuổi” các công nghệ vũ khí kém tối tân.

Bên cạnh có bước chuyển đổi chiến lược về các nguồn lực quân sự, Nhật cũng đặt mục tiêu củng cố khả năng quân sự bằng củng cố mối quan hệ an ninh bền chặt hơn nữa với đồng minh Mỹ, trong khi cũng củng cố hợp tác với các đối tác khu vực như Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ và ASEAN.

“Liên minh Mỹ – Nhật sẽ vẫn không thể thiếu được trong việc đảm bảo hòa bình và an toàn của đất nước chúng ta”, bản chỉ đạo cho hay.

Bản chỉ đạo cho biết thêm, mặc dù vậy, Nhật cũng rất cần phải giảm gánh nặng của cộng đồng trong việc cho Mỹ đặt các căn cứ quân sự tại nước này, bởi người dân thường phàn nàn ở đâu có các căn cứ Mỹ là ở đó cũng đồng nghĩa với tai nạn, tội phạm và ô nhiễm gia tăng.

Mối quan hệ Mỹ – Nhật đã trở lên khó khăn khi đảng Dân chủ lên nắm quyền vào năm ngoái và Thủ tướng Yukio Hatoyama khi đó đã theo đuổi cam kết di dời một căn cứ không quân của lính thủy đánh bộ Mỹ ra khỏi Okinawa, nơi đồn trú gần một nửa trong tổng số 50.000 quân Mỹ tại Nhật.

Song hồi tháng 5 vừa qua Nhật và Mỹ đã nhất trí vẫn theo thỏa thuận đạt được năm 2006, đó là di dời căn cứ tới một khu vực ít dân cư hơn nhưng vẫn ở trên đảo này. Hiện kế hoạch đang đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ của người dân địa phương.

Phan Anh-DT

Theo Reuters

Mỹ – Hàn tập trận rầm rộ bất chấp đe dọa của Binh Nhưỡng

Monday, February 28th, 2011

Hàn Quốc và Mỹ sáng nay đã khởi động cuộc tập trận quân sự chung lớn hàng năm, bất chấp cảnh báo về một cuộc chiến toàn diện, biến Hàn Quốc thành “biển lửa” của Triều Tiên.


Các binh sĩ Hàn Quốc đi tuần gần khu phi quân sự ở Paju, cách Seoul 55km về phía Bắc.

Cuộc tập trận kéo dài 11 ngày, được mệnh danh Key Resolve/Foal Eagle, quy tụ khoảng 200.000 lính Hàn Quốc và 12.800 lính Mỹ.

Theo hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap trích lời quan chức Hàn Quốc, một chiếc tàu sân bay của Mỹ sẽ tham gia cuộc tập trận, trong khi giới chức Mỹ không phủ nhận cũng không khẳng định thông tin này.

Key Resolve, chủ yếu là diễn tập qua máy tính, sẽ kéo dài cho tới ngày 10/3, trong khi Foal Eagle bao gồm cả diễn tập chung trên không, trên bộ và trên biển, kéo dài tới hết ngày 30/4.

Theo Bộ tư lệnh các lực lượng hỗn hợp, các cuộc tập trận nhằm tập trung nâng cao khả năng đối phó với các cuộc tấn công nhỏ, bất ngờ từ phía Triều Tiên. Ngoài ra, Bộ tư lệnh này cũng cho biết, cuộc tập trận chỉ mang mục đích tự vệ, nhằm nâng cao khả năng sẵn sàng chống lại tất cả các đe dọa có thể xảy ra.

Cuộc tập trận được tiến hành chỉ một ngày sau khi Triều Tiên cảnh báo về một cuộc chiến toàn diện đối với cuộc tập trận chung Mỹ – Hàn và cảnh báo Seoul phải ngừng thả truyền đơn chống Bình Nhưỡng sang biên giới nước này.

Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA hôm qua cho hay Bình Nhưỡng sẽ phản ứng lại cuộc tập trận chung, bằng “sự phản kháng toàn diện, chưa từng có tiền lệ”, biến Seoul thành “biển lửa”.

Triều Tiên cũng tuyên bố nhắm bắn vào Hàn Quốc nếu Hàn Quốc tiếp tục thả bóng mang truyền đơn chống phá Triều Tiên qua biên giới.

Phan Anh-DT

Theo Xinhua

Người Việt tiếp tục rời Libya, phương Tây đưa tin về nội chiến

Monday, February 28th, 2011

Công dân châu Á, trong đó có hàng trăm người Việt, tiếp tục được sơ tán ồ ạt khỏi Libya, trong khi báo chí đưa tin về tình hình “có vẻ như nội chiến” khi phương Tây bắt đầu giúp lực lượng nổi dậy còn Tổng thống Gadhafi cương quyết không từ bỏ quyền lực.



áy bay của Không lực Mỹ trong căn cứ quân sự Manas ở Kyrgyzstan. Mỹ đã di chuyển lực lượng có thể để chuẩn bị cho “giải pháp” ở Libya

Hàng trăm người Việt đã đến nước lân cận

Trong bối cảnh quốc tế tiếp tục cho công dân mình ồ ạt sơ tán khỏi Libya, hàng nghìn người châu Á đã đến được các nước lân cận. Hôm qua, chiếc tàu Toscana chở 1.800 người đã cập bến Malta. Phần đông là những người lao động châu Á: Việt Nam, Philippines, Thái Lan, Trung Quốc, Pakistan.

Hy Lạp cho biết đã đón khoảng 4.600 người chạy nạn, đi bằng tàu đến đến đây, đa số là người Trung Quốc. Số người Việt Nam đi trên chiếc Toscana chưa được thông báo.

Hôm 27/2, theo ngả đường bộ, hàng trăm người Việt Nam và Philippines đã vượt qua biên giới Libya – Algeri, đến thành phố Dedeb. Theo AFP, nhóm này bao gồm 289 người Việt Nam và 144 người Philippines. Họ làm việc ở các công trường xây dựng. Ngoài ra cũng có cả trăm người Libya chạy lánh nạn. Phần đông những người mới đến được đưa đến những trung tâm đón tiếp ở Dedeb và thành phố In Amenas gần đấy. Sau đó họ sẽ được đưa về nước.

Philippines cho biết, đích thân Ngoại trưởng nước này đã hộ tống khoảng 550 công dân Philippines từ thủ đô Libya sang nước láng giềng Tunisia trong một hành trình trên bộ đầy nguy hiểm. Chuyến đi này nằm trong số những chuyến đi nổi bật nhất trong làn sóng sơ tán công dân khỏi Libya do các quốc gia khắp châu Á tiến hành. Cho đến nay, trong số 26.000 người Philippines ở Libya, mới có hơn 1.800 người rời được khỏi Libya nhờ sự giúp của chủ công ty.

Còn Trung Quốc hôm nay cho biết họ đã sơ tán được gần 29.000 công dân, nhưng chỉ có 2.500 là về đến Trung Quốc. Số còn lại đang nằm chờ ở các nước Ai Cập, Tunisia, Malta, Sudan…

Lượng người sơ tán ồ ạt đang gây khó khăn cho các quốc gia đón tiếp. Theo số liệu của Cao ủy Tị nạn Liên hợp quốc, gần một trăm ngàn người đã chạy khỏi Libya đang tập trung ở các nước lân cận, và số lượng này sẽ lên cao nữa trong những ngày sắp tới. Malta đã lên tiếng báo động và yêu cầu trợ giúp của Châu Âu. Tunisia cũng kêu gọi tương tự.

Riêng các quốc gia Châu Âu đã huy động đến máy bay quân sự để sơ tán công dân như Anh, hay tàu chiến như Italia, đã đưa được 258 người về Catana, phần đông là người Châu Âu.

Mỹ “không loại trừ giải pháp nào”, Pháp viện trợ qui mô lớn cho đối lập

Mỹ bắt đầu điều lực lượng Hải quân đến gần Libya và phương Tây cũng trợ giúp các lực lượng nổi dậy phía đông nước này, nhưng Tổng thống Gadhafi vẫn quyết bám trụ ở Tripoli.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói rằng Mỹ “không loại trừ chọn lựa nào” để buộc chính quyền Libya chấm dứt xung đột giữa lực lượng an ninh và người biểu tình. Tại cuộc họp báo bên lề hội nghị nhân quyền ở Geneve hôm qua, bà Hillary nói rằng Tổng thống Moammar Gadhafi đã mất “tính cách chính đáng để lãnh đạo” và phải từ bỏ quyền lực “không chút chậm trễ; Mỹ sẽ làm việc với các nước để có cách đáp ứng thích đáng đối với cuộc khủng hoảng tại Libya”.

Bà Hillary đưa ra những tuyên bố “sẵn sàng giúp đỡ phe đối lập Libya” trong bối cảnh nhiều chính khách Mỹ như Thượng nghị sĩ John McCain, Joe Lieberman nhận định là Mỹ cần công nhận chính phủ chuyển tiếp tại Libya và giúp đỡ phe nổi dậy. Bà cho hay Mỹ đã dành riêng 10 triệu USD viện trợ khẩn cấp để ủng hộ các tổ chức tại Libya và đã điều 2 nhóm công tác nhân đạo đến giúp đỡ người Libya rời cư ở biên giới Tunisia và Ai Cập.

Tại Nhà trắng hôm qua, Tổng Thống Mỹ Barack Obama họp với Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon về tình hình ở Libya. Cùng ngày, Bộ Tài chính Mỹ đã phong tỏa 30 tỉ USD tài sản tại Mỹ của ông Gadhafi và gia đình.
Trước đó, đại tá Dave Lapan, người phát ngôn của Bộ Quốc Phòng Mỹ cho hay là “không quân và hải quân Mỹ đã được triển khai nhịp nhàng ở Địa Trung Hải” nhưng không đi vào chi tiết.

Báo chí Mỹ đưa tin quân đội Mỹ sẽ di chuyển không lực và hải lực tại khu vực xung quanh Libya để sẵn sàng thi hành bất cứ lệnh nào được ban ra liên quan tới cuộc khủng hoảng tại đó. Nhưng các giới chức nói rằng hiện chưa có quyết định về vấn đề có sử dụng lực lượng quân sự của Mỹ hay không và nếu có thì sử dụng như thế nào.

Thủ tướng Anh D.Cameron hôm thứ hai 28/2 loan báo đang hợp tác với đồng minh để thiết lập vùng cấm bay quân sự trên lãnh thổ Libya và không hề cho là “phương Tây sẽ không sử dụng quân sự nếu cần để đối đầu với chính thể của ông Gadhafi”.

Pháp cho hay họ đang cung cấp viện trợ y tế cho thành phố Benghazi ở miền đông Libya trong một hành động mà họ gọi là một chiến dịch “với qui mô lớn” để hỗ trợ lực lượng đối lập. Pháp cũng nói không ngần ngại “sử dụng sức mạnh quân sự nếu cần”.

Báo chí phương Tây cho rằng tình hình “có vẻ như nội chiến”. Hiện nay, hai phe ở Libya có vẻ đang củng cố lực lượng. Tổng thống Gadhafi vẫn bám thủ đô Tripoli và vài thành phố gần đó, còn phe nổi dậy đã chiếm toàn miền đông nước này và phía tây gần Tripoli.

Trước đó, tại Libya, những thủ lĩnh của phong trào nổi dậy đã thông báo thành lập một “Hội đồng quốc gia” chuyển tiếp tại những thành phố mà họ kiểm soát được. Cựu bộ trưởng Tư pháp Libya, ông Moustapha Abdeljalil, từ chức hồi đầu tuần, tuyên bố trên đài truyền hình Al-Jazira rằng một chính phủ lâm thời sẽ được thành lập để lãnh đạo đất nước trước khi có bầu cử.
Hôm qua, lực lượng an ninh đã giải tán hàng trăm người biểu tình ở thủ đô Tripoli của Libya khi phe đối lập và quân đội chính phủ tiếp tục giao tranh giành quyền kiểm soát nước này.

Tuy nhiên, Tổng thống Gaddafi tuyên bố với hãng tin BBC rằng ông được tất cả nhân dân yêu mến và phủ nhận có tin biểu tình ở thủ đô Tripoli.

Đoàn vệ quân thiện chiến nhất bảo vệ Tổng thống Gadhafi có tên “Khamis Brigade” do chính con trai của ông chỉ huy. Trong khi đó, giá gạo tại Libya đã tăng 500% và bánh mì đang bị giới hạn rất nhiều.

Hà Khoa
Tổng hợp

Em Đi Chùa Hương – Tâm Đoan

Monday, February 28th, 2011

Như Giọt Sầu Rơi – Hồ Hoàng Yến

Monday, February 28th, 2011

Những lớp học xóa mù ven phá Tam Giang

Saturday, February 26th, 2011

Gác lại bao nhiêu mệt nhọc của cuộc mưu sinh, nhiều người dân ven phá Tam Giang tranh thủ cắp sách đến lớp để học chữ. “Học sinh” phần lớn đã ngoài 40 tuổi nhưng do cuộc sống lênh đênh trên đầm phá nên bị thất học. Đó là những lớp học xóa mù tại các ngôi làng chài ven phá Tam Giang (huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế).


Ngư dân đi học…

Toàn huyện Quảng Điền có 5 lớp “bình dân học vụ” với 102 “học sinh” từ 15-60 tuổi. Đây là chương trình dạy xóa mù cho người dân nghèo thất học ven phá Tam Giang và vùng sông nước do Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Quảng Điền tổ chức.

Thôn Ngư Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền nằm sát bên phá Tam Giang. Người dân ở đây cũng đã từng sống trên những chiếc thuyền, rong ruổi trên phá. Cứ sau mỗi đêm thả lưới trên phá, người dân trong thôn lại hối hả trở về nhà cơm nước, thay quần áo để kịp đến lớp học chữ. Lớp xóa mù thôn Ngư Mỹ Thạnh có 40 “học sinh”, người nhỏ tuổi nhất đã 27 tuổi và lớn tuổi nhất đã gần 60. Do người dân ban đêm đi làm nghề nên lớp học được tổ chức vào buổi sáng 5 ngày trong tuần.

Bà Hồ Thị Thủy, 47 tuổi, lớp trưởng lớp xóa mù thôn Ngư Mỹ Thạnh cho biết: “Lúc mới đi học, ai cũng nản vì chưa hề biết mặt chữ thế nào nên gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng rồi mọi người đã động viên nhau để học cho được cái chữ, ít nhất là cũng viết được tên của mình để khỏi phải nhờ người ghi hộ khi có việc cần”. Với bà Thủy, đến trường ở tuổi U50 là mong ước lớn lao bởi cuộc sống từ nhỏ đã quen với mặt nước và chỉ biết đến con tôm, con cá. Hai “học sinh” Trần Hoàng (41 tuổi) và La Thị Lai (40 tuổi) là đôi vợ chồng ngư dân. Cứ sau buổi đánh cá đêm, hai anh chị lại dắt nhau tới lớp. Dù đôi tay chỉ quen với nắng gió nhưng anh Hoàng vẫn cố cầm bút, nắn nót ghi từng chữ một. Anh tâm sự: “Không biết chữ khổ lắm! có lần được đi tập huấn mô hình nuôi cá, cán bộ phát tài liệu mà tui không thể đọc được…”. Không chỉ học ở lớp, hai vợ chồng anh Hoàng còn tranh thủ học ở nhà nhờ sự giúp đỡ của con cái.

Thầy giáo Hồ Quang Chính – phụ trách lớp học thôn Ngư Mỹ Thạnh kể, mặc dù lớn tuổi nhưng các bác, các anh chị đến lớp rất đều đặn. Ban đầu thì khó khăn rất nhiều, nhưng bằng lòng kiên trì và cố gắng, nhiều “học sinh” của lớp đã biết đọc, viết!

Sau 5 tháng đến lớp học xóa mù Ngư Mỹ Thạnh, ngư dân Nguyễn Thạ đã biết viết tên mình và tên vợ

Học chữ khi tuổi xế chiều

Cứ chập choạng tối là người dân xóm tái định cư Vạn Hạ Lang (xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền) lại í ới rủ nhau đến lớp. Lớp học xóa mù nằm cách xóm tái định cư gần cây số, phòng học thì cũ kỹ chỉ có vài ba bộ bàn ghế và chiếc bảng đen. 16 “học sinh” của lớp đều là những cư dân vạn đò, giờ được tái định cư lên bờ để ổn định cuộc sống.

Mong muốn của họ giờ không chỉ là đủ cơm đủ gạo mà còn biết được con chữ để giao tiếp với xã hội. Bà Lê Thị Hà (44 tuổi) đến lớp muộn hơn so với mọi hôm vì đàn lợn bị ốm. Bà phải chờ bác sĩ thú y đến tiêm thuốc rồi mới yên tâm đi học.

Hơn nửa đời người quanh quẩn với đồng áng, đàn lợn, giờ mới đi học nên dù đã mang chiếc kính dày cộp nhưng bà Hà phải gí mắt xuống sát vở mới viết được chữ. Bà tâm sự: “Hồi nhỏ vì phải đi làm thuê cuốc mướn nên không dám mơ đến chuyện học hành. Cứ mỗi lần đi ngang qua lớp học là tui lại ứa nước mắt khi nhìn bạn bè cùng trang lứa đọc chữ. Giờ tuổi già rồi, đi học cũng là hơi muộn nhưng xem như mong ước cũng được thực hiện”.

Cạnh đó, bà Mai Thị Rá năm nay đã 55 tuổi, tóc cũng đã điểm bạc, lật vội trang vở để tập viết những chữ cái thầy dạy hôm trước. Cố gắng lắm bà mới viết được 3 chữ cái đầu tiên. Thầy giáo Lê Công Thăng, phụ trách lớp học cho biết, khi mọi người đến vận động bà Rá đi học, bà rất vui mừng và phấn khởi. Từ đó, ngày nào bà cũng đến lớp đều đặn và đúng giờ! “Tui già rồi, cố học đến khi mô viết được tên, tuổi, quê quán và biết ký tên của mình là xem như thỏa mãn ước mơ con chữ”, bà Rá nói. Thầy Thăng cho biết, để có lớp học như ngày hôm nay, thầy và ban tổ chức thôn, các đoàn thể trong thôn phải mất 3 tháng trời đi từng nhà điều tra số người mù chữ, vận động họ đến lớp học.

Tan buổi học, anh Lê Văn Dũng lại hối hả giong thuyền đi dọc sông Bồ bủa lưới kiếm cá về nuôi con. Đối với anh, thà bỏ một buổi đi đánh cá còn hơn bỏ một buổi học vì không chịu được cảnh gặp phiền phức do không biết chữ. Anh kể: “Mỗi khi có người thân gửi thư về hay làm giấy tờ chi tui cũng phải nhờ người giúp phiền phức lắm. Hôm rồi cuốn “sổ đỏ” cán bộ ghi sai chữ lót, họ đưa cho tui xem rồi mà cũng không phát hiện ra. Đến khi tui lên xã làm giấy tờ, cán bộ nói mới biết nên phải chờ làm lại”.

Ông Phạm Ngọc Duyên, Phó giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Quảng Điền cho biết, các lớp học được triển khai vào đầu năm học 2010-2011. Ngoài chương trình dạy phổ cập kéo dài một năm, người dân cũng sẽ được dạy cách làm kinh tế để tăng thu nhập cho gia đình, góp phần ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Thùy An (Tin Nhanh Huế)

Gà chọi giết chủ để ‘báo thù’

Saturday, February 26th, 2011

Cảnh sát Ấn Độ đang săn lùng một con gà chọi bị nghi ngờ giết chết người chủ, với cú đá chí mạng vào cổ họng vì bị ép buộc quay lại sới.

Cảnh sát cho hay, con gà trống nguy hiểm vừa giết chết ông Singrai Soren ở ngôi làng Mohapur sau khi bị buộc phải trở lại sới đấu ở trận cuối cùng. Theo các nhân chứng, mặc dù con gà có khả năng chiến thắng nhưng khi bị ép, “kẻ giết người” đã dùng chân có gắn lưỡi dao đá vào cổ họng của người chủ. Người xem trận đấu chỉ phát hiện ra sự việc khi máu bắt đầu chảy ở cổ của Soren.


Con gà đã quay lại tấn công chủ vì bị ép buộc trở lại sới. (Hình minh họa)
Người bạn của nạn nhân là Dassai cho biết: “Con gà cố chạy thoát khỏi trận đấu vài lần nhưng Soren cứ đẩy nó vào sới liên tục. Điều này khiến con gà bị ức chế và tấn công lại”.

Dassai tiết lộ, con gà trải qua một trận đấu kéo dài 1 tiếng và thêm rằng: “Hầu hết người chủ đều hài lòng với khoản tiền thưởng 44 USD cho mỗi trận đấu nhưng Soren dường như vẫn không chịu”.

Cảnh sát đang tìm kiếm con gà để bỏ lưỡi dao khỏi chân, nhưng nói rằng rất khó bắt được nó vì có quá nhiều con với đặc điểm tương tự. Người dân được cảnh báo tránh xa một con gà trống với lông đỏ và đen.

Hiện cảnh sát nghi ngờ “kẻ tình nghi” từng thắng 4 trận liên tiếp này đang được một huấn luyện viên đối thủ chăm sóc để tiếp tục đưa vào sới.

Bình An(Theo The Sun/Bưu Điện Việt Nam)

Những hình ảnh kỳ cục nhất năm 2010

Saturday, February 26th, 2011

Người phụ nữ vạch áo cho bê bú, lạc đà lướt ván, khỉ mặc trang phục cảnh sát… là những hình ảnh lạ mắt nhất năm 2010.


Một chú chó trong vườn thú ở tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) được “trang điểm” giống hệt hổ.

Một phụ nữ có tên Couthi Bai ở làng Kilchu thuộc bang Rajasthan, miền bắc Ấn Độ, đã cho bê con bú sữa 4 lần mỗi ngày kể từ khi bê mẹ chết.

Một con lợn thui trong trang phục ca sĩ tại một cửa hàng ở La Loma, Manila (Philippines) thu hút sự chú ý của rất nhiều khách qua đường. Đây là một chiêu quảng cáo để thu hút khách.

Cô dâu ngủ gật trong lễ cưới tập thể diễn ra tại một nhà thờ ở Đại học Sun Moon tại Asan (Hàn Quốc).

Cô bé Elisany Silva, 15 tuổi (người Brazil), đang được coi là teen cao nhất thế giới với chiều cao 2m06.

Một người đàn ông đang được hai người khác giữ chân để chui xuống đất lắp đặt hệ thống dây cáp điện ngầm ở Noida, Ấn Độ.


Anh Domingo Pianezzi, 44 tuổi, người Peru, miệt mài dạy chú lạc đà có tên Pisco lướt ván ở Thái Bình Dương.


Một người đội chiếc hộp màu trong suốt để tưới hoa tại Lễ hội Xin chào Seoul ở Hàn Quốc.


Thử “độ cứng” của đầu ở Minsk, Belarus.


Đây là hình ảnh một tục lệ truyền thống của người Tây Ban Nha. Một người đàn ông mặc trang phụ đỏ vàng (tượng trưng cho quỷ thần) nhảy qua 4 em bé đang nằm ở Castrillo de Murcia (Tây Ban Nha) với hi vọng sẽ đuổi được tà ma.

Người đàn ông này bị phạt đeo rất nhiều những chiếc kẹp quần áo trên người vì bị thua trong một trò chơi có tên là Domino ở Cite Soleil (Haiti).

Santisuk, chú khỉ 5 tuổi, mặc trang phục cảnh sát, đi trên chiếc xe tuần tra ở Saiburi, Thái Lan. Chú khỉ này từng bị thương và được cảnh sát cứu.

(Theo Reuters/Bưu Điện Việt Nam)

Nga chi 650 tỷ USD mua vũ khí

Friday, February 25th, 2011

Nga vừa lên kế hoạch chi số tiền kỷ lục 650 tỷ USD để mua tàu ngầm và hàng trăm chiến đấu cơ nhằm cân bằng sức mạnh quân sự với phương Tây.


Máy bay chiến đấu Su-30 của Nga. Ảnh: moscowtopnews.com.

Theo kế hoạch đến năm 2020 mà Bộ Quốc phòng Nga công bố hôm qua, Nga sẽ mua thêm 20 tàu ngầm, trong đó có 8 tàu ngầm hạt nhân, 1.000 trực thăng và hơn 600 máy bay chiến đấu để thay thế các hạm đội và phi đội đã cũ kỹ.

Ngoài ra, Nga sẽ trang bị thêm 10 hệ thống phòng thủ tên lửa S-500 để thay thế hệ thống S-400 đang sử dụng, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Vladimir Popovkin cho hay.

Giới phân tích cho rằng kế hoạch đầy tham vọng của Nga sẽ tạo nên một lực lượng vũ trang hoàn toàn mới và không còn đậm dấu ấn từ thời Liên Xô. “Mục tiêu của kế hoạch này là hiện đại hóa lực lượng vũ trang của chúng tôi”, AFP dẫn lời Popovkin cho biết.

4 tàu sân bay Mistral mà Matxcơva mua của Pháp cũng nằm trong kế hoạch tái vũ trang 10 năm này.

Mấy năm qua, Kremlin nỗ lực lên kế hoạch tăng ngân sách cho các loại vũ khí hiện đại, giúp nước này có thể cạnh tranh với phương Tây cả ở chiến địa và trên thị trường vũ khí quốc tế.

Ngọc Sơn-VnE

Mỹ tìm đồng minh cùng can thiệp Libya

Friday, February 25th, 2011

Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm qua đề nghị lãnh đạo Anh, Pháp và Italy cùng thực hiện các nỗ lực quốc tế, nhằm can thiệp vào cuộc khủng hoảng đang ngày càng trầm trọng tại Libya.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Ngoại trưởng Hillary Clinton. Ảnh: AFP

Ông Obama tiến hành điện đàm với Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, Thủ tướng Anh David Cameron và Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi để điều phối cách thức can thiệp vào cuộc khủng hoảng tại Libya.

“Tổng thống bày tỏ lo ngại sâu sắc trước việc chính phủ Libya sử dụng vũ lực vi phạm các điều khoản của luật quốc tế. Các nhà lãnh đạo thảo luận về một loạt lựa chọn để chính phủ Libya phải chịu trách nhiệm về các hành động, cũng như kế hoạch hỗ trợ nhân đạo”, BBC dẫn tuyên bố về các cuộc điện đàm của ông Obama.

Trước đó Nhà Trắng cho biết mọi lựa chọn đã được đặt lên bàn thảo luận, kể cả các biện pháp trừng phạt. Quân đội Mỹ cũng sẽ đệ trình những đề xuất của riêng họ liên quan tới Libya với ông Obama. Phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney cũng không loại trừ có các “lựa chọn mang tính song phương” khi được hỏi liệu Mỹ có sử dụng hành động quân sự hay không.

Theo giới chức Mỹ, các bước đi tiếp theo có thể bao gồm việc tìm kiếm một hành động trừng phạt từ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, như cấm vận đi lại và phong toả tài sản lãnh đạo Libya. Bên cạnh đó là kêu gọi đình chỉ tư cách thành viên của Libya trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc và áp dụng lệnh cấm bay trên toàn nước này.

Hội đồng Bảo an dự kiến sẽ nhóm họp vào cuối ngày hôm nay tại New York để cân nhắc về hành động tiếp theo nhằm vào chính phủ Gaddafi. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tới Geneva, Thụy Sĩ vào đầu tuần tới để tham dự cuộc họp của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc bàn về tình hình Libya.

Trong khi đó, đại tá Muammar Gaddafi hôm qua đổ lỗi cho mạng khủng bố al-Qaeda đứng sau vụ nổi dậy tại nước này. Tuyên bố đưa ra khi các cuộc giao tranh xuất hiện tại các thành phố giáp thủ đô Tripoli. Lực lượng trung thành với Gaddafi tại đây cố giành lại quyền kiểm soát khu vực rơi vào tay phe biểu tình.

Nhân chứng tại Zawiya, cách Tripoli 50 km về phía tây cho biết, một đơn vị quân đội đã tấn công người biểu tình bằng súng máy và súng phóng lựu. Vài ngày trước, Benghazi chứng kiến nhiều cuộc giao tranh dữ dội, nhưng nay thành phố này cùng khu vực phía đông Libya đã nằm trong tay phe biểu tình chống Gaddafi và là tuyến đường an toàn để di tản người nước ngoài.

Đình Nguyễn-VnE

Libya bên bờ nội chiến, cả thế giới ‘phát sốt’

Friday, February 25th, 2011

Gaddafi không còn kiểm soát được miền đông trong khi vẫn thề chiến đấu “đến giọt máu cuối cùng” để giữ miền tây, đẩy Libya đến bờ vực nội chiến và ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế toàn cầu do giá dầu leo thang.

Sau khi làn sóng biểu tình chống chính phủ từ miền đông lan tới thủ đô Tripoli ở phía tây hôm chủ nhật, quân đội Libya đã sử dụng những biện pháp mạnh tay nhất để đối phó như máy bay chiến đấu, đạn pháo cối và cả súng bắn tỉa khiến hàng trăm người chết và bị thương.

Đây là thách thức lớn nhất mà chế độ do đại tá Gaddafi đứng đầu phải đối mặt trong suốt 42 năm qua. Con trai ông là Saif al-Islam thì lên tiếng cảnh báo có thể nổ ra nội chiến, trong khi giới phân tích nhận định việc chế độ Gaddafi đi đến hồi cáo chung chỉ còn là vấn đề thời gian.

Một người biểu tình chống Gaddafi ăn mừng bên căn cứ quân sự bị bỏ không tại phía đông Libya. Ảnh: AP
Gaddafi còn gì trong tay?

Các phóng viên BBC đang có mặt tại miền đông Libya xác nhận khu vực này đã hoàn toàn nằm trong sự kiểm soát của phe biểu tình. Nhiều cảnh sát và binh sĩ chính phủ đào ngũ được họ chào đón. Người địa phương cho rằng chính phủ Gaddafi đã hoàn toàn sụp đổ tại đông Libya và chỉ những lính đánh thuê nước ngoài còn ủng hộ chế độ của ông.

Trong khi đó, khác với tại Tunisia và Ai Cập, quân đội chính quy không phải là lực lượng nắm quyền quyết định tại Libya. Thay vào đó là mạng lưới các lữ đoàn bán quân sự, các uỷ ban cách mạng gồm những người thân tín với Gaddafi, các tộc trưởng và lực lượng lính đánh thuê từ nước ngoài.

Quân đội chính thức của Libya chỉ mang tính biểu tượng với hơn 40.000 người, được trang bị và huấn luyện kém. Đây được coi là “bài” của đại tá Gaddafi để tránh nguy cơ bị bị đảo chính quân sự, con đường đã đưa ông lên nắm quyền từ năm 1969. Do đó sự đào ngũ của nhiều sĩ quan quân đội chưa hẳn đã đẩy Gaddafi đến đường cùng.

Sức mạnh chính của đại tá Gaddafi nằm trong mạng lưới an ninh nội bộ hùng hậu và lực lượng này có một quá khứ không ngần ngại sử dụng vũ lực nếu cảm thấy chính quyền của ông bị đe doạ. Đáng chú ý có Lữ đoàn số 32 khét tiếng, còn được gọi là Binh đoàn răn đe, đóng căn cứ tại Ouezzane giáp biên giới Tunisia do một con trai của Gaddafi là Khemis chỉ huy.

Bên cạnh đó là những “lữ đoàn đặc biệt” bán quân sự chỉ tuân theo mệnh lệnh của các Uỷ ban Cách mạng do Gaddafi lập ra mà không theo sự chỉ huy của quân đội. Nếu lực lượng này thay đổi và đứng về phía người biểu tình thì Gaddafi gần như sẽ mất tất cả. Ngoài ra còn có thông tin ông Gaddafi nắm trong tay đội quân lính đánh thuê đến từ các nước như Chad và Niger

Với những gì đang xảy ra tại Libya, giới phân tích cho rằng còn rất ít hồ nghi về việc thời của đại tá Gaddafi đã gần như chấm dứt. Nhưng họ chỉ chưa rõ chính quyền này còn có thể tồn tại thêm bao lâu nữa và cuộc đổ máu tại Libya sẽ còn diễn tiến ra sao. Nói cách khác, ngày càng có dấu hiệu dẫn đến nhận định Gaddafi của Libya có thể là nhà lãnh đạo thứ ba tại Trung Đông ra đi do làn sóng biểu tình.
Libya chia rẽ sâu sắc

Nơi mở màn làn sóng biểu tình ở Libya là thành phố Benghazi thuộc vùng Cyrenaica ở phía đông, nơi phát tích của hoàng gia cầm quyền ở Libya trước thời cách mạng. Tại đây từ lâu âm ỉ bầu không khí chống lại Gaddafi và từng chứng kiến nhiều sự kiện đối đầu với chính phủ những năm gần đây.

Trong bối cảnh đó, đại tá Gaddafi bị cho là không quan tâm một cách có chú ý tới khu vực phía đông Cyrenaica và ngược đãi người địa phương, khiến nổ ra nhiều cuộc biểu tình. Đó cũng là lý do tại sao đợt biểu tình lần này nổ ra đầu tiên ở phía đông Libya chứ không phải ở thủ đô Tripoli.

Bên cạnh chủ nghĩa vùng miền, chủ nghĩa bộ tộc cũng góp phần khiến Libya chia rẽ. Chủ nghĩa này tồn tại đậm nét thời Libya còn trong chế độ quân chủ, nhưng trong 10 năm đầu tiên kể từ khi đại tá Gaddafi đảo chính năm 1969, sự phân biệt về bộ tộc đã bị cấm và ông nhận được sự ủng hộ của hầu hết dân số.

Tuy nhiên, khi sự ủng hộ như ban đầu không còn nữa, Gaddafi bắt đầu ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào chủ nghĩa bộ tộc. Chủ nghĩa này thể hiện rõ nhất trong lực lượng vũ trang, nơi ông thực hiện chính sách khuyến khích sự cạnh tranh giữa các bộ tộc nhằm củng cố quyền kiểm soát. Ví dụ những người thuộc bộ tộc Qadhadfa của Gaddafi là kỳ phùng địch thủ với bộ tộc Magariha của Abdelbaset Ali al-Megrahi, thủ phạm đánh bom Lockerbie.


Đại tá Gaddafi tuyên bố không lùi bước trước biểu tình. Ảnh: AFP
Nội công ngoại kích

Nhưng trong bối cảnh hiện nay, chủ nghĩa bộ tộc không phải là nguy cơ chính đẩy Libya tới nội chiến mà là cách giải quyết của chính quyền Gaddafi với người biểu tình. Tuyên bố hôm 22/2 của ông về việc sẽ chiến đấu “tới giọt máu cuối cùng” và ủng hộ những người thân chính phủ tấn công người biểu tình đang khiến viễn cảnh nổ ra nội chiến rõ hơn bao giờ hết.

Thực tế tại Libya hiện cũng đã bị chia thành hai nửa với phần phía đông đã nằm trong tay người biểu tình sau một tuần xuống đường. Trong khi chính quyền đại tá Gaddafi đang cố chiến đấu để giữ phần phía tây đất nước. Ông đang kêu gọi những người ủng hộ giành lại vùng đất đang do phe biểu tình điều hành.

Quyết định mạnh tay với người biểu tình cũng khiến Gaddafi bị cộng đồng quốc tế chỉ trích. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tổ chức họp khẩn và ra tuyên bố kêu gọi chấm dứt bạo lực tại Libya ngay lập tức. Trong nhiều tuần nổ ra biểu tình khắp Trung Đông, đây là lần đầu tiên Hội đồng Bảo an nhóm họp về vấn đề này. Tổng thống Mỹ Barack Obama lên án việc Libya trấn áp người biểu tình là “không thể chấp nhận được”.

Trong khi đó, nhiều quan chức cao cấp trong nước cũng bắt đầu quay lưng với chính quyền Gaddafi. Bộ trưởng Tư pháp Mustapha Abdul Jalil từ chức để phản đối việc “sử dụng vũ lực quá lớn” của chính phủ. Đặc sứ của Libya tại Liên đoàn Ảrập Abdel Moneim al-Honi cũng tuyên bố “tham gia cuộc cách mạng”.

Các nhà ngoại giao Libya tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York thì kêu gọi quốc tế can thiệp để chấm dứt hành động bạo lực của chính phủ quê nhà. Đặc biệt những người thân cận nhất trong lực lượng an ninh như Bộ trưởng Nội vụ Abdel Fattah Younis đang có mặt tại thành phố Benghazi cũng tuyên bố ông từ bỏ chính phủ. Nhiều đơn vị quân đội ở phía đông Libya cũng cho biết sẽ tham gia nổi dậy.
Cả thế giới chịu ảnh hưởng

Các nước bày tỏ lo ngại tình hình Libya vì làn sóng biểu tình tại nước này đang đẩy giá dầu mỏ tăng cao vì nguy cơ nguồn cung cấp nhiên liệu cho thế giới bị gián đoạn. Libya là quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ 12 của thế giới và là nước đầu tiên nhóm xuất khẩu dầu mỏ Opec hứng chịu biểu tình quy mô lớn, nên tác động của sự kiện này lên giá dầu toàn cầu là điều dễ hiểu.

Sau bài phát biểu không chịu lùi bước của ông Gaddafi, giá dầu tiếp tục leo thang đẩy giá dầu tại châu Á lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2008. Đại diện Cơ quan năng lượng quốc tế Fatih Birol nhận định giá dầu quốc tế hiện đã rơi vào khu vực nguy hiểm và còn có thể tăng cao hơn nữa. Điều này sẽ làm chậm lại quá trình phục hồi sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

“Nền kinh tế toàn cầu hiện dễ tổn thương hơn so với năm 2008. Sự tăng trưởng đang được quyết định bởi các gói kích cầu và chính sách thắt lưng buộc bụng. Tôi không tin nền kinh tế thế giới có thể chịu nổi giá dầu tăng lên 140 USD một thùng như đã từng xảy ra hai năm trước”, chuyên gia Birol phân tích thêm với BBC.

Bên cạnh đó, các nước châu Âu thì báo động về nguy cơ dòng người tị nạn Libya sẽ từ bên kia bờ Địa Trung Hải sẽ ồ ạt tràn sang khi quốc gia Bắc Phi này thực sự lâm vào nội chiến hỗn loạn. Trong khi kịch bản này chưa xảy ra, dòng người tị nạn Libya đã bắt đầu gây sức ép lên biên giới với Ai Cập ở phía đông.

Đình Nguyễn-VnE

Học sinh Hong Kong đạt điểm toán nhất thế giới

Friday, February 25th, 2011


(Photo: Internet)

Một học sinh ở Hong Kong vừa giành điểm tuyệt đối trong cuộc thi toán quốc tế dành cho học sinh trung học.
Anthony Leung tham gia kỳ thi IGCSE tháng 6 năm ngoái khi cậu mới 15 tuổi. Leung vừa hay tin cậu vượt qua hàng nghìn học sinh khác và đạt điểm cao nhất thế giới.

“Tôi đã sốc. Thật ngạc nhiên và dĩ nhiên cả hạnh phúc nữa. Bố mẹ tôi rất vui và một chúc ngạc nhiên nhưng cũng như tôi, họ không tin nổi điều đó”, cậu bé nói.

Phát ngôn viên trường cậu bé học cho biết họ đã nhận được chứng chỉ từ Đại học Cambridge chứng nhận Leung đạt điểm cao nhất thế giới trong bài thi toán IGCSE.

IGCSE là bài thi dành cho học sinh từ 14 đến 16 tuổi theo học chương trình quốc tế, trong đó có thống kê, lượng giác và hình học.

Leung cho biết cậu không chuẩn bị nhiều cho kỳ thi đó. “Nó không khó lắm nhưng rõ ràng là khá thách thức. Nhưng vì tôi không chỉ tham dự có một kỳ thi, nên tôi không chuẩn bị nhiều lắm”, cậu nói.

Leung không phải là học sinh ưu tú duy nhất ở Hong Kong bởi bằng cấp và trình độ học vấn được coi là ưu thế cạnh tranh ở hòn đảo này. Tháng trước, một cặp song sinh 10 tuổi ở Hong Kong giành được điểm A trong bài thi toán IGCSE vốn dành cho những học sinh ít nhất là 14 tuổi.

Ngọc Sơn-VnE

Xăng, điện ‘còn tăng giá’ trong năm 2011

Friday, February 25th, 2011


(Chính phủ sắp ban hành quy chế điều chỉnh giá điện tự động.)

Dù xăng tăng giá 2.900 đồng/lít từ ngày 24/2, Bộ Tài chính Việt Nam cho rằng mức tăng như vậy chưa phải là cao.

Và vẫn chưa cùng nhịp với độ tăng mạnh của thị trường nhiên liệu thế giới.

Khả năng xăng, điện tiếp tục được điều chỉnh về giá trong năm 2011 ‘là hoàn toàn có thể xảy ra’.

Theo Bộ Tài chính Việt Nam, nếu tính đủ thuế và chi phí, lẽ ra xăng phải tăng thêm 6.493 đồng/lít trong đợt điều chỉnh ngày 24/2.

Xăng tăng giá cách đây một ngày, Bộ cho hay, chỉ bằng 44,66% mức lẽ ra phải điều chỉnh, nếu tính đủ mọi chi phí.

Khả năng xăng dầu tiếp tục tăng giá trong năm 2011 là hiện thực rất gần, Bộ Tài chính nhấn mạnh.

“Từ quý 2-2011 trở đi nếu giá thế giới tăng sẽ tăng giá trong nước, nếu giá thế giới giảm sẽ khôi phục mức thuế nhập khẩu, sau đó mới thực hiện giảm giá bán”.

Một số nhà phân tích cho rằng, với nhận định như vậy, từ quý 2 trở đi, xăng dầu tại Việt Nam có thể sẽ bán theo giá thế giới.

Bất ổn tại Libya và một số nước ở Bắc Phi thời gian qua đã đẩy giá dầu thô lên cao.

Một thùng dầu loại Brent được giao dịch với giá 110 USD tại thị trường Luân Đôn, cuối ngày 24/2.

Việc kìm giá xăng thời gian qua, trong lúc xăng dầu thế giới tăng 29% làm cho ngành xăng dầu lỗ 16,4 nghìn tỷ đồng.

Thuế nhà nước bị mất khoảng 10 nghìn tỷ đồng, quỹ bình ổn giá vơi đi 6,4 nghìn tỷ.

“Tiếp tục kéo dài tình trạng này thì xăng dầu sẽ lỗ rất lớn, chưa biết là bao nhiêu nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng lên”, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh nói trong cuộc họp với lãnh đạo các tỉnh thành ngày 23/2.

Sản phẩm xăng dầu nhập cảng hiện chỉ đóng mức thuế rất thấp, hoặc zero, tại Việt Nam, và đây là điều khác với nhiều nước trên thế giới.

Trừ dầu hỏa và mazut phải chịu thuế 2% đối, còn lại tất cả là 0%. Lẽ ra nhà nước phải thu thuế ít nhất 20% trên giá nhập khẩu.

Và chênh lệch giữa giá xăng ở Việt Nam với các nước láng giềng (Campuchia, Lào, Trung Quốc) đã gây ra buôn lậu “vô cùng lớn”, ông Vũ Văn Ninh thừa nhận.

Điện sẽ còn tăng?

Điện tăng 165 đồng/KWh từ đầu tháng Ba, chỉ bằng 25% đòi hỏi hạch toán giá điện theo cơ chế thị trường.

Nhà nước vẫn chấp nhận lỗ, ngành điện tiếp tục kinh doanh không có lãi, báo Việt Nam đưa tin.


(Sắp tới xăng sẽ được điều chỉnh theo giá thế giới. )

Nếu tính đủ chi phí, một kWh điện cần phải tăng 668 đồng.

Khả năng giá điện tăng tiếp theo trong năm 2011 đã được quan chức từ Cục Quản lý giá của Bộ Công thương nói đến.

Lý do đưa ra là đợt tăng giá điện đầu tháng Ba 2011 vẫn còn ít, không đủ hạch toán chi phí phát sinh cho ngành điện.

Giá điện có thể sẽ được điều chỉnh lần nữa trong năm 2011, khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế điều chỉnh giá điện tự động, báo Tuổi Trẻ đưa tin.

Bộ Tài chính cho hay nếu không điều chỉnh giá điện trong năm 2011, ngành điện sẽ lỗ thêm 29.500 tỉ đồng. Cộng các khoản thiếu hụt trước, số lỗ sẽ lên tới 57.417 tỉ đồng. Tính ra EVN đang cõng trên lưng khoản nợ gần bằng thâm thủng của Vinashin.

Giá điện và xăng bị giữ ở mức thấp giả tạo khiến hạch toán nền kinh tế bị méo mó, dẫn tới buôn lậu quả ngả biên giới.

Duy trì giá thấp trong thời gian quá lâu khó thu hút đầu tư nước ngoài trong ngành điện, gây ra mất cung cầu, và sử dụng lãng phí, Bộ trưởng Tài chính Việt Nam thừa nhận.

BBC News

Bộ trưởng Đức mất bằng tiến sĩ vì đạo văn

Friday, February 25th, 2011


(Ông zu Guttenberg từ bỏ danh hiệu tiến sĩ.)

Bộ trưởng Karl-Theodor zu Guttenberg quyết định từ bỏ danh hiệu tiến sĩ sau khi truyền thông Đức đưa tin ông đạo văn một số phần của luận án.

Tuần trước, ông Karl-Theodor zu Guttenberg chỉ nói rằng ông tạm thời ngưng chức danh tiến sĩ trong giai đoạn trường đại học – nơi ông theo học – điều tra cáo buộc.

Đại học Bayreuth nay nói rằng ông zu Guttenberg vừa yêu cầu trường loại bỏ bằng tiến sĩ ngành luật của ông, theo tin đưa trên truyền hình Đức.

Ông Guttenberg nhận rằng ông đã mắc một số lỗi “nghiêm trọng.”

Tại cuộc tập hợp cử tri gần Frankfurt hôm thứ Hai, vị bộ trưởng được nhiều người ưa thích nói, ông không có ý đồ nhập nhằng, tuy nhiên một số lỗi trong bản luận văn “đã không đáp ứng tiêu chuẩn đạo đức trong khoa học”.

Quyết định khó khăn

Ông Guttenberg cho hay đây là quyết định cực kỳ khó khăn, nhất là khi ông mất sáu năm của cuộc đời để hoàn tất luận án PhD.

Ông Guttenberg viết về sự hoàn thiện của hiến pháp tại Hoa Kỳ và EU, bản luận án hoàn tất năm 2006, được công bố 2009.

Báo Suddeutsche Zeitung nói rằng ông zu Guttenberg đã dùng lại nguyên si một đoạn văn trích từ báo. Cạnh đó ông dùng một đoạn khác từ bài giảng đại học, mà không nhắc đến nguồn. Một số chú giải về nguồn tham khảo không chính xác.

Khi ký giả và dư luận soi dọi bản luận văn của ông và so sánh những gì tìm được trên mạng internet, danh sách những điểm được cho là đạo văn dài thêm ra.

Tại cuộc tập hợp cử tri hôm thứ Hai, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh bà hậu thuẫn ông Bộ trưởng Quốc phòng. zu Guttenberg được coi là ngôi sao đang lên trong chính phủ bảo thủ tại Đức.

“Tôi chỉ định ông Guttenberg vào chức Bộ trưởng Quốc phòng,” mà Merkel cho ký giả hay. “Tôi không chỉ định ông ấy vào vai tiến sĩ hay trợ lý giảng dạy. Điều tôi quan tâm là ông ta thực hiện công việc được phân công ra sao. Tôi có thể nói rằng ông ấy làm việc rất tốt.”

Bà Merkel bác tin cho rằng xì căng đan xung quanh tấm bằng tiến sĩ của ông zu Guttenberg làm đảng của bà mất phiếu trong bầu cử địa phương tại Hamburg hồi cuối tuần.

BBC News

1 tháng World Cup, FIFA thu lời 1.2 tỷ USD

Friday, February 25th, 2011

World Cup đang trở thành những “vụ gặt vàng” đúng nghĩa với LĐBĐ Thế giới FIFA. Theo số liệu được công bố mới đây, trong 1 tháng sự kiện tại Nam Phi vừa qua, tổ chức này thu lãi ròng 1,2 tỷ USD.
Trước khi World Cup 2010 được tổ chức tại Nam Phi đã có rất nhiều nghi ngại cho rằng vị trí địa lý xa xôi của châu lục này sẽ khiến giải đấu trở nên ế ẩm và BTC vì thế mà thất thu. Tuy nhiên cuối cùng sự kiện này vẫn diễn ra và cho dù các khán đài có trống vắng giới quan sát nhận định FIFA vẫn chẳng hề lo ngại bởi chiến dịch này đã chắc thắng từ trước giờ khai mạc. Và quả thực là như vậy.

World Cup đang đem lại những khoản lợi nhuận khổng lồ

Trong tiết lộ mới đây tại Đại hội lần thứ 33 LĐBĐ châu Phi, Chủ tịch FIFA Sepp Blatter khiến tất cả phải sửng sốt với số tiền lợi nhuận lên tới 1,2 tỷ USD. “Tin tốt lành là nhờ World Cup 2010 tại Nam Phi FIFA đã thu về 1,2 tỷ USD, cao hơn con số 600 triệu USD có được từ World Cup 2006 tổ chức tại Đức”, hãng tin AP trích dẫn.

Đây là một trong những “bật mí” của vị Chủ tịch trước thời điểm báo cáo thường niên của FIFA sắp được công bố. Đồng thời ông Blatter khẳng định số tiền này đủ để tổ chức bóng đá quyền lực nhất hành tinh “sống khỏe” trong vòng 18 tháng.

“Các Liên đoàn và Hiệp hội thành viên sẽ được hưởng lợi từ nguồn thu khổng lồ này. Đây lại là một minh chứng nữa cho thắng lợi của bóng đá châu Phi”, ông Blatter nhấn mạnh. “Dù vậy thành công về mặt tài chính có lẽ không phải quan trọng nhất. World Cup vừa qua đã giúp khôi phục sự kiêu hãnh của cả châu lục mà đôi khi vẫn bị xem nhẹ.

Tất cả chúng tôi đều vui mừng với thành công vang dội này và đây là một thông điệp nữa châu Phi có thể gửi đến với thế giới. Đây là chiến thắng của Nam Phi, của châu Phi và châu lục này từ này sẽ được nhìn với con mắt khác”, Chủ tịch FIFA kết luận.

Hoàng Tùng-DT

Mỹ thách thức “sát thủ tàu sân bay” của Trung Quốc

Friday, February 25th, 2011

Một tư lệnh hải quân Mỹ mới đây cho rằng loại tên lửa được mệnh danh là “sát thủ tàu sân bay” và là biểu tượng cho sức mạnh quân sự ngày một lớn của Trung Quốc sẽ không khiến Hải quân Mỹ thay đổi cách thức hoạt động trên Thái Bình Dương.

Tên lửa Đông Phong 21D trong một cuộc diễu binh tại Bắc Kinh.

Giới phân tích quốc phòng cho rằng tên lửa Đông Phong 21D (DF 21D) có thể làm thay đổi cán cân sức mạnh ở châu Á, nơi nhóm tàu sân bay của Mỹ đã giành thế thượng phong kể từ cuối Thế chiến II.

Tuy nhiên, phó đô đốc Scott van Buskirk, tư lệnh Hạm đội 7 của Mỹ cho biết trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn AP rằng Hải quân Mỹ thấy loại vũ khí nhiều người lo sợ này khó có thể “làm mưa làm gió” cho các tàu sân bay Mỹ, được mệnh danh là vương miện của Hải quân.

“Đó không phải là nhược điểm của đội tàu sân bay của chúng ta hay của Hải quân Mỹ. Nó chỉ là một hệ thống vũ khí, một công nghệ trong muôn vàn công nghệ ngoài kia”, ông Van Buskirk cho biết trong cuộc phỏng vấn trong tuần này trên mũi tàu USS George Washington, tàu sân bay duy nhất hiện đồn trú tại quê nhà trên biển tây Thái Bình Dương.

DF 21D nổi bật với khả năng bắn vào các mục tiêu di dộng, được bảo vệ nghiêm ngặt, như tàu sân bay USS George Washington của Mỹ với độ chính xác gần như tuyệt đối.

Tên lửa này cũng có khả năng xuyên thủng các hàng phỏng thủ do tốc độ phóng của nó không cho các tàu sân bay hay các tàu chiến lớn khác có đủ thời gian để trở tay.

Tuy nhiên, người đứng đầu hạm đội chịu trách nhiệm hoạt động ở gần như toàn bộ Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, cùng với 60-70 tàu và 40.000 thủy thủ, lính thủy đánh bộ, cho rằng khả năng của Đông Phong 21D chưa được chứng thực. Nhưng ông cũng thừa nhận tên lửa này gây ra lo ngại đặc biệt.

Trung Quốc phát triển tên lửa Đông Phong 21D trong bối cảnh nước này ngày càng tăng cường sức mạnh trên biển và có thái độ quyết đoán hơn đối với vấn đề biển và tranh chấp lãnh thổ. Năm ngoái, Trung Quốc và Nhật đã vướng vào vụ tranh cãi ngoại giao nảy lửa về các quần đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông, khu vực tàu Hải quân Mỹ thường xuyên tuần tra.

Một đội gồm 10 tàu chiến Trung Quốc, trong đó có tàu ngầm và tàu khu trục tiên tiến, đã đi qua Eo biển Miyako hồi tháng tư năm ngoái và đây là cuộc “ghé qua” lớn nhất kiểu này từ trước tới nay. Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc dùng động thái này một mặt để thử Nhật và Mỹ, mặt khác muốn phô diễn khả năng mở rộng hoạt động trên biển của họ.

Trung Quốc cũng bày tỏ sự khó chịu của mình đối với các hoạt động của tàu sân bay Mỹ ngoài khơi bán đảo Triều Tiên, cho rằng chúng gây ra nguy cơ về an ninh cho thủ đô Bắc Kinh.

Tuy nhiên, van Buskirk cho hay Hải quân Mỹ không có ý định thay đổi sứ mệnh của mình trước những “đe dọa” mới và vẫn tiếp tục hoạt động trong các vùng biển quanh Nhật, Hàn, Philippines và những nơi khác nếu thấy cần thiết.

Tiến độ phát triển tên lửa Đông Phong nhanh hơn dự đoán đã gióng lên hồi chuông cảnh báo ở Washington. Ngoài ra, Trung Quốc còn đang phát triển một máy bay chiến đấu tàng hình có thể dùng hỗ trợ cho hải quân nước này khi xảy ra xung đột. Trung Quốc cũng hi vọng triển khai được các tàu sân bay đầu tiên của mình trong thập niên tới.

Theo AP-DT-Phan Anh